văn 9

L

lalinhtrang

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Tìm thêm 10 thành ngữ khác nhau, giải thích và cho biết các thành ngữ ấy có liên quan đến phương châm hội thoại nào?
Các bạn tìm thật nhiều thành ngữ vào để tránh trùng với những câu mik đã học rồi. Cảm ơn
 
A

anhquyen1610

1. NÓi bóng nói gió : không nói thẳng, trực tiếp , mà nói xa xôi hoặc mượn chuyện khác để nói cho người ta tự suy ngẫm mà hiểu ý => vi phạm phương châm quan hệ

2. nói chuyện " con cà , con kê " : nói dÀi dòng hết chuyện này sang chuyện khác => vi phạm phương châm cách thức + lượng

3. nói ra nói vào : nói dai dẳng , lặp đi lặp lại 1 vấn đề => vi phạm pc cách thức

4. nói thánh nói tướng : ba hoa , khoác lác 1 cách quá đáng => vi phạm pc về chất

5.nói như thánh phán : nói mang tính chất dạy đời

6. nói xỏ nói xiên : nói xa xôi , bóng gió , nhằm bới móc , châm chọc , bêu riếu 1 cách ác ý
=> vi phạm pc lịch sự

7. nửa dơi nửa chuột : k rõ ràng , không hẳn là loại nào . nửa giống cái này , nửa giống cái kia => vi phạm pc cách thức

8 . ăn tục nói phét : ăn nói thô lỗ , ba hoa, thiếu văn hóa => vi phạm pc chất + lịch sự

9. nói ấp a ấp úng : nói gãy gọn , k rành mạch vì lúng túng => vi phạm pc cách thức


10 . nói có sách mách có chứng : nói điều gì đó mang tính xác thực , có chứng cứ rõ ràng =>tuân thủ pc về chất

nếu bài viết có ích thì thanks mình nha!
 
S

scientists

- Môi hở răng lạnh : ví sự gắn bó khăng khít, ảnh hưởng lẫn nhau giữa những người có quan hệ gần gũi, thân thuộc.

- Máu chảy ruột mềm : Ý nói giữa bà con ruột thịt có sự tương quan mật thiết, như máu với ruột, hễ máu chảy thì ruộtmềm.

Máu chảy tức là dứt thịt chảy máu ra. Ruột mềm tức là đau đớn. Khi người ta đau đớn, thì hình như ruột mềm nhũn ra. Câu này nghĩa là thân thể bị thương chảy máu, thì trong ruột cảm thấy đau đớn. Nghĩa bóng câu này muốn nói: người trong máu mủ, họ hàng bị hoạn nạn, thì mình cũng cảm thấy thương xót.

- Nhường cơm, sẻ áo : giúp đỡ, san sẻ cho nhau những thứ tối cần thiết cho đời sống khi thiếu thốn, khó khăn

-Há Miệng Chờ Sung

Tục ngữ đã dạy: “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”. Vậy mà cũng có kẻ chẳng muốn làm, chỉ chực chờ ăn. Hắn ta nổi tiếng lười biếng. Cái danh ''đại lãn'' quả là rất xứng đáng. Đại lãn chờ sung há chẳng phải là một sự kiện nổi tiếng đó sao? Một ngày nọ, hắn đến bên một cây sung to. Chao ôi, bao nhiêu là quả chín! Lại nữa, thỉnh thoảng một quả rơi xuống bên gốc cây. Hắn nghĩ ngay ra một diệu kế. Cần phải nằm ngửa, há to miệng, thế nào cũng có quả rơi đúng miệng. Lúc đó, hắn sẽ nhai ngon lành, mà chẳng cần phải hoài công leo trèo, hái lượm gì… Nhiều quả sung lần lượt rơi chung quanh mình, nhưng chẳng có một quả nào rơi vào miệng hắn. Vừa đói, vừa mệt, hắn đành nuốt nước bọt thất vọng đứng dậy. Thành ngữ ''Há miệng chờ sung” hay “Đại lãn chờ sung” chắc là xuất phát từ câu chuyện này.

