[Văn 9] Đề thi tuyển sinh vào 10 Hà nam

M

minhquantk

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

icon14.gif
14 Đề thi tuyển vào lớp 10 ha nam_thpt lynhan


M039.gif
ĐỀ SỐ 01:)|
ÔN TẬP TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 PTTH
Năm học 2011 – 2012
-----------
ĐỀ BÀI ( gồm 4 câu):
Câu 1 ( 1 điểm):
Chép lại nguyên văn khổ đầu “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật.

Câu 2 ( 1 điểm):
Chỉ ra và nói rõ tên các thành phần biệt lập trong phần trích dẫn sau:

- Chào anh. - Đến bậu cửa, bỗng nhà họa sĩ già quay lại chụp lấy tay người thanh niên lắc mạnh. - Chắc chắn rồi tôi sẽ trở lại. Tôi ở với anh ít hôm được chứ?
(Nguyễn Thành Long - Lặng lẽ Sa Pa)

Câu 3 ( 3 điểm):
Viết văn bản nghị luận ngắn (khoảng một trang giấy thi) về an toàn giao thông.

Câu 4 ( 5 điểm):
ĐỒNG CHÍ

…Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi.
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.

Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng canh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.

1948
Chính Hữu

Phân tích đoạn thơ trên.

HẾT

********
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
Câu 1 ( 1 điểm):
* Yêu cầu:
BÀI THƠ VỀ TIỂU ĐỘI XE KHÔNG KÍNH
Phạm Tiến Duật

Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
* Cho điểm:
- Chép chính xác, không sai chính tả, từ ngữ  1,0 điểm
- Không xuống dòng……………….. trừ 0,50 điểm
Sai ( hoặc thiếu, thừa) một từ……....trừ 0,25 điểm/ lần
Thiếu ( hoặc sai) 2 dấu câu...………trừ 0,25 điểm/ lần
Thiếu tên bài thơ và tên tác giả….…trừ 0,25 điểm
Chép thừa số câu……………...…....trừ 0,25 điểm
Câu 2 ( 1 điểm):
* Yêu cầu:
Chỉ ra đúng các thành phần biệt lập trong phần trích dẫn.
* Cho điểm: Học sinh chỉ ra được hai thành phần biệt lập.
- Thành phần gọi đáp ( 0,25 điểm): Chào anh ( 0,25 điểm)
- Thành phần tình thái ( 0,25 điểm): Chắc chắn ( 0,25 điểm)

Câu 3 ( 3 điểm):
* Yêu cầu:
Nội dung: Vì sao vấn đề an toàn giao thông được toàn xã hội quan tâm? Luật và những quy định nhằm đảm bảo an toàn giao thông? Những hiện tượng vi phạm luật và những quy định an toàn giao thông? Nguyên nhân? Những biện pháp, giải pháp cần thực hiện? Nhận thức và hành động của bản thân?
Hình thức: Viết một văn bản nghị luận ngắn (khoảng một trang giấy thi). Các câu trong văn bản có sự liên kết chặt chẽ. Bố cục rõ ràng. Diễn đạt trong sáng, gợị cảm.

* Cho điểm:
- Bài làm đáp ứng hầu hết các yêu cầu về nội dung và hình thức trên đây mới đạt điểm tối đa ( 3,0 điểm).
- Bài làm dù đáp ứng được yêu cầu nội dung nhưng diễn đạt yếu, mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, dấu câu…( từ 5 lỗi trở lên) cũng không cho quá 1,5 điểm.
- Bài làm không thể hiện rõ thái độ của bản thân người viết  KHÔNG CHO QUÁ 1,0 ĐIỂM.

