Ngày nay, trong giới học sinh cũng như mọi người, trò chơi điện tử đã quá quen thuộc, nó đã trở thành một thú vui tiêu khiển giết thời gian cực kì hấp dẫn. Cùng với sự phát triển tốc độ của trò chơi điện tử đã làm nhiều người phải kinh ngạc, thì kéo theo đó là những tác hại, khuyết điểm của nó khiến các bậc phụ huynh phải quan tâm. Một trong số tác hại đó là khiến nhiều bạn vì mãi chơi game mà sao nhãng việc học tập, mắc những sai phạm lớn.
Vì sao các bạn trẻ ngày nay lại thích trò chơi điện tử đến vậy? Là vì tính hấp dẫn của nó. Đây là một thú vui tiêu khiển rẻ tiền, dễ chơi với những âm thanh được đồ họa rất sống động, bắt mắt, mới lạ, hợp với tính cách của giới trẻ. Về một khía cạnh nào đó, trò chơi điện tử mang lại cho chúng ta một số ích lợi. Chơi trò chơi điện tử giúp chúng ta rèn luyện tư duy, nhạy bén, xử lí các tình huống một cách sáng tạo và khéo léo. Hơn thế nữa, nó tạo cho chúng ta sự kiên trì, nhẫn nại. Một điều rất quan trọng để tcdt cuốn hút bạn trẻ là sự hồi hộp khi chơi. Càng chơi, các bạn càng thích thú hơn, càng tò mò hơn, và càng thỏa mãn tính hiếu thắng khi chơi thắng một trò chơi nào đó, rất phù hợp với tâm lí tuổi mới lớn, ưa khám phá, thích thú trước những điều mới lạ.
Không những thế, ngoài mục đích chính là để giải trí, nó còn giúp ta mở rộng quen biết với mọi người bởi tính cộng đồng của tcdt rất cao, nhất là các trò chơi trực tuyến. Chơi game giúp ta rèn luyện tính cách. Đặc biệt là các game hóa thân vào nhân vật. Thế giới trong game như một xã hội ngoài đời thu nhỏ, cũng có cái thiện, cái ác, cái tốt, cái xấu do đó bạn phải biết "gạn đục khơi trong", gặp người xấu thì làm thế nào, gặp người tốt thì phải làm sao, .....Một số tcdt du nhập từ nước ngoài vào, do đó khi chơi chúng sẽ giúp bạn trau dồi vốn từ tiếng anh của mình. Bên cạnh đó, chơi game còn mang lại cho một số người những nguồn lợi lớn. Chẳng hạn như bạn L hay B ở TP HCM, hằng ngày kiếm tiền bằng việc chơi thuê, mua bán đồ ảo, hơn thế, họ còn mở hẳn cả 1 công ty chơi game thuê. Tóm lại, tcdt được ví như một món ăn tinh thần của bạn trẻ hiện nay. Và một số game online đang được ưa chuộng hiện nay là Võ Lâm Truyền Kì, thiên Long bát Bộ, MU…
Bất cứ việc gì cũng có 2 mặt - lợi và hại. Sau một quá trình phát triển, trò chơi điện tử cũng đã bộc lộ những khuyết điểm không đáng có của nó . Nhưng nguyên nhân chính là do người chơi không tự làm chủ, điều khiển được bản thân mình để sa đà vào game đến mức không thể dứt ra được. Thực tế hiện nay, có nhiều bạn trẻ vì quá ham mê “món ăn tinh thần” này mà bỏ bê việc học, quên đi nhiệm vụ chính của mình. Phần lớn thời gian, các bạn dành vào việc chơi game nên không còn thời gian ngó ngàng gì tới quyển vở chứ đừng nói là học bài, làm bài, ôn bài. Tình trạng đó kéo dài lâu ngày dẫn đến kiến thức ngày càng mơ hồ, mông lung. Bởi kiến thức cũ chưa nắm được thì kiến thức mới lại đến.
Chơi game nhiều sẽ làm đầu óc trở nên mê muội. Để giải thích cho việc này, các bạn hãy nhìn lại luận điểm trên, bạn sẽ suy ra được ngay thôi. Một ngày hết 1/3 thời gian cắm cúi trong trò chơi điện tử, đầu óc chỉ nghĩ đến game thì thử hỏi thời gian đâu bạn có thể thư giãn, có thể đọc báo, chơi thể thao, hay ít ra là giải trí với bạn bè. 2/3 thời gian còn lại bạn đã phải giành cho ngủ, ăn và những sinh hoạt ngày thường, thì thử hỏi liệu đầu óc của bạn đến đâu? Lại còn thức khuya. Đối với các game thủ, chơi trắng đêm là một khái niệm hết sức bình thường. Những ai học sinh học cũng biết khi người ta không ngủ đủ giấc, hoặc thức đêm nhiều thì đầu óc cực kì mệt mỏi. Dẫn đến tình trạng ngủ gà ngủ gật trong lớp, uể oải…, và hậu quả thấy rõ nhất là kết quả học tập sa sút.