Với thành ngữ ''Há miệng chờ sung”, nhân dân ta nhằm đả kích những kẻ lười biếng chực ăn sẵn bằng cầu may.

- ĐA NGHI NHƯ TÀO THÁO

Ở nước Trung Hoa thời Tam Quốc có viên quan Thừa tướng nổi tiếng đa nghi họ Tào, tên Tháo. Hắn đa nghi đến mức không tin bất kì ai trên đời dù người đó là tướng có tài hay người lính đã hết lòng phục vụ và bảo vệ hắn. Có một lần Tào Tháo đem quân đi chinh phạt nhà Thục. Quân Thục chống trả quyết liệt và cố thủ vững chắc. Cuộc chiến kéo dài, quân Tào mệt mỏi, tiến thoái lưỡng nan. Thấy tình thế khó nuốt được Thục, Tào bèn ban mật khẩu “Kê cân”. Một tướng giỏi của Tào là Dương Tu nghe lỏm được, liền truyền lệnh cho quân sĩ thu xếp hành trang, chuẩn bị rút. Thấy lạ, quân tả hữu liền hỏi:

- Tại sao tướng quân lại cho quân rút sớm vậy?

Dương Tu đáp:

- Quan Thừa tướng đã ban mật khẩu “Kê cân” (nghĩa là gan gà) ý muốn nói ăn không được, vứt thì tiếc. Vậy việc rút quân chỉ nay mai thôi.

Biết chuyện này, Tào Tháo khép tội Dương Tu là tiết lộ việc quân cơ, đem ra chém đầu. Nhưng đó chỉ là cái cớ. Cái chính là Tào Tháo biết Dương Tu là tướng có tài, chuyện gì cũng đoán biết được trước nên phải tìm cách hạ sát để trừ hậu họa. Tào Tháo còn là người đa mưu, nhưng vẫn rất sợ quân lính làm phản và bọn thích khách ám hại. Để đề phòng mọi bất trắc có thể xảy ra, hắn ra lệnh: Đêm ta ngủ thường mơ nơi trận mạc, tung hoành đao kiếm, đừng ai đến gần mà thiệt mạng. Một hôm, đang ngủ say, bỗng hắn trở mình, chăn rơi xuống đất. Tên lính hầu canh cửa thấy vậy bèn rón rén đến bên giường nhặt chăn lên đắp lại cho chủ tướng. Tào Tháo vùng phắt dậy rút ngay gươm đã thủ sẵn ở đầu giường chém người lính rồi lại nằm ngủ tiếp. Hành động chém giết tàn bạo của y không chỉ là lời răn đe khắc nghiệt đối với quân lính mà còn bộc lộ bản chất hay ngờ vực, hay nghi kị đến mức điển hình của một tính cách. Từ đó, tính cách của y đã được khái quát gọn trong năm chữ: Đa nghi như Tào Tháo.

- Dở Dở Ương Ương

Trong tiếng Việt, khi nói về những người có tính khí không bình thường, không ra khôn mà cũng chẳng ra dại, người ta nói đó là người “dở dở ương ương”: “Khôn cho người ta sợ, dại cho người ta thương, dở dở ương ương cho người ta ghét” (tục ngữ ).

Cũng như nhiều thành ngữ khác trong tiếng Việt, thành ngữ dở dở ương ương được hình thành bằng ghép láy hai từ dở và ương đi liền nhau.

Nếu chấp nhận rằng có một sự chuyển nghĩa từ dở trong khế dở (khế không ra ngọt mà cũng không ra chua) đến dở trong dở người từ ương trong ổi ương đến ương trong ương gàn, ương ngạnh v.v… thì cũng có thể chấp nhận có hai cách giải thích của thành ngữ dở dở ương ương.

