Khi nàng xuân nhẹ lướt trở về, đất trời như phủ một lớp nhung diệu kì. Đọc thơ Thanh Hải, ta bắt gặp một khung cảnh thiên nhiên vào xuân rất đỗi thơ mộng. Qua đó, ta cũng hiểu được một phần nào tâm tư của tác giả, đó là ước nguyện hiến dâng, muốn góp một mùa xuân nho nhỏ của mình vào một mùa xuân của đất nước.
Bài thơ được viết theo một mạch cảm xúc rất đỗi tinh tế mà sâu sắc. Đầu tiên là mùa xuân của thiên nhiên, tiếp là mùa xuân của đất nước, và cuối cùng là nguyện ước hiến dâng của tác giả.
Mở đầu tác phẩm, chúng ta bắt gặp một bức tranh thiên nhiên thật đẹp:
" Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng"
Bằng những màu sắc giản dị và dịu dàng: "sông xanh", "hoa tím biếc", thi sĩ đã phác hoạ lên cho chúng ta một khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, hữu tình. Giữa bức tranh xuân ấy, ta lại cảm nhận được tiếng chim chiền chiện hót vang một bầu trời. Động từ "mọc" được đảo lên đầu câu cho ta thấy sự sống của mùa xuân là trường tồn, là bất tận. Và rồi, giữa mùa xuân đẹp ấy, thi sĩ như đón nhận những tinh hoa của đất trời " từng giọt long lanh rơi - tôi đưa tay tôi hứng". Giọt long lanh- giọt nắng hay giọt sương? Giọt long lanh- giọt âm thanh hay hạnh phúc? Có lẽ là tất cả, là tất cả những gì trời đất ban tặng đều được thi sĩ trân trọng đón lấy bằng hai bàn tay.
Tiếp tục dõi theo bài thơ, ta bắt gặp một khung cảnh mùa xuân về trên đất nước:
" Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
TẤt cả như hối hả
Tất cả như xôn xao.."
Mùa xuân đã về trên chiến trường, trên nương rẫy. Mùa xuân đến, cây cối đâm chồi nảy lộc, nhưng liệu "lộc" ở đây có phải là cây cối, là mầm non, là mầm xanh đặc trưng của mùa xuân? Mùa xuân là mùa hành quân. Khi hành quân, những anh bộ đội thường có những cành lá xanh trên chiếc mũ, trên ba lô. Đó phải chăng là lộc của mùa xuân? Phải! Chính là lộc non của mùa xuân. Mùa xuân là mùa vụ mới. Những người nông dân lại bắt đầu với những công việc rất dỗi quen thuộc: gieo mầm giống và bắt đầu một vụ mùa mới. VÀ rồi... những hạt mầm đó nảy nở sinh sôi, tạo thành những cây con- lộc, chính là lộc xuân.
Đất nước ta từ lâu đã có những sự biến chuyển mới, sự biến chuyển đi lên vượt bậc, đất nước như một vì sao, một vì sao sáng lấp lánh, lấp lánh...
"Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước"
Bài thơ được viết vào tháng 11 năm 1980 trước khi thi sĩ mất không lâu. Liệu có phải vì thế mà khổ thơ thứ tư là những dòng cảm xúc, là những ước nguyện hiến dâng của nhà thơ:
"Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến"
Đã là một ước mơ, thường thì chúng ta luôn ước mơ một cái gì đó to lớn, một cái gì đó vĩ đại. Nhưng đối với nhà thơ, nhà thơ chỉ cần làm một con chim bé nhỏ trong muôn vàn loài chim, một cành hoa trong muôn ngàn đoá hoa đẹp, một nốt trầm trong một bản hoà ca xao xuyến. Một ước muốn thật nhỏ bé, thật khiêm nhường, khiêm tốn.Quay lại với khổ thơ đầu bài, đối chiếu lại với khổ thơ này, ta giật mình bởi hai đại từ. Đầu bài thì nhà thơ xưng "tôi", vậy mà đến cuối lại xưng "ta". Thông qua việc chuyển đại từ từ "tôi" sang "ta", chúng ta cảm nhận được một điều rằng dường như tác giả đang nói lên ước nguyện chung của tất cả chúng ta. Giống như Thanh Hải, chúng ta muốn làm những con chim, những bông hoa, những nốt nhạc để tô đẹp thêm cuộc sống.
" Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc"
Với Thanh Hải, ông chỉ là một mùa xuân nhỏ bé. CẢ cuộc đời mình, ông tâm huyết với những gì mình yêu, ông cống hiến hết sức hết mình, dù ở bất cứ độ tuổi nào đi chăng nữa. Với nhà thơ, sống là để cống hiến, cống hiến hết mình, cống hiến lặng lẽ, âm thầm, không cần ai phải nhớ mặt đặt tên. được cống hiến, cuộc sống thật có ý nghĩa.
Cuối cùng, bài thơ khép lại với một làn điệu dân ca xứ huế:
"Mùa xuân ta xin hát
Câu nam ai nam bình
nước non ngàn dặm mình
nước non ngàn dặm tình
nhịp phách tiền đất Huế "
Viết đến đây, có lẽ thi sĩ đang cầm cây đàn trên tay với điệu hò huế thân thương quen thuộc. Dường như làn điệu ấy đã đi vào lòng người, khắc sâu vào trong trái tim mỗi người dân việt. Mùa xuân dường như là mùa khiến cho chúng ta có nhiều cảm xúc nhất, ta muốn làm thơ, ta muốn hát, hát tiếp, hát mãi cho khúc ca huế mãi mãi trường tồn cùng năm tháng.
Bằng sự rung cảm mãnh liệt của mình, Thanh Hải đã để lại trong lòng người đọc những suy nghĩ, những bài học sâu lắng. Càng đọc, ta càng cảm thấy cuộc sống có nghĩa biết nhường nào, bởi vì khi sống, chúng ta được hết mình cống hiến cho tổ quốc Việt Nam yêu dấu. Cám ơn nhà thơ Thanh Hải đã cho chúng ta có một cảm nhận, có một cái nhìn mới mẻ, tinh tế về cuộc sống tươi đẹp này.
Nguồn: ST_