[ Văn 9] Tấm gương nữ học sinh nghèo vượt khó học giỏi

T

tunkute123

Là con đầu trong một gia đình có 3 con với cuộc sống bấp bênh, Trần Thị Thanh Lạc luôn nỗ lực vượt khó, đạt thành tích cao trong học tập. Hai năm học THPT, điểm tổng kết cuối năm của em luôn xấp xỉ 9 phẩy, trong đó có nhiều môn đạt trên 9 phẩy. Thanh Lạc hiện học lớp 12 A2 Trường THPT Nguyễn Thái Học, thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định).
hoc-bai_09a45.jpg

Trần Thị Thanh Lạc bên góc học tập.
Chúng tôi gặp em vào một ngày chủ nhật đẹp trời, lúc em đang phụ giúp mẹ chuẩn bị bữa cơm trưa đạm bạc với vài con cá biển, vài thứ rau tạp tàng. Trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ ở làng phong Quy Hòa, TP Quy Nhơn, chúng tôi không khỏi xúc động khi trông vào gia cảnh gia đình em.
Lạc sinh ra trong một gia đình ngư dân nghèo, ba em làm đủ các việc từ đi biển đến làm hồ nhưng công việc chính vẫn đánh bắt cá gần bờ. Còn mẹ em - chị Nguyễn Thị Kim Loan làm nội trợ, khi chồng đánh cá về thì chị mang đi chợ bán, ngày kiếm đôi ba chục ngàn nuôi các con ăn học và chăm sóc người mẹ già bị mắc chứng bệnh phong phải nằm liệt giường.
Cuộc sống bấp bênh khiến gia cảnh gia đình em cũng gặp nhiều khó khăn. Là con đầu trong gia đình, sau Lạc còn có 2 em nhỏ, trong đó người em trai thứ kế Lạc lại bị chứng bệnh Down. Hàng ngày, sau buổi học trên lớp, Lạc về nhà phụ giúp cha mẹ công việc vặt trong nhà rồi như cơm nước, vừa trông em vừa học bài.
Cuộc sống vất vả nhưng trong suốt những năm học phổ thông Lạc, luôn là học sinh giỏi của trường. Lên cấp ba, trong năm lớp 10, điểm tổng kết cuối năm của Lài là 8,7. Trong đó điểm trung bình chung các môn tự nhiên như Toán gần đạt mức tuyệt đối là 9,9; Hóa 9,2; Anh văn 9,2; còn môn Lý thấp hơn một chút cũng đạt 8,7. Năm lớp 11, điểm tổng kết cuối năm của Lạc đạt 8,8, trong đó Toán 9,8; Hóa 9,4; Sinh học 9,1.
Tháng 3 vừa rồi, Lạc vinh dự là học sinh đầu tiên của Trường THPT Nguyễn Thái Học nhận giải thưởng Lý Tự Trọng do Trung ương Đoàn trao tặng. Em cũng là một trong 2 học sinh của tỉnh Bình Định nhận giải thưởng này.
giai-thuong_e564c.jpg

Lạc tự hào với tấm kỷ niệm chương của giải thưởng Lý Tự Trọng.
Chia sẻ về bí quyết học giỏi Lạc vui vẻ tâm sự: Trên lớp em chú ý nghe thầy cô giảng bài, cái gì không hiểu thì hỏi cô ngay. Trước khi lên lớp phải đọc bài cũ trước, về nhà dành thời gian ôn bài và làm bài tập thật nhiều để rèn luyện kỹ năng. Phải bố trí cho mình một lịch học cụ thể, thường mỗi môn học em dành khoảng 45 phút để học. Riêng các môn có bài tập thường học 1 tiếng, khi nào căng thẳng thì giải lao bằng cách dọn dẹp nhà cửa”.
Nói về cô học trò có khuôn mặt điềm đạm có má lúm đồng tiền dễ thương, cô Trương Hồng Ngọc - giáo chủ nhiệm cho biết: “Không chỉ vượt khó học giỏi mà trong các hoạt động đoàn đội Lạc đều tham gia tích cực. Thầy cô trong trường mến em và bạn bè đều cảm phục nghị lực của em.”
Còn cô Từ Thị Thanh Thủy, phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Học, cho hay: “Biết em khó khăn nên nhà trường thầy cô luôn tạo điều kiện tốt nhất để em phát huy năng lực. Tôi nghĩ không phải chỉ có trường chuyên mới có thể học giỏi hay con nhà giàu mới học giỏi. Lạc là một học sinh nghèo như vậy, em xứng đáng là tấm gương sáng cho các bạn học sinh trong trường học tập noi theo”.
Khi nói về dự định trong tương lai, Lạc cho biết: “Trong năm học này em sẽ cố gắng giữ được thành tích và thi đỗ đại học. Em thích ngành học liên quan đến ngoại giao nhưng ở Quy Nhơn không có ngành đó. Vì vậy, em sẽ thi vào ngành Quản trị kinh doanh để gần ba mẹ và học ở quê cho đỡ tốn tiền. Và em muốn sau này thành đạt để giúp ba mẹ nuôi em gái nhỏ ăn học”, Lạc chia sẻ.
Giấc mơ giảng đường còn ở phía trước nhưng chúng tôi nghĩ với nghị lực và những cố gắng hiện tại thì điều đó không có gì là khó với cô học trò vượt khó học giỏi.
 