Với nghĩa gốc, dở là ở trạng thái chưa xong, chưa kết thúc; còn ương biểu thị cái trạng thái của trái cây gần chín, cái trạng thái chưa chín hẳn, nhưng cũng chẳng còn xanh nữa! Có thể nói dở và ương đều có một nét nghĩa chung là ở trạng thái chưa kết thúc của quá trình, ở trạng thái nửa vời, không ra thế nọ mà cũng chẳng ra thế kia. Từ đó, với nghĩa bóng, nghĩa rộng, thành ngữ dở dở ương ương thường được dùng để biểu thị tính cách của những người khôn chẳng ra khôn mà dại chẳng ra dại. Dĩ nhiên cái tính cách, phẩm chất này lại thường thể hiện ở cách nói năng, cách ứng xử, thí dụ:

“Ấy cũng chỉ vì trên đầu có hai thứ tóc nên mới ăn nói dở dở ương ương như thế”. (Tạp chí văn nghệ 1-1967).

“Gọi là Đạo Khùng vì ông dở dở ương ương lúc cười nói huyên thuyên, lúc im hơi lặng tiếng, khi thì đon đả hỏi chuyện khách viếng thăm, vui vẻ trả lời các câu hỏi, lúc lì lì hoặc gắt gỏng, xua đuổi người đến thỉnh cầu như xua tà” (Khoa học bịp).

Với nghĩa chuyển, dở được dùng để biểu thị tính khí không bình thường, được biểu hiện bằng những hành vi ngớ ngẩn, còn ương là “gàn”, cứ theo ý mình, không chịu nghe ai” (Từ điển tiếng Việt, 1988). Như vậy thì việc giải thích dở dở ương ương là thành ngữ biểu thị tính cách của con người không bình thường, khôn chẳng ra khôn, dại chẳng ra dại cũng là cách giải thích có thể chấp nhận được. Trong trường hợp này, thì nghĩa của dở dở ương ương được hình thành từ nghĩa chuyển của dở và ương, chứ không phải từ nghĩa gốc của hai từ này.


(còn nữa)​

- MÔN ĐĂNG HỘ ĐỐI

Trong chế độ phong kiến, đôi lứa kết duyên, nên vợ nên chồng đâu chỉ vì tình yêu của họ, đâu phải vì “đôi lứa xứng đôi”. Cái quan trọng, cái cốt lõi trong hôn nhân thời ấy là môn đăng hộ đối, tức là hai gia đình thông gia phải có sự ngang nhau về nhà cửa, của cải, và tương đương nhau về địa vị xã hội:

“Phú ông một hôm mắng em và bảo: “Bao nhiêu đám môn đăng hộ đối không lấy, phải chăng muốn lấy con nhà chùa?” (Nguyễn Đổng Chi. “Kho tàng chuyện cổ tích Việt Nam”).

Môn đăng hộ đối trước hết là tương xứng về nhà cửa, gia thế. Các yếu tố môn, hộ có nghĩa là “cửa, nhà”, các yếu tố đăng, đối được tách ra từ tổ hợp đăng đối với nghĩa là “ngang bằng, đối hợp nhau”. Vậy là, từ chỗ so sánh rất cụ thể về cái nhà, cái cửa, thành ngữ môn đăng hộ đối được mở rộng nghĩa để chỉ gia thế, địa vị xã hội giữa hai bên. Đôi lứa, duyên số phù hợp nhau, xứng đáng kết tóc xe tơ chỉ khi địa vị gia đình họ ngang bằng nhau:

Xã hội phong kiến không chấp nhận những câu chuyện tình giữa các đôi lứa thuộc đẳng cấp chênh lệch nhau:

“Một công tử con quan tể tướng lại lấy một cô gái lái đò làm vợ thì còn đâu là môn đăng hộ đối!” (“Giai thoại Thăng Long”).

