Chiếc mũ bảo hiểm đã thực sự trở thành vật dụng quen thuộc, không thể thiếu của mỗi người khi tham gia giao thông. Điều này khẳng định sự thành công trong việc đưa Luật vào cuộc sống. Song đội mũ bảo hiểm như thế nào, đội mũ có thực sự mang tính chất bảo vệ tính mạng người đội hay chỉ để “đối phó” ngành chức năng, chất lượng mũ ra sao?... thì vẫn là vấn đề nan giải, khó kiểm soát. Để việc đội mũ bảo hiểm thực sự trở thành nét văn hóa không thể thiếu thì mỗi người phải hiểu được tác dụng của việc đội mũ cũng như tác hại khi đội mũ giả, mũ kém chất lượng trong tham gia giao thông.
Kiểm nghiệm thực tế ở các tuyến đường và địa bàn trong tỉnh cho thấy, người đội mũ bảo hiểm đúng quy cách, bảo đảm chất lượng có lẽ chưa đạt 50% tổng số người đội. Đó còn chưa kể đến một số đối tượng thanh niên, người tham gia giao thông đi đoạn đường gần còn chủ quan không đội. Điều này cho thấy, mũ bảo hiểm chưa thực sự phát huy tác dụng.
Trước khi Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông được ban hành thì trên thị trường vẫn bày bán tràn lan các loại mũ bảo hiểm kém chất lượng, mũ có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm. Chỉ với 30.000- 35.000 đồng là người tiêu dùng có thể mua được một chiếc mũ bảo hiểm. Loại mũ này là một lớp nhựa tái chế mỏng, nếu tai nạn xảy ra, chiếc mũ không những không bảo vệ được tính mạng mà đôi khi còn là vật dụng gây thêm thương vong cho người đội, rất nguy hiểm.
Biết vậy, nhưng nhiều người vẫn sử dụng bởi kiểu dáng thời trang, mũ nhẹ, giá thành rẻ và có lẽ chỉ cần không bị xử phạt khi gặp lực lượng thực thi công vụ bảo đảm ATGT là đủ!.
Trước thực trạng đó, Chỉ thị 04 đã nêu rõ: Xử lý nghiêm việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mũ bảo hiểm không bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc không rõ ràng, vì lợi nhuận làm ảnh hưởng đến sự an toàn của người sử dụng, nhằm ngăn chặn tận gốc việc sản xuất và kinh doanh mũ bảo hiểm không bảo đảm chất lượng trên thị trường.
Thời gian qua, Ban ATGT tỉnh đã phối hợp cùng các ngành chức năng thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để tổ chức chiến dịch tuyên truyền và thực hiện cao điểm xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm kém chất lượng trên địa bàn tỉnh. Một mặt tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền đến từng nhóm đối tượng, độ tuổi và xuống từng cơ sở về cách nhận biết mũ bảo hiểm đúng quy chuẩn, quy cách sử dụng mũ, tác dụng của việc đội mũ bảo đảm chất lượng. Mặt khác tiến hành kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm minh, thậm chí tịch thu các loại mũ kém chất lượng ở tất cả các cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm trong tỉnh.
Ngoài ra, các chiến dịch đổi mũ cũ lấy mũ mới, hỗ trợ giá mũ... cũng được thực hiện rầm rộ, nhằm loại bỏ hoàn toàn mũ bảo hiểm kém chất lượng trên thị trường. Ban cũng phối hợp với Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu GRSP tổ chức tập huấn nâng cao năng lực tuyên truyền thực hiện quy định đội mũ đạt chuẩn đối với người đi mô tô, xe gắn máy cho tất cả các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị trong tỉnh, để hạn chế chấn thương vùng đầu và tử vong khi tai nạn giao thông xảy ra.
Mũ bảo hiểm đạt chất lượng phải có đủ 3 bộ phận: Vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ và quai đeo. Điều quan trọng là mũ phải được kiểm định, chứng nhận của Bộ Khoa học và Công nghệ, được gắn dấu hợp quy CR, song có lẽ nhiều người sử dụng mũ chưa biết được điều đó và đôi khi vô tình mua phải mũ rởm. Chính vì vậy, để lựa chọn được chiếc mũ bảo hiểm thực sự đúng quy chuẩn không phải là điều đơn giản. Nhiều khi vì lợi nhuận kinh doanh, vì ham rẻ... mà mũ bảo hiểm kém chất lượng vẫn được lưu hành nhiều trên thị trường.
Văn hóa đội mũ bảo hiểm không chỉ đơn thuần là đội chiếc mũ trên đầu để “đối phó” lực lượng CSGT khi đi mô tô, xe gắn máy, mà chính là việc đội mũ đúng quy chuẩn, mũ bảo đảm chất lượng, và quan trọng là mỗi người phải xác định được đội mũ là để bảo vệ tính mạng bản thân. Đó mới thực sự đưa việc đội mũ bảo hiểm đi vào cuộc sống.