Dù là khi tóc bạc."
Nhờ đâu mà bài thơ nói chung và hai khổ thơ trên nói riêng lại có sức truyền cảm bất diệt cùng năm tháng?
Hòa vào mùa xuân của đất nước, của thiên nhiên, Thanh Hải cũng có mùa xuân của riêng mình. Dù rằng đang nằm trên giường bệnh, dù cái chết cận kề, dù thể xác có bị đọa đày, ông vẫn cố lắng nghe hơi thở đều đặn của vạn vật trong cái trở mình của đất trời, nỗi khát cuộc sống ngày càng dâng trào:
"Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến."
Cũng như Viễn Phương, Thanh Hải dùng điệp từ “Ta làm" như một lời thì thầm, nhỏ nhẹ nhưng cũng thật trang trọng, kiêu hãnh bởi mùa xuân đâu chỉ là của riêng ai mà là của đất trời xanh thẳm, của bông hoa tím biếc, của chú chim chiền chiện…Giữa không gian bao la, hùng vĩ, con người chỉ như hạt bụi đơn côi! “Giá như” hạt bụi ấy được hóa thân thành con chim để cất cao tiếng hót yêu đời, yêu người; "giá như" hạt bụi ấy được làm một cành hoa tỏa hương, khoe sắc, và nếu có được nhập vào bản đại hợp xướng cũng chỉ xin làm một nốt trầm bé nhỏ. Vâng! Chỉ bấy nhiêu cái "giá như" thôi đã là quá lớn, quá đủ với Thanh Hải. Dẫu biết “trời xanh là mãi mãi", dẫu biết "một con chim én không làm nên nổi mùa xuân", nhưng ông cũng vẫn ước ao, vẫn hạnh phúc đón nhận.Ước nguyện thật chân thành nhưng cũng thật thiết tha. Lẻ loi làm sao khi chỉ là "một tiếng hót" trong tiếng ca của muôn chim, đơn độc làm sao khi vẫn là "một cành hoa" trong sự rực rỡ, chói lọi của muôn hoa và càng nhỏ bé, hữu hình hơn nữa trong muôn ngàn nốt cao vút, nổi trội, ta chỉ được làm "một nốt trầm" nhỏ bé. Thái độ nhập cuộc, dấn thân vào cuộc sống đã được thể hiện khá rõ ràng trong điệp từ “Ta nhập vào"; đại từ “ta” là số ít biểu hiện ước vọng cụ thể của một cá nhân, chỉ xin được làm những vật nhỏ bé, tầm thường, đồng thời “ta” còn nói lên nỗi khát khao lớn lao "nhân loại vô danh" có được là nhờ những cái riêng lẻ, giản dị kia.
Từ chủ thể trữ tình ở khổ một, "tôi" được chuyển thành "ta" như một lời vẫy gọi chân thành: "Hãy sống bằng tất cả trái tim, hãy dâng hiến cho đời những gì mình có thể, dù là rất nhỏ bé, đơn sơ để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn”. Phải: “nếu là con chim, chiếc lá thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh".Con người cũng vậy, đã sống thì phải sống cho hết mình, bởi "sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình".
"Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi”
Đó mới là lẽ sống cao đẹp, là lẽ dâng hiến trong âm thầm, trong lặng lẽ, và cũng là nhân cách không thể thiếu được của mỗi con người.