T

tunkute123

Sinh ra và lớn lên tại bản Quang Yên, xã Tam Đình, huyện Tương Dương, Nghệ An cô bé nghèo học lớp 5A (người dân tộc Khơ Mú) Ốc Thị Thâm Dung đã vượt khó vươn lên trong học tập.

So với các bạn cùng trang lứa thì điều kiện học tập của Dung còn thiếu thốn đủ bề, bên cạnh đó Dung lại không có sự yêu thương, chăm sóc của bố.

Mẹ Dung vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải đi làm ăn xa. Dung ở cùng với bà ngoại tuổi đã già, đời sống của bà cháu Dung hết sức khó khăn, vất vả, để lo được cái ăn từng ngày là cực nhọc lắm rồi. Thế nhưng chưa buổi nào Dung nghỉ học.


Em Ốc Thị Thâm Dung

Trong năm học 2009 - 2010, với cương vị là lớp trưởng lớp 5A, đồng thời là liên đội trưởng em luôn đến lớp trước để tham gia đội cờ đỏ kiểm tra nề nếp học tập của các lớp trước khi bước vào buổi học.

Trong học tập em là người thường giúp đỡ bạn bè những khi gặp bài toán khó, giúp các bạn nhỏ tuổi bọc lại sách vở... Tối đến về nhà Dung thường giúp bà rửa bát, nấu cơm, quét dọn, giặt giũ quần áo… xong đâu vào đấy em mới ngồi vào bàn học bài.

Nhờ chăm chỉ, tiếp thu bài nhanh nên từ lớp 1 đến lớp 5 em đều đạt học sinh giỏi của trường, năm học 2009 - 2010, Dung đạt danh hiệu học sinh giỏi tại cuộc thi “giao lưu học sinh giỏi” cấp huyện do Phòng giáo dục và đào tạo Tương Dương tổ chức.

Vinh dự hơn, Dung được thay mặt cho 295 học sinh trường tiểu học Tam Đình đi dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ huyện Tương Dương lần thứ V, do Huyện đoàn và Hội đồng đội huyện Tương Dương tổ chức vào ngày 25 tháng 5 vừa qua.

Với ước mơ trở thành cô giáo để dạy cái chữ cho các em nhỏ, Dung nguyện phấn đấu học thật giỏi để làm hành trang nâng bước vào đời. Ốc Thị Thâm Dung xứng đáng là tấm gương sáng cho các em thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn huyện Tương Dương học tập và noi theo.
 
T

tunkute123

Chàng chăn bò trở thành thủ khoa đại học

Thủ khoa Trương Minh Hoàng vừa học bài vừa chăn bò

Trương Minh Hoàng, (huyện Phú Ninh, Quảng Nam) trở thành thủ khoa Đại học Đà Nẵng với 29,5 điểm (Toán: 9,75; Lý: 10; Hóa: 9,75). Ai cũng phấn khởi và tự hào, bởi lần đầu tiên xóm nghèo Cù Lao có thủ khoa, mà lại là một cậu bé chăn bò, suýt phải nghỉ học giữa chừng vì nhà quá nghèo.

Nhiều ngày nay, người dân ở xóm Cù Lao thuộc thôn 7 xã Tam Thành, huyện Phú Ninh hoan hỉ kháo tai nhau về cậu học sinh nghèo chăn bò đỗ thủ khoa. Trong ngôi nhà nhỏ, Hoàng - thủ khoa ĐH Đà Nẵng - đón chúng tôi với nụ cười hiền lành của một cậu bé thôn quê.

