Vật lí [vật lý]việc không thể thực hiện

lê thị hải nguyên

Mùa hè Hóa học
Thành viên
TV ấn tượng nhất 2017
28 Tháng hai 2017
2,166
3,199
689
21
Thanh Hóa
HV Thánh Huy
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Liệu Acsimet có thể nhấc bổng trái đất?
“Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng trái đất lên!” -tục truyền đó là lời của Acsimet, một nhà cơ học thiên tài thời cổ, người đã khám phá ra các định luật về đòn bẩy. Nhưng bạn có biết muốn nâng một vật nặng bằng trái đất lên cao dù chỉ 1 cm thôi, Acsimet sẽ mất bao nhiêu thời gian không? Không dưới ba mươi nghìn tỷ năm!
ac-1348606530_480x0.jpg

Acsimet.

Có lần Acsimet viết thư cho vua Hieron ở thành phố Xiracudo, là người đồng hương và cũng là bạn thân của ông rằng, nếu dùng đòn bẩy, thì với một lực dù nhỏ bé đi nữa, cũng có thể nâng được một vật nặng bất kỳ nào: chỉ cần đặt vào lực đó một cánh tay đòn rất dài của đòn bẩy, còn vật nặng thì cho tác dụng vào tay đòn ngắn. Và để nhấn mạnh thêm điều đó, ông viết thêm rằng nếu có một trái đất thứ hai, thì bước sang đấy ông sẽ có thể nhấc bổng trái đất của chúng ta lên.

Nhưng, giá như nhà cơ học thiên tài thời cổ biết được khối lượng của trái đất lớn như thế nào thì hẳn ông đã không “hiên ngang” thốt lên như thế nữa. Ta hãy thử tưởng tượng trong một lát rằng Acsimet có một trái đất thứ hai, và có một điểm tựa như ông đã muốn; rồi lại tưởng tượng thêm rằng ông đã làm được một đòn bẩy dài đến mức cần thiết. Nhưng kể cả khi đã có mọi thứ, muốn nâng trái đất lên cao dù chỉ 1 cm thôi, Acsimet sẽ phải bỏ ra không dưới ba vạn tỷ năm! Sự thật là như thế đấy. Khối lượng của trái đất, các nhà thiên văn đã biết, tính tròn là:

60 000 000 000 000 000 000 000 000 N

Nếu một người chỉ có thể trực tiếp nâng bổng được một vật 600 N, thì muốn “nâng trái đất” lên, anh ta cần đặt tay của mình lên tay đòn dài của đòn bẩy, mà tay đòn này phải dài hơn tay đòn ngắn gấp:

100 000 000 000 000 000 000 000 lần!

Làm một phép tính đơn giản bạn sẽ thấy rằng khi đầu mút của cánh tay đòn ngắn được nâng lên 1cm thì đầu mút kia sẽ vạch trong không gian một cung “vĩ đại”, dài: 1 000 000 000 000 000 000 km. Cánh tay Acsimet tỳ lên đòn bẩy phải đi qua một đoạn đường dài vô tận như thế chỉ để nâng trái đất lên 1 cm ! Thế thì ông sẽ cần bao nhiêu thời gian để làm công việc này? Cho rằng Acsimet có đủ sức nâng một vật nặng 600 N lên cao một mét trong một giây (khả năng thực hiện công gần bằng 1 mã lực!) thì muốn đưa trái đất lên 1 cm, ông ta phải mất một thời gian là:

1 000 000 000 000 000 000 000 giây, hoặc ba vạn tỷ năm!

Acsimet dành suốt cả cuộc đời dài đằng đẵng của mình cũng chưa nâng được trái đất lên một khoảng bằng bề dày của một sợi tóc mảnh….

Không có một thứ mưu mẹo nào của nhà phát minh thiên tài lại có thể nghĩ ra cách rút ngắn khoảng thời gian ấy được. “Luật vàng của cơ học" đã nói rằng bất kỳ một cái máy nào, hễ làm lợi về lực thì tất phải thiệt về đường đi. Vì thế, ngay như Acsimet có cách để làm cho cánh tay mình có được vận tốc lớn nhất có thể trong tự nhiên là 300.000 km/s (vận tốc ánh sáng) thì với cách giả sử quãng đường này, ông cũng phải mất 10 vạn năm mới nâng được trái đất lên cao 1 cm!
 

lê thị hải nguyên

Mùa hè Hóa học
Thành viên
TV ấn tượng nhất 2017
28 Tháng hai 2017
2,166
3,199
689
21
Thanh Hóa
HV Thánh Huy
Không được thiên vị

Nobel là nhà bác học nổi tiếng thế giới về nghiên cứu và chế tạo thuốc nổ ở thế kỷ 19. Ông sở hữu 355 hạng mục bản quyền sáng chế phát minh và trên 100 xí nghiệp về thuốc nổ ở nhiều nước trên thế giới. Do vậy, ông được mệnh danh là “vua thuốc nổ”. Những năm cuối đời, Alfred Bernhard Nobel (1833-1896) đã viết 3 bản Di chúc vào các năm 1889, 1893, 1895 về việc xử lý số tài sản của ông sau khi ông qua đời. Bản cuối cùng là bản Di chúc chuẩn được ông gửi vào một ngân hàng ở Stockholm. Nguyên văn:

Người ký tên dưới đây là Alfred Bernhard Nobel. Tôi đã suy nghĩ kỹ càng và công bố Di chúc cuối cùng về việc xử lý số tài sản tôi để lại sau khi tôi qua đời như sau:

Toàn bộ tài sản đó được chuyển thành tiền mặt, người thừa hành của tôi sẽ đầu tư vào chứng khoán một cách an toàn và cấu thành một loại quỹ. Lợi nhuận của quỹ được chia thành 5 phần bằng nhau để thưởng cho những người có cống hiến lớn nhất đối với lợi ích của nhân loại trong năm trước đó, bao gồm: Người có phát hiện hoặc phát minh quan trọng nhất về lĩnh vực Vật lí; Người có phát hiện hoặc cải tiến quan trọng nhất về lĩnh vực Hóa học; Người có phát hiện quan trọng nhất trong lĩnh vực Sinh lí hoặc Y học; Người từng sáng tác tác phẩm văn học kiệt xuất nhất theo khuynh hướng chủ nghĩa lí tưởng; Người từng có cống hiến lớn nhất hoặc tốt nhất đối với việc thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa các nước, việc loại bỏ hoặc cắt giảm binh bị, quân đội và trong các hội nghị hoà bình.

nobel3.jpg
Nhà bác học nổi tiếng thế giới Alfred Bernhard Nobel (Ảnh: lucidcafe)


Viện khoa học Hoàng gia Thụy Điển xét trao tặng đối với giải vật lí và giải hóa học; Viện y học Stockholm xét trao tặng đối với giải sinh lí hoặc y học; Viện văn học Thụy Điển Stockholm xét trao tặng đối với giải văn học; Giải hòa bình do một ủy ban gồm 5 người được nghị viện Na Uy cử ra để xét trao tặng.

Ước muốn rõ ràng nhất của tôi là: khi xem xét để trao giải thưởng cho những nhân vật nêu trên hoàn toàn không thiên vị về quốc tịch của người đó, bất kể họ có phải là người Scandinavia hay không (Thụy Điển ở về phía Đông của bán đảo Scandinavia ở Bắc Âu - NV), chỉ cần họ xứng đáng.

Việc lập những giải thưởng nêu trên là nguyện vọng bức thiết nhất của bản thân tôi.

Đây là bản Di chúc có hiệu lực duy nhất của tôi. Sau khi tôi qua đời, nếu phát hiện những bản di chúc khác trước đó về xử lý tài sản của tôi thì những bản di chúc ấy đều vô hiệu.

