Bạn tham khảo bài viết dưới đây và viết bài nhé:
Với 4 năm học ở bậc Đại học, khó ai có thể nghĩ chàng Lớp trưởng lớp ĐH4PN2 (ngành Phát triển nông thôn) suốt 4 năm liền đã từng là một cậu bé bán vé số, cắt cỏ mướn và làm đủ thứ nghề trên đời. Cậu bé – chàng sinh viên ấy chính là Trịnh Phước Nguyên – một cái tên không lạ đối với bạn đọc Enews và trong giới sinh viên trường. Đây cũng là một trong 12 sinh viên vinh dự có tên trong danh sách các bạn được nhận học bổng Dược Hậu Giang (Nâng cánh ước mơ – học bổng dành cho các sinh viên nghèo, vượt khó do công ty Cổ phần Dược Hậu Giang tài trợ) dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 16/4 tới.
Kiếm sống và tự học
Sinh ra trong một gia đình nông dân không có đất canh tác, hoàn cảnh gia đình lại có nhiều điều buồn phiền, cậu học sinh Trịnh Phước Nguyên ngay từ lúc học cấp II đã phải tự bươn chải để lo cho việc học tập của mình như làm cỏ mướn, cắt lúa thuê và nhờ sự giúp đỡ quý giá của bà con xóm giềng, cậu bé Nguyên đã vượt qua những ngày gian khổ ấy dưới mái trường phổ thông. Những ngày lao động dù chỉ với 15.000đ một ngày ấy đã nung nấu ý chí cho Phước Nguyên bước chân vào đại học.
Bước qua thời áo trắng ở mái trường Nguyễn Chí Thanh (Phú Tân), cậu bé Nguyên bắt đầu cuộc hành trình chinh phục trường Đại học của mình. Vừa thi tốt nghiệp 12 xong, Phước Nguyên quyết định lên thành phố Hồ Chí Minh …bán vé số để dành dụm tiền cho con đường học đại học sau này. “Đây là khoảng thời gian khổ nhọc nhất trong đời đối với mình”, Phước Nguyên xúc động kể. Ban ngày cậu bé Nguyên phải lê chân khắp các nẻo đường của Sài thành để bán vé số, đêm về thì ngủ nhờ tại một nhà kho (do một người anh của Nguyên làm thuê tại đó xin cho ở nhờ), vừa ở vừa ôn bài. Với số tiền kiếm được ít ỏi từ 200 tờ vé số mỗi ngày (khoảng 46.000đ), có những lúc Phước Nguyên phải mua chuối ký ăn cả tuần (chứ không ăn cơm) để đỡ tốn tiền. Khoảng thời gian 1 tháng này, cậu bé Nguyên đã dành dụm hơn 1.300.000đ để chuẩn bị cho hành trang sau này của mình.
Ngày thi đại học đến, chàng trai Phước Nguyên cũng như bao người bạn đồng trang lứa, khăn gói về Cần Thơ và An Giang để dự kỳ thi. Và sau đó, lại tiếp tục trở lại với Sài thành và những tờ vé số. Rồi chính trong những ngày gian khổ ấy, hạnh phúc đã ngập tràn khi cậu học trò nhận được giấy báo trúng tuyển của 2 trường Đại học An Giang và Đại học Nông lâm (TPHCM) cùng một lúc (với số điểm là 17.5) và sau đó là giấy trúng tuyển của trường Cao đẳng Khí tượng Thủy văn (TPHCM). Niềm vui chưa trọn vẹn thì nỗi lo cũng đã ập đến vì hoàn cảnh gia đình không cho phép, Nguyên phải tự lực cánh sinh nếu bước chân vào đại học. Cuối cùng, Phước Nguyên quyết định từ chối vào đại học Nông Lâm có nghĩa là không lên Thành phố Hồ Chí Minh hoa lệ mà ở lại với Đại học An Giang để được gần nhà, giảm chi phí.
Bước vào giảng đường đại học, cũng như bao nhiêu sinh viên vượt khó khác, chàng trai Trịnh Phước Nguyên đã trải qua hầu hết các nghề của giới sinh viên: từ việc làm gia sư đến bồi bàn, tiếp thị cho các công ty, bán hàng ở hội chợ,… Chàng Lớp trưởng lớp DH4PN2 cho biết mỗi ngày anh phải đạp xe gần chục cây số để đi dạy kèm. Và những địa chỉ như quán Café K38, khách sạn Đông Xuyên cũng là những nơi mà chàng trai trẻ này đã từng làm việc. Có những lúc bị bệnh không đi làm được và những lúc hết tiền, chàng sinh viên Phước Nguyên phải ăn mì gói cả tuần và mỗi ngày không được tiêu xài quá 5000đ.