Biến thể của thành ngữ môn đăng hộ đối là môn đương hộ đối. Dạng thức này có ý nghĩa và cách dùng tương tự như môn đăng hộ đối.

“Ừ, em vua nước Tây làm rể hoàng đế nước Nam, môn đương hộ đối như thế, tưởng cũng không mấy người có được” (Danh nhân Hà Nội).

- Cả vú lấp miệng em

Nhiều bà mẹ, khi nghe trẻ khóc, không cần dỗ dành, vỗ về, nựng nịu gì cả mà lập tức dùng bầu vú sữa sẵn có trên mình để lấp miệng đứa bé. Nhờ được bú tí mẹ, đứa trẻ không còn khóc nữa. Mới hay là, với đứa bé, bầu vú của mẹ có thế mạnh và ứng nghiệm trông thấy. Cái hiện tượng bình thường mà chúng ta vẫn gặp, vẫn thấy hàng ngày được dân gian khai thác và khái quát thành câu cả vú lấp miệng em để chỉ hiện tượng dùng quyền lực, thế mạnh của mình để chèn ép, lấn át kẻ khác.

Về xuất xứ và ý nghĩa chung của thành ngữ cả vú lấp miệng em như thế là đã rõ. Tuy nhiên, ở thành ngữ này, chúng ta cần quan tâm đến một số điểm khá lý thú về mặt chữ và nghĩa. Vú ở đây là bầu sữa mẹ, được dùng để biểu trưng cho thế mạnh, cho sự lợi thế, trong khi đó em vừa là từ xưng gọi em bé, vừa là từ biểu trưng cho người cấp dưới, người yếu thế hơn. Miệng trong thành ngữ đang xét không chỉ là miệng ăn, miệng bú mà còn là miệng nói. Vì thế, miệng được biểu trưng cho lời nói, cho ý kiến, đề nghị, phê bình phản đối của người khác đối với người trên. Còn lấp là hành động che, bịt lại, không cho lộ ra, không cho phát ngôn, không cho nói. Ở trong thành ngữ này, riêng từ cả là ít giá trị biểu trưng nhất, nhưng lại hơi khó hiểu. Nhiều người đã hiểu cả trong cả vú lấp miệng em có chức năng chỉ gộp, chỉ tổng thể với nghĩa là “tất cả, toàn bộ”, như trong cả nhà, cả bản, cả con gà,… Nhưng cách hiểu này là không chính xác. Thực ra, cả trong thành ngữ này có ý nghĩa là “to, lớn”, như nghĩa của cả trong đũa cả, cả lưng rộng háng, cả hơi lớn tiếng,… Sự giao kết nghĩa của các yếu tố, nhất là nghĩa biểu trưng của chúng đã tạo thành câu cả vú lấp miệng em nhằm hàm chỉ một thói xấu của người đời là hay ỷ vào thế lực, sức mạnh để chèn ép, lấn át người kém mình về thế lực và địa vị trong cuộc sống.

- Tái ông mất ngựa

Nghĩa của thành ngữ này là : việc tưởng may hóa rủi, việc tưởng rủi hóa may, họa phúc khôn lường.

Sách Hoài Nam Tử ở Trung Quốc có chép một truyện như sau :

Có một ông già ở vùng biên ải (Tái ông. Tái là nơi biên ải) mất một con ngựa cái. Hàng xóm đến chia buồn với ông. Ông nói: “Biết đâu việc đó chẳng là một điều may”. Ít lâu sau, con ngựa cái trở về, rủ theo một con ngựa đực rất đẹp. Mọi người đến mừng. Ông nói : “Biết đâu việc đó chẳng là một tai họa”. Quả nhiên, ít lâu sau, con trai ông cưỡi con ngựa mới, bị ngã què chân. Mọi người lại đến an ủi ông. Ông nói: “Biết đâu chẳng là một điều tốt lành”. Qua năm sau, giặc ngoài biên ải tràn vào cướp phá, nhà vua ra lệnh bắt lính. Nhiều trai tráng ra trận và bị chết. Con trai ông vì què chân nên không phải đi lính.