(Tham khảo)
Chỉ tính riêng giao thông đường bộ, mỗi ngày trên phạm vi cả nước đã xảy ra hàng ngàn tai nạn. Có những tai nạn nghiêm trọng gây tử vong và thương tật nặng cho hàng chục người. Số lượng tai nạn ngày càng tăng đang là lời cảnh báo đối với toàn xã hội chúng ta. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những tai nạn thương tâm trên chính là do con người. Vì thế, vấn đề an toàn giao thông hiện nay cần được mọi người quan tâm đúng mức.
Nhà nước đã ban hành luật kèm theo những quy định nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Những người tham gia lưu thông bằng xe mô tô, ô tô, xe cơ giới… phải nắm vững luật giao thông và phải có giấy phép lái xe tương ứng. Các điều khoản của luật giao thông đã quy định rõ từng vấn đề, từng tình huống, từng trường hợp rất cụ thể đối với các đối tượng tham gia giao thông. Các biển báo, hệ thống đèn tín hiệu, việc kẻ vạch phân luồng giao thông đã được thực hiện trên tất cả các tuyến đường, từ quốc lộ, hương lộ, đại lộ đến những con đường nhỏ hẹp trong các khu dân cư.
Một thực trạng đáng buồn hiện nay là còn khá nhiều người thiếu ý thức chấp hành luật giao thông và những quy định an toàn giao thông. Hiện tượng lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán còn diễn ra thường ngày ở nhiều đoạn đường. Hiện tượng phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách, đua xe vẫn còn khá phổ biến. Vẫn còn nhiều học sinh chưa tuân thủ tín hiệu đèn giao thông, còn chạy lên lề dành cho người đi bộ, đùa giỡn đi hàng đôi hàng ba, lưu thông ngược chiều... Hiện tượng không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy đang bắt đầu xuất hiện ở những đoạn đường vắng bóng công an giao thông. Chính những điều đó đã dẫn đến vấn đề ùn tắc giao thông ở nhiều tuyến đường và những tai nạn thương tâm, đáng tiếc.
Để khắc phục tình trạng trên, song song với việc giáo dục tuyên truyền, kêu gọi mọi người nghiêm túc chấp hành luật và những quy định an toàn giao thông, nhà nước cần gia tăng hình thức và mức độ phạt đối với người vi phạm. Hệ thống đường xá ở nhiều thành phố lớn của nước ta hiện nay chưa tương xứng với số lượng phương tiện tham gia giao thông. Vì vậy, mỗi người càng cần ý thức tự giác chấp hành luật và những quy định để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
Là học sinh, chúng ta hãy nghiêm túc chấp hành luật giao thông và các quy định an toàn giao thông, cụ thể là không tụ tập trước cổng trường và trên lề đường, không đi bộ xuống lòng đường, không đi xe hàng đôi- hàng ba, không lạng lách, đùa giỡn trên đường phố, không vượt đèn đỏ, không đi ngược chiều quy định, không đi vào đường cấm… Đồng thời, hãy ra sức tuyên truyền để mọi người cùng thực hiện luật giao thông và các quy định về an toàn giao thông.

Câu 4 ( 5 điểm):
* Yêu cầu chung:
+ Học sinh biết vận dụng phương pháp làm bài nghị luận văn học (phân tích thơ) vào một bài làm cụ thể.
+ Học sinh thể hiện năng lực cảm thụ văn học qua việc nhận xét, phân tích, đánh giá cái hay- cái đẹp ẩn chứa trong đoạn thơ, biết phân tích tác dụng của các tín hiệu nghệ thuật ( ngôn từ, hình ảnh, giọng điệu…trong đoạn thơ) để làm nổi bật ý thơ và cảm xúc của tác giả.
+ Bố cục bài làm rõ ràng, cân đối. Diễn đạt trong sáng, gợi hình- gợi cảm. Lí lẽ phân tích sâu sắc, có tính thuyết phục cao.

* Một số gợi ý để GV tham khảo:

