[Văn hóa]Món ngon Tây Bắc

S

sonmoc

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Đặc điểm cư trú nổi bật của đồng bào Thái là dọc các thung lũng vùng thấp, nơi có nhiều sông suối ao hồ, chính vì thế mà các nhà dân tộc học xếp dân tộc Thái là những cư dân đại diện cho nền văn minh thung lũng (Valley culture). Trên thực tế, đồng bào Thái ở vùng nào cũng tỏ ra vừa giỏi chài lưới ngoài sông ngoài suối, lại rất thạo việc đánh bắt trong ruộng trong đồng. Nhờ vậy, bữa ăn hàng ngày của bà con được tăng cường nguồn dinh dưỡng một cách đáng kể, do chính các hoạt động sông nước đem lại. Trong bộ “thực đơn” phong phú từ nguồn lợi thuỷ sản ấy, đáng chú ý là món lạp cá.

Trong ngôn ngữ Thái lạp cá có tên là pa lạp, một món ăn truyền thống được nhiều thế hệ người Thái ưa chuộng. Kỹ thuật chế biến lạp cá khá cầu kỳ, con cá được chọn để làm lạp thường trọng lượng từ một cân trở lên, cá càng to càng nhiều thịt và phải là loài cá màu trắng cho đỡ mùi tanh. Trước tiên người ta rửa sạch sẽ con cá, để ít phút cho thật khô nước, rồi đánh vẩy, lột da, mổ bụng, phần ruột cá để riêng ra một cái bát. Đầu và đuôi con cá được cắt ra khỏi phần thân, sau đó dùng dao sắc lạng từng miếng thịt theo chiều dọc thân cá. Phần thịt này được thái từng miếng mỏng, cho vào cái bát đủ rộng, đây chính là nguyên liệu chủ yếu để chế biến món lạp. Một loại nước chua được chiết xuất thủ công từ lá cây dâu da xoan, đem đổ vào bát thịt cá vừa thái, trộn đều, để chừng nửa tiếng cho thịt “chín” kỹ. Đợi lúc những miếng thịt đã chuyển sang màu tái trăng trắng, thịt được vớt ra khỏi bát, vắt sạch nước, trộn đều với các loại gia vị, thế là xong món lạp cá. Gia vị cho món lạp cá gồm lá dâu da xoan, thính gạo nếp, rau răm, mắc khén, hành, tỏi, ớt, sả... mỗi thứ liều lượng vừa đủ theo khẩu vị chung. Ruột cá được nêm mắm, muối, rau thơm... gói trong lá dong tươi rồi ủ vào bếp than nóng. Đó chính là món chẩm chéo dùng để chấm xôi nếp. Khúc đầu và khúc đuôi con cá được rán qua cho béo, sau đó đem nấu với nước chua ngâm thịt cá lúc nãy, tạo thành món canh chua không chỉ ngon miệng mà đặc biệt rất thích hợp cho cánh đàn ông uống rượu.

Tục ngữ người Thái có câu: “Pay kin pa, má kin lẩu” (đi ăn cá, về uống rượu); hàm ý bữa cơm tiễn người đi (chia tay) thì cần phải có cá, bữa cơm đón người về (sum họp) thì cần phải có rượu. Xem thế đủ biết những món ăn chế biến từ cá nói chung, món lạp cá nói riêng, có vai trò nhất định trong đời sống giao tiếp của xã hội Thái. Nó mặc nhiên đi vào vốn văn hoá dân gian, cả trong văn hoá ngôn ngữ lẫn văn hoá ẩm thực...

(Quàng Văn Hưởng - Điện Biên - Theo Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam)
 
Top Bottom