Kinh nghiệm và thành tích
Những người quen biết với Phước Nguyên chắc hẳn đều rất khâm phục về khả năng làm việc không mệt mỏi của anh chàng. Hết học tập ở lớp lại tham gia công tác Đoàn trường ở phòng Công tác sinh viên (Nguyên là Ủy viên BCH Đoàn trường), thường xuyên tham gia các chương trình Tư vấn tuyển sinh, Câu lạc bộ 4T,… Hết đi dạy kèm lại đến tiếp thị, đi thực tế, tham gia nhiều dự án trong và ngoài nước nhằm học tập kinh nghiệm, giúp đỡ bà con nông dân về kĩ thuật sản xuất,… Đó là chưa kể đến chuyện tự học và công việc của một người lớp trưởng, Ủy viên BCH Đoàn Khoa. Với một khối lượng công việc dày đặc đến thế thì khó thể nghĩ Phước Nguyên có thể sắp xếp việc học tập của mình bằng cách nào! Theo kinh nghiệm của chàng sinh viên này, để giải quyết một khối lượng công việc lớn như vậy thì trước tiên, bản thân phải vạch ra một kế hoạch, một lịch làm việc thật cụ thể cho mình. Đến phòng trọ của Phước Nguyên, một điều thật bất ngờ là ngay tại góc học tập của anh có một lịch làm việc thật cụ thể và dày đặc. Anh chàng cho hay, mỗi ngày anh đều dán một kế hoạch như vậy lên tường để căn cứ theo đó mà làm việc. Từ khoảng thời gian này là làm các công việc gì và đến khoảng thời gian khác là phải làm các công việc gì.
Theo Phước Nguyên, điều quan trọng là mình phải thật cố gắng và quyết tâm thực hiện xong công việc mà mình đã đề ra trong lịch làm việc thì mới mong hoàn thành tốt kế hoạch được. Và không chỉ có kế hoạch từng ngày mà còn cần phải có kế hoạch cho từng tuần và thậm chí là cho từng tháng nữa. Nhưng không phải là lúc nào công việc cũng được tiến hành đúng theo tiến độ. Và những lúc như vậy, việc thức khuya đến 1-2 giờ sáng để học bài đối với anh chàng là một chuyện thường tình . Học tập trong một hoàn cảnh không mấy thuận lợi như vậy thì việc giữ được thành tích sao cho không bị sa sút đã là khó. Đằng này, thành tích mà Phước Nguyên đạt được thật đáng nể và khiến cho nhiều người phải ganh tị. Ở phổ thông, cậu học trò Trinh Phước Nguyển đã xuất sắc giữ vững danh hiệu học sinh xuất sắc 12 năm liền, giải II Học sinh giỏi Toán lớp 9 (cấp tỉnh), thủ khoa kỳ thi Tốt nghiệp THCS năm 1999, Học sinh xuất sắc toàn diện 2 năm cuối cấp (9 và 12), giải II và III Học sinh giỏi Toán và Máy tính bỏ túi (cấp tỉnh) ở lớp 12,… Lên Đại học, thành tích mà cậu sinh viên này đạt được cũng khá ấn tượng: được xếp loại giỏi và xuất sắc trong 4 năm liền, đạt danh hiệu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác Đoàn và phong trào Thanh niên năm 2004, 2005, 2006,tham gia điều tra tình trạng sống thử trong sinh viên được BCH Đoàn và Hội sinh viên đánh giá cao,… Với những thành tích đó, Phước Nguyên đã nhận được khá nhiều học bổng của các đơn vị tài trợ: Dược Hậu Giang, Imexpham, của ông bà Dương Quang Thiện, học bổng Nguyễn Văn Hưởng, của Hội khuyến học huyện Phú Tân,… Và cũng nhờ vào những nguồn học bổng này đã góp phần rất nhiều giúp Phước Nguyên trụ vững trên giảng đường Đại học này.
Một chút chưa hài lòng về bản thân của chàng sinh viên năm 4 này là đôi lúc còn xử sự công việc theo cảm tính. Hỏi về công việc hiện tại của mình, Phước Nguyên cho biết, anh đang thực hiện đề tài khóa luận về chuyển dịch cơ cấu cây trồng cho đồng bào miền núi (đặc biệt là đồng bào huyện Tri Tôn) vươn lên thoát nghèo. Hy vọng, trong một tương lai không xa chàng kĩ sư nông nghiệp này sẽ thực hiện được ước mơ của mình và đem tài năng vun xới cho màu xanh của quê hương An Giang.
nguồn net