Alfred Bernhard Nobel

Ngày 27 tháng 11 năm 1895

Năm 1968, nhân kỷ niệm 300 năm ngày thành lập Ngân hàng Thụy Điển, Ngân hàng này đã xuất tiền lập giải Nobel kinh tế, gọi là “Giải kinh tế học kỷ niệm Nobel” nhằm trao cho những nhân vật có cống hiến lớn trong lĩnh vực nghiên cứu kinh tế. Giải này được trao từ năm 1969 cùng thời điểm trao các giải Nobel khác trong năm.

Tranh cãi

Sau khi bản Di chúc của Nobel được công bố, lập tức gây nhiều tranh luận ở Thụy Điển, nhất là trong giới luật sư và báo chí. Khi đó người viết Di chúc đã yên nghỉ dưới suối vàng được hai năm.

nobel2.jpg
Nhiều tờ báo đăng bài khuyến khích những người họ hàng thân thuộc của Nobel làm đơn thưa kiện. Họ cho rằng Nobel là người Thụy Điển nhưng trong bình xét giải thưởng ông chẳng có chút ưu ái gì đối với người Scandinavia. Hơn nữa, giải Hoà bình ông lại giao cho Na Uy bình xét và trao giải, điều này phương hại đến lợi ích của Thụy Điển. Một số thành viên trong Đảng xã hội dân chủ Thụy Điển thì cho rằng Nobel dùng tài sản của mình lập giải thưởng để thưởng cho những nhân vật kiệt xuất, nhưng thực ra tài sản của Nobel có được là nhờ công sức của nhiều người lao động và khoáng sản tự nhiên, đáng ra phải chia đều cho các thành viên trong xã hội Thụy Điển.

Một số luật sư thì cố soi vào những sơ hở trong bản Di chúc nhằm vô hiệu nó. Họ cho rằng, bản Di chúc này không nêu rõ người lập Di chúc là công dân nước nào; do đó, khó xác định được cơ quan chấp pháp của nước nào có thẩm quyền phán quyết tính hợp pháp của bản Di chúc, càng không thể xác định được chính phủ nước nào đứng ra tổ chức ủy ban giải Nobel.

Trên thực tế thì Nobel là “người của thế giới”. Ông sinh ra ở Thụy Điển nhưng trưởng thành ở Nga, hoạt động sáng tạo khắp toàn cầu rồi qua đời ở Ý. Những năm cuối đời ông không mang quốc tịch nước nào.

Các luật sư còn nêu ra một số điểm sơ hở khác như trong Di chúc không nêu rõ toàn bộ tài sản của Nobel do ai quản lý, không chỉ định đích danh ai đứng ra thành lập quỹ đó, do vậy người thừa hành thực hiện Di chúc không có quyền thừa kế số tài sản đó và không thể tồn tại một tổ chức thừa kế quỹ giải thưởng.

Điều làm nhiều người ngạc nhiên là, theo Di chúc của Nobel thì Viện khoa học Hoàng gia Thụy Điển bình xét giải Vật lí và giải Hóa học, nhưng vị Viện trưởng Viện này khi đó lại đề nghị tài sản của Nobel không nên dùng làm quỹ giải thưởng mà nên tặng cho Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển...

Do sự cố gắng của những người thừa hành Di chúc, cuối cùng, ngày 21-5-1898, Quốc vương Thụy Điển đã tuyên bố bản Di chúc của Nobel có hiệu lực, ngày 29-6-1900, Quốc hội Thụy Điển đã thông qua Điều lệ giải Nobel.

Ngày 10-12-1901, nhân kỷ niệm 5 năm ngày mất của Nobel, giải Nobel đầu tiên đã được trao. Và từ đó đến nay, hàng năm giải này luôn thu hút sự quan tâm của nhiều người trên thế giới.
 

lê thị hải nguyên

Mùa hè Hóa học
Thành viên
TV ấn tượng nhất 2017
28 Tháng hai 2017
2,166
3,199
689
21
Thanh Hóa
HV Thánh Huy
NHỮNG PHÁT MINH NỔI TIẾNG CỦA ISAAC NEWTON
1. Ý tưởng của Newton khẩu pháo bắn vào quỹ đạo

phat-minh-cua-Newton.jpg


Đối với một số ý kiến xuyên tạc sẽ cho rằng làm sao một người đàn ông đang ngáy ngủ và một quả táo vô tình rơi xuống lại làm nên một phát minh vĩ đại đến như vậy? Kết quả của quá trình "chờ sung rụng" chăng? Không hề, điều đó chỉ đến với một bộ óc thiên tài luôn suy nghĩ về các quy luật vật lý mà cụ thể là lực hấp dẫn. Không chỉ dừng lại ở trọng lực mà Newton còn đưa ra nhiều ý tưởng khác đi trước thời đại. Trong định luật hấp dẫn phổ quát, Newton đã diễn tả đến một ngọn núi khổng lồ mà đỉnh của nó là khoảng trên bầu khí quyển của Trái Đất, trên đỉnh có đặt một khẩu pháo vô cùng lớn có thể bắn một viên đạn theo chiều ngang ra ngoài không gian.

Newton không hề có ý định tạo ra một loại siêu vũ khí nhằm bắn những kẻ xâm lược ngoài hành tinh! Khẩu pháo của ông là một ý tưởng thí nghiệm nhằm giải thích làm thế nào để đưa một vật thể vào một quỹ đạo quay quanh Trái Đất.

Nếu lực hấp dẫn tác động lên quá pháo, nó sẽ bay theo đường tùy thuộc vào vận tốc ban đầu của nó .

  • Tốc độ thấp, nó chỉ đơn giản là sẽ rơi trở lại trên Trái đất. Nếu tốc độ là tốc độ quỹ đạo, nó sẽ đi lòng vòng xung quanh Trái đất theo một quỹ đạo tròn cố định giống như mặt trăng.
  • Tốc độ cao hơn so với vận tốc quỹ đạo, nhưng không đủ lớn để rời khỏi trái đất hoàn toàn (thấp hơn vận tốc thoát) nó sẽ tiếp tục xoay quanh Trái đất dọc theo một quỹ đạo hình elip.
  • Tốc độ rất cao, nó thực sự sẽ rời khỏi quỹ đạo và bay ra ngoài vũ trụ.
Thí nghiệm trên đã được trình bày trong Principia Mathematica vào năm 1687, theo đó, tất cả mọi hạt đều gây ra một lực hấp dẫn và bị hấp dẫn bởi những vật thể khác. Lực tương tác này phụ thuộc vào trọng lượng và khoảng cách của hạt hay vật thể đó. Quy tắc này chi phối tất cả các hiện tượng từ mưa rơi cho đến quỹ đạo của các hành tinh. Đây chính là tác phẩm nổi tiếng với nhiều đóng góp quan trọng cho vật lý học cổ điển và cung cấp cơ sở lý thuyết cho du hành không gian cũng như sự phát triển của tên lửa sau này. Sau đó, Einstein cùng các nhà vật lý thế kỷ 16, 17 đã tiếp tục củng cố học thuyết của Newton để cho chúng ta những hiểu biết về lực hấp dẫn như ngày nay.

2. Cánh cửa dành cho chó mèo
phat-minh-cua-Newton1.jpg


Không chỉ có tầm nhìn mang tính vĩ mô như khẩu pháo không gian và phát hiện ra mối liên hệ giữa vạn vật trong vũ trụ, Newton cũng dùng trí tuệ tuyệt vời của mình để giải quyết những vấn đề thường thức trong đời sống hàng ngày. Điển hình là phương pháp giúp các mèo không cần cào cấu vào cánh cửa nhờ vào tạo ra một lối đi dành riêng cho chúng.