Nhà Hoàng làm nông. Trước kia ba mẹ em sống trong một chòi canh ở xóm Giếng da gần nơi ở hiện tại. Sau nhiều lần mưa giông, căn nhà bị sập ngã, đến năm 1992, ba mẹ xin ở nhờ tạm trên mảnh đất nhỏ của người bác ruột, mượn anh chị em vài chỉ vàng để cất ngôi nhà mà đến bây giờ vẫn không có tiền để tô xi măng và còn một chỉ vàng chưa trả nợ xong.

Hoàng tâm sự: sau ca phẫu thuật hồi năm ngoái vì bệnh suy thận nên ba không còn khả năng lao động. Mẹ trở thành lao động chính trong nhà. Ngoài 4,5 sào ruộng, 2 sào gò trồng các loại sắn, mì, gia đình Hoàng còn vay tiền mua bò, heo chăn nuôi, cải thiện đời sống. Vì kinh tế gia đình khó khăn lại không có thời gian nên Hoàng không đi học thêm. Một buổi đi học còn một buổi ở nhà chăn bò. Tranh thủ khoảng thời gian 2 tiếng đồng hồ trước giờ đi học buổi chiều, Hoàng còn phụ mẹ đi bỏ bánh tráng cho những quán nhỏ ở trong làng. Nhà Hoàng cách trường gần 15 cây số. Từ nhà đến trường em đi xe đạp mất gần 1 tiếng đồng hồ qua những con đường đất đỏ nhão nhoét vào mùa mưa và mịt mùng bụi vào mùa nắng. Khó khăn là thế nhưng chưa bao giờ em nghỉ học. Mẹ em cho biết, có hôm bị bệnh nhưng Hoàng lấy mũ trùm hết mặt, mặc áo ấm và nhờ ba chở đến trường.

Bà Nguyễn Thị Khóa, một người hàng xóm tấm tắc ngợi khen: "Thật tội nghiệp, đi chăn bò suốt. Mà mỗi lần đi chăn bò đều thấy nó lận theo quyển sách, quyển vở để ôn bài. Chuyện gì nó cũng làm được, kể cả việc lượm lá cây cho mẹ đốt lửa tráng bánh. Vậy mà năm nào cũng đạt học sinh giỏi". Ông Nguyễn Cư - Hiệu trưởng trường THPT Trần Văn Dư - nơi Hoàng học tự hào về cậu học trò: "3 năm học phổ thông Hoàng đều đạt loại giỏi. Năm lớp 10 em đoạt giải 3 kỳ thi học sinh giỏi môn hóa học cấp tỉnh; lớp 12 đoạt giải nhất học sinh giỏi cấp tỉnh, giải khuyến khích cấp quốc gia và là học sinh giỏi nhất trường".

Mẹ em, chị Nguyễn Thị Tám, không khỏi xúc động trước tin mừng con trai đỗ đại học. Điều này quả thật ngoài sức tưởng tượng của chị bởi đã có lúc vợ chồng chị tính cho con nghỉ học nửa chừng vì hoàn cảnh kinh tế quá thiếu thốn. Nhưng những lúc như thế, Hoàng lại khóc lóc, năn nỉ ba mẹ và cuối cùng là cương quyết: "Ba mẹ có không cho học thì con cũng đi. Nếu không học thì con cũng sẽ nghèo như ba mẹ thôi". Thấy con tội nghiệp, vợ chồng chị Tám lại nhịn ăn, đi vay đi mượn khắp nơi để nuôi anh em Hoàng ăn học. Và bây giờ trước cánh cửa đại học của con, anh Thành, ba của Hoàng, dù đang mang bệnh nặng cũng cố gắng ra Đà Nẵng làm phụ hồ, chấp nhận khoản tiền công 40.000 đồng/ngày để hy vọng có tiền giúp con mở cánh cửa cuộc đời.
 
T

tunkute123

Thủ khoa vừa học vừa bán bánh xèo
Với số điểm bình quân 9,83 điểm/môn (Toán 10, Lý và Hóa 9,75), Võ Minh Hải đã đỗ thủ khoa vào trường Đại học Kinh tế TPHCM.

Hải và bố đang xem lại kết quả thi Ảnh: Hùng Phiên
Tôi đến nhà Hải (ở góc đường Đồng Khởi - Trường Chinh, TP Tuy Hòa, Phú Yên) gần cuối chiều, giờ cao điểm của quán bánh xèo gia đình Hải và thấy chàng thủ khoa đang thoăn thoắt xếp bánh, rau, nước mắm... cho khách.

10 năm nay, ngoài giờ học, đây là công việc thường xuyên của Hải và cậu luôn tự hào khi quán của gia đình ngày càng đông khách.

