Văn nghị luận KT 1 tiết

K

kieuoanh2009

Bác Hồ, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới. Người đi vào lòng dân với bao nét tinh hoa đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam, được hoà quyện và nâng cao thêm bởi tinh hoa của văn hoá thế giới.
Từ năm 1924 khi Người còn ở Nga, Nhà thơ Nga Ôxip-Man-Đaxtan đã viết: "Nguyễn Ái Quốc toả ra một nền văn hoá không phải là văn hoá châu Âu mà là một nền văn hoá của tương lai".

Bác Hồ vĩ đại là vậy, Bác để lại cho mỗi chúng ta bao điều cần học tập. Nhưng đối với tôi, điều để lại ấn tượng sâu sắc nhất, là sự giản dị và khiêm tốn của Bác. Trong cuộc sống đời thường, Bác thanh bạch và giản dị từ cách ăn, mặc đến cách nói, cách viết, cách tiếp xúc với quần chúng.

Quần áo Bác mặc thường ngày là bộ ka ki màu vàng, bộ bà ba nâu với đôi dép cao su. Mùa đông, có lần Bác bận chiếc áo Tôn Trung Sơn có mảnh vá. Có người hỏi: "Kính thưa Chủ tịch, vì sao Người là Chủ tịch nước mà lại mặc áo vá?" Người trả lời vui vẻ: "Đất nước còn nghèo, Chủ tịch có mặc áo vá thì dân mới có áo lành mặc".

Hẳn nhiều người chúng ta đã được xem một bộ phim, tả cảnh trên đường công tác, Bác Hồ xuống suối tắm, tắm xong, Bác phơi quần áo trên mũ và chiếc gậy vác lên vai tiếp tục lên đường. Hình ảnh đó đã làm chúng ta xúc động đến rơi nước mắt.

Món ăn chính của Bác thường là quả cà giòn với món cá kho ngọt dầm tương quen thuộc của xứ Nghệ, quê nhà. Còn lúc tiếp xúc với quần chúng, Người gần gũi, thân tình như người bác, người cha, người ông, không hề có sự phân cách giữa lãnh tụ và nhân dân, Bác tặng kẹo cho trẻ thơ, tặng luạ cho cụ già, vỗ tay cất nhịp cùng hát bài kết đoàn...

Tôi ghi sâu ấn tượng về cách nói và cách viết của Bác. Bác không chỉ dạy các nhà báo về quan điểm viết báo là để phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, mà còn phải viết thế nào cho người đọc dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo, nhất là quần chúng lao động.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong một bài viết có kể lại: Hồi ở Việt Bắc, Bác giao cho Đại tướng viết bài báo để ca ngợi phụ nữ. Đại tướng đã để công viết hai trang đánh máy, cho là hay và đem trình Bác. Bác đọc và nói, bài chú viết hay nhưng dân ở đây đọc sẽ không hiểu. Chú rút ngắn lại. Đại tướng đã rút ngắn dần, đem cho nhiều người đọc, đến lúc chỉ còn 200 chữ, đưa trình Bác, Bác đọc và cho đưa đăng.

Bác là người thông tuệ, không chỉ ngôn ngữ dân tộc mà còn biết nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Bác là nhà chính trị, ngoại giao sắc sảo, là nhà văn, nhà thơ lớn đã từng viết những áng văn tuyệt tác như Tuyên ngôn Độc lập, những vần thơ Nhật ký trong tù, sắc nét của Đường thi. Nhưng bao giờ Bác cũng lấy sự giản dị, trong sáng làm đầu. Bác lấy sự học làm đầu và rất khiêm tốn học hỏi.

Chúng ta đã từng biết Bác đã học cách viết báo như thế nào! Từ tập viết ngắn đến viết dài rồi từ viết dài đến viết ngắn. Sau cùng dài ngắn đều viết được. Viết xong mỗi bài, Bác đều đưa cho người phục vụ ít chữ đọc. Chỗ nào không hiểu Bác chữa lại. Nhiều lần, Bác đã dặn các nhà báo là "viết cho ngắn gọn, dễ hiểu", "đừng lằng nhằng dây cà ra dây muống như đưa chắt chắt vào rừng xanh" và "chữ ta có thì dùng, không dùng chữ nước ngoài"...

Gần 2.000 bài báo Bác viết đăng trên báo Việt Nam Độc lập, Nhân Dân và một số báo khác, ít bài dài trên 1.000 chữ mà có sức mạnh giáo dục và chiến đấu như gươm súng. Sự khiêm tốn của Bác còn thể hiện, tự nhận mình là người "học trò nhỏ "của các bậc vĩ nhân đại diện cho nền văn minh nhân loại từ Đức Phật thích ca, Đức Chúa Giê su, Khổng tử, K.Mác, Lênin, đến Tôn Trung Sơn, thánh Gandhi, hay nhà văn L. Tônxtôi...

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói về Bác: "Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, lớn mà không làm ra vĩ đại, soi sáng mà không choáng ngợp".

Nhà thơ Cuba Ô-Tê-Rô đã viết:

Hồ Chí Minh, gốc của dân và cũng chính là dân
Vẫn hoà trong thác dân cuộn chảy
Là gió cuốn vượt muôn đèo dốc núi
Lại thu mình biến hoá trong muôn cây...

(Lê Xuân Quỳnh dịch)

Từ sự giản dị, khiêm tốn của Bác, chúng ta nghĩ nhiều về nếp sống hiện nay. Lịch sử đất nước đã sang trang, đất nước và cuộc sống đã có những đổi thay kỳ diệu. Nhưng đất nước ta vẫn đang còn nghèo, bình quân thu nhập của người dân vẫn còn thấp thua nhiều nước trên thế giới và khu vực, nguy cơ lạc hậu còn tiềm ẩn. Thế mà, một số cán bộ làm việc lười biếng, ăn chơi đua đòi, học làm sang, xa rời quần chúng. Một số vừa lên chức lên quyền, chỉ cán bộ xã, phường thôi, cũng đã lên mặt, doạ nạt nhân dân. Báo chí chẳng thèm đọc, chỉ vụ thành tích, vụ lợi, thích nghe lời nịnh hót.

Một số quan chức lợi dụng những khe hở của cơ chế, tham ô, tham những, lãng phí, ăn chơi phè phỡn, đến thế giới cũng kinh ngạc. Một số nhà báo trẻ mới ra nghề cũng tham viết dài dòng, văn hoa, chất lượng thông tin kém. Thậm chí có nhà báo đã dùng nhiều chiêu vòi tiền, tham lợi lộc uốn cong ngòi bút. Có những quan chức nhà báo phải hầu toà. Đau đớn thay! Chính họ, đang cưỡi trên nhiều nỗi đau khổ, đói nghèo của nhân dân, làm chậm bước tiến của đất nước.

Nhắc lại vài nét về nếp sống cần kiệm, giản dị, khiêm tốn của lãnh tụ vĩ đại để mỗi chúng ta cùng suy ngẫm, tự nhìn lại mình, cố gắng thực hiện những điều Bác dạy, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội X của Đảng vào cuộc sống, xây dựng đất nước ta đàng hoàng, to đẹp hơn trong thời hội nhập như Bác Hồ hằng mong muốn.
nhớ thank nha
 
Top Bottom