“Phận đàn bà”- cụm từ này dường như đã trở thành một câu thành ngữ kinh điển để chỉ chung thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Cũng như Thúy Kiều trong truyện Kiều của Nguyễn Du là một người phụ nữ tài sắc vẹn tòan nhưng bạc mệnh. Hay Kiều Nguyệt Nga trong truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu là người phụ nữ nết na, hiếu thảo, nghĩa tình. Thì nay những phẩm chất cao đẹp ấy của người phụ nữ thời phong kiến như được Nguyễn Dữ ghi nhận và cảm thương sâu sắc qua nhân vật Vũ Nương trong “Chuyện người con gái Nam Xương”, một người phụ nữ đức hạnh, mang số phận không kém phần éo le và để lại trong lòng người đọc nhiều xúc cảm .
Bằng những từ ngữ gợi cảm, đặc sắc, nghệ thuật xây dựng tình huống truyện và tâm lý nhân vật sâu sắc, kết hợp tự sự với trữ tình, Nguyễn Dữ đã thành công trong việc xây dựng hình tượng Vũ Nương đồng thời thể hiện niềm thương cảm với số phận người phụ nữ Việt Nam xưa. Vì thế ngay trong tác phẩm, trong từng lời, từng chữ viết tác giả đã tỏ ý muốn bênh vực cho nàng. Qua đó, ta thấy lại có thêm một nhận định về tác giả là người có tư tưởng tiến bộ, có tấm lòng nhân hậu.
Mở đầu tác phẩm, tác giả đã giới thiệu về nhân vật chính: Vũ Nương, người con gái quê ở Nam Xương, hiền dịu, nết na, tư dung tốt đẹp. Còn chồng nàng là Trương Sinh, con nhà giàu, một kẻ thất học và cả ghen. Tác giả đã lưu ý dùng biệt pháp đối sánh để nổi bật những vẻ đẹp của Vũ Nương về sau và phần nào sơ lược mốc nguyên nhân gây nên nỗi oan uất của nàng qua hình ảnh nhân vật Trương Sinh. Như bao người phụ nữ thời phong kiến khác , nàng chỉ mong có một cuộc sống lứa đôi, an bề nghi thức. Bởi thế nàng lúc nào cũng cố giữ hòa khí gia đình, giữ gìn khuôn phép. Thế nhưng sự đời quả nhiên khó đóan, sau khi Vũ Nương lấy Trương Sinh không bao lâu thì đất nước xảy ra chiến tranh. Trương Sinh tuy con nhà hào phú nhưng vì thất học nên phải đi lính. Trước lúc Trương Sinh lên đường, Vũ Nương nói: “Lang quân đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong được đeo ấn hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi….” Lời của nàng thật cảm động và xót xa, nếu không phải là một người phụ nữ yêu chồng sâu nặng hẳn nàng sẽ không thể nói được những lời như thế.
Tuy chồng đã ra đi biền biệt phương xa cách trở, nhưng nàng vẫn giữ trọn khí tiết, một lòng chờ chồng, không hề “ngõ liễu tường hoa”, không màng danh lợi phú quý. Và nàng cũng rất mực hiếu thảo với mẹ chồng. Vũ Nương chăm sóc mẹ chồng chu đáo, khi bà ốm đau Vũ Nương hết lòng thuốc thang, khuyên lơn. Đến khi mẹ chồng mất, Vũ Nương đôn đáo lo toan ma chay không khác gì đối với cha mẹ ruột. Dường như hiểu thấu được tấm lòng của con dâu nên trước khi chết bà trối lại rằng: “ngắn dài có số, tươi héo bởi trời.…Chồng con xa xôi, mẹ chết lúc nào, không thể kịp về đền báo được. Sau này trời giúp người lành, ban cho phúc trạch, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, xanh kia chẳng phụ con cũng như con đã chẳng phụ mẹ”. Người người xưa có câu “Mẹ chồng nàng dâu , nấu đầu trâu không thủng”, thế nhưng ở đây ta lại thấy tình cảm giữa mẹ chồng và nàng Vũ Nương rất mực thân tình. Thật sự điều này rất có hiệu quả trong việc tôn vinh tính cách cao đẹp của Vũ Nương, khiến cho mẹ chồng cũng cảm nhận được; đồng thời đó cũng là khát vọng của tác giả thương cảm cho những người phụ nữ thời phong kiến luôn chịu những lễ giáo vô cùng khắc nghiệt, đặc biệt là mối quan hệ giữa mẹ chồng và con dâu. Lại kể từ khi Trương Sinh ra trận được mười ngày thì Vũ Nương sinh ra một đứa con trai đặt tên là Đản. Vũ Nương rất mực yêu thương đứa con của mình. Cũng vì lẽ đó nàng luôn muốn con có cảm giác có cha chở che nên hay chỉ bóng mình trên vách bảo với con đấy là cha nó . Mỗi lần chỉ cái bóng của mình như thế, Vũ Nương như nguôi ngoai bớt phần nào nỗi nhớ thương chồng. Qua những chi tiết trên ta nhận ra Vũ Nương là một người phụ nữ đảm đang, chung thủy, hiếu thảo, giàu lòng yêu thương. Một mình thân liễu lại mới sinh con thế mà nàng vẫn có thể thay chồng quán xuyến mọi công việc trong gia đình, từ việc chăm sóc mẹ chồng đến sinh và nuôi dạy con ăn học. Ôi! Người phụ nữ đức hạnh như thế có điểm nào mà chê trách được không cơ chứ, chỉ trách là số phận nghiệt ngã đã đưa đẩy nàng đến cảnh oan trái mà thôi.
