Văn học

T

thuyan9i

Du khách từ các nơi thường đổ về núi Thiên Ấn - đệ nhất thắng cảnh của Quảng Ngãi nằm ở phía đông huyện Sơn Tịnh, cách TP Quảng Ngãi chừng 3km để thắp hương ở lăng mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng, vãn cảnh chùa và ngắm cảnh trời mây, non nước...

Đường lên đỉnh Thiên Ấn cheo leo, nhưng nếu nhiều du khách đi xe máy, xe hơi thảnh thơi vòng theo những cung đường uốn lượn thì nhiều khách trẻ tuổi vẫn thích gửi xe ở chân núi rồi theo con đường nhỏ với những bậc tam cấp leol ên đỉnh núi, như một cách "hành hương".

Lên đến đỉnhThiên Ấn việc đầu tiên của nhiều du khách là vãn cảnh chùa, thắp hương trên bàn thờ Phật, xin xăm hoặc xin lộc đầu năm. Sau khi thắp hương, nghe kể giai thoại về giếng nước, chuông chùa, du khách thường thăm lăng mộ của các đời sư trụ trì nằm ở phía đông hay chụp hình lưu niệm dưới chân tượng đức Phật Quan Âm...

Núi Thiên Ấn có hình thang cân giống như cái ấn (nên mới có tên là Thiên Ấn, tức ấn trời) và chùa Thiên Ấn tồn tại trên 300 năm qua nhiều đời trụ trì. Ngắm giếng nước sâu, bạn sẽ được nghe kể giai thoại “Ông thầy đào giếng trên non. Đến khi có nước chẳng còn tăm hơi”. Theo giai thoại, hồi mới lập chùa, các nhà sư đi tìm mạch nước trên núi nhưng đào xuống thì gặp một tảng đá lớn không thể đào được. Sau đó, có một vị sư từ phương xa đến đào giúp, đến lúc giếng đào xong thì chẳng thấy vị sư đâu.

Giai thoại về chiếc chuông chùa Thiên Ấn cũng khá thú vị. Khi chùa được xây dựng, có đêm nằm, sư trụ trì được báo mộng phải vào làng đúc đồng Chú Tượng (huyện Mộ Đức) rước chuông về. Lúc đó, dân làng Chú Tượng cũng góp tiền đúc một chiếc chuông lớn, nhưng đúc xong đánh không kêu. Thấy có các vị sư chùa Thiên Ấn vào kể điềm báo mộng, họ liền cho vời chuông về. Chuông vời về núi Thiên Ấn, treo lên gác chuông đánh lên một tiếng là ngân vang khắp vùng.

Đến vãn cảnh Thiên Ấn, nhiều du khách cũng không quên dừng chân thắp hương viếng mộ chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, nguyên quyền chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Cụ Huỳnh quê ở huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, với tư cách là phái viên của Chính phủ, cụ vào chỉ đạo mặt trận miền Nam Trung Bộ rồi mất ở huyện Nghĩa Hành và được mai táng trên núi Thiên Ấn. Lăng mộ cụ Huỳnh được xây dựng khá trang nghiêm trên đỉnh Thiên Ấn.


Du khách thắp hương viếng mộ chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng

Mơ màng trong khói hương, trong những giai thoại, sau đó men theo con đường nhỏ đi về hướng tây nam của ngôi chùa, bạn sẽ tha hồ ngắm nhìn dòng sông Trà Khúc lững lờ trôi qua những cánh đồng, làng mạc để hiểu rõ hơn về “Thiên Ấn Niêm Hà” (tức ấn trời đóng bên sông), ngắm nhìn TP Quảng Ngãi với nhà cửa phố xá, đặc biệt là tháp chuông nhà thờ cũ, cột ăngten đài truyền hình vút cao.
Người Quảng Ngãi từ lâu cho rằng mình là con của quê hương núi Ấn, sông Trà. Ngày xuân, lên Thiên Ấn vãn cảnh chùa, thắp hương viếng mộ cụ Huỳnh hoặc ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên, ai chẳng thấy lòng dịu vợi sau cả năm làm việc, bon chen chốn thị thành.

Núi Thiên Ấn và lăng mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
 
Top Bottom