Nhiều người đều thừa nhận rằng, hiếm thấy ở nơi đâu trên đất nước Việt Nam lại có vị trí và địa thế đẹp như ở đất Thăng long – Hà Nội. Đây là nơi tụ thuỷ, tụ nhân, nơi mà truyền thuyết kể lại rằng có Rồng bay. Chính vì thế đất đẹp “trời cho” như thế, nên vào mùa thu năm 1010, vua Lý Thái Tổ đã ban Chiếu dời đô từ Hoa Lư – Ninh Bình về thành Đại La và đổi tên là thành Thăng Long. Nhà vua chọn nơi đây làm kinh đô của nước Đại Việt, với ý nguyện mong muốn xây dựng kinh đô cho muôn đời ngày càng phồn thịnh theo thế Rồng bay lên. Và quả thật, tạo hoá đã ban tặng cho nơi đây có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển văn hoá, kinh tế, chính trị. Điều này đã được chứng minh trải qua mười thế kỷ.
Với bao biến đổi thăng trầm của lịch sử, Thăng Long xưa và Hà Nội nay vẫn luôn khẳng định là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá lớn của nước Việt Nam. Thăng Long - Hà Nội tới nay sắp tròn ngàn năm tuổi. Trải qua nhiều triều đại, nơi đây đã tiếp nhận rất nhiều những giá trị tinh tuý văn hoá của mọi vùng miền đất nước và xa hơn nữa là của bạn bè quốc tế năm châu. Với bản lĩnh và những nét tài hoa của người Thăng Long - Hà Nội, nền văn hoá nơi đây đã nhân lên những điều hay, xoá đi những điều dở, tạo nên một nền văn hoá có bản sắc riêng đầy quyến rũ, đó là văn hoá “Tràng An”. Không chỉ những người sống ở Hà Nội, hay những người yêu Thủ đô mới có tình cảm sâu sắc với Hà Nội, mà tất cả những ai đã từng đặt chân đến nơi đây, hoặc đã nghe kể về lịch sử, về những đặc điểm rất riêng của Hà Nội, cũng như đã từng tìm hiểu những nét hết sức tinh tế của con người Tràng an đều trân trọng những nét văn hoá đẹp đến xiêu lòng ở vùng đất Thăng Long.
Chính những nét đẹp văn hoá cùng với những chiến công hiển hách của Thăng Long - Hà Nội từ xưa đến nay, mà người Việt Nam mãi mãi không thể nào quên câu thơ đầy cảm xúc “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” của tướng quân Huỳnh Văn Nghệ đã đi vào tâm thức của mỗi người. Điều mà mỗi chúng ta chia sẻ cùng với tác giả là nỗi nhớ nhớ Hồ Gươm, nhớ tháp Rùa, tháp Bút, đó là những biểu tượng đặc trưng cho văn hóa và tâm linh của người Hà Nội. Không những thế, Thăng Long – Hà Nội từ ngàn năm nay đã sản sinh ra biết bao văn nhân, sĩ phu và nhân tài cho đất nước. Cho đến tận bây giờ, Hà Nội vẫn là nơi quy tụ những anh tài tuấn kiệt từ khắp bốn phương để cùng với nhân dân cả nước vững bước trên con đường hội nhập.
Có thể nói, Hà Nội với bao giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể quý giá mà các bậc tiền nhân để lại, xứng đáng là trung tâm văn hoá của Việt Nam. Thủ đô Hà Nội - trái tim của đất nước, thành phố vì hoà bình đã được biết đến với những tinh hoa được chắt lọc từ văn hoá ngàn năm, từ muôn phương kết tụ. Là đất Kinh đô ngàn năm văn hiến, văn hoá Hà Nội là nơi hội tụ và kết tinh biết bao những giá trị văn hoá tinh hoa của mọi miền Tổ quốc. Cùng với sự tiếp biến văn hoá của bốn phương, hệ thống di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của vùng đất này ngày càng được làm giàu thêm, làm cho văn hoá nơi đây càng thêm phong phú, đa dạng, nhưng vẫn mang đậm bản sắc văn hoá đất Tràng An. Tinh hoa văn hoá của đất Kinh kỳ được biểu hiện qua những di sản văn hoá, nó phản ánh một cách chân thực truyền thống sinh hoạt của người Thăng Long - Hà Nội xưa và nay.
Từ xưa đến nay người dân Thăng Long - Hà Nội luôn tự hào là đã có nhiều người đỗ đạt cao, là nơi quy tụ của nhiều nhân tài trong cả nước, chính vì vậy mà nơi đây để lại một kho tàng tri thức, văn hoá đồ sộ cho dân tộc, chẳng thế mà người ta gọi Thăng Long là đất ngàn năm văn hiến. Những tinh hoa về văn hoá của đất Thăng Long xưa đã để lại cho đời nay những di sản vô cùng quý giá thì không thể nào kể hết và bổn phận của những người hậu thế phải trân trọng, biết ơn, bảo tồn và giữ gìn những nét đặc sắc văn hoá ấy.
Khi nói tới văn hoá người ta không thể không nhắc đến tính cách của con người và ở đây là tính cách của con người Thăng Long - Hà Nội xưa và nay. Qua nghiên cứu và cảm nhận của một số nhà nghiên cứu, cũng như nhiều người đã sống lâu năm ở Hà Nội, khi nói và viết về tính cách người Hà Nội xưa và nay, đã làm cho không ít người phải trầm tư, trăn trở. Tuy không phải tất cả những người Hà Nội đều như thế và cũng không phải một người chứa đựng tất cả những đức tính tốt hay xấu như vậy, với cách trình bày tổng quát không ám chỉ vào ai, các tác giả muốn nói lên tất cả những tính cách của con người Hà Nội. Những tính cách này có thể có ở người này nhưng không có ở người kia. Vì vậy, những điều trình bày ở đây về tính cách của người Hà Nội cũng chỉ là sự sưu tầm những nhận xét của các bậc tiền nhân và của một số nhà nghiên cứu, cũng như muốn truyền tải cảm nhận của một số người đã gắn bó nhiều năm với Hà Nội.
Hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, những năm gần đây, thành phố Hà Nội đã và đang tuyên truyền và từng bước khôi phục những giá trị văn hoá truyền thống, phát triển văn hóa và xây dựng nhân cách người Hà Nội văn minh, thanh lịch, hiện đại. Nhưng theo đánh giá của các cơ quan chức năng và của cả nhiều người dân thì kết quả thực hiện cho đến hiện nay vẫn chưa được như mong muốn. Vì vậy, chúng ta cần có những biện pháp tích cực hơn nữa để nâng cao nhận thức của mọi người, mà bắt đầu thực hiện từ trên xuống dưới, từ đảng viên tới quần chúng, từ trong nhà trường đến gia đình và xã hội. Chúng ta cần xử lý nghiêm khắc những phần tử thoái hoá biến chất trong các cơ quan công quyền, cơ quan hành chính sự nghiệp những cán bộ chỉ nói mà không làm. Kiên quyết loại trừ các thói hư tật xấu, các hủ tục đã tồn tại khá lâu và đang có nguy cơ phát triển trong nhân dân. Thực hiện nghiêm các qui định của Đảng và Nhà nước, quyết tâm làm lành mạnh hoá các hoạt động văn hoá, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên mắc sai phạm trong những qui định về nếp sống văn hoá. Nếu làm được như vậy thì chắc chắn văn hoá và tính cách người Hà Nội sẽ có những chuyển biến tích cực, xứng đáng với những kỳ vọng của nhân dân cả nước
Nguồn:tuyengiao.vn