Đồng lương bảo vệ ít ỏi của ông Thịnh (ba Hải) và quán bánh xèo này đã chắt chiu cho ba anh em Hải ăn học, đến giờ anh chị Hải đã có việc làm ổn định.

3 năm trước, khi trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên) tuyển sinh, Hải được bố động viên đi thi, thế là đỗ cao vào lớp chuyên Toán.

"Gia cảnh lắm lúc quá khó khăn nhưng chuyện ăn học của con được vợ chồng tui đặt lên hàng đầu. Có tốn kém bao nhiêu cũng vui khi thấy con đạt thành quả...", ông Thịnh tâm sự.

Còn bà Hồng (mẹ Hải) vừa luôn tay đổ bánh, vừa góp chuyện: "Qua lớp 12, thấy con bận học, tui tính thuê người phụ nhưng Hải nói để nó lo vì lời lãi chẳng bao nhiêu...".

Có lẽ hiểu nỗi vất vả của bố mẹ nên Hải luôn ý thức gắng học hành và làm việc, không có chuyện ỷ lại hay đợi thúc nhắc. Nhờ vậy, Hải là học sinh giỏi trong nhiều năm liền.

Khi tôi hỏi về "bí kíp" học tập, Hải chân tình: "Tự nhiên ngay từ cấp một, em đã mê toán và ngoài giờ học, em tìm thêm bài tập để giải. May mắn từ lớp 10, em được thầy Châu, thầy Trung, thầy Huy... hướng dẫn hình thành phương pháp tư duy khoa học, tiếp cận kiến thức từ dễ đến khó, cách tư duy nhanh trước một vấn đề và trình bày bài giải khúc chiết nhất...".

Nhắc đến đặc trưng của việc thi trắc nghiệm, Hải "bật mí": "Phải bấm máy tính tốc độ nhanh và chính xác! Riêng em nhờ nhiều lần tham gia cuộc thi giải toán nhanh trên máy tính Casio nên luyện thêm được kỹ năng này. Trong quá trình luyện thi đại học, thầy Khoái dạy không quá chú trọng giải các đề trắc nghiệm sẵn có, mà xoáy sâu vào phương pháp tự luận, giải các bài tập đa dạng để củng cố kiến thức và ứng dụng nhanh... Em cũng không học quá khuya, thường ngủ trước 11 giờ 30 đêm, nhất là trước lúc thi để giữ sức khỏe và bình tĩnh...".

Lớn lên trong gia đình lao động, chuyện làm lụng đã chẳng còn là điều xa lạ, trong ngày vui của cả gia đình, Hải vẫn xác định: "Cũng chưa biết như thế nào nhưng vào Sài Gòn học, em sẽ đi làm thêm để đỡ đần bớt cho bố mẹ chuyện chi phí học hành".

Chia tay tôi, Hải còn tự tin tâm sự: "Em định hướng phải dành dụm để đầu tư học ngoại ngữ, và quyết tâm học thật giỏi ngành kinh doanh chứng khoán. Nung nấu nhất của em là phải làm sao để có điều kiện lo cho cha mẹ đỡ vất vả...".
 
T

tunkute123

Nữ sinh khiếm thị đỗ thủ khoa

TP- Trung tâm Dạy nghề và Hướng nghiệp trẻ em mù tỉnh Thừa Thiên - Huế những ngày này đang rất vui vì lần đầu tiên có một học sinh đậu đại học với số điểm cao và là thủ khoa ngành Ngữ văn của trường ĐH Khoa học Huế.

Nữ sinh khiếm thị Nguyễn Thị Mỹ Lài

Hôm nào phòng của Nguyễn Thị Mỹ Lài, cô thủ khoa khiếm thị cũng tấp nập khách đến thăm và chúc mừng…

Niềm vui bất tận

Là con thứ trong gia đình ngư dân nghèo ở huyện Phú Vang, lúc chào đời, Lài bình thường như bao đứa trẻ khác. Khi con biết lẫy, biết ngồi, mẹ Lài lo lắng vì thấy con không có khả năng nhìn theo hướng dẫn của gia đình.

Sau này, biết con không còn khả năng nhìn được, mẹ Lài bao đêm khóc hết nước mắt vì thương con. Bao nhiêu tình thương yêu, sự quan tâm, bố mẹ đều dành hết cho Lài, mong bù đắp cho con phần nào thiệt thòi của số phận.

Lên 7 tuổi, Lài được bố mẹ gửi vào Trung tâm Giáo dục và hướng nghiệp trẻ em mù Thừa Thiên - Huế với mong ước cho con được một nền giáo dục thích hợp. Lài được các cô chú trong trung tâm dạy dỗ và xin cho em được theo học hòa nhập cùng các bạn bình thường.