Như chúng ta đã biết, Newton không kết hôn và cũng có ít các mối quan hệ bạn bè, đổi lại ông chọn mèo và c.h.ó làm bầu bạn trong căn phòng của của mình. Hiện nay, có nhiều giả thuyết và lập luận cho rằng ông dành nhiều mối quan tâm đến những "người bạn" bé nhỏ của mình. Một số sử gia đương đại cho rằng Newton là một người rất yêu động vật. Một số còn chỉ ra rằng ông đặt tên cho một c.o.n c.h.ó của mình là Diamond (kim cương). Dù vậy, một số nhà sử học vẫn nghi ngờ về giả thuyết trên.

Một câu chuyện kể rằng trong quá trình nghiên cứu của Newton tại Đại học Cambridge, các thí nghiệm của ông liên tục bị gián đoạn bởi một con mèo của ông luôn cào vào cánh cửa phòng thí nghiệm gây ra những âm thanh phiều toái. Để giải quyết vấn đề, ông đã mời một thợ mộc tại Cambridge để khoét 2 cái lỗ trên cửa ra vào phòng thí nghiệm: 1 lỗ lớn dành cho mèo mẹ và 1 lỗ nhỏ dành cho mèo con!

Dù câu chuyện trên là đúng hay sai thì theo các ghi chép đương thời sau khi Newton qua đời thì có một sự thật hiển nhiên rằng người ta đã tìm thấy 1 cánh cửa với 2 cái lỗ tương ứng với kích thước của mèo mẹ và mèo con. Cho tới ngày nay vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh câu chuyện trên. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng chính Newton mới là tác giả của cánh cửa dành cho chó mèo vẫn còn được sử dụng ngày nay.

3. Ba định luật về chuyển động của Newton
phat-minh-cua-Newton2.jpg


Trong khi các sử gia vẫn còn tranh cãi về những cánh cửa dành cho thú cưng có phải là của Newton hay không thì không một ai có thể phủ nhận đóng góp của Newton cho hiểu biết của con người trong vật lý học ngày nay. Tầm quan trọng tương đương với việc phát hiện ra định luật vạn vật hấp dẫn, 3 định luật về chuyển động được Newton giới thiệu vào năm 1687 trong tác phẩm Philosophiae Naturalis Principia Mathematica (Các nguyên lý toán học trong triết học tự nhiên). 3 định luật của ông đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của cơ học cổ điển (còn gọi là cơ học Newton) trong thời gian sau này.

3 định luật của ông được miêu tả ngắn gọn như sau:

  • Nếu một vật không chịu tác dụng của lực nào hoặc chịu tác dụng của các lực có hợp lực bằng không thì nó giữ nguyên trạng thái đứng yên hoặc chuyển động thẳng đều.
  • Gia tốc của 1 vật cùng hướng với lực tác dụng lên vật. Độ lớn của gia tốc tỷ lệ thuận với độ lớn của lực và tỉ lệ nghịch với khối lượng của vật.
  • Trong mọi trường hợp, khi vật A tác dụng lên vật B một lực, thì vật B cũng tác dụng lại vật A một lực. Hai lực này có cùng giá, cùng độ lớn nhưng ngược chiều.
phat-minh-cua-Newton3.jpg

Bìa quyển sách Philosophiae Naturalis Principia Mathematica (Các nguyên lý toán học trong triết học tự nhiên) xuất bản năm 1687

Ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng phát biểu và hiểu về 3 định luật nổi tiếng trên. Tuy nhiên, các học giả trong lịch sử đã phải vật lộn với những khái niệm cơ bản về chuyển động trong suốt nhiều thế kỷ. Nhà triết học Hy Lạp Aristotle từng nghĩ rằng sở dĩ khói có thể bay lên trên không là vì khói chứa nhiều không khí. Trước đó, các học giả khác lại nghĩ rằng khói bay lên trời để tụ hợp cùng với những đám khói "bạn bè" của chúng. Nhà triết học Pháp René Descartes đã từng nghĩ tới những lý thuyết về chuyển động tương tự như Newton nhưng cuối cùng, ông vẫn cho rằng Thiên Chúa mới chính là động lực của các chuyển động.

3 định luật Newton như một vẻ đẹp đến từ sự tối giản trong khoa học. Dù đơn giản như thế, nhưng đây chính là căn cứ để các nhà khoa học có thể hiểu được tất cả mọi thứ chuyển động từ của các hạt electron cho tới chuyển động xoắn ốc của cả thiên hà.

4. Hòn đá phù thủy của "nhà giả kim thuật" Newton
phat-minh-cua-Newton4.jpg


Trong một bức vẽ về một nhà giả kim thuật, chúng ta thấy các biểu tượng hành tinh diễn tả các kim loại trong một quyển sách đang mở ra dưới sàn nhà. Đây được cho là các biểu tượng mà Newton đã sử dụng trong các ghi chép của ông.

Newton đã cống hiến rất nhiều cho nhân loại với những khám phá khoa học của ông. Bên cạnh đó, người ta cũng nhắc đến ông như 1 trong những nhà giả kim học lỗi lạc nhất: huyền thoại giả kim thuật với hòn đá phù thủy. Các văn bản ghi chép lại còn được lưu trữ đến ngày nay đã có nhiều mô tả khác nhau về hòn đá này: từ khả năng tạo nên người từ đá cho tới khả năng chuyển hóa từ chì thành vàng. Thậm chí, những người bấy giờ còn cho rằng hòn đá của ông có thể chữa bệnh hoặc có thể biến một con bò không đầu thành một bầy ong.

Có lẽ các bạn sẽ thắc mắc tại sao một biểu tượng của khoa học lại trở thành một nhà giả kim thuật? Để trả lời câu hỏi đó, hãy nghĩ đến bối cảnh bấy giờ, cuộc cách mạng khoa học chỉ mới đạt được động cơ hơi nước vào những năm 1600. Các nhà giả kim thuật bấy giờ vẫn còn tồn tại cùng với những thủ thuật lỗi thời của họ cùng với các học thuyết và triết học huyền bí nhằm mê hoặc một số người. Dù vậy, các ghi chép giả kim thuật vẫn được cho là những thí nghiệm hóa học.

phat-minh-cua-Newton5.jpg

Bút tích còn lưu lại của Newton về nghiên cứu giả kim

Tuy nhiên, những ghi chép trong suốt 30 năm làm thí nghiệm của Newton đã tiết lộ rằng ông cũng hy vọng về một cái gì đó hơn là những phản ứng hóa học bình thường, thậm chí là hứa hẹn về việc biến các nguyên tố khác thành vàng. Theo sử gia William Newman, ông cho rằng Newton muốn tìm kiếm những "quyền lực siêu hạn trong tự nhiên."

Đây chính là những căn cứ cho lập luận rằng Newton cũng đã có những nghiên cứu và để lại ghi chép về giả kim mà người đương thời gọi là "hòn đá phù thủy." Các ghi chép cho thấy ông đã tìm cách tạo nên những loại nguyên tố bí ẩn lúc bấy giờ. Trên thực tế, Newton đã có những nỗ lực nhằm tạo ra một loại hợp kim đồng màu tím. Dù vậy, nghiên cứu của ông đã thất bại.

Đây có thể không phải là một sáng chế của Newton, nhưng nó cũng cho chúng ta một cái nhìn về những suy nghĩ cũng như thời gian mà ông dành cho các nghiên cứu khoa học. Vào năm 2005, nhà sử học Newman cũng đã tạo nên một "hòn đá phù thủy" dựa trên các ghi chép 300 năm trước của Newton và dĩ nhiên, không có sự chuyển hóa tạo thành vàng xảy ra.