Tai vách mạch dừng

Vách là bức ngăn trát đất. Dừng là những thanh tre nhỏ ken vào vách. Câu này có ý khuyên ta kín đáo, lời nói có thể lọt ra ngoài. Thành ngữ Hán cũng có câu “Bích trung hữu nhĩ” (trong vách có tai).

Ở đây tai vách mạch dừng

Thấy ai người cũ cũng đừng nhìn chi.

(Truyện Kiều)

Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ

Câu tục ngữ này có nhiều cách hiểu khác nhau.

Cách 1: Hai vế này đối lập nhau như nhiều câu khác :

- Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng

- Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài.


Tay quai là tay chống nạnh như hình ảnh quai xanh, quai nồi, tức tay không làm việc nên mới không có ăn, miệng đói trễ ra.

Nghĩa câu này giống câu :

Có làm thì mới có ăn,

Không dưng ai dễ mang phần đến cho.


Ở cuốn “Sách giáo viên, Tiếng việt 5, tập II” cũng giảng theo cách này.

Cách 2: Ông Nguyễn Đức Khuông (trong Tạp chí Giáo viên và nhà trường, số 13 - năm 2000 cho rằng quai là từ Hán Việt.)

Hán việt từ điển của Đào Duy Anh giải nghĩa “quai là trái, hai bên không hợp nhau”. Từ đó, hiểu tay quai là tay hai bên không đồng bộ nhịp nhàng. Tay quai là tuy vẫn làm nhưng làm cầm chừng, làm hời hợt, vừa làm vừa chơi nên cũng dẫn đến việc đói trễ miệng. Sở dĩ ông hiểu theo cách này có câu tục ngữ còn vế ba :

Tay làm hàm nhai

Tay quai miêng trễ

Tay để miệng không.

Về cách hiểu 2, chúng tôi xin trình bày thêm để bạn đọc tham khảo. Theo ý riêng tôi, các từ trên đều là từ thuần Việt chẳng lẽ nhân dân ta lại đưa từ quai (từ gốc Hán) vào đây. Tôi cho rằng giải thích trong Việt – Pháp từ điển của Génnibrel là đúng: quai: negligent, paresseux (lười nhác). Còn vế 3, nếu nhắc lại ý vế 2 cũng để nhấn mạnh thêm mà thôi.

Tay đã nhúng chàm
Chàm là một loại cây có lá dùng để nhuộm màu xanh thẫm. Màu chàm rất bền. Khi nhuộm chàm, nước nhuộm làm xanh cả hai tay, phải rửa nhiều lần mới sạch. Thành ngữ này khuyên ta không nên làm điều gì xấu, để lại vết bẩn khó rửa sạch.

Trót vì tay đã nhúng chàm

Dại rồi còn biết khôn làm sao đây.

(Truyện Kiều)​

(còn nữa)​
 
Last edited by a moderator:
S

scientists

Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ

Câu này nói lên mối tương quan giữa cá thể và cộng đồng. Để khuyên bảo về đạo lí, ông cha ta thường mượn vật để nói người như : “gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”. “Một con ngựa đau” nói lên một cá thể bị hoạn nạn. Cả tàu bỏ cỏ nói lên sự thông cảm chia sẻ của đồng loại, tât cả các con ngựa trong chuồng đều không ăn cỏ vì thương cảm.

Ở đây không nói lên sự giúp đỡ mà nói về tình cảm. Hiểu rộng ra, cả tàu còn nói cả làng, cả nước phải thương yêu đùm bọc lấy nhau ; cùng đồng cam cộng khổ, chia ngọt xẻ bùi.

Muôn chung nghìn tứ

Chung là cái hộc, đơn vị dùng để đong thóc ngày xưa. Tứ là cỗ xe có bốn ngựa kéo. Câu này chỉ bậc vương hầu khanh tướng, ăn lộc đến nghìn chung thóc, trong nhà có hàng nghìn cỗ xe ngựa.

