” Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương
Nhớ ai dãi nắng dầm sương
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao”.
Bài ca dao này, thuở còn là học sinh phổ thông, nếu nhớ không nhầm thì cũng đã học. Trong bài tập làmvăn cũng đã dẫn chứng, đã viết những cảm xúc của mình như là một người thưởng thức. Đọc lại bài ca dao, sau mấy chục năm đã xa nhà nhưng quẩn quanh trong xứ sở và khi đã xa xứ sở để quẩn quanh trên địa cầu này -đã thực sự là một người trong cuộc-một người xa quê đúng nghĩa- thì càng hiểu hơn điều đơn sơ, giản dị, nhưng đã nói lên thật nhiều tâm tư những người vì bao lý do mà rời quê hương, bản quán.
” Anh đi anh nhớ quê nhà”, giản dị vậy thôi, ” anh có một quê” một nơi sinh ra và lớn lên, có bao nhiêu kỷ niệm, khi ” đi” xa, thì “anh ” nhớ” về. Những ký ức thật riêng, thật sống động ở đó,nỗi nhớ mái nhà nơi anh sinh ra, nhớ cha , nhớ mẹ, nhớ anh em, nhớ bạn bè. Dù tới nơi mới, có bao nhiêu mới mẻ, vui vẻ thì trong tâm khảm vẫn luôn có chỗ cho “quê nhà”. Ai cũng có một quê hương,có thể là nơi anh sinh ra mà cũng có thể là xuất phát điểm của anh tới với cuộc đời này. Khi có những thế hệ sau dù không sinh ra cùng địa điểm với anh, thì ” quê” trong tâm hồn anh cũng phả vào đời sống của thế hệ mới thành điều gì đó bí ẩn, nôn nao. Quê hương đó và những kỷ niệm gắn liền đã thành một phần con người anh. Nỗi nhớ quê vừa là lẽ tự nhiên như con người luôn nhớ về những gì đã qua lại vừa đặc biệt.
” Anh” nhớ những gì? . ” Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”. Nỗi nhớ được cụ thể hóa thành ” canh rau muống”, ” cà dầm tương”..Là những món ăn đơn sơ , dễ kiếm và thân thuộc với những người bình thường. Rau muống và cà dầm tương có lẽ không chỉ riêng cho người nghèo mà với mọi nhà, tuy nhiên có lẽ với những người nghèo hơn thì chỉ cần bát canh rau muống và quả cà, mà lại cà dầm tương đã quá là trọn vẹn. Bản thân tôi là một người tự nhiên thành xa quê, xa cả ” quê nhỏ” là nơi sống từ khi sinh ra, xa cả quê lớn là đất nước rộng lớn..quả là khi xa quê, người ta thường nhớ đến những món ăn đơn sơ nhưng gắn bó, những món ăn chỉ ngon khi được ăn ở quê nhà, khi được trồng ở đất quê đó và nấu theo cách của người quê đó.Ở đây cũng có rau muống, nhưng quả thật không thể so sánh được với những cọng rau muống nhỏ nhỏ, giòn ngọt , thơm thơm ở quê lớn và quê nhỏ…” Canh rau muống, cà dầm tương” có lẽ là món ăn miền Bắc, nhưng người của quê nào thì sẽ nhớ về những thân thương, gắn bó của riêng miền quê đó.Đôi khi ngồi nơi xa quê vạn dặm, thấy quý giá vô cùng những điều nhỏ bé chỉ tìm thấy ở quê mà thôi.Thế mới hiểu cho nỗi lòng những người phải xa quê vì những lý do ngoài ý muốn, càng khắc khoải hơn và đôi khi còn là những nỗi đau không vơi cạn qua ngày tháng. Ai xa quê cũng muốn điều tốt lành nhất cho quê hương mình, quê hương giữ những điều không thể mất, mà có khi cũng chẳng lấy lại được trong ký ức, ước vọng.
” Nhớ ai dãi nắng dầm sương”-nỗi nhớ về những gì của riêng mình, gắn bó với cá nhân, thân thuộc và cần thiết với cá nhân để làm nên cuộc sống cá nhân đó..rồi đến những gì xung quanh. ” Anh” “nhớ ai”- một danh từ chung chung, ” ai” có thể hiểu là những người sống xunh quanh “anh”: là cha mẹ, anh em, họ hàng, làng xóm, bạn bè, xa hơn là những người cùng quê hương, cùng một chốn sinh ra, một nơi để đi về, một miền để nghĩ tới trong ký ức, trong tâm khảm. Đó là những người ” dãi nắng dầm sương”, toan lo vất vả, những người lương thiện ngày đêm đổ mồ hôi, sôi nước mắt ” bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để kiếm sống bằng sức lao động của mình. ” Ai” ở đây vừa có thể là chung cho mọi người, mà cũng có thể là một người.