5. Cha đẻ của các phép tính vi phân
phat-minh-cua-Newton6.jpg

Bút tích của Newton còn lưu giữ đến ngày nay

Nếu bạn đã hoặc đang đau đầu với môn toán học mà đặc biệt là tích phân và vi phân đã cày nát bộ não của bạn, bạn có thể đổ một phần lỗi cho Newton! Trên thực tế, hệ thống toán học chính là một công cụ để chúng ra có thể tìm hiểu được mọi thứ trong vũ trụ này. Giống như nhiều nhà khoa học cùng thời, Newton cũng đã nhận thấy rằng các lý thuyết đại số và hình học trước đó không đủ cho yêu cầu nghiên cứu khoa học của ông. Hệ thống toán học đương thời không đủ để phục vụ ông.

Các nhà toán học lúc bấy giờ có thể tính toán được vận tốc của một con tàu nhưng họ vẫn không thể tính toán được mối liên hệ với gia tốc của nó cũng như tỷ lệ của lực tác động. Họ vẫn chưa thể tính toán được góc bắn là bao nhiêu để viên đạn pháo bay đi xa nhất. Các nhà toán học đương thời vẫn cần một phương pháp để tính toán các hàm có nhiều biến.

Một sự kiện đã xảy đến trong quá trình nghiên cứu của Newton, một đợt bùng phát bệnh dịch hạch đã khiến hàng loạt người chết trên khắp các đường phố tại Cambridge. Tất cả các cửa hàng đều đóng cửa và dĩ nhiên, Newton cũng phải hạn chế đi ra ngoài. Đó là khoảng thời gian 18 tháng nghiên cứu của Newton để rồi ông xây dựng nên một mô hình toán học và đặt tên là "khoa học của sự liên tục".

Ngày nay, chúng ta biết đó chính là các phép tính vi-tích phân. Một công cụ quan trọng trong vật lý, kinh tế học và các môn khoa học xác suất. Vào những năm 1960, chính các hàm số vi-tích phân này đã cung cấp công cụ cho phép các kỹ sư phi thuyền Apollp có thể tính toán được các số liệu trong sứ mạng đặt chân lên Mặt Trăng.

Dĩ nhiên, một mình Newton không tạo nên phép toán mà chúng ta sử dụng ngày nay. Ngoài Newton, nhà toán học người Đức Gottfried Leibniz (1646-1716) cũng đã độc lập phát triển mô hình phép tính vi - tích phân trong cùng thời gian với Newton. Dù vậy, chúng ta vẫn phải công nhận tầm quan trọng của Newton trong sự phát triển toán học hiện đại với các đóng góp không nhỏ của ông.

6. "Sinh sự" với cầu vồng
phat-minh-cua-Newton7.jpg

Thí nghiệm của Newton

Cầu vồng? Cầu vồng là gì? Bạn nghĩ rằng Newton để yên cho những bí mật bên trong cầu vồng? Không hề! Thiên tài của chúng ta đã quyết tâm giải mã những điều ẩn chứa bên trong hiện tượng thiên nhiên này. Vào năm 1704, ông đã viết một quyển sách về vấn đề khúc xạ ánh sáng với tiêu đề "Opticks". Quyển sách đã góp một phần không nhỏ trong việc thay đổi cách nghĩ của chúng ta về ánh sáng và màu sắc.

Các nhà khoa học bấy giờ đều biết rằng cầu vồng được hình thành khi ánh sáng bị khúc xạ và phản xạ trong những hạt nước mưa trong không khí. Dù vậy, họ vẫn chưa thể lý giải rõ ràng được tại sao cầu vồng lại chứa nhiều màu sắc như vậy. Khi Newton bắt đầu nghiên cứu tại Cambridge, các lý thuyết phổ biến trước đó vẫn cho rằng các hạt nước bằng cách nào đó đã nhuộm nhiều màu sắc khác nhau lên tia sáng Mặt Trời.

Bằng cách sử dụng một lăng kính và một chiếc đèn, Newton đã thực hiện thí nghiệm bằng cách cho ánh sáng chiếu qua lăng kính. Và kết quả như tất cả chúng ra đều biết, ánh sáng bị tách ra thành các màu như cầu vồng.

7. Kính viễn vọng phản xạ
phat-minh-cua-Newton8.jpg

Một bản sao của chiếc kính viễn vọng phản xạ do Newton chế tạo và đã trình bày trước Hội đồng hoàng gia vào năm 1672

Newton được sinh ra trong thời kỳ mà sự hiện diện của kính viễn vọng vẫn còn khá mờ nhạt. Mặc dù vậy, các nhà khoa học đã có thể chế tạo nên các mô hình sử dụng một tập hợp các thấu kính thủy tinh để phóng to hình ảnh. Trong thí nghiệm với các màu sắc của Newton, ông đã biết được các màu sắc khác nhau sẽ khúc xạ với các góc độ khác nhau, từ đó tạo nên một hình ảnh lờ mờ cho người xem.

Để cải tiến chất lượng hình ảnh, Newton đã đề xuất sử dụng một gương khúc xạthay cho các thấu kính khúc xạ trước đó. Một tấm gương lớn sẽ bắt lấy hình ảnh, sau đó một gương nhỏ hơn sẽ phản xạ hình ảnh bắt được tới mắt của người ngắm. Phương pháp này không chỉ tạo nên hình ảnh rõ ràng hơn mà con cho phép tạo nên một kính viễn vọng với kích thước nhỏ hơn.

Một số ý kiến cho rằng, nhà toán học người Scotland James Gregory là người đầu tiên đề xuất ý tưởng chế tạo kính viễn vọng phản xạ vào năm 1663 dù mô hình này vẫn chưa thể hoạt động hoàn chỉnh. Tuy nhiên, dựa trên các ghi chép còn lưu trữ lại, các nhà sử học cho rằng Newton mới là người đầu tiên có thể chế tạo một chiếc kính viễn vọng phản xạ dựa trên lý thuyết do ông đề xuất.

Trên thực tế, Newton đã tự mài các tấm gương, lắp ráp một mẫu thử nghiệm và trình bày nó với Hội đồng hoàng gia vào năm 1672. Đó chỉ đơn thuần là 1 thiết bị dài 15 cm, có khả năng loại bỏ sự khúc xạ và có độ phóng đại lên tới 40 lần. Đến ngày nay, gần như tất cả các đài thiên văn học đều sử dụng các biến thể của thiết kế ban đầu nói trên của Newton.

8. Đồng xu hoàn hảo
phat-minh-cua-Newton9.jpg

Những đồng 2 pound tại Anh với các khía 2 xung quanh cạnh

Vào những cuối những năm 1600, hệ thống tài chính tại Anh lâm vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. Bấy giờ, toàn bộ hệ thống tiền tệ trong cả nước Anh đều sử dụng các đồng xu bạc và dĩ nhiên, bản thân bạc có giá trị cao hơn so với giá trị định danh được in trên mỗi đồng xu. Lúc đó nảy sinh ra một vấn đề, có người sẽ cắt xén bớt hàm lượng bạc và thêm vào các kim loại khác trong quá trình nấu và đúc tiền. Lượng bạc cắt xén được sẽ bị "chảy máu" sang Pháp thông qua đường biên giới để bán được giá cao hơn.

