[Vật lý 10] một số kinh nghiệm thi TN môn Vật Lí

K

kunngocdangyeu

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Thư viện xin giới thiệu đến các bạn bài viết chia sẽ kinh nghiệm về học và thi trắc nghiệm môn vật lý của tác giả Dương Văn Đổng. Hiện nay, trong các kì thi tốt nghiệp PTTH, tuyển sinh ĐH, CĐ, các môn thi bằng hình thức trắc nghiệm, các câu hỏi trắc nghiệm thường sử dụng là loại câu trắc nghiệm nhiều lựa chọn (4 lựa chọn) .
Loại câu trắc nghiệm này có hai phần: phần đầu là phần dẫn, phần sau là các phương án trả lời. Trong các phương án chọn, chỉ có duy nhất một phương án đúng hoặc phương án đúng nhất; các phương án khác là phương án có tác dụng “gây nhiểu” hay còn gọi là “mồi nhữ” (từ dùng của quí thầy cô ở trường ĐHSP Hồ Chí Minh).
Trong một đề thi sẽ có một số câu dễ và một số câu khó để phân thứ bậc cho các sĩ tử.
Câu dễ là những câu kiểm tra lí thuyết đơn thuần hoặc tính toán đơn giản với "mồi nhữ" không mấy hấp dẫn.
Câu hơi khó là câu cần phải có sự suy luận, tính toán kĩ lưỡng với các "mồi nhữ" hấp dẫn.
Câu cực khó là câu cần phải có sự đầu tư sâu rộng. Nếu đó là câu lí thuyết thì đòi hỏi phải hiểu rỏ vấn đề và suy luận đúng hướng, trong câu đó sẽ có những "mồi nhữ" cực kì hấp dẫn. Nếu đó là câu hỏi cần phải có sự tính toán thì đó là sự tính toán khá phức tạp, các "mồi nhữ" là các số liệu khá có lí.
Khi học và làm bài thi trắc nghiệm nên lưu ý đến một số điều sau:
1. Đọc, hiểu rồi tự tóm tắt những kiến thức cơ bản của từng bài trong sách giáo khoa. Kiến thức cơ bản thì có thể thầy cô giảng dạy đã hệ thống lại hoặc sách tham khảo đã viết nhưng tự mình làm rồi so sánh, điều chỉnh, bổ sung thì hay hơn.
Đặc điểm của một đề thi trắc nghiệm là khả năng bao quát khá rộng nên khi học chúng ta không thể bỏ qua bất cứ một bài nào, phần nào trừ những những phần, những bài đã được giảm tải.
Khi giảng dạy, hướng dẫn học sinh ôn tập, quí thầy cô nên lưu ý cho học sinh điều này để học sinh không học tủ, học lệch. Thầy cô cũng nên chỉ cho học sinh biết những phần, những bài đã được giảm tải để học sinh khỏi mất thời gian học những phần, những bài không cần thiết.
2. Giải các bài tập tự luận theo từng chủ đề, qua mỗi bài tự luận, rút ra một kết luận, một cách giải nhanh, một công thức tính toán nhanh cho một trường hợp tương tự nào đó.
Khi giảng dạy, hướng dẫn học sinh ôn tập, quí thầy cô nên hướng dẫn cho học sinh cách giải nhanh một số dạng bài tập và lập công thức tính nhanh cho một số trường hợp thường gặp để từ đó học sinh có thể thực hiện cho các trường hợp tương tự.
Ví dụ: Cho quang hệ gồm hai thấu kính L1 và L2 có tiêu cự f1 = 20cm, f2 = -10cm đặt đồng trục, cách nhau một khoảng O1O2 = l. Đặt trước L1 (theo chiều truyền của ánh sáng) vật sáng AB vuông góc với trục chính của hệ. Xác định l để số phóng đại ảnh qua hệ không phụ thuộc vào vị trí đặt vật AB. Tính số phóng đại trong trường hợp đó.
A. l = 30cm; k = 2. B. l = 10cm; k = 0,5.
C. l = 10cm; k = 2. D. l = 30cm; k = - 0,5.
Rõ ràng đây thuộc dạng là câu cực khó. Nếu chưa giải hoặc giải rồi mà chưa rút ra được công thức riêng thì có thể nói là bó tay.com vì giải bài này bài bản để tính ra kết quả cuối cùng không dưới 10 phút.
Tuy nhiên từ câu cực khó trở thành là câu dễ nếu đã giải bài tập tự luận dạng này và rút ra được (hệ vô tiêu) l = f1 + f2 và k = -f1/f2 .
3. Trong phòng thi. Phiếu trả lời trắc nghiệm chính là “bài làm” của thí sinh. Thí sinh phải ghi đầy đủ các mục theo qui định bằng mực khác màu đỏ. Phải tô đúng số báo danh của mình theo qui định.
