Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng tâm niệm: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Câu nói ấy ngay từ khi mới ra đời đã ứng ngay vào ngành giáo dục chúng ta. Điều đó cũng chứng tỏ rằng suốt cuộc đời của Bác, trong mọi phút giây, Bác luôn luôn quan tâm đến giáo dục và “trồng người”. Quả thật, “không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế và văn hóa”. Giao dục là “đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà”, đó là những công dân ưu tú, những cán bộ tốt hội đủ cả tài lẫn đức.
Trong một lần khác, hay nói đúng hơn, trong cảnh lao tù khổ cực dưới thời Tưởng Giới Thạch, trong “Nhật kí trong tù”, Bác đã đúc kết thật tinh tế: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn_ Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Với Bác, giáo dục là một công việc nghiêm túc, đức và tài phải rèn luyện bền bỉ,lâu dài và có kế hoạch thường xuyên, khoa học. Đó không phải là công việc của một người cụ thể, một ngành cụ thể, mà nó là công việc của tất cả mọi người trong toàn xã hội và diễn ra ở mọi lúc, tại mọi nơi. Đây là một công việc hết sức khó khăn, một con người ngày hôm nay là tốt, điều đó là đúng như thực tế đang diễn ra nhưng không phải là tất yếu, vì ai có thể đảm bảo rằng, ngày mai, cái tốt đó có còn trong con người đó hay không. Vì thế cho nên, mỗi người cần phải liên tục rèn luyện và tu dưỡng để liên tục khẳng định mình hướng tới cái chân, thiện và mĩ, chống lại các ác, cái xấu trong cuộc sống và chính bản thân mình. Như vậy, với Bác, giáo dục không có nghĩa là nhiệm vụ độc quyền của ngành giáo dục mà nó còn là nhiệm vụ của toàn xã hội và trách nhiệm thường trực của mỗi cá nhân. Quan điểm đó là một quan điểm tiến bộ, nó đã trở thành phương hướng cho toàn xã hội nói chung, ngành giáo dục noi riêng thực hiện.
Không chỉ có thế, Bác còn nhấn mạnh: “học phải đi đôi với hành”, “lí luận phải gắn với thực tiễn”,và người diễn giải: lời nói nói ra phải đi đôi với việc làm, lí luận phải gắn thực tiễn vì lí luận không có thực tiễn là lí luận suông, thực tiễn không có lí luận là thực tiễn mù quáng. Để khẳng định lí lẽ trên là đúng, là khoa học và thực tê, chính bản thân người đã sống và làm việc theo nguyên tắc ấy và làm nên bao điều kì diệu cho cách mạng nước ta và nhân loại tiến bộ trên thế giới.
Ngày hôm nay, với nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, bản thân những người làm giáo dục chúng ta hãy kế thừa tinh hoa tư tưởng của Bác, biến nó thành kim chỉ nam cho sự nghiệp trồng người, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đào tạo ra hàng loạt đội ngũ những người công dân xã hội chủ nghĩa “vừa hồng lại vừa chuyên”, bắt tay vào xây dựng đất nước “to đẹp hơn, đàng hoàng hơn” thỏa như lòng Bác mong ước.
Hoc tập tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục là chúng ta học tập thành quả của sự chắt lọc tinh tế tinh hoa văn hóa dân tộc ngàn đời, mang đậm hơi thở của cuộc sống thời đại và biến lời dạy của cha ông thành sự thật, lời dạy từ ngàn xưa đi mở cõi đến ngàn nay là lớp lớp cháu con đang vinh danh trên trường tri thức, là những huy chương vàng của mọi kì thi quốc tế, là lá cờ đỏ sao vàng mãi phần phật tung bay trong vạn tiếng reo hò sau mỗi kì vận hội.
Hôm nay, nhớ lại lời dạy của Bác, chúng ta vẫn còn bồi hồi xúc động, người cha già dân tộc đã đi trước trăm sương nghìn tuyết,dắt dìu dân nước Việt Nam ta, ôi! Bác ơi! Thực hiện lời dạy của người, chúng con mãi mãi khắc ghi và quyết phát triển hơn nữa. “Trồng cây” thì mất “mười năm” nhưng “trồng người” phải mất đến“trăm năm”, khoảng cách giữa con số “mười năm” và “trăm năm” là độ dài của sự tu dưỡng và quyết tâm rèn luyện. Công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước còn nhiều lo toan và bươn trải, mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh” đang được cà nước “xuống đường” như ngày “xuống đường” đánh Pháp và Mĩ của toàn dân tộc năm nào. Dù khó khăn gian khổ thế nào, dù phải vất vả, hy sinh thế nào đi nữa, nhớ tới Bác, nghĩ về Bác chúng ta như được tiếp thêm sức mạnh, chấp thêm đội cánh và bay nhanh tới chân trời mơ ước, chân trời khát vọng, chân trời trồng người vĩ đại của dân tộc, của thế hệ con cháu Bác Hồ Chí Minh, và của mục tiêu bất tử: “Vì lợi ích mười năm trồng cây_ Vì lợi ích trăm năm trồng người” sống mãi trong ngành giáo dục chúng ta.