từ các ý sau bạn có thể dễ dàng viết thành bài văn:\
Có thể nói đây là lần thứ ba TP.HCM triển khai chương trình “Dân ta biết sử ta”. Đó cũng là cách thiết thực kỷ niệm ngày khai sinh đất nước.
Dân ta biết sử ta
Trong thời gian gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến văn đề giảng dạy môn lịch sử trong các trường học. Kết quả môn thi lịch sử qua các kỳ thi là con số báo động đến tất cả học sinh, đồng thời là nỗi lo của toàn xã hội trước sự hiểu biết của giới trẻ về lịch sử nước nhà.
Nguyên nhân
Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng “Dân ta không biết sử ta”?
Đã có rất nhiều luồng ý kiến được đưa ra nhằm chỉ ra nguyên nhân dẫn đến thực trạng này.
Khi một tuần chỉ một đến hai tiết học Lịch sử
PGS.TS Phạm Xanh cho rằng hiện nay chúng ta đang “đối xử” không công bằng giữa các môn học. Nếu như một tuần có tới 5 đến 7 tiết Toán thì tại sao chỉ có một tiết học Lịch sử. Phải chăng vì môn Sử là môn phụ? Và sự “đối xử” đó đã được phản ánh qua các kỳ thi tốt nghiệp và đại học vùa qua khi điểm môn lịch sử thấp tới mức “kinh hoàng”.
Theo PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế - Chủ nhiệm Khoa lịch sử Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội mỗi tuần có 1 đến 2 tiết sử thì đừng “đòi hỏi” các em khi đi thi đạt điểm môn Sử cao như môn Toán, Lý, Hóa...
PGS Nguyễn Hải Kế hiện đang làm cố vấn cho game show Theo dòng lịch sử của Ban Khoa giáo - Đài Truyền hình Việt Nam, có một một bạn trẻ của trường THPT Marie Curie đã nói với ông: Em thích học Sử, em hiểu được vai trò của lịch sử đối với việc hình thành nhân cách con người. Nhưng bây giờ em phải học những môn để thi đại học nên không có nhiều thời gian cho môn Lịch sử. Nếu như em có học môn Sử nhiều thì bố mẹ em sẽ cấm ngay bởi môn đó em không thi đại học…
Hệ quả của học thuộc lòng!
Đỗ Kim Chung (ĐH KHXH&NV TP.HCM): Nếu xét ở khía cạnh để nắm các cứ liệu thì điều đó đúng, nhưng nếu chỉ dừng lại ở việc học thuộc lòng thì sẽ rất dễ quên khi không nhắc đến nó thường xuyên. Khi kiểm tra, đánh giá kết quả dạy và học, đề kiểm tra đều theo kiểu như: anh (chị) hãy nêu nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa của...; anh (chị) hãy cho biết các nội dung của hiệp định... Cũng không sai nếu nói rằng học sinh lớp 2 học thuộc lòng cũng có thể trả lời được hết những câu hỏi kiểu đó. Tư duy ấy làm học sinh thụ động với môn sử, cứ học vẹt từng câu, từng chữ đến khi kiểm tra và chép đầy đủ ý vẫn qua.
Nhiều năm học môn sử ở trường phổ thông, tôi chưa từng gặp câu hỏi kiểu như: Tại sao chúng ta ký hiệp định... Vì sao sau Cách mạng tháng 8-1945 nước ta đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Những câu hỏi “mở” mang tính tư duy, suy nghĩ để chọn ý cho phù hợp thì khá hiếm hoi. Thêm vào đó, lịch sử của cả một thời kỳ với đầy những biến động cùng hàng trăm sự kiện lớn nhỏ, chi chít những ý nghĩa, nguyên nhân được viết trong một cuốn sách khá dày nhưng thời lượng học quá ít. Trong khi đó, học sinh còn nhiều môn học khác cần phải quan tâm nên thời gian dành cho môn lịch sử cũng bị cắt xén, bỏ bê. Đồng thời, người dạy còn thiếu phương pháp truyền đạt trực quan như sử dụng giáo trình điện tử, cung cấp nhiều hình ảnh hoặc cho học sinh tự diễn những sự kiện lịch sử.
Do vậy, môn sử vốn “phức tạp” bởi ngày, tháng, năm, sự kiện, con số càng gây chán cho người học khi vào tiết sử người học chỉ biết “dự thính 100%”. Nếu tất cả mọi nơi đều dạy sử theo cách đưa những banner, học sử qua phim ảnh... thì chắc sẽ thu hút người học hơn. Một khi đã thu hút người học, làm cho người học thích thú môn sử thì chắc chắn việc học môn sử sẽ tốt hơn.
Người thầy sợ “cháy” giáo án
Lê Quang Huy (giáo viên): Tại sao học sinh đạt điểm thấp môn lịch sử? Ngoài nguyên nhân do một bộ phận không nhỏ học sinh vì yếu các môn khác nên phải chọn khối thi này, có lẽ ai cũng nhận ra việc các em học nhưng không nhập tâm được bài học.
