Cô văn của con nhé ~ con nộp bài Kiều (comment dưới)
Đề bài : Bút pháp miêu tả thiên nhiên trong truyện Kiều
Ý chính ~
“Sự phán đoán cái đẹp đã không phân minh, trông cái đẹp đã không biết được đẹp vì cái gì, thời đứng trước cảnh thiên nhiên làm sao phân tích cho được vẻ đẹp của tạo vật? Đã không phân tích được những vẻ đẹp, thời tình cảm dù có cũng hồ đồ, như thế văn miêu tả, tất cũng mập mờ không đúng được”. Thơ văn miêu tả, đặc biệt là thơ văn miêu tả thiên nhiên, thực chất là những bức họa phẩm kỳ công được tạo nên từ ngòi bút, hay nói khác đi, người làm văn “dùng chữ” mà họa lên cảnh vật. Mà đã là “họa trong thơ” thì trước nhất, khung cảnh được thi nhân phác ra phải khiến kẻ đọc hình dung được mà “sinh cảm sinh tình”. Nói đến nghệ thuật miêu tả thiên nhiên trong thi văn, ta không thể không nói đến Nguyễn Du – bút pháp “họa cảnh trung thi” của ông được thể hiện rõ nét nhất trong tuyệt tác gồm hơn 3000 câu thơ – Truyện Kiều.
Đọc truyện Kiều, ta chớ nên coi thiên nhiên chỉ là bức phông nền phụ họa cho nhân vật – xuyên suốt hơn ba ngàn câu thơ trong Truyện Kiều, câu thơ nào cũng phảng phất bóng thiên nhiên – thiên nhiên ấy thực sự đã trở thành một trong những nhân vật chính không thể thiếu, nó hiện diện nhưng lặng lẽ, âm thầm, kín đáo – thiên nhiên yêu con người trong thơ, nó là người bạn sẻ chia, thấu hiểu nỗi lòng người.
-Cảnh sắc trong truyện Kiều luôn biến hóa khôn lường và hiện ra dưới đủ hình hài, màu sắc, nét vẽ thì nét nào cũng gọn gàng, ít nét, chứa chan tình – vậy mà đọc ta tưởng như cả một khung cảnh thiên nhiên tráng lệ huy hoàng đang dựng ngay trước mắt – Nguyễn Du quả là một nhà danh họa đại tài. Cảnh vui buồn, xuân-hạ, ngày-đêm, gặp gỡ hay chia ly, trong con mắt thi nhân đều rất đỗi nên thơ :
Thoáng bóng xuân sang, ngắm trời đầy én liệng, người phóng bút, họa lên bức họa rất thần :
Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi..
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa../
Hai câu thơ cùng nằm trên mặt bằng cảm nghĩ, nếu cặp câu “cỏ non…” là cái nhìn không gian, thì cặp thơ trước đó ( “Ngày xuân..”) là góc nhìn thời gian. Ta không nên hiểu “ngày xuân con én đưa thoi” là khung cảnh én liệng như thoi đưa trên bầu trời trong sáng. Với người con gái ngày đầu được dự tiết thanh minh, ngày xuân sao trôi nhanh như cánh én: mới dạo đầu xuân qua, tính ra đến hôm nay đã “ngoài sáu mươi”, nắng đẹp mùa xuân đã tỏa hết hai phần, lòng rạo lên một niềm nuối tiếc.Thời gian – khái niệm trừu tượng đã được thi nhân khéo léo “hình tượng hóa”. Câu thơ không quá gấp gáp, vội vàng, vậy mà ta vẫn cảm nhận được cái trôi chảy vùn vụt không ngừng của thời gian. Cái sốt ruột của tuổi trẻ, của thi nhân là một cái “sốt ruột thời đại”, chẳng vậy mà trăm năm sau, đọc “Vội vàng” của Xuân Diệu, ta cũng tìm được những vần thơ tương tự:
Tôi không đợi nắng hạ mới hoài xuân
Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già…
Vần thơ tuy khác nhau, nhưng quả là có sự trùng hợp bất ngờ giữa lòng của hai con người, hai thời đại.