Chơi trò chơi điện tử mang những hình ảnh bạo lực hoặc không phù hợp với lứa tuổi sẽ làm cảm xúc của con người bị tê liệt, và sau khi không còn cảm xúc về bạo lực nữa, bạn sẽ thực hiện nó một cách dễ dàng. Có rất nhiều bạn nhiễm tính bạo lực ấy và áp dụng nó vào cuộc sống hằng ngày với tất cả mọi người. Điển hình và vụ một thanh niên trẻ người Thái lan đã giết một anh lái taxi vì bắt chước trò chơi điện tử mà người thanh niên ấy đang chơi.
Nói về vấn đề kinh tế, trò chơi điện tử tác hại vô cùng ngay cả với gia đình có kinh tế khá giả. Khi quá đam mê, không có tiền để chơi, họ sẽ làm gì? Nói dối bố mẹ để có tiền đi chơi, nối dối thầy cô để cúp học bỏ tiết. Nếu bố mẹ không cho tiền, họ sẽ lấy cắp đồ đạc trong nhà đi bán, táo tợn hơn, họ còn trấn lột, trộm đạo… thậm chí gây án mạng để có tiền thoả mãn thú vui chơi. Điển hình là một bạn 14 tuổi ở HN, đã trèo vào nhà người dân rồi giết hại họ để cướp tài sản lấy tiền chơi game.
Về vấn đề sức khỏe. Chơi game nhiều gây hại cho sức khỏe là điều không cần bàn cãi. Hầu hết các game hiện nay đều đã mất đi chức năng vốn có của nó là giải trí, thay vào đó là sự cạnh tranh, dễ gây nghiện, gây tác hại ít nhiều đến người chơi. Những tác hại này gồm gây căng thẳng, cận thị, một số bệnh về xương (như đau cột sống), phản ứng chậm, lười vận động khiến sức khỏe suy giảm. Đặc biệt đối với những người chơi game online, do phải cày nhiều nên dễ gây suy kiệt sức khỏe, mất ngủ, các bệnh về tim và não, rối loạn chức năng sinh lý; nặng hơn có thể gây đột quỵ, rối loạn tâm thần, dẫn đến tử vong. Tuy vậy, chơi game một cách điều độ thì vẫn không sao, cố gắng chơi game dưới 1 tiếng/ngày, giảm thời gian chơi game xuống càng ít càng tốt! Thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp người chơi game quá độ dẫn đến tử vong. Những trường hợp này có thể đến từ Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam... do chơi game hơn 12 tiếng/ngày. Một vấn đề nhức nhối hiện nay của một số học sinh nữ là do nhẹ dạ, lên mạng chat làm quen với một vài người lạ nhưng lại không biết đó là những kẻ xấu, chuyên đi dụ dỗ, lừa đảo. và các học sinh nữ đã dễ dàng trở thành nạn nhân của những ổ chứa, bị bán ra nước ngoài hoặc bị những yêu râu xanh làm nhục tập thể.
Việc mãi chơi game mà sao nhãng việc học tập và những sai phạm của một số bạn đã gióng lên hồi chuông báo động. Các bạn còn trẻ, chưa ý thức được tác hại của trò chơi điện tử , còn dễ dãi với chính mình và thiếu ý thức trong học tập. Vì vậy, gia đình và xã hội phải có trách nhiệm về việc này. Về phía gia đình : cần có sự quan tâm của bố mẹ đến con cái, cũng như cần có những quy định về giờ học, giờ chơi, hướng con cái đến các hình thức giải trí phong phú, tham gia các hoạt thể dục thể thao để có lối sống và tinh thần lành mạnh. Về phía nhà nước, các cơ quan ban ngành : cần tăng cường công tác kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh và xử lý những cơ sở vi phạm các quy định về quản lý Internet. Đề ra những quy định cụ thể về thời gian, nội dung của các trò chơi điện tử trước khi cấp giấy phép lưu hành. Và hiện nay, ở một số nước đã mở những trung tâm cai nghiện game, tuy nhiên, ở nước ta loại hình này chưa được phổ biến. Và hơn ai hết, bản thân mỗi bạn trẻ cần ý thức rõ ràng những mặt lợi hại của trò chơi điện tử để tự điều chỉnh mình, tự rèn luyện ý thức tự giác. Chỉ nên xem đây là thú tiêu khiển mang tính giải trí để không quá lạm dụng nó, phụ thuộc vào nó.