Phạm Tiến Duật sinh năm 1941, mất năm 2007, quê ở Phú Thọ. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, năm 1964, Phạm Tiến Duật gia nhập quân đội, hoạt động trên tuyến đường Trường Sơn và trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ thời chống Mĩ cứu nước. Thơ ông có giọng điệu sôi nổi, trẻ trung, hồn nhiên, tinh nghịch mà sâu sắc; thường tập trung thể hiện hình ảnh thế hệ trẻ trong cuộc kháng chiến chống Mĩ qua hình tượng người lính và cô thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Ông từng giữ chức Phó Trưởng ban đối ngoại Hội nhà văn Việt Nam. Ông từng được trao tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học-Nghệ thuật (2001), Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học-Nghệ thuật (2012). Các tác phẩm chính: Ở hai đầu núi, Nhóm lửa, Tiếng bom và tiếng chuông chùa, Tuyển tập Phạm Tiến Duật.
Bài thơ Tiểu đội xe không kính được sáng tác năm 1969, trong thời kì kháng chiến chống Mĩ đang ở giai đoạn gay go ác liệt. Tác giả cũng là người lính có mặt trên tuyến đường Trường Sơn khói lửa này.
Cảm xúc trong bài thơ được bắt đầu từ hình ảnh độc đáo - những chiếc xe không kính vẫn băng băng ra chiến trường - một hình ảnh rất thực, thực đến trần trụi. Nguyên nhân của hiện tượng ấy cũng được giải thích rất thực bằng những câu thơ rất gần với văn xuôi, lại cao giọng điệu thản nhiên, gây được sự chú ý về vẻ khác lạ của nó. Rồi từ đó, tác giả làm nổi bật hình ảnh những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn. Thiếu đi những phương tiện vật chất tối thiểu lại là hoàn cảnh để người lái xe bộc lộ phẩm chất cao đẹp, sức mạnh tinh thần lớn lao của họ, đặc biệt là tư thế hiên ngang, coi thường gian khổ, hiểm nguy, tâm hồn sôi nổi của tuổi trẻ, tình đồng chí đồng đội, ý chí chiến đấu vì giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Bài thơ có một nhan đề khá dài, tưởng như có chỗ thừa: từ "bài thơ" không nhất thiết phải xuất hiện ở nhan đề, bởi chính tác phẩm đã bao hàm ý của "bài thơ" rồi. Nhưng nhan đề bài thơ rất lạ, rất độc đáo gây sự chú ý cho người đọc, thể hiện cách nhìn, cách khai thác hiện thực của tác giả. Tác giả không chỉ viết về những chiếc xe không kính mà là hiện thực của chiến tranh khốc liệt, chất thơ của hiện thực ấy, chất thơ của tuổi trẻ, chất thơ người lính lái xe hiên ngang dũng cảm vượt qua khó khăn của chiến tranh để chiến thắng.
nguồn google