Một lời đã biết đến ta

Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau

(Truyện Kiều)​

Năm thì mười họa

Trong tiếng Việt, thì còn đọc là thời (có nghĩa là lúc, thủa). Ví dụ : thời son trẻ, đương thì con gái, tứ thời, thời gian, thời tiết. Còn họa là từ thuần Việt có nghĩa là ít có, có chăng.

Ví dụ :

- Sắc đành đòi một, tài đành họa hai (Truyện Kiều)

- Vào sinh ra tử họa là thấy nhau (Truyện Kiều).

(Đừng lầm với họa từ Hán. Họa là vẽ (họa sĩ), họa là đáp lại (họa vần thơ), họa là tai vạ rủi ro (họa vô đơn chí)).

Thành ngữ năm thì mười họa có nghĩa là thỉnh thoảng, họa hoằn mới có :

Năm thì mười học hay chăng chớ

Một tháng đôi lần có cũng không.

(Hồ Xuân Hương)​

Ngựa quen đường cũ

Thành ngữ này vốn gốc ở thành ngữ Hán “Lõa mã thức đồ”. Do đâu có thành ngữ này ? Chuyện Xưa kể rằng : Tề Hoàn Công đi đánh nước Cô Trúc. Lúc cất quân đi là mùa Xuân, lúc trở về đã là mùa đông, băng tuyết phủ đầy nên lạc đường. Quản trọng bèn tâu :

- Thưa bệ hạ, trí nhớ của ngựa già rất tốt. Xin để con ngựa già đi trước dẫn đường. Quả nhiên, ngựa đã tìm được đường về.

Trước kia, thành ngữ này được hiểu theo nghĩa : người có kinh nghiệm thường rất thành thuộc sự việc.

Ngày nay, thành ngữ này mang nghĩa xấu dùng để chỉ những người không chịu rời bỏ thói hư tật xấu.

Nổi cơn tam bành

Nghĩa của thành ngữ này là nổi giận lên mà làm điều ác :

Mụ nghe nàng mới hay tình

Bây giờ mới nổi tam bành mụ lên.

(Truyện Kiều)​

Theo thuyết của Đạo gia, trong con người có ba vị ác thần là Bành Kiều, Bành Cứ, Bành Chất. Ba vị này thường xui ta làm điều ác.


Nghèo rớt mùng tơi

Khi ta nấu canh mùng tơi, trong lá mùng tơi có nhiều rớt (nhớt) nên khi múc canh vào bát, môi canh bị trơn tuột, không dính tí gì. Nghèo rớt mùng tơi là nghèo xơ nghèo xác không có chút của cải gì.

Thành ngữ này cũng còn một cách giải thích khác. Mùng tơi là phần trên của chiếc áo tơi (phần dày nhất và khâu kĩ nhất). Áo tơi thường làm bằng lá cọ hoặc lá đót. Khi áo tơi rách thì mùng tơi vẫn còn, dùng cho đến khi rớt (rơi) hết mùng tơi vẫn không có tiền mua áo khác, chứng tỏ nghèo lắm.

Nói nhăng nói cuội

Nói nhăng nói cuội là nói vu vơ, hão huyền cũng như thành ngữ nói hươu nói vượn.

Nhăng là từ cổ có nghĩa là băng nhăng qua quýt…

Cuội là một nhân vật trong truyện kể dân gian, nổi tiếng nói dối (nói dối như cuội).

Cũng có người cho rằng thành ngữ này là “nói giăng nói cuội” (Giăng là mặt trăng, chỉ ý xa vời, không thực tế). Dù hiểu cách nào thì nghĩa cũng giống nhau.


