[Văn 9] đóng vai

S

subon

Trong đoạn “Kiều ở lầu Ngưng Bích”, Thanh Tâm Tài Nhân trước nhất miêu tả về thiên nhiên quanh lầu: Ngôi lầu này từ phía đông trông ra biển xanh, phía bắc nhìn lên Kinh kỳ, phía nam ngó lại Kim Lăng, phía tây trông ra dãy núi Kỳ Sơn.

Nguyễn Du đã giữ nguyên nội dung miêu tả thiên nhiên này trong Truyện Kiều:

Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân,

Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung.

Bốn bề bát ngát xa trông,

Cát vàng cồn nọ, bùi hồng dặm kia.

Điểm khác ở đây là, Nguyễn Du đã vận dụng ngữ pháp tiếng Việt để tạo nên những vần thơ tả cảnh đặc sắc. Hình ảnh trong những câu thơ trên rất đẹp. Có tương phản: xa-gần, cát vàng- bụi hồng, cồn nọ- dặm kia và có kết hợp: ở chung. Có động: cát- bụi và có tĩnh: non- trăng. Cái hay của Đoạn thơ còn thể hiện ở cách ngắt nhịp. Thay vì ngắt ở chữ thứ tư ở những câu tám thông thường trong Lục bát (ví dụ: cát vàng cồn nọ / bụi hồng dặm kia) thì nhịp được ngắt ở chữ thứ ba và thứ sáu: Vẻ non xa / tấm trăng gần / ở chung. Hơi thơ, vì vậy, khác thường, không đều đều một điệu.

Tâm trạng của Kiều khi ở lầu Ngưng Bích trong Kim Vân Kiều Truyện là buồn bã, nhớ người yêu. Truyện Kiều của nguyễn Du cũng giữ nguyên nội dung này. Nhưng trong truyện Kiều, ngoài nhớ người yêu, Kiều còn nhớ đến cha mẹ. Điểm khác nữa là Nguyễn Du đã bỏ mười bài Chẳng cùng nhau và bài thơ của Kiều. Cái buồn của Kiều chỉ được Thanh Tâm Tài Nhân miêu tả đại lược bằng mấy dòng: Thúy Kiều đối cảnh buồn bã, nhớ lại cái ngày cùng chàng Kim trao lời thề thốt, thân thiết biết chừng nào, mà nay vắng bặt tăm hơi, thê lương biết là dường nào. Cái buồn của Kiều qua những câu thơ Nguyễn Du thì thật là sắt se, thấm thía thể hiện qua sự lập lại bốn lần của từ buồn trông. Tâm người ngắm cảnh tràn vào cảnh, khoác lên cảnh cái sắc thái xa xa, man mác, dàu dàu, bàng bạc trong những câu thơ tài tình:

Buồn trông cửa bể chiều hôm,

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.

Buồn trông ngọn nước mới sa,

Hoa trôi man mác biết là về đâu.

Buồn trông nội cỏ dàu dàu

Chân mây mặt đất một màu xanh.

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,

Ầm tiếng sóng vây quanh ghế ngồi.




Đoạn Kiều bị Sở Khanh lừa, Nguyễn Du giữ nguyên ý của Thanh Tâm Tài nhân nhưng ông lược bỏ bớt một số chi tiết không quan trọng. Tối đó, trước khi Sở Khanh đến cùng Kiều thì Tú Bà lên lầu chuốt rượu mời Kiều đến khuya và chi tiết Kiều cùng Sở Khanh lên giường chung giấc mộng Vu Sơn Nguyễn Du đã lược bỏ đi. Nội dung bức thư Kiều gởi cho Sở Khanh và những lời thề thốt Nguyễn Du cũng lược bỏ.

Sau khi Kiều cùng Sở Khanh bỏ trốn, trong Kim Vân Kiền Truyện, lúc Tú Bà đuổi kịp thì lại quát mắng om sòm, chửi Kiều một trận rồi mới áp giải về nhà đánh đập. Còn trong Truyện Kiều thì khi Tú Bà bắt được Kiều liền áp điệu một hơi lại nhà:

Một đoàn đổ đến trước sau,

Vuốt đâu xuống đất, cánh đâu lên trời

Tú Bà tốc thẳng đến nơi,

Hăm hăm áp điệu một hơi lại nhà.