MỞ BÀI (CHỌN LỌC MỘT SỐ Ý ĐỂ MỞ BÀI)
- Có thể giới thiệu đề tài (chiến tranh, người lính…)
Anh bộ đội thời kháng chiến chống Pháp - hình tượng nghệ thuật trong thơ ca cách mạng.
Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều
Bóng dài lên đỉnh dốc cheo leo
Núi không đè nổi vai vươn tới
Lá nguỵ trang reo với gió đèo.
(Tố Hữu)
- Có thể giới thiệu một nhận định về nhà thơ Chính Hữu.
Một đời đầu súng trăng treo
Hồn thơ đeo đẳng, bay theo chiến trường
Tiếng lòng trong đọng hạt sương
Cành hoa chiến địa mà gương tâm tình.
(Huy Cận)
- Có thể nêu một số quan điểm lí luận văn học (Cuộc sống ở đâu, thơ ở đó. Văn học phản ánh hiện thực cuộc sống...Con người là trung tâm của cuộc sống nên cũng là đề tài trung tâm của văn học...).
Có một suối thơ chảy từ gần gũi
Ra xa xôi và lại đến gần quanh
Một suối thơ lá ngọt với hoa cành
Nói trong xóm và giỡn cười dưới phố.
(Xuân Diệu)
* Tác giả:
Chính Hữu đã từng là người lính trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mĩ. Điều đó tạo nên vốn sống, hiểu biết và những tình cảm chân thành về những người chiến sĩ cách mạng, giúp ông thành công khi viết về đề tài chiến tranh, khắc họa hình tượng người lính.
* Hoàn cảnh lịch sử:
Những năm đầu kháng chiến chống Pháp, bộ đội ta phải sống và chiến đấu trong điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn, gian khổ...
* Hoàn cảnh sáng tác:
Sau chiến dịch Việt Bắc cuối năm 1947, Chính Hữu (đang là chính trị viên đại đội) lâm bệnh nặng, phải nằm lại điều trị. Trong khi ốm đau nằm ở nhà sàn heo hút, ông đã sáng tác bài thơ “Đồng chí” vào đầu năm 1948.
* Bài thơ:
“Đồng chí ” là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất viết về người lính cách mạng của văn học thời kháng chiến chống Pháp.
Chính Hữu đã nói về tác phẩm của mình: “Bài thơ Đồng chí là lời tâm sự viết ra để tặng đồng đội, tặng người bạn nông dân của mình. Bài thơ viết có đối tượng. Tôi hiểu và quý mến người đồng đội của tôi nên tiếng nói thơ ca giản dị, chân thật”.

* Vị trí đoạn trích:
Đoạn kết bài thơ là một bức tranh đậm chất hiện thực nhưng cũng rất lãng mạn về cuộc sống và hình tượng người lính thời chống Pháp. (trích lại đoạn thơ)

THÂN BÀI ( Cần phân tích làm nổi bật các ý cơ bản sau đây):
1. Dũng cảm xa quê hương, xa gia đình, tình nguyện làm người lính đi diệt giặc thù:
Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay
 Từ “mặc kệ” nói lên thái độ dứt khoát lên đường của người nông dân… “Mặc kệ” không phải hiểu theo nghĩa phó mặc, mà trong ngôn ngữ bình dị của người lính, có thể hiểu là “cứ chờ đó, cách mạng thành công mọi chuyện sẽ làm lại sau”.
2. Vì yêu quê hương nên người nông dân đã tự nguyện ra trận. Tình yêu quê hương bình dị mà sâu sắc:
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.
 Nghệ thuật hoán dụ và nhân hóa thể hiện tình cảm của quê hương đối với người lính. Thực ra, đây chính là nỗi nhớ của người lính về quê hương (quê hương trong kí ức và sự tưởng tượng của người xa quê…). Phía sau người lính còn có cả một gia đình, một tổ ấm đang chờ đợi họ, đang cần đến bàn tay của họ…

3. Tình cảm đồng chí, đồng đội:
Gần gũi, yêu thương, chia sẻ để cùng nhau vượt qua gian khổ, bệnh tật:
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi.
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay
 Giọng kể tự nhiên, nhịp thơ chậm rãi…
 Hình ảnh tương phản “từng cơn ớn lạnh”- “sốt run người, trán ướt mồ hôi” diễn tả

_______________________minhquana5 thpt lynhan___________________________ __________________
 
M

minhquantk

ĐỀ SỐ 02
ÔN TẬP TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 PTTH
Năm học 2010 – 2011
-----------
ĐỀ BÀI ( gồm 4 câu):
Câu 1 ( 1 điểm):
Chép lại nguyên văn khổ cuối bài thơ “Sang thu ” của Hữu Thỉnh.