Lài bộc bạch: “Em thích vào ngành báo chí, trở thành phóng viên nhưng suy nghĩ kỹ, việc đi lại sẽ rất khó khăn, cuối cùng em đăng ký thi vào ngành Ngữ văn trường Đại học Khoa học. Sau này ra trường em sẽ dùng kiến thức mình học được dạy lại cho các em nhỏ khiếm thị”.

Còn nhớ những ngày làm bài thi ở hội đồng thi trường THPT Hai Bà Trưng, Lài luôn tránh mặt các phóng viên. Sau này, em mới thổ lộ là vì áp lực rất lớn, sợ không làm được bài thi sẽ phụ lòng mong đợi của mọi người.

Khi biết tin mình là thí sinh cao điểm nhất ngành Ngữ văn ở trường Đại học Khoa học Huế, Lài khá bất ngờ: “Em thấy đề không khó lắm so với năm trước. Em chỉ nghĩ sẽ gắng làm bài hết sức mình để không phụ lòng mong đợi của mọi người. Không nghĩ là mình sẽ đạt điểm cao nhất ngành. Không ngờ em được 20 điểm tròn, đứng đầu so với các bạn cùng thi vào khoa Ngữ văn, chưa bao giờ em được đón nhận niềm vui như thế. Đến bây giờ, cảm giác vẫn còn lâng lâng” - Lài tâm sự.

Mẹ Lài, bà Phan Thị Hạnh đã bật khóc khi con gái báo tin đậu điểm cao. Bà Hạnh xúc động: “Cháu chịu nhiều thiệt thòi nhất nhà, tôi luôn động viên cháu tự tin để thực hiện ước mơ của mình. Vậy là cháu đã làm được. Mấy ngày ni cả nhà tôi vui lắm! Tôi đang dạy cho cháu cách sống ở môi trường chung và cả cách tự chăm lo cho bản thân mình. Sẽ khó khăn lắm đây nhưng tôi tin cháu sẽ vượt qua được tất cả”.

Tương lai là những tháng ngày gian nan

Nguyễn Thị Mỹ Lài là một trong hai TS khiếm thị tham gia kỳ thi tuyển sinh vào Đại học Huế năm 2008, áp lực đè nặng lên vai Lài vì được sự quan tâm của quá nhiều người. 12 năm ở Trung tâm, 12 năm được các cô chú chăm sóc, hỗ trợ học hành, đó quả là may mắn so với bao nhiêu bạn bè khiếm thị khác.

Đây là năm thứ hai Lài thi đại học. Ngày làm ở cơ sở xoa bóp, bấm huyệt chữa bệnh, mãi đến tận 9 giờ tối hàng ngày, Lài mới bắt tay vào ôn tập, học bài. Sách vở học thi của Lài gấp bốn lần thí sinh bình thường vì tất cả phải “dịch” sang chữ braille.

“Vất vả lắm vì không có sách dành riêng cho người khiếm thị. Thi thoảng em phải nhờ các cô ở phòng giáo vụ đọc giúp hoặc các em nhỏ nhìn đỡ. Trợ thủ đắc lực nhất của em là bé Nhi, học lớp 7 ở trung tâm. Hằng tối, Nhi phải cầm kính lúp dò từng câu trong sách để em viết ra chữ braille” - Lài nhớ lại.

Niềm vui như bừng lên trên khuôn mặt em, nhưng chúng tôi vẫn đọc được trong giọng nói ngập ngừng của Lài một nỗi lo lắng về quãng thời gian đầy thử thách trên giảng đường trước mặt: “Ngay sau khi có điểm thi, em gọi ngay về cho ba mẹ ở huyện Phú Vang”.

Trước Lài có Duy, Hạnh là hai thí sinh ở Trung tâm đang học đại học. Được các anh chị chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn, giúp đỡ, Lài đã bớt lo lắng. Song, chặng đường phía trước vẫn là thử thách mới.

Như các anh chị trước, vào đại học, Lài sẽ phải chuyển vào ở ký túc xá, tự lo ăn uống, sinh hoạt chứ không còn được cô chú trung tâm giúp đỡ như bây giờ. Lài bộc bạch: “Chặng đường đại học sẽ gian nan hơn rất nhiều, em phải cố gắng gấp hai, gấp ba trước đây.

Sau khi ra trường, em muốn về lại Trung tâm để giảng dạy và giúp đỡ các em nhỏ”.
 
Top Bottom