Quan niệm hiện nay của không ít phụ huynh, học sinh, thậm chí cả giáo viên, là học môn lịch sử không có tương lai. Trong khi đó, người thầy chẳng dám “đi xa” hơn những gì có trong sách, không thể phân tích cặn kẽ vì sợ “cháy” giáo án. Học sinh đang bị nhiễu loạn thông tin khi phải tiếp thu kiến thức qua phim ảnh, trên mạng không chính xác. Nhiều em học sinh thổ lộ với tôi rằng: ngày tháng nhiều quá nhớ không xuể, dễ lẫn lộn sự kiện này với sự kiện khác. Cách học phổ biến của các em hiện nay là học vẹt chứ không biết hệ thống hóa kiến thức, sự kiện, đương nhiên điểm sẽ thấp.
Chấn chỉnh ngay chương trình, sách giáo khoa là điều đã được nhiều nhà giáo đề nghị trong những năm qua. Song song đó thầy cô nên hướng học sinh có phương pháp học tập phù hợp với bộ môn, hết sức tránh trường hợp học vẹt vừa mất công sức, thời gian mà không mang lại hiệu quả. Nếu không kịp thời đổi mới, 2-3 năm tới tình hình này sẽ vẫn tiếp tục, có khi tệ hại hơn.
Lỗi tại “người lớn”
Trong một chương trình giao lưu trên VTV2 với chủ đề: “Thế hệ trẻ với di sản Cách mạng tháng Tám” khi phóng viên của chương trình phỏng vấn các bạn trẻ ở Hà Nội về Nhà Hát lớn Hà Nội - nơi diễn ra cuộc biểu tình lớn nhất ở Hà Nội diễn ra ngày 17/ 8/1945 và cuộc mít tinh Tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng ở Hà Nội ngày 19/8/1945, thì hầu hết các bạn trẻ được hỏi không biết đến những sự kiện này, mặc dù các bạn đã nhiều lần đến Nhà Hát lớn.
Phải chăng các bạn trẻ thờ ơ với lịch sử của nước nhà? Tại sao các bạn trẻ lại không để ý đến chính những di tích lịch sử mà hàng các bạn đã đên nhiều lần? Theo PGS.TS Phạm Xanh - Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội thì lỗi không hoàn toàn ở các bạn. Bởi ở di tích lịch sử này chỉ có một tấm biển nhỏ ghi vài dòng: Nơi đây đã diễn ra một cuộc mít tinh trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám. Với tấm biển nhỏ và những thông tin đó không thể thu hút được các bạn trẻ là điều tất yếu.
Theo PGS. Phạm Xanh lỗi ở đây thuộc về những người làm văn hóa Hà Nội. Với các di tích lịch sử người ta chỉ gắn một tấm biển theo kiểu: Tại đây, ngày này diễn ra sự kiện gì… Với cách làm như vậy thì những di tích này chỉ là di tích “chết” và hậu quả của nó là các bạn trẻ ở Hà Nội chiều chiều vẫn đến Nhà Hát lớn chơi nhưng chẳng mấy ai biết được nơi đây đã diễn ra những sự kiện lịch sử gì trong Cách mạng tháng Tám.
Khi bảo tàng không phải là địa chỉ đỏ
Học trong sách vở thì các sự kiện, con số khô cứng. Nhiều trường THPT hiện nay thường tổ chức cho các học sinh đi tham quan bảo tàng với hy vọng việc học sử sẽ hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, có một thực tế là các buổi đi tham quan bảo tàng của các các bạn trẻ hiện nay không hiệu quả.
Theo cô Trần Thị Nhung - Phó hiệu trưởng Trường THPT Maria Curie mỗi lần nhà trường tổ chức cho các học sinh đi tham quan bảo tàng với hàng trăm học sinh, khi đến bảo tàng chỉ có một vài nhân viên bảo tàng thuyết minh giới thiệu trong vòng một tiếng, hai tiếng thì các học sinh không thể hiểu và nhớ nổi những gì họ nói. Mặt khác, các bảo tàng hiện nay trưng bày hiện vật không hấp dẫn và ít có sự thay đổi.
Bảo tàng Cách mạng Việt Nam hiện có hơn 15000 hiện vật về Cách mạng tháng Tám và mồng 2/9/1945. Tuy nhiên, việc trưng bày lại khá hạn chế chỉ có khoảng 10%. Đã 14 năm công tác ở Bảo tàng Cách mạng Việt Nam chị Nguyễn Tường Khanh cho biết: mặc dù có sự thay đổi về cách trưng bày nhưng đó chỉ là những thay đổi không đáng kể và đặc biệt là những thông tin đi kèm theo các hiện vật hầu như là không có.
