Chợ hoa ngày Tết là nét đẹp truyền thống của dân tộc. Cứ mỗi lần Tết đến, trong nhà mỗi người dân Việt dù giàu hay nghèo không thể nào thiếu hoa. Rồi bạn cứ tả ở miền nam thì "chơi" hoa mai, miền bắc thì hoa đào. Đây là miêu tả chợ hoa ở Quảng Bá:
Bình thường, chợ hoa đêm Quảng Bá được chia làm hai phiên: Trước 4h sáng là phiên giao buôn, giá hoa rất rẻ, sau 4h bông hoa đã được nâng lên mấy giá, qua tay nhiều lần. Nhưng ngày Tết thì khác, chợ họp suốt đêm ngày, khách mua lẻ có, mua buôn có. Thậm chí nhiều người chỉ đến dạo chơi, xem hoa và về tay không.
Dưới đất là hoa, trên đầu là hoa. Hoa chất ngồn ngộn trên những chiếc xe tải, xe máy lao ầm ầm giữa chợ. Những phụ nữ tất tả ôm bó hoa chạy đôn đáo. Hoa trải đầy dưới chân, chỉ sơ ý là dẫm phải hoa...
Tôi từng lên chợ đêm Quảng An vài lần. Những lần trước, chợ không xô bồ, nhốn nháo mà rất yên tĩnh. Nhưng Tết thì ai cũng tỏ ra vội vàng, như cùng chạy đua với thời gian. Người ta chạy huỳnh huỵch, luôn miệng xin đường khiến cho những du khách như tôi luôn phải đứng nép sát vào một hàng hoa để tránh.
Hoa ngập tràn trong chợ, tràn lên cả mặt đường. Cả một đoạn đường dài, người ta xếp cơ man nào là hoa, hoa gì cũng có, tươi roi rói. Ở đây, người bán nào cũng sắm cho mình một chiếc đèn pin Trung Quốc (loại sạc được). Ánh đèn chiếu rọi nhoang nhoáng khắp chợ.
Những chiếc xe tải biển ngoại tỉnh xếp thành hàng dài, mấy tay lực điền hùng hục xếp hoa lên một chiếc xe biển Hải Phòng. Một người nói: “Chỉ khoảng 3 rưỡi là hoa xuống tới đó, đến 4 rưỡi là các cửa hàng hoa đã có hoa bán rồi”.
Trăm người bán, vạn người mua. Ở đây, những người bán hàng chen chúc nhau trên những khoảnh đất rất hẹp. Thậm chí có những chỗ, cùng một khoảnh đất nhỏ nhưng có tới 2 người bán. Một xếp hoa lên xe máy, một để dưới đất. Chị Minh - chủ một “gian hàng” bên trên phân trần: “Đông quá nên chúng tôi đành phải ngồi như thế này. Tết mà”.
Ở ngay con đường dưới chân đê, cả đoàn người bị tắc nghẽn, không đi được. Hai đầu có hai “ông” xe máy chở đầy hoa hồng. Một lúc sau có thêm mấy xe nữa, lùi không được, tiến không xong. Những người bán hoa ngồi dưới đất luôn miệng kêu oai oái mỗi khi có ai đó sơ ý dẵm phải hoa của họ.
Ngày Tết nên cái gì cũng tăng giá: Gửi xe: 5.000đ; chè chén: 1.000đ, mỳ tôm: 10.000đ... Xem ra, chỉ có hoa là tăng giá không đáng kể. Những nông dân tảo tần một nắng hai sương xưa nay bao giờ cũng chỉ biết lấy công làm lãi.
Càng về sáng, chợ càng tấp nập. Dòng người đổ về mỗi lúc một đông đúc.
Nơi lắng hồn núi sông
Ngày Tết, du khách đi chợ hoa đông nườm nượp. Nam thanh nữ tú ríu rít thả gót, nhìn ngắm muôn hoa đua sắc. Trong dòng người đi chợ hoa đêm, có cả nhiều người ngoại quốc.
Tôi gặp Peter (quốc tịch Anh). Anh này mới sang Việt Nam và lờ mờ nhận ra người dân ở đây đang bước vào một dịp nghỉ kỳ thú nhất trong năm. Anh đã đi dạo khắp phố phường Hà Nội và có ai đó đã chỉ cho anh tìm đường lên đây. “Quả thực rất bất ngờ- Perter nói- tôi không thể tưởng tượng được lại có một chợ hoa vui vẻ và nhiều hoa như thế này. Ngày Tết cổ truyền của các bạn vui quá. Chúc mừng các bạn”.
Những người như tôi - vốn chẳng phải yêu hoa sâu sắc như chị em- cũng thấy rung động trước cả rừng hoa bạt ngàn. Chỗ này thì hoa hồng, chỗ kia chất cả núi hoa cúc vàng óng ả. Chỗ khác thì những bông hoa đồng tiền, hoa ly. Ở đây hoa gì cũng có, từ những loại hoa đài các kiêu sa nhất tới các loại hoa đẹp một cách giản dị, cũng đều được bày bán.
Người bán hoa đa phần toàn nông dân quê mùa, họ chỉ mời chào rất đại khái chứ không thật đon đả như những người buôn hoa. Có nói thách, nhưng ít. Tôi dạo một vòng. Hoa tươi và rất đẹp, hoa nào cũng muốn mua. Cô bạn gái đi bên cạnh nhẩm tính: “Cắm phòng khách, phòng bếp, bàn ăn...” khiến tôi phì cười. Chưa đầy 100.000đ mà tôi mua được cả hoa hồng, hoa cúc, hoa ly, violet...
Ôm bó hoa to lặc lè, tôi lui gót. Đứng từ đê nhìn xuống mới thấy hết cảnh tấp nập nhộn nhịp trong chợ. Đã 4h sáng, những chiếc xe tải vội vã nổ máy và lao về các tỉnh lân cận.
Đã bước sang một ngày mới, đêm mai 29 tết đã là Giao thừa. Sắc xuân đã ngập tràn khắp nơi.
Nguồn : Google