Bài này bạn khâm khảo nhé
Hồi đó tôi có khá nhiều cái để “nổi tiếng”: “Lầm lì nhất, còm cõi nhất, xấu dáng nhất, học giỏi nhất, hay được nêu tên trước toàn trường nhất, cách giải toán hay nhất, viết văn xúc cảm nhất…” , chịu khó cần cù trong học tập cũng như trong lao động, tất cả tôi chỉ làm âm thầm như một “chiến sĩ thầm lặng”, cả ngày không nói một câu, nên ở tôi tuy học giỏi nhất trường, nhất lớp cũng chẳng làm nên trò trống gì trong việc giúp đỡ các bạn học yếu cũng như các học sinh cá biệt của lớp. Tôi tự nhận thấy mình có những tiêu cực không thể chấp nhận được mà không biết cách khắc phục. Vì tôi nhút nhát, e dè không dám hỏi ai điều gì, không dám nói ai điều gì, mà cái gì quyết định một mình cũng dễ mắc sai lầm lắm…
Tất nhiên tôi cũng có nhiều cái để tự hào. Bài văn nào của tôi cũng được cô giáo Khương đọc lên cho cả lớp nghe một cách xúc động lạ thường, cô trầm trồ khen ngợi, trìu mến, yêu thương. Có bữa, cô bảo tôi đọc, rồi cô xuống xoa đầu tôi âu yếm… Lúc ấy cô vừa là hiệu trưởng trường cấp II Trung Sơn, vừa là cô giáo chủ nhiệm lớp 7 A chúng tôi, vừa dạy môn văn khối 7. Tôi yêu cô vô cùng. Trong lòng tôi, cô luôn là ngườii mẹ hiền chu đáo, năng động, yêu trường, yêu nghề, yêu học trò hết mực. Cô luôn chú trọng việc phát hiện học sinh có năng khiếu, học giỏi để kịp thời bồi dưỡng, đồng thời quan tâm sâu sắc đến các học sinh học kém, ngang bướng, cá biệt để tìm cách dìu dắt, giáo dục .
Ngày ấy trường lớp chỉ là vách tre, trát đất, lợp rạ, nên cứ gặp phải cơn gió to là có nguy cơ tốc mái, đổ vách, nhiều trận lạnh run, ôm nhau mặc áo mưa ngay trong lớp, chả học hành gì được. Cô Khương xót xa họp trường và có ý kiến với xã huy động cho xây trường (ưu tiên khối 7 cuối cấp) bằng gạch, lợp ngói. Ðó là ý tưởng táo bạo hồi bấy giờ, gặp muôn vàn khó khăn. Người khen, người chê, người nói khích. Có người nói cô Khương vì ham thành tích mà bắt học sinh bé bằng cái kẹo phải nai lưng, è cổ ra gánh gạch, gánh ngói, gánh đá, quét vôi. Tất tần tật, học sinh tự làm, có tội nghiệp không? Thì cuối cùng cũng xong. Toàn khối 7 (có 2 lớp 7) có lớp mới để yên tâm học cũng thích, các lớp 5, 6, mỗi học sinh vẫn mỗi năm đóng góp một cây tre, một bó rạ để sửa sang lớp mình.
Lớp 7B có 50 học sinh. Có một học sinh cá biệt tên là Nhật. Nhật vốn ù lì ngang tàng, coi thường chuyện học hành, hay gây sự đánh nhau, thân hình nhỏ thó, dáng điệu bất cần đời, gặp ai cũng tỏ ra bất bình và muốn chửi bới, ẩu đả. Không hiểu sao, cô giáo chủ nhiệm lại xếp Nhật ngồi cạnh một đứa ít nói, lầm lì, hiền khô như tôi. Tôi hơi bị rợn tóc gáy, vì nếu ngo ngoe hớt lẻo điều gì là biết tay Nhật ngay. Tôi chả dám, cứ câm như hến, chả dại đụng vào ổ kiến lửa.
Khốn nỗi Nhật ở cùng làng với tôi, nên “cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”. Đi học thì cả nhóm trong làng đều cùng đi bộ, tất nhiên có cả Nhật. Một hôm đi học về tới giữa đường, tự nhiên có một tốp thanh niên to cao đang đi ngược lại, chắc là Nhật đã từng ghét những người này từ bao giờ, nên nhác trông thấy, Nhật đã chạy xông tới, nhảy lên đấm lia lịa vào mặt một người đô con nhất. Tôi sợ quá, “mặt cắt không còn hột máu” ( nhưng không hiểu sao người ấy không phản ứng gì, chỉ nhẹ nhàng tránh Nhật ra rồi tiếp tục đi, còn Nhật chạy theo tiếp tục gây sự). Có tiếng xì xào: “Thằng này anh hùng và can đảm thật, bé tí mà dám khiêu chiến khổng lồ, tụi kia mà ra tay là nó tan xác, may mà tụi nó tha”. Sau đợt đó, Nhật bị công an mời lên và bị nhốt cảnh cáo.