Thậm chí, bấy giờ còn là cuộc khủng hoảng của việc tranh giành nhau nhận thầu đúc tiền. Do đó, lòng tin của người dân vào hệ thống tài chính suy giảm nghiêm trọng. Đồng thời, các tổ chức tội phạm làm tiền giả cũng mặc sức lan tràn do đã không còn một đồng tiền chuẩn đáng tin tưởng nào đang lưu thông. Mặt khác, sự gian lận cũng diễn ra ngay trong quá trình đúc tiền. Sau khi đúc mỗi mẻ tiền xu, người ta sẽ cân mỗi đồng xu lấy ra và xem nó lệch so với tiêu chuẩn là bao nhiêu. Nếu giá trị bạc dư ra lớn hơn so với giá trị in trên nó, những kẻ đầu cơ sẽ mua chúng, nấu chảy ra và tiếp tục bán lại cho chính xưởng đúc tiền để kiếm lời.

Trước tình hình đó, vào năm 1696, chính phủ Anh đã kêu gọi Newton giúp tìm ra giải pháp tìm ra giải pháp chống nạn sao chép và cắt xén đồng xu bạc. Newton đã có một bước đi hết sức táo bạo là thu hồi toàn bộ tiền xu trên khắp đất nước, tiến hành nấu lại và đúc theo một thiết kế mới của ông. Bước đi này đã khiến cho toàn bộ nước Anh không có tiền trong lưu thông trong suốt 1 năm.

Bấy giờ, Newton đã làm việc cật lực trong suốt 18 giờ mỗi ngày để rồi cuối cùng, thiết kế tiền xu mới cũng được ra đời. Những đồng tiền mới được đúc ra với chất lượng bạc cao hơn, đồng thời rìa mỗi đồng xu đều được khía các cạnh theo một công thức đặc biệt. Nếu không có các cỗ máy khía cạnh chuyên dụng thì sẽ không thể nào tạo ra được các đồng xu mang đặc trưng như do Hoàng gia đúc ra.

9. Sự mất nhiệt
Trong các nghiên cứu của mình, Newton cũng đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu khía cạnh vật lý của hiện tượng lạnh đi của các chất. Vào cuối những năm 1700, ông đã tiến hành các thí nghiệm với quả cầu sắt nung đỏ. Ông đã lưu ý trong các ghi chép rằng có sự khác biệt giữa nhiệt độ của quả bóng sắt và không khí xung quanh. Cụ thể, nhiệt độ chênh lệch lên tới 10 độ C. Và ông cũng nhận ra rằng tốc độ mất nhiệt tỷ lệ thuận với sự khác biệt về nhiệt độ.

Từ đó, Newton hình thành nên định luật về trạng thái làm mát. Theo đó, tốc độ mất nhiệt của cơ thể tỷ lệ thuận với sự khác biệt về nhiệt độ giữa môi trường xung quanh so với nhiệt độ cơ thể. Sau này, nhà hóa học người Pháp Piere Dulong và nhà vật lý Alexis Prtot đã hoàn thiện định luật trên vào năm 1817 dựa trên nền tảng từ nghiên cứu của Newton. Nguyên tắc của Newton đã đặt nền móng cho nhiều nghiên cứu khác của vật lý hiện đại từ lò phản ứng hạt nhân an toàn cho tới việc thám hiểm không gian.

10. Dự đoán của Newton về ngày tận thế
phat-minh-cua-Newton10.jpg

Hình vẽ 4 loài thú dữ xuất hiện vào ngày tận thế mô tả trong Book of Daniel

Ngày tận thế luôn là nỗi ám ảnh của con người. Dù vậy, Newton không phải là dạng người có thể dễ dàng chấp nhận nỗi sợ hãi về ngày tận thế qua những câu chuyện hay những truyền thuyết. Bản thân Newton là một người thực tế và luôn tìm cách kiểm định, đưa ra các quan điểm của mình trong quá trình nghiên cứu Kinh Thánh.

Trong quá trình nghiên cứu, Newton đã không đặt nặng khía cạnh Thần học mà dùng các kiến thức của mình nhằm cố lý giải vấn đề. Theo các ghi chép cách đây 300 năm còn được lưu trữ đến ngày nay cho thấy Newton đã nghiên cứu Book of Daniel. Để phục vụ nghiên cứu, ông đã tự học tiếng Do Thái, tập trung nghiên cứu triết học Do Thái bí truyền.

Qua nghiên cứu, ông dự đoán ngày tận cùng của thế giới là vào năm 2060 hoặc có thể là sau đó nhưng không thể sớm hơn. Dù sao đi nữa, đó vẫn là những gì mà ông tuyên bố với mọi người vào thế kỷ 18. Dĩ nhiên, ngày nay, các nhà khoa học đã có một lời giải đáp hoặc dự đoán tốt hơn cho hiện tượng tận thế nói chung. Qua đó, chúng ta phần nào hiểu được thêm về quan điểm của 1 nhà khoa học vào thế kỷ 18 về ngày tàn của nhân loại.
 
  • Like
Reactions: trunghieuak53

lê thị hải nguyên

Mùa hè Hóa học
Thành viên
TV ấn tượng nhất 2017
28 Tháng hai 2017
2,166
3,199
689
21
Thanh Hóa
HV Thánh Huy
Galileo được xem là một trong những nhà thiên văn vĩ đại nhất của mọi thời đại. Khám phá của ông về các vệ tinh chính của Mộc tinh (Io, Europa, Ganymede và Callisto) đã làm cách mạng hóa lĩnh vực thiên văn học và giúp đẩy nhanh tiến độ chấp nhận Mô hình Copernicus của vũ trụ. Tuy nhiên, Galileo còn nổi tiếng với vô số phát minh khoa học mà ông đã thực hiện trong đời mình.

Trong số này ngoài chiếc kính thiên văn nổi tiếng của ông còn có một loạt dụng cụ đã có tác động thấy rõ trong trắc đạc, sử dụng pháo binh, phát triển đồng hồ, và khí tượng học. Galileo đã chế tạo nhiều dụng cụ trong số này để kiếm thêm thu nhập cho gia đình ông. Nhưng cuối cùng, chúng còn giúp củng cố uy tín của ông với tư cách là người đã làm thách thức giá trị quan niệm mà người ta đã duy trì trong hàng thế kỉ và làm cách mạng hóa các lĩnh vực khoa học.






Chân dung Galileo Galilei do Giusto Sustermans vẽ năm 1636. Ảnh: Bảo tàng Hoàng gia Greenwich

Cân thủy tĩnh

Lấy cảm hứng từ câu chuyện Archimedes và thời khắc “Eureka” của ông, Galileo bắt đầu quan tâm chuyện các nhà kim hoàn cân đong các kim loại quý trong không khí, rồi sau đó bằng cách thay chỗ, xác định trọng lượng riêng của chúng. Vào năm 1586, ở tuổi 22, ông đã lập lí thuyết của một phương pháp tốt hơn mà ông mô tả trong một chuyên luận mang tiêu đề La Bilancetta (Cân Tiểu).

Trong lĩnh vực này, ông mô tả một cách cân chính xác các vật trong không khí và trong nước, trong đó một phần cánh tay đòn phía treo đối trọng được quấn dây kim loại. Lượng đối trọng phải lấy đi khi cân trong nước khi đó có thể xác định rất chính xác bằng cách đếm số vòng dây. Bằng cách cân như vậy, tỉ lệ kim loại như vàng so với bạc ở trong vật có thể được đọc ra trực tiếp.