So đoạn này của Kim Vân Kiều Truyện với Truyện Kiều thìKim Vân Kiều Truyện do thể loại văn xuôi của nó nên dài dòng, tỉ mỉ, nhiều khi sự tỉ mỉ đó không góp phần gì vào việc làm rõ tính cách nhân vật. Còn Nguyễn Du, ông có những câu thơ thật hàm súc nhưng vẫn chuyên chở được tất cả những gì ông cần nói. Những chi tiết ông lược bỏ không gây phương hại gì đến nội dung cần diễn đạt và tính cách nhân vật. Theo giáo sư Thạch Giang, “điều này có một ý nghĩa rất hay là một mặt làm cho ta không phải khó chịu vì cái lối sính thơ của nhân vật, mà trái lại dẫn ta vào một địa hạt mông lung về cái ‘tài’ và cái ‘tình’ của nhân vật, đặt biệt là Thúy Kiều. Do đó, ấn tượng về cái mà Mộng Liên Đường chủ nhân gọi là ‘cái thông lụy’ xưa nay của kẻ giai nhân tài tử nên xót xa, đánh thức ở ta những biểu tượng về lí tưởng, làm cho ta khao khát mọi cái gì đẹp hơn, làm cho ta bất bình đến phát khóc với cái gì đã phũ phàng lên cái ‘tài’; cái ‘tình’ của con người.”

Hơn nữa, cũng theo giáo sư Thạch Giang, bỏ tất cả những bài thơ, những lời thề thốt là, Nguyễn Du muốn vượt lên cách kết cấu thường thấy của các truyện Nôm ta xưa mà xây dựng cho mình một phong cách độc đáo hơn, hoàn thiện hơn về kết cấu, bố cục.

Để sáng tỏ thêm, ta xét chi tiết Kiều thảo thư gởi Sở Khanh và Sở Khanh phúc đáp. Thanh Tâm Tài Nhân tả là Kiều viết thư xong định ném qua cửa sổ nhưng không tiện. Đang ngần ngại ra ngoài dạo chơi thì gặp chú bé nhà Sở Khanh đi gánh nước. Kiều bèn nhờ nó gởi giúp thư. Hôm sau thì có thư phúc đáp. Trong thư chỉ đề hai chữ Tích Việt. Kiều ngẫm nghĩ hồi lâu thì biết là giờ Tuất, ngày hai mươi mốt sẽ gặp. Đại ý là như vậy. Nhưng Thanh Tâm Tài Nhân Viết khoảng một trang sách. Nguyễn Du chỉ có 11 câu thơ là đủ, không thừa, không thiếu:

Mảnh tiên kể hết xa gần

Nỗi nhà báo đáp, nỗi thân lạc loài.

Tan sương vừa rạng ngày mai,

Tiện hồng nàng mới nhắn lời gởi sang.

Trời tây lãng đãng bóng vàng

Phục thư đã thấy tin chàng đến nơi.

Mở xem một bức tiên mai,

Rành rành TÍCH VIỆT có hai chữ đề.

Lấy trong ý tứ mà suy:

“Ngày hai mươi mốt, tuất thì phải chăng?”

Tất nhiên, đây không phải là chê Thanh Tâm Tài Nhân, khen Nguyễn Du mà so sánh như vậy để thấy sự khác nhau giữa hai thể loại thơ và văn xuôi. Đồng thời cũng thấy được cái tài của Nguyễn Du là, ông có thể thâu tóm sự việc trong một số câu thơ hàm súc và đồng thời nêu bật được tính cách nhân vật như trên đã thấy.