Để “làm bài” thí sinh phải đem vào phòng thi bút chì đen (loại mềm 2B, …, 6B), cục tẩy và dụng cụ để gọt bút chì. Nên đem vài cây bút chì đã gọt sẵn để “phòng hờ bất trắc” khi làm bài hoặc “ra tay cứu độ” cho “bằng hữu” (điều này không vi phạm nội qui trường đấu). Không nên gọt bút chì quá nhọn để việc tô đáp án nhanh hơn, tránh làm rách phiếu trả lời. Nên dùng một cục tẩy rời thay vì dùng tẩy ở đuôi bút chì để tiết kiệm thời gian.
4. Khi nhận được đề thi phải kiểm tra xem đề thì có đủ số lượng câu như yêu cầu không, chữ có bị mờ, mất nét và mã đề thi ở các trang có giống nhau hay không.
Phải tô mã đề thi đúng theo qui định. Nếu không tô hoặc tô sai thì xem như “vứt đi” vì “máy” chấm chứ không phải như thầy cô chấm bài kiểm tra mà đi năn nĩ rằng “em quên” kính mong thầy cô “thông cảm”. “Máy” sẽ “thông cảm” cho em vào “kì thi sau” !!!.
5. Khi làm bài nên cẩn thận tô kín câu trả lời đúng, không tô nữa vời hoặc gạch chéo vào ô lựa chọn. Nếu muốn sửa lại thì phải tẩy sạch lựa chọn cũ, tô lại lựa chọn mới.
Trong một câu mà có hai lựa chọn là phạm qui, “máy” sẽ loại không chấm câu này.
6. Thời gian làm bài với đề thi 40 câu thường là 60 phút, đề thi 50 câu thường là 90 phút. Như vậy khoảng thời gian làm bài dành cho một câu trung bình chưa tới 2 phút. Trong quá trình làm bài, nếu đọc một câu nào đó hơn 2 lần mà chưa trả lời được thì thì có thể dùng phương pháp loại trừ hoặc phỏng đoán để chọn lấy một câu trả lời và nên ghi chú lại để sau này quay trở lại nếu còn thời gian.
* Phỏng đoán là dựa vào kiến thức của mình mà phân tích, tổng hợp, phán đoán để lựa chọn câu đúng.
Ví dụ: Có thể làm cho một khối lượng chất phóng xạ biến đổi thành chất khác nhanh hơn bằng cách
A. đưa khối chất phóng xạ đó vào từ trường mạnh.
B. đưa khối chất phóng xạ đó vào điện trường mạnh.
C. nung nóng khối chất phóng xạ đó.
D. hiện nay chưa có cách nào để thực hiện điều đó.
Ta thấy khối lượng chất phóng xạ biến đổi thành chất khác nhanh hay chậm phụ thuộc vào chu kì bán rã T mà lâu nay chưa thấy có trường hợp nào nói đến việc thay đổi T cả nên phương án lựa chọn phải là D.
* Loại trừ là phân tích, suy luận, loại các câu sai, còn lại câu đúng.
Ví dụ: Một vật có khối lượng m = 200g thực hiện đồng thời hai dao động điều hòa cùng phương cùng tần số với các phương trình dao động là x1 = 4sin(10t +Pi/3 )(cm) và x2 = A2sin(10t + Pi), biết cơ năng của vật là E = 0,036J. Hãy xác định A2
A. 2cm. B. 6,9cm.
C. 10cm. D. 12cm.
Với câu này thì việc đầu tiên ta phải tính được biên độ dao động tổng hợp là 6cm sau đó phải lập và giải phương trình bậc 2 để tính A2. Việc lập và giải phương trình bậc 2 mất khá nhiều thời gian nên ta có thể dùng phương pháp loại trừ để tìm ra đáp án đúng. Trước hết loại trừ phương án D vì A1 + A2 >= A >=|A1 – A2|, sau đó loại trừ luôn phương án C và A vì đây không phải là hai dao động cùng pha (A = A1 + A2 = 10cm), cũng không phải là hai dao động ngược pha (A = |A1 – A2| = 2cm).
* Với câu sau: Một vật phẵng E cách màn A một khoảng L = 125cm. Cố định vật và màn, đặt một thấu kính trong khoảng giữa vật và màn, song song với vật và màn. Di chuyển thấu kính trong khoảng giữa vật và màn người ta tìm được hai vị trí của thấu kính cho ảnh rỏ nét trên màn, hai vị trí đó cách nhau một khoảng l = 75cm. Tiêu cự của thấu kính là
A.-20cm. B. 20cm.
C. 50cm. D. 200cm.