Chuyên luận “La Billancetta” của Galileo, trong đó ông mô tả một phương pháp mới đo trọng lượng riêng của các kim loại quý. Ảnh: Bảo tàng Galileo

Máy bơm Galileo

Năm 1592, Galileo được bổ nhiệm chức danh giáo sư toán học tại Đại học Padua và có những chuyến viếng thăm thường xuyên đến Arsenal – cảng nội địa nơi tàu bè Venice hay lui tới. Arsenal từng là một nơi nhộn nhịp phát minh và cải tiến thực tế trong hàng thế kỉ, và Galileo đã tận dụng cơ hội đó để nghiên cứu cặn kẽ các máy cơ học.

Năm 1593, ông tập trung nghĩ về việc bố trí các tay chèo trên thuyền ga lê và trình bày một báo cáo trong đó ông xem tay chèo là đòn bẩy và xem nước là điểm tựa. Một năm sau, Hội đồng thành phố Venice trao cho ông bằng sáng chế cho một dụng cụ đưa nước lên cao qua một con ngựa điều khiển. Bằng sáng chế này đã trở thành cơ sở của các máy bơm hiện đại.

Đối với một số người, Máy bơm Galileo chỉ đơn thuần là một cải tiến trên Đai ốc Archimedes, cái được phát triển lần đầu tiên vào thế kỉ thứ ba trước Công nguyên và đăng kí sáng chế ở Cộng hòa Venice vào năm 1567. Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy rõ phát minh của Galileo có liên hệ với thiết kế sớm hơn và ít phức tạp hơn của Archimedes.

Đồng hồ quả lắc

Vào thế kỉ 16, nền vật lí học Aristotle vẫn là tư duy thống lĩnh lí giải hành trạng của các vật ở gần mặt đất. Chẳng hạn, người ta tin rằng vật nặng phải tìm trở lại vị trí tự nhiên của chúng hay nằm yên – tức là tại trung tâm của vạn vật. Vì vậy, người ta chẳng có cách nào giải thích hành trạng của con lắc, trong đó một vật nặng treo bên dưới một sợi dây lại đong đưa tới lui và không chịu nằm yên ở tại giữa.






Đồng hồ quả lắc điều khiển bằng lò xo, do Huygens thiết kế, được chế tạo bởi Salomon Coster (1657), và bản sao quyển Horologium Oscillatorium, Bảo tàng Boerhaave, Leiden

Galileo đã tiến hành các thí nghiệm chứng minh rằng vật nặng không rơi nhanh hơn vật nhẹ - một quan niệm thâm căn cố đế từ thời Aristotle. Ngoài ra, ông còn chứng minh rằng các vật bị ném trong không khí chuyển động theo cung parabol. Dựa trên kết quả này và hứng thú của ông với chuyển động tuần hoàn của vật nặng treo dưới sợi dây, ông bắt đầu nghiên cứu con lắc vào năm 1588.

Năm 1602, ông giải thích các quan sát này trong một lá thư gửi cho một người bạn, trong đó ông mô tả nguyên lí đẳng thời. Theo Galileo, nguyên lí này khẳng định rằng thời gian để con lắc dao động không liên hệ với cung quỹ đạo của con lắc, mà với độ dài của con lắc. So sánh hai con lắc có độ dài bằng nhau, Galileo chứng minh được rằng chúng sẽ dao động với tốc độ như nhau, cho dù bị kéo ra những khoảng biên độ khác nhau.

Theo Vincenzo Vivian, một trong những người đương thời của Galileo, vào năm 1641, trong khi đang chịu quản thúc tại nhà, Galileo đã sáng tạo một thiết kế cho đồng hồ quả lắc. Thật không may, lúc ấy mắt ông đã mù, nên ông không thể hoàn thiện nó trước khi qua đời vào năm 1642. Vì thế mà tác phẩm Horologrium Oscillatorium năm 1657của Christiaan Huygens được công nhận là đề xuất đầu tiên được ghi lại cho đồng hồ quả lắc.

Cái sector

Súng đại bác, lần đầu tiên có mặt ở châu Âu vào năm 1325, đã trở thành phương tiện chiến tranh chủ lực vào thời Galileo. Cỗ máy chiến tranh trở nên phức tạp hơn và linh động hơn, các chiến binh cần dụng cụ giúp họ canh chỉnh và tính toán đường đạn của súng. Vì thế, khoảng năm 1595 đến 1598, Galileo đã nghĩ ra và cải tiến và một compa hình học và quân sự dùng cho pháo binh và thợ trắc đạc.






Cái sector, một compa quân sự/hình học do Galileo Galilei thiết kế. Ảnh: chsi.harvard.edu

Compa khi ấy của các chiến binh gồm hai cánh tay đòn vuông góc với nhau và một thang chia tròn với một đường dọi để xác định độ cao. Trong khi đó, các compa toán học, hay bộ chia góc, được phát triển trong thời gian này được thiết kế với các thang đo hữu ích khác nhau trên chân của chúng. Galileo kết hợp công dụng của hai thiết bị lại, thiết kế một compa hay sector có nhiều thang đo hữu ích khắc trên chân của chúng có thể dùng cho nhiều mục đích khác nhau.

Ngoài việc mang lại một cách mới và an toàn hơn cho các pháo binh hướng nòng đại bác của họ sao cho chính xác, nó còn lại mang lại một cách nhanh hơn tính lượng thuốc súng cần thiết dựa trên kích cỡ và vật liệu của đạn đại bác. Là một dụng cụ hình học, nó cho phép dựng bất kì đa giác đều nào, tính diện tích của mọi đa giác hoặc hình quạt, và nhiều tính toán khác nữa.

Nhiệt nghiệm Galileo

Vào cuối thế kỉ 16, chẳng có phương tiện thực tiễn nào cho các nhà khoa học đo nhiệt lượng và nhiệt độ. Các nỗ lực khắc phục tình trạng này ở giới trí thức thành Venice đã mang lại nhiệt nghiệm, một dụng cụ hoạt động dựa trên sự dãn nở của không khí do sự có mặt của nhiệt.

Vào khoảng năm 1593, Galileo đã xây dựng phiên bản nhiệt nghiệm của riêng ông hoạt động dựa trên sự co dãn của không khí trong một bầu thủy tinh làm dịch chuyển nước trong một ống gắn liền với nó. Theo thời gian, ông và các đồng sự đã bỏ công phát triển một thang đo số đo nhiệt lượng dựa trên sự dãn nở của nước bên trong ống.

Và trong khi chờ một thế kỉ sau các nhà khoa học – như Daniel G. Fahrenheit và Anders Celsius – mới bắt đầu phát triển các thang đo nhiệt độ phổ thông, thì nhiệt nghiệm Galileo là một bước đột phá lớn. Ngoài việc có thể đo nhiệt trong không khí, nó còn cung cấp thông tin khí tượng định lượng đầu tiên trong lịch sử.


Kính thiên văn Galileo cùng bản ghi chú viết tay của ông về độ phóng đại của thấu kính, trưng bày tại triễn lãm ở Viện Franklin, Philidelphia. Ảnh: AP Photo/Matt Rourke

Kính thiên văn Galileo

Galileo thật sự không phát minh ra kính thiên văn, nhưng ông thực hiện cải tiến lớn đối với chúng. Trong nhiều tháng năm 1609, ông đã công bố các thiết kế kính thiên văn mà ngày nay được gọi chung là Kính thiên văn Galileo. Cái thứ nhất, do ông chế tạo từ tháng 6 đến tháng 7 năm 1609, là một kính thiên văn nhỏ phóng đại ba lần, sau đó vào tháng 8 ông cho thay bằng một thiết bị phóng đại 8 lần mà ông trình diễn trước Hội đồng thành phố Venice.