Từ mùa xuân của đất trời bao la đến “mùa xuân nho nhỏ" của mỗi người, từ bản đại hợp xướng của đất nước xây dựng cuộc sống mới đến nốt trầm riêng lẻ của cá nhân, "Mùa xuân" như đạt đến đỉnh cao thành mùa xuân lý tưởng, của tiếng lòng cao cả. Nỗi khát khao dâng hiến lúc này không còn là "ta" hay "tôi" nữa mà bỗng chuyển thành:
"Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời”
Câu thơ vừa tái hiện chủ đề của tác phẩm, vừa thiết lập được mối quan hệ riêng-chung rất hợp lý. Thanh Hải đã biến "Mùa xuân nho nhỏ" thành mùa xuân vĩ đại của đất nước, của nhân loại, bởi không chỉ riêng ông mà còn rất nhiều người khác đã và đang làm việc đẹp thêm cuộc sống. Ta đã từng bắt gặp một chị lao công đêm đông quét rác, ta đã từng nghe trong sâu thẳm tiếng anh Nhẫn gọi bò át cả tiếng gió rít, và gần đây hơn là hình ảnh anh thanh niên làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu với nhân cách sống cao đẹp, tâm hồn trong sáng đã làm việc phục vụ cho sản xuất, cho chiến đấu. Tất cả những con người ấy đã sống và lao động tự giác và mục đích chân chính cho đời. Thanh Hải cũng thế, ông nguyện đem thân mình hiến dâng cho đời. Thanh Hải cũng thế, ông nguyện đem thân mình hiến dâng cho Tổ quốc, cho Cách mạng. Từ láy "lặng lẽ" như chỉ sự âm thầm, chèo chống trong công ước, đại từ “tôi” được giấu kín góp phần tạo nhạc điệu, âm hưởng trong câu thơ. “Tôi” giờ đây chẳng còn là hình ảnh "tôi hứng, tôi nhận, tôi thưởng thức, tôi ôm ấp" vẻ đẹp của đất trời mà là "tôi trân trọng, tôi nâng niu, tôi thành khẩn hiến dâng" cả cuộc đời này cho mùa xuân của dân tộc, của đất nước vẫn mãi tươi thắm. Sự hi sinh trong âm thầm, trong lặng lẽ sao mà to lớn thế, thiêng liêng thế. Chính những hình ảnh thuần nhị, tự nhiên, câu thơ ngân vang như lời ca đã tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc, làm xao xuyến rung động cả tâm hồn.
Từ khát vọng "lặng lẽ dâng cho đời”, sức xuân như ánh lên, lan tỏa khắp tâm hồn của tác giả, đó là tâm hồn của một người muốn sống hết mình, muốn sống một cuộc đờI ý nghĩa mà không ngại ngần tuổi tác:
"Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc"
Điệp từ “dù là" mang một sức khái quát lớn, biểu thị cho cái chung, cái lớn lao. Phải! Nề hà chi tuổi hai mươi trai tráng, e dè chi bóng chiều tà quanh ta! Thanh Hải dù đang ở những năm tháng cuối của cuộc đời, dù "thân tàn sức kiệt" nhưng trong ông sức sống vẫn tràn đầy, ông vẫn muốn làm một dòng sông bồi đắp phù sa cho đồng bằng mà không hề mệt mỏi ngừng nghỉ ; ông vẫn muốn làm một thứ gì đó triền miên, bất tận cho đời cho người, vì đã sống thì không thể thừa thãi, lại càng không thể dửng dưng đứng bên lề. Đời người có là bao, vậy tại sao ta không là "hoa của đất”, là những gì thâm thúy nhất của đời mà lại đành lòng làm ngọn cỏ dại lạnh lẽo trong đơn côi, giá buốt. Vâng! Hãy dâng hiến cho đời những gì mình có thể dù đó chỉ là hạt nước bé nhỏ trong biển đời mênh mông sóng gió.Và "mùa xuân của đất nước, của dân tộc sẽ bắt đầu từ những mùa xuân nho nhỏ" của mỗi chúng ta.
Bằng thể thơ ngũ ngôn dễ hiểu, dễ nhớ, kết hợp với nhiều hình ảnh gợi hình, gợi tả, nhiều điệp từ, điệp ý, hai khổ thơ là tiếng nói tâm tình, nhỏ nhẹ mà thâm thúy của Thanh Hải. Tất cả dường như đều có sức sống riêng, đều là những câu châm ngôn của cuộc sống. Đó cũng là tâm niệm cuối cùng của tác giả :"Hãy làm tiếng chim hót, làm một cành hoa, một nốt trầm bé bỏng cho mùa xuân bất tận của dân tộc, của Tổ quốc mãi xanh thêm, đẹp thêm." Phải giữa mùa thu xế tà của đời mình ông vẫn nghĩ đến một mùa xuân bất tuyệt của Tổ quốc.