Trong Kim Vân Kiều truyện, lúc Sở Khanh bỏ trốn còn một mình Thúy Kiều, Thanh Tâm Tài Nhân chỉ thuần thuật lại sự việc, không nói lên nỗi niềm chia sẻ của mình đối với người con gái đêm khuya một mình trong rừng, sau lưng có một đoàn người đuổi theo. Còn Nguyễn Du, ông đau xót cho Kiều:

Hóa nhi thật có nỡ lòng,

Làm chi giày tía vò hồng lắm nau!

Đặc biệt trong đoạn này, Nguyễn Du có hai câu thơ rất hay chứng minh cho sự phát triển tư tưởng tài mệnh tương đố của ông:

Cũng liều nhắm mắt đưa chân,

Mà xem con tạo xoay vần đến đâu.

Hai câu này thực ra là một lời cảnh cáo. Không bao giờ nên làm một cái gì mà mình chưa suy nghĩ kỹ càng. Phải đem hết tất cả trí tuệ của mình mà quan sát. Chỉ khi nào thấy rằng giải pháp đó là hay nhất, không có con đường nào bằng thì mình mới làm mà thôi. Trông vào may rủi là không nên.

Lọt trở lại vào tay Tú Bà, Kiều bị đánh một trận tơi bời chỉ vì tội đi trốn. Về nội dung đoạn này, Kim Vân Kiều Truyện và Truyện Kiều là giống nhau. Có điều, cũng như đoạn trên, Nguyễn Du lược bớt một số chi tiết không cần thiết.

Về sự chua xót, đau đớn của Kiều khi bị Tú Bà hành hạ đánh đập thì những câu thơ của Nguyễn Du lột tả được cái vẻ tàn khốc, chua chát rất nhiều:

Thân lươn bao quản lấm đầu

Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa

Đây là hai câu thơ cay đắng, chua xót và đau đớn nhất trong Truyện Kiều. Chừa những thói hư tật xấu như tham lam, nóng nảy, kiêu kăng thì goị là chừa. Nhưng lòng trinh bạch mà phải chừa thì là một bản án rất lớn của số phận đè lên con người. Đó là bi kịch lớn của loài người. Tất cả những độc giả lớn của Nguyễn Du khi đọc đến câu này đều phẫn uất. Phẫn uất cho người, phẫn uất cho xã hội. Một xã hội mà trong đó cô thiếu nữ phải hứa là sẽ chừa đi cái trong sạch và trinh trắng của mình!

Đây chính là điểm sáng tạo độc đáo của Nguyễn Du. Và đây cũng chính là chỗ ông khác với Thanh Tâm Tài Nhân.

Từ việc thuật lại sự đánh đập dã man của Tú Bà đối với Kiều củaThanh Tâm Tài Nhân, Nguyễn Du đã nâng nó lên thành một bản án tố cáo xã hội gay gắt.

Sau trận đòn chí tử, Kiều thân thể rã rời và sốt cao. Tú Bà vào thăm và khuyên Kiều uống thuốc. Lành bịnh rồi muốn ở làm ăn thì sẽ biệt đãi còn không muốn thì sẽ tìm chỗ nào đó bán đi. Lúc đó, Kiều trả lời: bình đã vỡ rồi, đi với người chi bằng ở với người cũ. Từ nay con xin theo mẹ làm ăn. Ở đây không có sự than trách, cũng không phải sẵn sàng chấp nhận thực tại mà đánh liều: Đã ra nông nỗi này thì biết làm sao bây giờ!

Với Nguyễn Du thì việc tiếp tục ở lại làm việc cho Tú Bà là có lí do. Kiều đặt câu hỏi có phải sanh ra kiếp hồng nhan ở cõi trần này là khổ mãi hay không? “Hồng nhan phải giống ở đời mãi ru?” Rồi nàng tự trả lời không phải thế. Sở dĩ bây giờ mình đau khổ là vì:

Kiếp xưa đã vụng đường tu,

Kiếp này chẳng kẻo đền bù mới xuôi!

Bây giờ mình đau khổ như thế này là vì kiếp trước mình đã không vun bồi đức hạnh, trí tuệ. Vì vậy, đừng than thở nữa, hãy sửa đổi những lỗi lầm trong qúa khứ. Ở đây Kiều nghĩ rằng mình phải chấp nhận tiếp khách để trả cái nợ mình đã mắc trong tiền kiếp.