Biện pháp khắc phục
Kỳ thi năm nào cũng vậy, kết quả thi môn Lịch sử luôn khiến nhiều người trăn trở nhất: thống kê cho thấy có đến 90% bài thi môn này dưới điểm trung bình. Làm thế nào không còn hàng ngàn bài thi sử dưới điểm trung bình vào mùa thi đại học (ĐH) cũng như tại các cuộc thi khác? Ngành giáo dục (GD) phải đổi mới ra sao để môn Sử trở nên hấp dẫn, sinh động hơn?
Vậy phải làm gì để khắc phục tình trạng này ? Trước vấn đề mang tính xã hội nhiều nhà giáo và bạn đọc đã góp ý kiến tâm huyết.
Muốn học sinh yêu Sử, hãy bắt đầu từ những điều gần gũi
Theo ông Phạm Văn Hà (Sở GD - ĐT Hà Nội):
Thứ nhất, nên biến quan điểm, sự kiện, vấn đề thành những câu chuyện lịch sử, trong đó đặc biệt chú ý đến việc liên hệ tới những nét riêng của lịch sử địa phương với những con người, địa danh có thật. Những câu chuyện lịch sử bao giờ cũng khiến HS nhớ lâu hơn những con số, sự kiện khô khan.
Thứ hai, hầu hết các trường học của Hà Nội đều mang tên các vị anh hùng, những người có công với đất nước, nhưng không phải HS nào cũng hiểu rõ về lai lịch, ý nghĩa của những cái tên ấy. Niềm đam mê, yêu thích khám phá lịch sử nhiều khi bắt nguồn từ sự khâm phục, tự hào về những nhân vật mà mình đã biết. Bởi thế, muốn HS yêu Sử, trước hết, mỗi đầu năm học, các nhà trường nên dành thời gian nói chuyện về các nhân vật lịch sử mà trường mang tên, hoặc mở cuộc thi tìm hiểu về những đóng góp của nhân vật ấy để HS có cơ hội tiếp cận thêm những thông tin mới.
Thứ ba, các phòng truyền thống của trường không nên chỉ dừng lại ở việc lưu giữ, trưng bày những hình ảnh, thành tích hoạt động của thầy- trò các thế hệ, mà còn là nơi ghi lại tên tuổi của các cựu giáo viên, HS của trường đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc, có nhiều đóng góp để xây dựng nhà trường. Nhớ ơn các anh hùng, liệt sĩ, lớp thế hệ HS sẽ không chỉ thêm tự hào về ngôi trường mình, mà còn ra sức học tập, rèn luyện, xứng đáng với những cống hiến của cha anh
Giáo dục lịch sử thông qua tuyên ngôn độc lập
Sáng kiến của TP Hồ Chí Minh trong việc treo những tấm pa-nô có thông tin về những vị anh hùng trên các đường phố thời gian qua cũng là một cách làm hay để các nhà trường tham khảo.
Đây là lần đầu tiên nội dung chính ba bản tuyên ngôn được tiếp xúc đến người dân hết sức gần gũi và giản dị thông qua các tấm Pa-nô treo dọc các trục đường chính. Đó là những áng văn bất hủ và hào hùng trong bài Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi và Bản Tuyên ngôn Độc lập do Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình cách đây 62 năm.
Rất nhiều người dân TP.HCM đã khẳng định: Những câu trích trong tấm pa-nô là rất thích hợp, phản ánh đúng tinh thần của bản tuyên ngôn đó. Nội dung cơ bản của nó đã khẳng định chủ quyền dân tộc, cảnh cáo tất cả bọn ngoại xâm dám đến xâm phạm chủ quyền của dân tộc ta , nhân dân ta.
Cùng với 3 bản Tuyên ngôn Độc lập là danh sách tóm tắt về tiểu sử của tám mươi mốt nhân vật lịch sử xếp thoe thứ tự năm hy sinh hoặc năm mất, được tính từ 2/9/1945 trở đi. Đó là những chiến sĩ cộng sản, nhân sĩ, chí sĩ, học giả nhà văn hóa, nhà tu hành, bcs sĩ, họa sĩ, nhặc sĩ…Tất cả họ đều đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, sẵn sàng hy sinh tính mạng khi Tổ quốc lâm nguy.
Theo Giáo sư Huỳnh Lúa: Danh sách những anh hùng được giới thiệu lần này đã thể hiện được tinh thần của bản Tuyên ngôn Độc lập mà Bác Hồ viết: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem hết tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy.”
Có thể nói đây là lần thứ ba TP.HCM triển khai chương trình “Dân ta biết sử ta”. Đó cũng là cách thiết thực kỷ niệm ngày khai sinh đất nước. Thông tin về tiểu sử các anh hùng dân tộc và đặc biệt là những áng văn, những câu thơ bất hủ trong bản Tuyên ngôn Độc lập được tuyên truyền trên đường phố hôm nay đã góp phần nhắc nhở người dân Việt Nam về lịch sử dân tộc,góp phần bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam, cùng nhau xây dựng đất nước “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” trong thời kỳ hội nhập (st)