Rồi “anh nhớ” một bóng dáng cụ thể hơn:” Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao”.À, thì ra trong những ” ai ” đó, thì có một bóng hình cụ thể: là một người đã “tát nước bên đường hôm nao”, không biết đó là vào cái ngày “anh” ra đi, hay là một khi nào đó đã ” tát” nước cùng anh. ” Ai” này là đàn ông hay là một cô gái? Trong ca dao Việt Nam, trong hội thoại hàng ngày, danh từ ” ai” thường được dùng thật khéo . Đôi khi là chỉ một người chung chung, nhưng đôi khi lại chỉ người giao kết trực tiếp với mình: là bạn, là vợ/chồng hay là người tình.Đối tượng “ai” ở câu trên và ” ai” ở câu này có là một không? cũng có thể là một mà có thể là không. Nhưng có thể lắm chứ? một cô thôn nữ chịu thương chịu khó, hiền dịu và chăm chỉ vốn vẫn được xem là mẫu hình lý tưởng của những người phụ nữ nông thôn Việt Nam nói riêng và người phụ nữ Việt nói chung. Và ” anh ” ra đi, giữa bộn bề bao nỗi “nhớ” thì có nỗi nhớ đọng lại trong một dáng hình, để bài ca dao trở nên day dứt .
Có mỗi 4 câu thôi mà đã tới năm(5) lần dùng động từ ” nhớ”, và hai(2) lần dùng danh từ ” ai” .Ta “đọc” được nỗi nhớ tràn đầy, nỗi nhớ dung dị, nỗi nhớ khắc khoải. Nỗi nhớ của”anh” nỗi nhớ của một con người rất cụ thể và bình thường và cũng nhớ về những gì gắn bó, bình dị. Quê hương đó tưởng như gần mà xa, tưởng như xa mà gần. Quê hương luôn trong trái tim ” anh”. Quê hương là yếu tố cấu thành nên anh với ngôn ngữ quê, văn hóa quê, những điều chỉ riêng quê anh mới có. Vẻn vẹn có bốn câu thôi mà ta đã có thể hình dung ra một bức tranh quê hương gần gũi, sống động. Có 4 câu thôi mà đã khắc họa vẹn tròn nỗi nhớ “quê”của những người xa quê.
Những hình ảnh thật êm đềm, an lành. Trong nỗi nhớ chung có nỗi nhớ riêng, từ cái từ “quê” chung nhất bao bọc mọi thứ, cho đến thứ anh ăn, điều anh nhìn và cảm nhận mỗi ngày, đến cả những cảm xúc, nghĩ suy riêng có của mỗi người . Có lẽ bởi vậy mà câu ca dao chẳng biết có tự bao giờ nhưng lay động tâm hồn người bao thế hệ không kể xuất phát từ ” quê” nào,có ăn hay thích” rau muống và cà dầm tương” hay không?
“Anh” dù xa, nhưng quê hương luôn hiện hữu trong “anh” dưới hình thức nỗi “nhớ”, nỗi nhớ có thể nhận diện từ những điều đơn sơ như vậy đó, đơn sơ nhưng không dễ kiếm, khó mà tìm..và bởi vậy càng khắc khoải hơn, nồng nàn hơn cái tình quê ấy…
Mà suy rộng ra một chút thì có khi chẳng cần khi phải ” đi” tới đâu mới có cảm giác nhớ những gì đã xa, người ở ngay trong” quê” có khi cũng trầm ngâm nhớ về những giá trị xưa cũ dần mất đi, những người xưa cũ ” còn đâu..”…
*****
Anh Levinhuy bình luận thêm: ”Nỗi nhớ trong bài ca dao cứ tuôn một mạch, cuồn cuộn, cồn cào. Với những hình ảnh đơn sơ mà thân thuộc thoáng hiện, gợi lên cả một không gian thanh bình. Tác giả đã viết mấy câu ca dao này bằng sự rung động thật sự, chỉ những ai có từng xa quê mới thấm thía nỗi nhớ quê này, nó là một nhu cầu nội tâm để giữ cho tâm hồn mình tìm lại sự thăng bằng sau bao lo toan vất vả ở chốn quê người!”
nguồn :sưu tầm