Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!! ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.
KHÓI LỬA LY SƠN
Sau khi Chu Tuyên Vương chết, con là Cơ Cung Niết nối ngôi, tức Chu U Vương. U Vương không ngó ngàng gì tới việc triều chính, chỉ vui chơi hưởng lạc, phái người đi khắp nơi tìm gái đẹp. Có một đại thần là Bao Quýnh khuyên can U Vương, ông không những không nghe theo, còn bắt Bao Quýnh giam vào ngục.
Bao Quýnh bị giam giữ suốt ba năm trời, gia đình tìm mọi cách cứu ông ra, bằng cách xuống nông thôn tìm mua một cô gái đẹp, dạy cho múa hát, trang điểm lộng lẫy đặt tên là Bao Tự, rồi đem hiến chu U Vương, xin chuộc Bao Quýnh về.
U Vương được Bao Tự, vui mừng không xiết, liền tha Bao Quýnh ra. Ông hết lòng chiều chuộng Bao Tự. Nhưng từ ngày vào cung Bao Tự tỏ ra buồn bã, không lúc nào cười. U Vương tìm mọi cách để có được nụ cười của mỹ nhân nhưng chưa tìm được cách nào có hiệu quả. Ông liền treo giải, rằng người nào làm cho Bao Tự cười thì sẽ được thưởng một ngàn lạng vàng.
Có một kẻ nịnh hót tên là Quắc Thanh Phụ nghĩ ra một kế lạ. Vốn là, để đề phòng sự tiến công của bộ tộc Khuyến Nhung, vương chiều Chu cho xây dựng ở vùng Ly Sơn (nay ở vùng đông nam Lâm Đồng tỉnh Thiểm Tây) hơn hai mươi đài đốt lửa, cứ cách mấy dặm lại một đài. Nếu quân Khuyển Nhung tiến công thì các đài đốt khói lửa truyền tin báo động cho các nước chư hầu, để họ mang quân tới cứu viện. Quắc Thạch Phụ nói với Chu U Vương: “Hiện nay thiên hạ thái bình, các đài đốt lửa đã lâu không dùng đến. Tôi muốn mời đại vương và nương nương đến đó chơi ít hôm. Đến buổi tối, chúng ta sẽ đốt lửa lên để quân chư hầu kéo tới. Nương nương thấy quân chư hầu mắc lừa, kéo tới mà không có việc gì, thì nhất định là sẽ bật cười”.
Chu U Vương vỗ tay khen: “Hay lắm. Chúng ta sẽ làm như thế!”
Họ liền lên Ly Sơn, đốt lửa ở các đài báo động. Các nước chư hầu gần đó tưởng rằng quân Khuyển Nhung kéo vào quấy nhiễu, vội vàng mang quân tới cứu. Không ngờ khi tới nơi, không thấy một bóng quân Khuyển Nhung nào, chỉ thấy trên núi đang đàn sáo vang lừng, các tướng sỹ đều ngây người ra kinh ngạc.
U Vương cử người ra bảo các nước chư hầu: “Các ngươi thật vất vả. Ở đây không có chuyện gì, chẳng qua đại vương và vương phi đốt lửa mua vui thôi. Các ngươi có thể đi về”. Các nước chư hầu thấy mình bị đem ra làm trò đùa, đều rất tức giận dẫn quân về.
Bao Tự không hiểu là chuyện gì, chỉ thấy dưới chân núi Ly Sơn ồn ào binh mã, liền hỏi U Vương. Sau khi nghe U Vương giải thích tường tận, Bao Tự quả nhiên thích thú, cười khanh khách.
U Vương thấy Bao Tự khi cười lại càng xinh đẹp, liền thưởng cho Quách Thạch Phụ một ngàn lạng vàng.
U Vương mê say Bao Tự, nên đã bỏ phế Vương hậu và Thái tử, lập Bao Tự làm Vương hậu, lập con trai do Bao Tự sinh ra, tên là Bá Phục làm Thái tử. Cha của Vương hậu là chư hầu ở Thân quốc, khi nghe tin đó liền liên kết với Khuyển Nhung, tiến công vào Hạo Kinh.
U Vương nghe tin quân Khuyển Nhung tiến công thì hoang mang sợ hãi, vội vàng hạ lệnh đốt lửa ở các đài báo động Ly Sơn. Lửa được đốt lên, nhưng các nước chư hầu đã bị lừa một lần, không có nước nào dẫn quân tới cả.
Lửa khói ngùn ngụt suốt ngày đêm mà viện binh không tới. U Vương đành đưa một số ít quân không hề được tập luyện chống cự nên bị quân Khuyển Nhung đánh cho tan tác. Quân Khuyển Nhung ùa vào cung vua, giết chết Chu U Vương, Quắc Thạch Phụ và Bá Phục rồi bắt Bao Tự mang đi.
Tới lúc đó, các nước chư hầu mới biết đúng là quân Khuyển Nhung chiếm được Hạo Kinh, liền đem quân tới cứu. Thủ lĩnh quân Khuyển Nhung thấy lực lượng quân chư hầu đông đảo, liền hạ lệnh cho quân lính vơ vét, cướp bóc hết của cải do nhà Chu tích lũy từ bao đời, rồi phóng hỏa đốt kinh thành và rút về. Sau khi các nước chư hầu đánh đuổi được quân Khuyển Nhung, liền lập thái tử cũ là Cơ Nghi Cữu lên làm vua, tức Chu Bình Vương. Sau đó, họ đem quân về đất phong của mình.
Không ngờ quân chư hầu vừa rút thì Khuyển Nhung lại đánh trở lại, chiếm mất nhiều đất đai ở phía tây nhà Chu. Bình Vương lo không giữ được Hạo Kinh, quyết định rời đô về Lạc Ấp.
Năm 770 trước Công nguyên, Chu Bình Vương dời đô về Lạc Ấp. Vì Hạo Kinh ở phía tây, Lạc Ấp ở phía đông nên lịch sử gọi thời kỳ nhà Chu đóng đô ở Hạo Kinh là thời Tây Chu và thời kỳ nhà Chu đóng đô ở Lạc ấp là thời Đông Chu.
Nếu phải lựa chọn giữa hạnh phúc và tiền bạc, sao bạn không chọn cả hai!!