Bút phác nét, cả cánh cửa mùa xuân mở ra với bao nhiêu tầng bậc, sắc màu tương phản mà hài hòa, nét vẽ sắc nét nhưng cung đầy lung linh, ảo mộng – những câu thơ tả cảnh ấy xứng đáng được ngợi ca như bức họa văn chương “vô tiền khoáng hậu”. Mỗi câu thơ đều mang cái hơi thở ấm nồng, trong lành, thanh khiết của mùa xuân – cỏ non tiếp nối trời xanh, nổi bật lên là “điểm” của đôi vài bông lê trắng – tất cả như cùng phụ họa cho nhau mà cùng nổi bật, lời thơ êm ái nhẹ nhàng, như chở cả khí xuân đang vương vất trong hơi cỏ, trong hương lê bay lên cao mãi – sự thay đổi trật tự câu chữ thông thường từ “trắng điểm” thành “điểm trắng” đã thổi vào cái thần cho bức họa phẩm, mở ra thế giới đẹp đẽ, lung linh, hồn người như lâng lâng say trên dập dờn những hoa và sóng cỏ - trong không gian tinh khôi, ta thấy lấp lánh nụ cười phong nhụy của mùa xuân ~ đó quả là một trong những mùa xuân đẹp nhất trong lịch sử văn học Việt.
Tả mùa hạ, thi nhân tả ba lần những không lần nào giống lần nào cả:
Lần lần ngày gió đêm trăng
Thưa hồng rậm lục đã chừng xuân qua
Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông
Mải vui rượu sớm trà trưa,
Đào đà phai thắm, sen đà nảy xanh..
Hạ cụ tả không kỹ bằng sắc xuân trên kia, bởi, những câu trên cốt kể chứ không thiên về tả. Dẫu vậy, qua vài nét phác với hình ảnh đào biếc phai, lá xanh chồi ( thưa hồng rậm lục), với “tiếng quyên”, với “lửa lựu lập lòe” hay “sen đà nảy xanh”, ta cũng thấy rõ mồn một cái bóng hè sang. Cũng như vậy, mùa thu cụ chỉ chấm phá vài nét thôi mà ta ngỡ như cả trời thu như hiện ra trước mắt:
Nửa năm hơi tiếng vừa quen, sân ngô cành bích đã chen lá vàng
Hình ảnh lá ngô đồng thu sang trong thơ văn tưởng đã nhàm, đã cũ, vậy mà bằng bút pháp của thi nhân, nó hiện ra, đầy mới mẻ và đẹp đẽ biết bao, hay :
''Vi lô san sát hơi may
một trời thu để riêng ai một mình''
'' Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng Phong thu đã nhuốm màu quan san''.
Như lúc thi nhân tả đông, từng ý thơ như nhuốm cái lành lạnh của ngày giá, vương vương cái ảm đạm của những ngày buồn :
Đòi phen gió tựa hoa kề
Nửa rèm tuyết ngậm bốn bề trăng thâu.
-Cảnh thiên nhiên trong Truyện Kiều luôn nhuốm nặng nỗi niềm con người, đọc thơ mà cảnh như tan ra, tất cả những gì đọng lại trong lòng ta là lòng người được đặt trong một không gian hoàn toàn đồng điệu. Nguyễn Du không ép thiên nhiên phải hiểu nỗi lòng người như thi sĩ cổ, thi nhân tự nhiên cho cảnh tìm đến người, và người bước “lần” đến cảnh. Cảnh – người, đó là cả hai đối tượng mà thi nhân hướng tới – họ như người bạn tri kỷ tri âm, cùng vui cùng buồn, họ tìm đến nhau để tạo nên sự hòa hợp hai chiều tuyệt vời – trong cảnh có người – trong lòng người lại nhuốm màu cảnh vật. Sự kết hợp giữa tâm thức và thứ vô tri đã thổi vào cảnh vật một sức sống mãnh liệt, để cảnh vật mang những xúc cảm riêng tư ~ người và cảnh , hai là một, mà một tựa như hai, Nguyễn Du đã có câu tuyên ngôn về sự giao hòa hiếm có ấy
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
Dẫn chứng :
Ví như khi Kiều trở về nhà sau tiết thanh minh
Tà tà bóng ngả về Tây
Chị em thơ thẩn dan tay ra về
Bước dần theo ngọn tiểu khê
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh
Nao nao dòng nước uốn quanh
Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang
Câu thơ không chỉ họa ra rõ cái buổi chiều xuân, đồng điền tĩnh mịch, cảnh vật thanh thanh, mà nó còn gợi ra những tâm tình của khách du xuân trở về.