Vào tháng 10 hay 11 sau đó, ông tiếp tục cải tiến thêm và cho ra đời một chiếc kính thiên văn phóng đại 20 lần – chiếc kính thiên văn ông đã dùng để quan sát Mặt trăng, khám phá các vệ tinh của Mộc tinh (sau này được gọi là các vệ tinh Galileo), nhận thấy các pha của Kim tinh, và phân giải các vệt sáng tinh vân là các ngôi sao dày đặc.

Những khám phá này đã giúp Galileo xúc tiến Mô hình Copernicus, mô hình về cơ bản phát biểu rằng Mặt trời (chứ không phải Trái đất) là trung tâm của vũ trụ (tức là hệ mặt trời). Ông còn tiếp tục cải tiến thêm các thiết kế của ông, cuối cùng chế tạo được một chiếc kính thiên văn có thể phóng đại các vật lên 30 lần.

Mặc dù những kính thiên văn này là quá tầm thường so với các tiêu chuẩn hiện đại, nhưng chúng là một cải tiến rất to lớn cho các mô hình tồn tại vào thời Galileo. Thực tế ông đã tự tay chế tạo chúng là một lí do nữa khiến chúng được xem là những phát minh ấn tượng nhất của ông.

Do những thiết bị mà ông chế tạo cùng những khám phá mà chúng mang lại, Galileo được đánh giá là một trong những nhân vật quan trọng nhất của Cách mạng Khoa học. Nhiều đóng góp lí thuyết của ông cho các lĩnh vực toán học, kĩ thuật và vật lí học cũng đã thách thức các lí thuyết Aristotle vốn được người ta chấp nhận trong hàng thế kỉ.

Tóm lại, Galileo là một trong số ít các nhà khoa học – qua sự theo đuổi không mệt mỏi của ông đối với chân lí khoa học – đã làm thay đổi mãi mãi nhận thức của chúng ta về vũ trụ các định luật cơ bản chi phối nó
 
  • Like
Reactions: trunghieuak53

lê thị hải nguyên

Mùa hè Hóa học
Thành viên
TV ấn tượng nhất 2017
28 Tháng hai 2017
2,166
3,199
689
21
Thanh Hóa
HV Thánh Huy
Trong các chương trước chúng ta đã đề cập đến việc tất cả các sinh vật đều được cấu tạo từ các đơn vị cơ bản là tế bào. Chúng đều có chứa vật liệu di truyền là ADN, đều có các quá trình biến dưỡng, sinh sản.... Nói chung là chúng giống nhau về một số mặt nhất định. Bên cạnh đó các sinh vật lại có nhiều điểm khác nhau. Sự đa dạng của sinh vật cho thấy có một quá trình tiến hóa đã và đang xảy ra. Nói đơn giản, sự tiến hóa là sự thay đổi theo thời gian. Học thuyết tiến hóa giải thích về mối quan hệ giữa các dạng sinh vật khác nhau trên trái đất.

I. Các quan niệm tiến hóa trước Darwin

Các nhà triết học cổ Hy lạp đã cố gắng giải thích tính đa dạng của sinh vật trên trái đất.
Ðáng lưu ý nhất là Aristote (384-322 trước công nguyên). Ông cho rằng tất cả các sinh vật giống như một chuỗi hình dạng, mỗi hình dạng tượng trưng cho một mắt xích đi từ ít hoàn chỉnh đến hoàn chỉnh nhất. Ông gọi chuỗi đó là nấc thang của tạo hóa (scale of nature). Theo quan điểm này, các loài là cố định và không có sự tiến hóa.

Những thành kiến chống lại sự tiến hóa đã được củng cố trong nền văn hóa Cơ đốc giáo bởi Kinh Cựu ước về đấng sáng tạo. Những giáo điều về việc các loài được Chúa tạo ra và bất biến đã ăn sâu vào các quan niệm phương Tây thời bấy giờ. Ngay cả khi học thuyết Darwin xuất hiện, ở Châu Âu và Châu Mỹ vẫn nổi lên thuyết tự nhiên thần luận (natural theology), một thuyết tìm cách khám phá chương trình của đấng sáng tạo bằng cách nghiên cứu tự nhiên. Các nhà tự nhiên thần luận thấy rằng sự thích nghi của sinh vật là bằng chứng cho thấy đấng sáng tạo đã tạo ra mỗi loài theo một mục đích riêng. Mục tiêu chính của tự nhiên thần luận là sắp xếp các loài để phát hiện ra các bước trong bậc thang của sự sống mà Chúa đã sáng tạo ra.

Ðến thế kỷ XVIII, Carolus Linnaeus (1707-1778) là người đã sáng lập ra cách phân loại hiện đại cùng cách mô tả mỗi loài và là người đề xuất ra cách đặt tên đôi cho mỗi sinh vật. Dùng tên loài là đơn vị phân loại Linnaeus đã tìm kiếm mối quan hệ tự nhiên và sắp xếp các dạng sinh vật theo các mức phân loại khác nhau: loài, giống, họ, bô, lớpü. Sự đóng góp của ông về phân loại cho thấy các loài có quan hệ với nhau nhưng ông vẫn giữ quan niệm như một nhà tự nhiên thần luận cho rằng chúa đã sáng tạo ra tất cả các dạng sinh vật và chúng không thay đổi.

Buffon (1707-1788) một nhà Tự nhiên học người Pháp đã lưu ý rằng các hóa thạch cổ ít giống với các dạng hiện nay hơn các hóa thạch mới. Ông đề xuất hai nguyên lý.
Một là những thay đổi của môi trường đã tạo ra những thay đổi của sinh vật. Hai là những nhóm loài giống nhau phải có cùng một tổ tiên. Buffon cũng cho rằng mỗi loài không bất biến mà có thể thay đổi.

Buffon
Vào cuối thế kỷ XVIII, nhiều nhà tự nhiên học cho rằng lịch sử tiến hóa của sinh vật gắn liền với lịch sử tiến hóa của trái đất. Tuy nhiên chỉ có Jean Baptiste Lamarck (1744-1829) là người đã phát triển một học thuyết tương đối hoàn chỉnh về sự tiến hóa của sinh vật. Ông thu thập và phân loại các động vật không xương sống tại Viện Bảo tàng Lịch sử tự nhiên ở Paris. Bằng cách so sánh những loài còn sống với các dạng hóa thạch, Lamarck thấy rằng có sự biến đổi theo trình tự thời gian từ các hóa thạch cổ đến các hóa thạch trẻ hơn dẫn đến các loài hiện tại (các dạng phức tạp hơn xuất phát từ các dạng đơn giản). Lamarck công bố học thuyết tiến hóa của ông vào năm 1809: không còn nghi ngờ gì nữa, tạo hóa tạo ra mọi vật từng tí một và nối tiếp nhau trong thời gian vô hạn định.

Giống như Aristote, Lamarck cũng sắp xếp các sinh vật thành các bậc thang, mỗi bậc gồm các dạng giống nhau. Ở dưới cùng là những sinh vật hiển vi mà ông tin rằng chúng được tạo ra liên tục bằng cách tự sinh từ các vật liệu vô cơ. Ở trên cùng của bậc thang tiến hóa là các động vật và thực vật phức tạp nhất. Sự tiến hóa phát sinh do xu hướng nội tại vươn tới sự hoàn thiện. Khi một sinh vật hoàn thiện, chúng thích nghi ngày càng tốt hơn với môi trường sống.