Ngày Trương Sinh trở về , Vũ Nương ngỡ như niềm ao ước bấy lâu: gia đình được sum vầy hạnh phúc, hóa ra lại là bi kịch đời nàng. Trương Sinh trở về hay tin mẹ mất, chàng đau buồn lắm rồi bế con ra viếng mộ mẹ, khi đó đứa bé đã bật ra một câu nói rất con trẻ :
- Ô hay ! Thế ra ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói, chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín thin thít .
Chính câu nói của đứa bé là nút thắ , thắt số phận của nàng Vũ Nương từ ngày ấy. Thế là bi kịch bắt đầu chỉ bằng một lời nói tưởng như rất ngây thờ ngờ nghệch của đứa bé. Cùng với sự ghen tuông đến mất cả lý trí của Trương Sinh đã vội kết tội người vợ hiền thủy chung. Trương Sinh nghi oan vợ, cứ nói bóng nói gió thậm chí mắng nhiếc đánh đập vợ, một mực không nghe bất cứ một lời thanh minh nào của nàng. Cuối cùng nàng đành bất đắc dĩ mà nói: “Thiếp sở dĩ nương tựa vào chàng, vì có cái thú vui nghi gia nghi thất, có sự yên ổn được tựa bóng cây cao. Đâu ngờ ân tình tựa lá, gièm báng nên non. Nay đã bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió; khóc tuyết bông hoa gãy cuống, kêu xuân cái én lìa màn, nước thẳm buồm xa, đâu còn thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa.” Đó là lời nói trong nỗi tuyệt vọng của Vũ Nương. Trong nàng mọi thứ hòan tòan đã chấm dứt, một khát khao duy nhất là “hạnh phúc” đều đổ vỡ cả. Không còn cách nào khác, nàng đành chọn cách tự vẫn để minh chứng cho tấm lòng trong trắng của mình. Nhưng đó không không phải là một cái chết vội vã, hời hợt mà là một sự chuẩn bị chu đáo. Vũ Nương tắm gội sạch sẽ rồi ra bến Hòang Giang, ngửa mặt thề trước trời đất chứng giám cho tấm lòng của nàng. Đến đây ta lại thấy ở Vũ Nương thêm một nét đẹp của lòng tự trọng và vô cùng bản lĩnh.
Từ hình ảnh của Vũ Nương làm ta liên tưởng đến “Quan âm thị kính”, cũng là người phụ nữ có tư dung tốt đẹp, cũng chịu phải nỗi oan không thể hóa giải. Thế nhưng trong “Quan âm thị kính” thì lại chọn một cách khác để giãi bày nỗi oan của mình. Từ đó tác giả làm nổi bật một nguyên nhân sâu xa mà tác giả muốn lên án là một xã hội phong kiến nam quyền, một xã hội với những lễ giáo khắc nghiệt đã dồn Vũ Nương cũng như những người phụ nữ khác đến bước đường cùng, đã thao túng cho hành động của Trương Sinh mà không bị ai phê phán. Trong xã hội phong kiến thối nát lúc bấy giờ , người phụ nữ không hề có quyền hạn gì, họ luôn bị gò ép trong khuôn khổ, bị vùi dập thậm chí là oan uất. Mặc dù phải sống trong xã hội bùn sình ấy, họ vẫn vươn lên như những đóa sen thơm ngát, thơm ngát những vẻ đẹp cao quý của một người phụ nữ. Đó thật sự là một điều đáng trận trọng và kính nể.
Nhưng rồi tác giả không dừng lại ở đọan kết thúc truyện khi Trương Sinh hiểu ra nỗi oan của vợ. Nguyễn Dữ đã hư cấu thêm cho phần kết truyện: Vũ Nương đã được Linh Phi cứu, trở thành tiên và sống một cuộc sống xứng đáng ở chốn làng mây cung nước. Ở đây ông có sự đồng cảm sâu sắc với số phận của Vũ Nương. Nguyễn Dữ không dừng lại ở sự việc Vũ Nương được giải oan, có thể nói kết truyện mà ông hư cấu là một kết thúc có hậu mà chúng ta mong đợi, cho thấy tác giả đã thấu hiểu cho số phận oan nghiệt và éo le của Vũ Nương. Số phận người phụ nữ Việt Nam thời phong kiến nói chung và Vũ Nương nói riêng luôn bị những lễ giáo khắc nghiệt vùi dập. Xã hội phong kiến với bao bất công, định kiến đã dồn số phận người phụ nữ vào ngõ cùng. Qua câu chuyện về cuộc đời và cái chết thương tâm của Vũ nương, tác giả đã lên án xã hội đương thời đồng thời khẳng định vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ xưa.
Vũ Nương là đại diện cho những người phụ nữ ngày xưa: dung hạnh tốt đẹp hết mực yêu thương gia đình chồng con nhưng số phận trân chuyên, bập bênh. Truyện đã góp phần vào tiếng nói chung , phản ánh xã hội phong kiến đương thời đã đẩy cuộc đời của người phụ nữ vào những hòan cảnh bất hạnh, đồng thời đề cao vẻ đẹp, giá trị phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam.
Nguồn:
www.vn-zoom.com