(còn nữa)​

Nợ như chúa chổm

Chúa Chổm chính tên là Lê Ninh. Thời nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, là hoàng tử nhưng ông rất khéo. Tuy vậy, các quán ăn ở kinh đô, nếu được ông mở hàng thì rất đắt khách. Vì vậy, nhiều quán mời ông ăn chịu và ghi nợ. Khi được lên làm vua, (tức vua Lê Trang Tông) các chủ quán đến đòi nợ. Vua ra lệnh mở kho để trả nợ nhưng trả nhiều lần chưa hết vì có kẻ đòi nợ khống. (Theo truyền thuyết, khi vua đi dạo, hễ đi vào phố Cấm Chỉ thì không ai được theo đòi nợ nữa) (phố Cấm Chỉ ở đầu phố Hàng Bông, gần Cửa Nam ngày nay).

Nuôi o­ng tay áo

Trong thực tế, không ai nuôi o­ng ở tay áo cả vì o­ng dễ đốt vào người. o­ng ở đấy được dùng để chỉ kẻ xấu.

Câu này mang ý nghĩa : nuôi dưỡng giúp đỡ kẻ xấu thì kẻ xấu có khi lại phản bội lại mình, làm hại mình.

Tuy vậy cũng không nên hiểu một chiều. Thực tế, kẻ xấu cũng cần sự giúp đỡ, giáo dục để trở thành người tốt. Xã hội ta đã cải tạo được nhiều người xấu trở thành người hữu ích.

Câu này chỉ dùng khi người nuôi dưỡng, giúp đỡ đã bị phản bội.

Giấy rách phải giữ lấy lề

Sách chữ nho ngày trước thường phải đóng lề ở gáy để kết chặt các tờ thành quyển. Khi viết, ở phần lề được để trắng, rông độ 3 centimet theo chiều dọc. Trong quyển sách, lề là phần gốc, nếu lề bị hỏng thì toàn quyển sách sẽ bung ra hết. Dù giấy có rách, phần gốc vẫn cần bảo tồn.

Câu thành ngữ này khuyên ta nên giữ vững truyền thống, nề nếp của gia đình. Lề từ nghĩa đen đã được mở rộng để chỉ những phong tục tốt đẹp trong câu “Đát có lề, quê có thói”.

Gió táp mưa sa

Thành ngữ này có 2 nghĩa : nghĩa hẹp chỉ sự vất vả ở đời. Nhưng trong văn học, gió táp mưa sa lại dùng để chỉ người có tài làm câu thơ, tứ thơ đều nhanh như gió mưa do câu Phong vũ thôi thi tứ (tứ thơ đẩy đến ào ạt như gió mưa).

Tay tiên gió táp mưa sa

Khoảng trên dừng bút thảo và bốn câu.

(Truyện Kiều)​

Gương vỡ lại lành

Thành ngữ này nói ý hàn gắn, đoàn tụ, sự thay đổi từ xấu thành tốt trong đời sống.

Điển tích xưa chép câu chuyện như sau : Từ Đức Ngôn yêu công chúa Nhạc Xương nhưng vì loạn lạc, hai người phải xa nhau. Họ bẻ đôi chiếc gương, mỗi người giữ một nửa. Về sau, Đức Ngôn lên kinh đô, thấy có người bán mảnh gương vỡ. Nhờ manh mối đó, Đức ngôn đã tìm được người yêu, hai mảnh chắp lại thành gương cũ.

Bây giờ gương vỡ lại lành

Khôn thiêng lừa lọc đã đành có nơi.

(Truyện Kiều)

Đời ta gương vỡ lại lành

Cây khô cây lại đâm cành nở hoa.

(Tố Hữu)​

Nguồn : Sưu tầm : Internet, Hocmai​

Nếu bạn muốn tìm hiểu kĩ hơn, vui lòng tìm kiếm tiếp trên Internet hay tìm đọc cuốn sách "Tiếng Việt lí thú" của tác giả Trịnh Mạnh, NXBGD phát hành.
 
Last edited by a moderator:
Top Bottom