Lamarck cũng đã đưa ra cơ chế để giải thích làm thế nào sự thích nghi xảy ra. Chúng hợp thành từ hai quan niệm phổ biến vào thời Lamarck. Thứ nhất là việc sử dụng và không sử dụng, là quan niệm cho rằng những phần nào của cơ thể được sử dụng thường xuyên sẽ trở nên lớn hơn và mạnh hơn, trong khi những phần không được sử dụng sẽ bị thoái hoá. Thứ hai là quan niệm về sự di truyền các tính trạng tập nhiễm (inheritance of acquired characteristics). Theo quan niệm nầy, những biến đổi mà sinh vật thu nhận được trong suốt đời sống của chúng có thể di truyền được cho thế hệ sau. Thí dụ kinh điển là sự tiến hóa chiều dài cổ của hưu cao cổ. Theo quan điểm của Lamarck, tổ tiên của loài hươu nầy có cổ ngắn, có xu hướng vươn dài cổ ra để có thể chạm đến những tán lá cây là nguồn thức ăn chính của chúng. Sự thường xuyên vươn dài cổ nầy làm cho con cháu của chúng có cổ dài hơn. Vì các cá thể nầy có cổ vươn dài nên thế hệ kế tiếp sẽ có cổ dài hơn. Cứ tiếp tục như thế, mỗi thế hệ có cổ hơi dài hơn thế hệ trước đó.

Những quan niệm của Lamarck về nguyên nhân tiến hóa có thể tóm tắt như sau:

  1. Một tính trạng có thể thu nhận được thông qua việc sử dụng thường xuyên, và có thể mất đi khi không được sử dụng.
  2. Một tính trạng tập nhiễm (tính trạng thu được do thường xuyên sử dụng) có thể di truyền từ thế hệ nầy sang thế hệ khác. Sự mất đi một tính trạng cũng vậy.
  3. Trong quá trình tiến hóa, các dạng sinh vật phát triển theo hướng ngày càng phức tạp.
  4. Một lực siêu hình trong tự nhiên luôn luôn thúc đẩy quá trình tiến hóa hướng tới sự hoàn thiện.
Về cơ bản, quan niệm tiến hóa của Lamarck là đúng nhưng ông thường không được nhớ đến vì những sự kiện tiến hóa không được chứng minh đầy đủ. Nhiều thí nghiệm cho thấy các tính trạng tập nhiễm không thể di truyền được. Chỉ những thay đổi trong cấu trúc di truyền của các tế bào sinh dục mới có thể truyền từ bố mẹ đến con cái.

II. Học thuyết Darwin

Năm 1859, Charles Darwin (1809-1882) một nhà tự nhiên học người Anh đã đưa ra một học thuyết toàn diện về nguồn gốc của loài do chọn lọc tự nhiên. Theo học thuyết nầy tất cả các sinh vật đa dạng ngày nay là kết quả của một lịch sử tiến hóa lâu dài. Tất cả các sinh vật thường xuyên thay đổi và những thay đổi nầy của mỗi loài giúp cho chúng thích nghi với môi trường sống. Một hệ quả quan trọng của học thuyết nầy là không cần phải giả định về một lực siêu tự nhiên đã sáng tạo ra các sinh vật đa dạng trên trái đất. Một trong các đặc tính chung của sinh vật là khả năng biến dị di truyền. Những biến dị nầy cung cấp nguyên liệu cho sự tiến hóa.

Học thuyết tiến hóa bằng chọn lọc tự nhiên của Darwin bao gồm ba sự kiện và hai kết luận. Sự kiện thứ nhất là khả năng sinh sản to lớn trong tự nhiên. Thí dụ: một con cá hồi đẻ từ 3 đến 5 triệu trứng, một con sò đẻ 60 triệu trứng. Thậm chí voi là một động vật sinh đẻ chậm cũng có khả năng sinh sản khổng lồ. Darwin đã nêu rõ:

Voi là một động vật sinh sản chậm nhất trong tất cả các động vật đã biết, và tôi đã gặp khó khăn để ước lượng tỉ lệ gia tăng tự nhiên thấp nhất của nó; an toàn nhất là giả định rằng nó bắt đầu sinh sản khi 30 tuổi và tiếp tục sinh sản đến 90 tuổi; nếu như thế, sau một thời kỳ từ 740 đến 750 năm, sẽ có khoảng 19 triệu voi con cháu của cặp ban đầu nầy. Sau khoảng 1200 năm, quần thể voi giả thiết nầy có thể vai kề vai, nối đuôi nhau bao phủ toàn bộ bề mặt trái đất.

Nguyên sinh vật Paramecium sinh sản với tốc độ ba lần phân chia mỗi ngày, nếu có đủ thức ăn và các cá thể con sinh ra đều sống sót thì chỉ trong vòng 5 năm sẽ tạo ra một khối lượng gấp 10 lần khối lượng của trái đất. Từ nhiều quan sát, Darwin đã kết luận rằng mỗi sinh vật có khuynh hướng sinh ra nhiều cá thể con hơn là nhu cầu để thay thế cho số cá thể bố mẹ.

Sự kiện thứ hai là mặc dù số lượng cá thể của mỗi loài có xu hướng gia tăng theo cấp số nhân, số lượng cá thể của loài được duy trì tương đối ổn định. Ở nhiều loài, có sự tăng và giảm số lượng cá thể có chu kỳ liên quan đến các mùa trong năm, thức ăn, mật độ của quần thể thú ăn thịt và con mồi... nhưng nói chung số lượng của mỗi loài vẫn duy trì ổn định.

Từ hai sự kiện trên đã đưa đến một kết luận mà Darwin gọi là đấu tranh sinh tồn (struggle for existence) bao gồm không chỉ sự sống sót của cá thể mà cả của loài. Như vậy, có một sự đấu tranh để sinh tồn giữa hàng triệu cá thể con được sinh ra từ một loài cá (giữa cá lớn và cá bé cùng loài) và giữa các loài cá khác nhau sống trong cùng một vùng cư trú.

Sự kiện thứ ba liên quan đến những biến dị cá thể xảy ra trong loài. Thật vậy, có vô số biến dị giữa các cá thể trong cùng một loài. Mặc dù thoạt nhìn thì tất cả các con bò trong một đàn đều giống nhau, nhưng nếu quan sát kỹ sẽ có thể nhận thấy những biến dị cá thể về hình dạng, kích thước, màu lông, nết na...

Từ sự kiện nầy, Darwin đã đưa ra một kết luận thứ hai quan trọng hơn: sự sống sót của các dạng thích nghi nhất dưới tác dụng của chọn lọc tự nhiên. Trong các cá thể biến dị của một quần thể, những cá thể nào có các tính trạng thích nghi nhất với môi trường sẽ có nhiều cơ hội sống sót và sinh sản, con cái cũng mang những đặc điểm biến dị đó.

Ngoài ra Darwin còn cho rằng: tất cả các động vật tương tự nhau phải tiến hóa từ một tổ tiên chung và tất cả các sinh vật phải tiến hóa từ một vài hoặc một tổ tiên chung đã sống cách đây nhiều triệu năm.

Tóm lại học thuyết tiến hóa của Darwin về chọn lọc tự nhiên dựa trên các giả định sau đây:

  1. Số lượng cá thể sinh ra trong mỗi thế hệ nhiều hơn số cá thể được sống sót và sinh sản.
  2. Có sự biến dị trong các cá thể làm cho chúng không hoàn toàn giống nhau về tất cả các đặc tính
  3. Trong đấu tranh sinh tồn, những cá thể mang các tính trạng có lợi sẽ có nhiều cơ hội sống sót và sinh sản hơn là các cá thể mang các tính trạng không có lợi
  4. Một số đặc điểm kết quả của sự sống sót và sinh sản có thể di truyền
  5. Tất cả các loài sinh vật đều tiến hoá từ một vài tổ tiên chung
  6. Cần có một thời gian rất lớn để cho sự tiến hóa xảy ra.
 
  • Like
Reactions: trunghieuak53
Top Bottom