8 câu thơ cuối trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích.
Tám ý thơ không đơn thuần tả cảnh, cảnh mở ra là để dẫn dắt người đọc đến một thế giới nội tâm lung linh xúc cảm : Mọi nét bút của thi nhân đều bắt đầu bằng hai chữ “buồn trông”, cái “buồn” vời vợi của người con gái xa nhà ấy đã trở thành điệp khúc chủ đạo, thành mạch nguồn xuyên suốt tám câu thơ. Bức tranh “nửa tình nửa cảnh” thiên biến nhiều nét vẽ, mỗi nét một sắc, mỗi nét một hình, song nét nào cũng bâng khuâng tâm trạng :
Cánh buồm chiều thấp thoáng trôi trong một bể khói sương: mở khoảng lặng cho nỗi nhớ nhà, nhớ song thân ùa về, thẳm thẳm nỗi niềm lẻ loi, đơn độc.
Sắc hoa trôi man mác giữa ngọn nước mới sa : nỗi lo số phận chìm nổi lênh đênh, còn đâu nữa những ngày “trướng rủ màn che” êm ấm.
Nội cỏ rầu rầu : nỗi buồn bàng bạc vỡ òa ra cả không gian
Dội lên một tiếng sóng gầm kinh hãi : điềm báo những giông tố sắp nổi cuốn lấy cuộc đời nàng.
~> Tiếng sóng gầm như nốt nhấn dự dội, kinh hoàng, khép lại bản ca bi kịch ở lầu Ngưng Bích
Hay:
Dưới cầu nước chảy trong veo
Bên cầu tớ liễu bóng chiều thiết tha
Âu ta ngỡ như cảnh vật là người bạn tâm tình luôn am hiểu lòng nhân vật.
- Thiên nhiên trong thơ Nguyễn Du đầy màu sắc
Một vùng cỏ mọc xanh rì
Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu
Hay :
Sè sè nắm đất bên đường
Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh
Hoặc :
Long lanh đáy nước in trời, thành xây khói biếc non phơi bóng vàng..
Nguyễn Du rất chú trọng sắc màu trong khi tả cảnh sắc, dầu vậy, màu sắc của thi nhân thường nhuốm buồn.
-Thơ văn tả thiên nhiên, người dùng nhiều điển tích , điển cố, và hơn cả là từ ngữ dân gian – tính dân tộc đã trở thành nét đặc sắc tiêu biểu :
Có câu “cỏ áy” gì gì đấy, >”< Ai còn nhớ câu ấy, xin bổ sung giúp tớ
Hoặc các điển tích thường gặp : sân Lai, gốc Tử,vv..
Kết :
“ Giá trị văn chương tả cảnh của Nguyễn Du đã đạt tới mức tinh diệu để chỉ riêng một lãnh vực tả cảnh không thôi, cũng đủ truyện Kiều không hổ thẹn để xứng đáng là một tác phẩm văn chương quốc ngữ hay nhất trong kho tàng văn học của nước ta. Chúng ta sở dĩ yêu chuộng truyện Kiều không phải nó có thể làm quyển sách luân lý cho đời , mà chỉ vì trong sách ấy, Nguyễn Du đã dùng những lời văn kỳ diệu để rung động tâm hồn ta...” ( Khảo Luận về Kim Vân Kiều).”