Nhiều lần bị nhốt, Nhật vẫn chứng nào tật nấy, không bao giờ nghe lời khuyên bảo của ai. Tôi đâu có dám khuyên Nhật, cũng không dám mét (mách) chuyện này với nhà trường, chẳng ai nói gì cả. Đi học, bao giờ Nhật cũng chỉ đem một cuốn tập và một cây viết. Nhật bảo, thế là đủ, viết tất vào một cuốn vừa gọn vừa nhẹ, “làm đếch gì mà phải nghiêm chỉnh cho mệt xác” . Những bài báo tường tôi viết gây xôn xao cả trường mà Nhật ném vào mặt tôi một câu: “Hay ho gì mà nhắng cả lên” làm tôi điên tiết ngầm hét lên: “Hãy đợi đấy!”. Đợi gì cơ? Rốt cuộc tôi chả làm gì được Nhật. Phải ứng xử làm sao với một người như thế, bạn nhỉ?
Giờ ra chơi bữa ấy, bỗng nhiên, Nhật chả đi đâu, ngồi ỳ bên cạnh tôi và thở dài ngao ngán: “Sao Giao hiền thế nhỉ! Chỉ được cái học giỏi, giỏi mà hiền quá cũng vứt, chả làm được gì!”. Tôi chả nói gì, Nhật tiếp: “Người gì mà đần hết sức, nói thế mà cũng không biết nói gì”. Đầu tôi bắt đầu ngọ ngoạy, nhưng thật không ngờ tôi lại dịu dàng với Nhật: “Nhật nói đúng, bây giờ thì Giao nói đây, Nhật cũng có nhiều cái để Giao phải học tập đấy”. Nhật tròn mắt: “Thật hả Giao? Nói tiếp đi, nói! Giao nghĩ gì về Nhật?”. Tôi thân mật: “Nhật thông minh và có cá tính mạnh mẽ”. Nhật cười: “Đúng thế, nói tiếp đi nào“. Tôi tiếp: “Nhật sống kiêu hãnh, vùng vẫy, tự do theo ý thích. Đối với Nhật, mọi người đều bất khả xâm phạm, nghĩa là không ai bắt nạt được Nhật, Giao thích được như vậy lắm chứ, mà không làm được, Nhật có cách nào giúp Giao không?”. Mặt Nhật bỗng trơ ra không nhúc nhích: “Cũng được thôi! Còn gì nữa?” Tôi nhẹ nhàng: “Nhưng trí thông minh và cá tính mạnh mẽ của Nhật tiếc thay nhiều khi không sử dụng đúng chỗ, nên nó trở thành kẻ ngang tàng và bất trị, hết chỗ nói, vì coi thường chuyện học hành mà Nhật học *** chứ thực ra Nhật có khả năng học giỏi hơn Giao cơ đấy, nếu chịu khó suy nghĩ kỹ để tự điều chỉnh, Nhật sẽ trờ thành con người toàn diện”...
Lên cấp III, làng tôi chỉ có 5 người đậu, Lan, Dung, anh Hải tôi, Nhật và tôi. Nhà cách trường 5 cây số. Lan, Dung đi xe đạp. Tôi, anh Hải, Nhật đi bộ. Có buổi, anh Hải ốm nghỉ học, còn mình tôi và Nhật dạo bước đến trường, tôi nhận ra ở Nhật một con người khác, trầm tĩnh, ôn hòa …
Năm ấy cũng như mọi năm, tôi vẫn được chọn đi thi học sinh giỏi văn và toán, lần đầu tiên biết đi xe đạp, ống quần hay vướng vào xích nên tôi lấy dây buộc lại. Các bạn đi đằng sau cứ khúc khích cười. Tôi mặc kệ. “Cười hở 10 cái răng”. Tới điểm thi, bỗng tôi luống cuống không sao dừng xe được, đành nghiến răng để xe lao ầm vào cánh cửa trường và té nhào. Các bạn hét lên: “Ê! Cái Giao làm gì thế! Tính tự vẫn hả?”.Tôi lồm cồm bò dậy dựng xe lên, xấu hổ quá vội giải thích: “Quên bố nó mất là xe có phanh”. Tất cả cứ thế bò lăn ra cười…
Học hết cấp III, anh Hải và Nhật vào bộ đội, đóng quân ở biên giới. Hiền đậu đại học biên phòng, Kim Oanh đậu đại học Sư phạm ở Hà Nội. Tôi thi vào Tổng hợp Văn nhýng bị trượt, về làm ruộng. Sau đó khi tôi vào Nam có nghe tin Nhật hy sinh ở biên giới. Kim Oanh ra trường dạy học ở tại trường cấp III Việt Yên ngày xưa nơi chúng tôi đã từng học, chị Tứ tôi thì dạy ở trường cấp II Trung Sơn, làm đồng nghiệp của cô giáo Khương ngày xưa… Lan dạy cấp I trường làng, Dung làm ở công ty vật tư ở thị xã Bắc Giang. Anh Hải sau khi xuất ngũ thi đậu vào đại học Hàng hải ở Hải phòng…Ở quê nhà , lớp 10B khi xưa vẫn hàng năm họp mặt đông đủ, chỉ thiếu tôi…
Ở Thành phố Hồ Chí Minh, hình ảnh các bạn thuở học trò luôn in dấu trong trái tim tôi biết bao kỷ niệm buồn vui và thân thiết. Tôi luôn cầu mong cho các bạn một cuộc sống yên vui và hạnh phúc trên quê hương của mình…