Câu 2 ( 1 điểm):
Chỉ ra các phép liên kết câu trong đoạn văn sau:

Có thể nói, ít có vị lãnh tụ nào lại am hiểu nhiều về các dân tộc và nhân dân thế giới, văn hóa thế giới sâu sắc như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến đâu, Người cũng học hỏi, tìm hiểu văn hóa, nghệ thuật đến một mức khá uyên thâm. Người cũng chịu ảnh hưởng của tất cả các nền văn hóa, đã tiếp thu mọi cái đẹp và cái hay đồng thời với việc phê phán những tiêu cực của chủ nghĩa tư bản.
(Lê Anh Trà)

Câu 3 ( 3 điểm):
Viết văn bản nghị luận ngắn (khoảng một trang giấy thi) về vấn đề hút thuốc lá.

Câu 4 ( 5 điểm):
ĐỒNG CHÍ

Quê hương anh nước mặn, đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau,
Súng bên súng, đầu sát bên đầu,
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ
Đồng chí !

1948
Chính Hữu

Phân tích đoạn thơ trên.


HẾT

**********
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

Câu 1 ( 1 điểm):
* Yêu cầu:
SANG THU
Hữu Thỉnh
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.
* Cho điểm:
- Chép chính xác, không sai chính tả, từ ngữ  1,0 điểm
- Không xuống dòng……………….. trừ 0,50 điểm
Sai ( hoặc thiếu, thừa) một từ……....trừ 0,25 điểm/ lần
Thiếu dấu chấm câu cuối khổ thơ.....trừ 0,25 điểm
Thiếu tên bài thơ và tên tác giả….…trừ 0,25 điểm
Chép thừa số câu……………...…....trừ 0,25 điểm
Câu 2 ( 1 điểm):
* Yêu cầu:
Chỉ ra đúng các phép liên kết câu trong đoạn văn.
* Cho điểm:
- Phép thế ( 0,25 đ): “Người” thay cho “Chủ tịch Hồ Chí Minh” ( 0,25 đ )
- Phép lặp ( 0,25 đ ): các từ “ văn hóa”, “ Người” được lặp lại nhiều lần trong các câu ( 0,25 đ)

Câu 3 ( 3 điểm):
* Yêu cầu:
Nội dung:
- Thực trạng hút thuốc lá hiện nay? (đối tượng hút thuốc lá thuộc đủ mọi thành phần, mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, giới tính; đặc biệt trong đó có cả thanh thiếu niên- học sinh, sinh viên… Hiện tượng hút thuốc lá nơi công cộng vẫn còn khá phổ biến ).
- (có thể phê phán một số quan niệm sai lầm: hút thuốc lá mới đáng mặt nam nhi; người hút thuốc lá mới là người có tâm hồn nghệ sĩ; hút thuốc lá làm cho trí tuệ minh mẫn, khơi nguồn cảm hứng sáng tạo…).

- Tác hại của việc hút thuốc lá:
+ đối với môi trường sống: làm ô nhiễm nghiêm trọng môi trường không khí…
+ đối với sức khỏe của con người: chất ni-cô-tin trong thuốc lá là chất gây nghiện, làm giảm tuổi thọ và là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nhiều căn bệnh liên quan đến đường hô hấp và phổi… Theo thống kê của cơ quan y tế, mỗi năm có trên 40.000 người chết vì những căn bệnh có liên quan đến thuốc lá….
+ đối với kinh tế: gây lãng phí lớn về tiền của… Dân gian thường nói: “ Đốt pháo, đốt thuốc = đốt tiền”.
+ đối với xã hội: thuốc lá là nguyên nhân gần dẫn đến các chất gây nghiện khác…
- Các biện pháp, giải pháp nhằm hạn chế việc hút thuốc lá, đặc biệt ở những nơi công cộng: Tuyên truyền giáo dục; tăng thuế đối với nhà máy sản xuất thuốc lá; ngăn cấm/ xử phạt đối với các trường hợp hút thuốc lá nơi công cộng; cấm quảng cáo thuốc lá; bắt buộc các nhà sản xuất phải ghi rõ câu “Hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi” lên từng vỏ bao thuốc lá…
- Nhận thức và hành động của bản thân? (Thuốc lá có hại, kiên quyết nói không với thuốc lá, vận động người thân cùng thực hiện…)

Hình thức:
Viết một văn bản nghị luận ngắn (khoảng một trang giấy thi). Các câu trong văn bản có sự liên kết chặt chẽ. Bố cục rõ ràng. Diễn đạt trong sáng, gợị cảm.