Nếu ta đã giải và tìm được công thức f =(L^2-l^2)/4L thì việc áp dụng công thức đó là vấn đề quá đơn giãn, còn nếu chưa biết được công thức đó thì cũng không nên giải bài này theo cách thông thường vì rất mất thời gian. Trước hết hãy loại trừ hai phương án A và D vì cả hai trường hợp này đều cho ảnh ảo không thu được trên màn, sau đó vẽ ra trên giấy nháp và lập luận thêm một bước nữa để loại trừ phương án C.
7. Không nên nháp lên đề thi (nháp lên phiếu trả lời lại càng không được vì phạm qui).
Đừng quên tô hoặc tô nhầm vào phiếu trả lời trắc nghiệm. Làm đến câu nào thì dùng bút chì tô đúng vào câu đó trên phiếu trả lời trắc nghiệm, không đánh dấu vào đề thi hoặc ghi ra ngoài nháp rồi tô sau vì sẽ mất thời gian và có thể bị nhầm lẫn.
8. Phải xem số liệu tính toán được có phù hợp với những kiến thức đã biết không. Chẳng hạn bước sóng của ánh sáng tìm được trong các thí nghiệm về giao thoa là ánh sáng nhìn thấy (0,76mm >=lamda>=00,40mm). Khi tính bước sóng của ánh sáng dùng trong thí nghiệm giao thoa mà vượt ra ngoài giới hạn này thì cần xem lại cách bấm máy tính. Việc bấm máy tính cũng rất dễ nhầm lẫn vì vậy khi bấm xong nên ghi kết quả ra giấy nháp, bấm lại một lần nữa rồi so sánh cho “chắc ăn”.
9. Không nên dừng lại quá lâu trước một câu trắc nghiệm nào đó. Nếu không làm được câu đó thì thì nên tạm thời bỏ qua để làm câu khác; cuối giờ có thể quay trở lại để làm câu đã bỏ qua nếu còn thời gian. Nếu cuối cùng không làm được một số câu nào đó thì cũng đừng bỏ trống những câu này mà hãy tô chọn một lựa chọn cho mỗi câu, dù sao cũng vẫn còn 25% “ân huệ” đừng bỏ đi “uổng lắm”.
10. Một điều cần lưu ý nữa là trong các đề thi tuyển sinh có phần chung cho tất cả các thí sinh phần riêng của từng ban. Ở phần riêng thí sinh chỉ được chọn một phần để làm, tuyệt đối không được làm cả hai phần vì như thế là phạm qui (có thể bị điểm 0 cho toàn bài). Đừng thấy thừa thời gian mà thử sức làm thêm phần không phải dành cho mình, coi chừng “rớt đài” “oan mạng”.
Trên đây là một số kinh nghiệm đơn sơ đưa ra để quí đồng nghiệp và các em học sinh tham khảo. Hi vọng rằng mấy “chiêu thức” “cỏn con” này có thể giúp ích được phần nào đó cho các thí sinh khi bước vào phòng thi. Chúc may mắn.
 
Last edited by a moderator:
Top Bottom