Tại đây ta thấy có sự khác nhau giữa tư tưởng Nguyễn Du và Thanh Tâm Tài Nhân. Thanh Tâm Tài Nhân thì dường như cho mọi việc xảy ra theo quyết định tức thời. Còn Nguyên Du thì thấy có nhân có quả.

Qua phân tích đoạn trích trên giữa hai tác phẩm Kim Vân Kiều Truyện và Truyện Kiều, chúng ta thấy quan niệm so sánh để tìm sự hơn kém là cực đoan.

Cho rằng vay mượn là tất cả là duy nhất là một cực đoan. Vay mượn là điều tất nhiên và cần thiết nhưng không phải là tất cà và duy nhất. Trên thế giới, những kiệt tác hay nhất thường bắt nguồn từ một cốt truyện trước nó làm chất liệu để sáng tác nên những kiệt tác mới. Vay mượn không những diễn ra trong nội bộ của văn học dân tộc mà cả văn học thế giới như Hamlet, Othello của Shakespeare, Faust của Goethe, Truyện Kiều của Nguyên Du . . . Ở đây, rõ ràng tài hoa của người nghệ sĩ mới là quan trọng. Có chất liệu tốt mà đưa cho một bàn tay vụng về thì cũng trở nên vô dụng. Ngược lại, một chất liệu bình thường qua một bàn tay tài hoa thì thành ra món đồ qúy giá vô cùng. Song cũng có những kiệt tác người ta không cần phải vay mượn một cốt truyện nào cả như Chiến tranh và hòa bình của Lep Tolxtoi, Moby Dick của Herman Melville, Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn . . .

Còn quan niệm cho rằng ảnh hưởng hầu như không có giá trị gì cũng lại là một cực đoan khác. Giao lưu ảnh hưởng luôn luôn là một trong những nhân tố làm chất liệu cho sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ. Bởi người nghệ sĩ không thể nào sáng tạo trên mây trên gió mà bao giờ cũng sáng tạo trên cơ sở nhiều yếu tố. Trong số những yếu tố đó thì yếu tố giao lưu ảnh hưởng cũng không kém phần quan trọng. Trong lịch sử văn học thế giới, chúng ta đã từng biết sự ảnh hưởng của nhà văn này đối với nhà văn khác như: Pushkin ảnh hưởng Byron, Dante ảnh hưởng Virgile, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử ảnh hưởng Baudelaire . . . Đó là chưa kể có những giao lưu ảnh hưởng tập thể như sự ảnh hưởng của văn học Hy Lạp, sự ảnh hưởng của văn học Phục Hưng Ý, Sự ảnh hưởng của văn học cổ điển Pháp thế kỷ XVII, của Chủ nghĩa Lãng mạn Đức v. v . . .

Như vậy, theo chúng tôi thì việc giao lưu ảnh hưởng, vay mượn là cần thiết và nên có. Nhưng nó không phải là duy nhất và quyết định đến sự thành công và thất bại của nhà văn và tác phẩm. Thành công hay thất bại là ở tài năng của người nghệ sĩ. Còn bản thân chất liệu mà người nghệ sĩ vay mượn chỉ là yếu tố để họ sáng tạo mà thôi. Tất nhiên, không có yếu tố này người ta tìm yếu tố khác. Song yếu tố mà người nghệ sĩ chọn làm chất liệu sáng tạo phải gây được cho họ cảm xúc gì đó họ mới chọn chứ không phải bất kì thứ gì cũng chọn. Nguyễn Du chọn Kim vân KiềuTruyện để làm chất liệu sáng tạo nghệ thuật cho mình chắc chắn Kim Vân Kiều Truyện cũng gây cho ông sự thích thú gì đó ông mới chọn chứ không phải ngẫu nhiên. Nhưng sự sáng tạo của Nguyễn Du mới là yếu tố chính làm nên kiệt tác Đoạn Trường Tân Thanh.
 
Top Bottom