văn gấp

N

nguyenbahiep1

Chiến tranh đã lùi xa, tiếng thét gào của bom đạn không còn nữa, những vết thương trên thịt da theo năm tháng cũng lành trở lại, nhưng những vết thương lòng các mẹ vẫn còn nặng mang. Đó là nỗi niềm của biết bao bà mẹ Việt Nam có những đứa con ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Mạch (Thôn Phương Quan, xã Trí Quả, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) cũng mang nặng một nỗi lòng như thế.
Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Mạch thắp cho con trai
là liệt sỹ Nguyễn Gia Tràng nén tâm nhang
Tấm lòng của người mẹ Việt Nam anh hùng
Hình ảnh mẹ - người phụ nữ đất Kinh Bắc với đức tính cần cù, nhẫn lại, dịu dàng cứ hiển hiện trong tôi thật gần gũi. 87 tuổi, mẹ Mạch bước qua ngưỡng “thất thập cổ lai hy”, cái tuổi xưa hay hiếm từ rất lâu rồi. Tóc bạc trắng màu khói sương, đôi mắt nheo nhúm cố để nhìn mọi thứ cho rõ hơn, nhưng mẹ bước đi vẫn còn nhanh nhẹn lắm.
Mẹ kể cho tôi nghe về chuyện đời của mẹ: Mười chín tuổi, mẹ đi làm dâu. Đám cưới nào có gì đâu, chỉ một cơi trầu làm lễ rồi nên nghĩa vợ chồng. Cuộc sống lúc bấy giờ khổ hạnh, cơ cực lắm. Năm 21 tuổi mẹ sinh một người con gái, thật trớ trêu người con gái “bỏ” mẹ đi khi mới vài tháng tuổi. Mãi bốn năm sau mẹ mới có mang, niềm vui chưa trọn thì căn bệnh ung thư dạ dày quái ác cũng cướp mất người chồng, khi mẹ còn đang bụng mang dạ chửa. 2 tháng sau đó mẹ hạ sinh anh Nguyễn Gia Tràng trong niềm hạnh phúc vô bờ, “Vậy là từ nay, sướng khổ gì thì cũng còn có mẹ, có con!”.
Đôi mắt mẹ trùng xuống, ngân ngấn, đưa tay gạt đi những giọt lệ đang lặng lẽ lăn dài. Móm mém, mẹ cố nhai một miếng trầu với miếng cau cứng ngắc, từ từ mẹ kể: “Một mình mẹ vừa làm 3 sào ruộng, vừa nuôi con nhỏ cơ cực lắm. Tháng 5, trời nắng như thiêu, như đốt mẹ vẫn địu con trên lưng ra đồng làm, nghĩ thương con mà không sao cầm được nước mắt... Sau này khi đi học, Tràng học khá nhất môn văn, nó viết văn hay lắm, học hết phổ thông Tràng dự thi Đại học Sư Phạm, khoa Văn”. Mẹ Mạch kể với giọng đầy tự hào.
Thế rồi, theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh xung phong đi bộ đội vào chiến trường B chiến đấu. “Ngày ấy trước khi đi, như để mọi người nhớ mãi ngày anh vào bộ đội và chính thức trở thành anh bộ đội cụ Hồ, anh đã khắc lên tường ngày mà anh nhập ngũ” - Ông Nguyễn Gia Bào (em họ của liệt sỹ Nguyễn Gia Tràng) bồi hồi nhớ lại.
Bà Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Mạch
bên căn nhà tình nghĩa do Nhà nước xây tặng
Giọng mẹ trầm ngâm: “Cũng trớ trêu lắm, cái ngày nó lên tàu vào Nam chiến đấu, mẹ khăn gói đi gặp nó nhưng không kịp”. Tàu rời ga trước khi mẹ kịp đến. Chiến đấu được hơn 1 năm tại chiến trường B2, bàn tay tử thần đã cướp nốt đứa con trai duy nhất của mẹ. Đau đớn tuyệt cùng, ngày ngày mẹ đi ra, đi vào như một cái bóng. Nhớ con, mẹ chỉ còn biết bỏ kỷ vật duy nhất của anh còn xót lại là những lá thư ra ngắm nhìn, thay cho sự hiện diện của anh. “Tất cả những lá thư anh gửi, mẹ đều giữ lại chẳng thiếu một lá nào”. Nói rồi mẹ lẳng lặng đi lấy những lá thư mẹ đã cất hơn 40 năm qua cùng với những Bằng khen, Giấy khen Gia đình vẻ vang, gia đình gương mẫu...
Năm tháng đã làm cho những trang giấy ố màu dần, nhưng tất cả còn phẳng phiu nguyên vẹn, từng chữ trong thư vẫn còn rõ nét, như tình cảm của mẹ Mạch dành cho anh cũng sẽ chẳng bao giờ mờ phai, chẳng khi nào vơi cạn.
