[FONT=Arial, Helvetica, sans-serif]Vầng trăng của nhà thơ Hàn Mặc Tử lại phong cách tuyệt vời, vầng trăng ấy cứ nấn ná giữa bến sông, nhà thơ chờ mãi, bèn hỏi con đò của ai, lại cũng phong cách như vầng trăng, chần chờ chưa rời bến, đến nỗi Hàn Mặc Tử phải thốt ra thơ rằng:
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
(Hàn Mặc Tử)
Ôi sao mà khách sáo, nhiêu khê thế, hay khách yêu trăng vốn ngại ngần, muốn có trăng riêng chỉ của mình, trong lúc trăng muôn thu, ngàn kiếp của vũ trụ, nhân gian, làm sao gọi thuyền tình chở trăng về bến mộng chứ.
Ngày xưa, thủa còn thiếu nữ, tôi viết tập thơ Mùa Trăng Con Gái, ý nói trăng tròn 16, trăng dậy thì, thế mà có ít vị nam nhi cũng còn chưa khôn lớn như tôi, bèn nhếch miệng cười... bút chiến:
“Trăng của chung thiên hạ, kể cả nam, phụ, lão, ấu... chẳng của riêng ai mà xí phần nhé.”
Tôi đành làm thơ trăng thì cứ làm, nhưng không dám đề (Mùa trăng con gái) trong ngoặc lớn, dưới tên tác giả nữa.
Tôi vẫn yêu trăng như quý vị sáng tác và quý khách ngắm trăng - biết bao lời lẽ tôn sùng, mê đắm trăng, giới văn học nghệ thuật thì hầu như nghề nào, nghiệp nấy thổ lộ, tôn vinh trăng, nào là suối trăng, sông trăng, biển trăng, rừng trăng, đồi trăng, vườn trăng, sân trăng, hiên trăng, thềm trăng, v.v...
Cứ thế quý vị tác giả thi văn sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ, v.v... biểu lộ, luận bàn về trăng.
Nếu các văn thi sĩ, nhạc sĩ, thốt ra lời, như thi sĩ Hàn Mặc Tử nhắn hỏi thuyền ai đậu bến sông trăng, có chở trăng về cho Hàn thi sĩ kịp tối nay không? Sao không đợi tối mai, tối mốt v.v... mà phải tối nay, sợ không kịp nữa, vì có thể mai mốt trăng già hơn, không còn tròn như trăng mười sáu chẳng hạn.
Nhạc sĩ Văn Cao thì:
Thiên thai, ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian...
Ánh trăng nơi thiên thai của Văn Cao mầu xanh, không phải mầu vàng kim, hay mầu nguyệt bạch như thường thấy, có nghĩa là ánh trăng... bình thường thôi, nhưng phản ảnh qua rừng cây, vách núi, uyển chuyển, dạt dào, mềm mại như dòng suối, ánh trăng tạo thành dòng suối vậy.
Tình cờ tôi được nghe thi sĩ Cung Trầm Tưởng diễn tả vầng trăng mùa Ðông ở Minnesota, cho Giáo Sư Nguyễn Sỹ Tế lúc sinh thời nghe:
“Ánh trăng xuyên qua thành phố tôi ở ông ạ, nó màu xanh lạ lắm, chưa bao giờ tôi thấy trăng màu xanh.”
Giáo Sư Nguyễn Sỹ Tế cười nụ, rất sư phạm, có lẽ nhà giáo vẫn đinh ninh trăng phải màu vàng, màu ngà, hay có thể tán thành vòng trắng mỏng khi đêm về sáng.
Mới đây, tôi có dịp lên thủ phủ Cali, lại cũng tình cờ, tới thăm một tư thất thân quen, gia chủ là nhiếp ảnh gia Ðặng Ðức Cương, đúng lúc ông từ phố thị Sacto trở về, nhiếp ảnh gia cho tôi xem mấy bức ảnh mà ông ghi hình được từ thời còn ở Phan Rang, cách đây chắc cũng nửa thế kỷ.
Nơi bức tranh chụp ban đêm ở dòng sông, có chiếc thuyền chơi vơi dưới vầng trăng tròn, đẹp lạ kỳ, ấy là trong vòng cung trăng, hiện rõ ràng hình ảnh cây đa mà quý vị đã thấy ở ngoài... đời.
Nhiếp ảnh gia đã lão thành, nên khá nhiều kinh nghiệm về chụp hình trăng. Cụ ôn tồn, ý nhị, chỉ vầng trăng trong bức ảnh trắng đen, tất nhiên trăng màu trắng, có hình cây đa mờ màu đen, thuyền neo màu đen sậm, trên sông trăng dưới ánh sáng bạc tuyệt vời. Ở góc trái, phía trên, là 2 câu thơ dẫn thượng, của thi sĩ Hàn Mặc Tử từ thủa xa xôi.
Sự kiện chan hòa đến nỗi thơ đã nhập vào ảnh từ bao giờ, hay tình cờ chụp được ảnh bến sông, dòng sông có ánh trăng tròn kia, giống y... thơ Hàn Mặc Tử, nên cụ tức cảnh sinh tình, mượn thơ Hàn Thi Sĩ đề vào bức ảnh. Tôi hỏi:
“Ảnh đẹp như thế này, mà sao cụ không triển lãm?”
“Có chứ, nhóm ảnh của chúng tôi đã trưng bày được mấy lần ở đây.”
“Sao quý cụ không triển lãm gần, xa?”
“Thôi được rồi, ở Sacto cho gần nhà, vả lại dưới Nam Cali, cũng có 2 hội ảnh lớn, thay phiên triển lãm. Song, tôi thấy trăng của quý vị khác, thường chỉ là một hình tròn màu trắng trên nền đen. Còn tôi, thủa xưa tôi canh lắm, mới chụp được bức ảnh này.”
Nhiếp ảnh gia Ðặng Ðức Cương rất hòa nhã, không có ý khoe, chỉ nhận định cho có ý kiến thôi. Cụ hỏi tôi:
“Cô có thấy hình cây đa đó không?”
“Dạ thấy, in trong lòng vầng trăng.”
“Cây đa, vầng trăng, thì cũng thường thôi, điều tôi, cụ nhiếp ảnh gia, đắc ý nhất là bức ảnh tôi chụp đây, nói lên được tinh thân 2 câu thơ của Hàn Mặc Tử cô ạ. Bến sông này, con thuyền đó, vầng trăng kia, ôi, một hư không đầy phẩm cách.”
“Vâng, cái hư không ở tinh thần thơ, cái phẩm cách ở sắc thái hình ảnh này, cô đơn mà vẫn chấp nhận vũ trụ quan, nhân sinh quan một cách không thể chối cãi được Chân, Thiện, Mỹ của sự vật - thi sĩ Hàn Mặc Tử mang về cho chúng ta một học thuyết Duy Mỹ, đẹp từ lời thơ đến ý thơ.”
“Thế là cô hiểu được bức tranh này rồi, bức ảnh chứ, ảnh là từ thực tế, còn tranh cần thêm tưởng tượng. Họa sĩ, nhiếp ảnh gia đều có một ngôn ngữ tĩnh lặng, hình ảnh là lời lẽ vô ngôn, Hàn Mặc Tử thốt ra được ngôn ngữ của ảnh, bởi Hàn quân tử là thi sĩ, diễn tả giùm chúng tôi tiếng nói của hình ảnh thiên nhiên bao la, trầm lặng...”
[/FONT]