Mải miết cuốn theo những lời mẹ kể, giờ tôi mới nhìn mẹ được kỹ hơn. Lòng rưng rưng, tôi chợt nhớ những câu thơ ngày nào của nhà thơ Hoàng Cầm viết về hình ảnh người mẹ trong bài thơ “Bên kia sông Đuống”: “Mẹ ta lòng đói dạ sầu; Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ;…. Lửa đèn leo lét soi tình mẹ; Khuôn mặt bừng lên như dựng giăng; Ngậm ngùi tóc trắng đang thầm kể; Những chuyện muôn đời không nói năng”.
Đôi bàn tay run run, lần dờ từng bức thư - những kỷ niệm đã cũ, mẹ cởi lòng: “Tính thằng này nhát lắm, hồi đi học nó chỉ có học thôi, rồi sau khi thi đại học và đi bộ đội chẳng có tư tưởng yêu đương gì. Có mấy đám để ý nó đấy nhưng nó còn chưa nghĩ tới chuyện tình cảm... Thế rồi nó đi, bỏ lại mình mẹ...!”.
Nỗi lòng người mẹ
Chồng mất sớm, một mình mẹ tần tảo sớm hôm nuôi đứa con trai duy nhất ăn học, trưởng thành. Thương con, giọng mẹ xót xa: “Nó vừa nhập ngũ được có một tuần thì có giấy gọi nhập học Khoa Văn của trường Đại học Sư Phạm Hà Nội. Rõ khổ! Mấy anh xóm dưới, đi bộ đội cùng đợt với nó về có kể lại trong chiến trường anh em cũng may mắn gặp nhau, nó bảo: Đơn vị có kế hoạch khi hòa bình sẽ cho anh đi học ở Liên Xô ... Thế rồi năm 1969 nó hy sinh, mãi đến năm 1973 gia đình mới nhận được giấy báo tử...”. Nói đến đây mẹ nín lặng như đang cố kìm nén một nỗi đau, mắt mẹ nhìn vào xa xăm vô định.
“Đã bao nhiêu năm rồi mẹ chẳng biết giờ nó đang nằm ở đâu. Mẹ chỉ mong ước làm sao đưa được hài cốt nó trở về quê hương, thế là mãn nguyện rồi”. Những bức thư hồi ấy anh gửi về không ghi rõ đơn vị và nơi anh tham gia chiến đấu. Giấy báo tử cũng chỉ ghi vẻn vẹn một câu: “Hy sinh tại chiến trường B”. Không gian dường như nặng trĩu từ câu nói của mẹ.
Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Mạch lật dở lại
từng trang thư kỷ vật của con trai - liệt sỹ Nguyễn Gia Tràng
Trong hai cuộc trường kỳ kháng chiến vẻ vang chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dân tộc ta đã viết những trang sử vàng chói lòa chiến công, đã giữ vững được độc lập chủ quyền. Để có tự do cho nhân dân và những chiến tích oai hùng đó, đã có hàng triệu triệu con dân đất Việt phải vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Trong đó, có hàng vạn nấm mồ liệt sỹ chưa được ghi danh, hàng ngàn liệt sỹ chưa tìm được mộ phần. Mong ước của mẹ Mạch cũng là ước mong lớn lao của biết bao gia đình vẫn ngày đêm mong ngóng tìm lại hài cốt người thân - những liệt sỹ, những anh hùng... Ngày 17 - 12 - 1995 mẹ Lê Thị Mạch được Nhà nước trao tặng danh hiệu “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng”.
Cả cuộc đời mẹ Mạch sống thanh bạch, hết lòng vì nước, vì dân, sẵn sàng hiến dâng tất cả những gì quý giá nhất cho hòa bình, cho thống nhất. Khi Tổ quốc cần, mẹ không ngần ngại tiễn đứa con trai duy nhất của mình ra chiến trường. Mẹ Mạch cũng giống như bao người mẹ Việt Nam anh hùng khác cũng có những đứa con kiên dũng đánh đổi máu xương đấu tranh cho độc lập của dân tộc, sẽ là tấm gương sáng cho con cháu về sự hy sinh cao cả, không xá công lao, không đòi hỏi lợi ích riêng cho bản thân. Mẹ là một bà mẹ Việt Nam – một “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

(nguồn: net)
 
Last edited by a moderator:
Top Bottom