* Cho điểm:
- Bài làm đáp ứng hầu hết các yêu cầu về nội dung và hình thức trên đây mới đạt điểm tối đa ( 3,0 điểm).
- Bài làm dù đáp ứng được yêu cầu nội dung nhưng diễn đạt yếu, mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, dấu câu…( từ 5 lỗi trở lên) cũng không cho quá 1,5 điểm.
- Bài làm không thể hiện rõ nhận thức và hướng phấn đấu của bản thân người viết  KHÔNG CHO QUÁ 1,0 ĐIỂM.

( Tham khảo)
Đối với các quốc gia tiên tiến trên thế giới, việc hút thuốc lá nơi công cộng bị coi là hành vi thiếu văn hóa. Luật pháp các nước đó đã quy định những hình phạt rất nghiêm khắc đối với người vi phạm. Nhưng ở nước ta, hiện tượng hút thuốc lá nơi công cộng hiện nay vẫn còn khá phổ biến. Bất cứ nơi đâu, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh khói thuốc lá nghi ngút: trên đường phố, trong quán ăn, nơi trường học- bệnh viện, ở chốn công viên, trong xí nghiệp- nhà máy- công trường… Đối tượng hút thuốc lá cũng đủ mọi thành phần xã hội: trè già lớn bé, nam nữ, đủ mọi ngành nghề… Hơn lúc nào hết, vấn đề hút thuốc lá cần được toàn xã hội quan tâm đúng mức.
Rõ ràng, tác hại của việc hút thuốc lá là vô cùng nghiêm trọng. Trước hết, khói thuốc lá đã làm vẩn đục môi trường sống ( không khí ô nhiễm). Từ đó, sức khỏe của con người cũng bị ảnh hưởng nặng nề, không chỉ đối với người hút thuốc lá mà còn ảnh hưởng đến cả những người xung quanh, đặc biệt là người già yếu và trẻ em.
Xét về mặt khoa học, chất ni-cô-tin trong thuốc lá là chất gây nghiện, làm giảm tuổi thọ và là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nhiều căn bệnh liên quan đến đường hô hấp và phổi…Theo thống kê của cơ quan y tế, mỗi năm có trên 40.000 người chết vì những căn bệnh có liên quan đến thuốc lá….
Xét về mặt kinh tế - xã hội, việc hút thuốc lá gây lãng phí lớn về tiền của và là nguyên nhân dẫn đến tệ nạn nghiện ngập khác. Dân gian thường nói: “ Đốt pháo + đốt thuốc = đốt tiền”. Mỗi năm, hàng trăm tỉ đồng đã bay theo khói thuốc một cách vô ích.
Để hạn chế việc hút thuốc lá, nhà nước cần có nhiều biện pháp, giải pháp có tính đồng bộ. Ngoài công tác tuyên truyền giáo dục trong nhà trường và trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhà nước cũng cần có những biện pháp chế tài nghiêm khắc để nâng cao ý thức chấp hành của người dân. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần tăng thuế đối với nhà máy sản xuất thuốc lá; nghiêm cấm quảng cáo thuốc lá và bắt buộc các nhà sản xuất phải ghi rõ câu “ Hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi” lên từng vỏ bao thuốc lá…
Hiểu rõ tác hại của thuốc lá, em sẽ vận động những người thân ( nghiện thuốc lá) trong gia đình giảm hút để tiến tới từ bỏ hẳn thuốc lá. Học sinh chúng em sẽ kiên quyết nói “KHÔNG” với thuốc lá và các chất gây nghiện. Em ước mơ một ngày không xa Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia có môi trường sống xanh- sạch- đẹp, có bầu không khí trong lành “ không khói thuốc bay”.

Câu 4 ( 5 điểm):
* Yêu cầu chung:
+ Học sinh biết vận dụng phương pháp làm bài nghị luận văn học (phân tích đoạn thơ) vào một bài làm cụ thể.
+ Học sinh thể hiện năng lực cảm thụ văn học qua việc nhận xét, phân tích, đánh giá cái hay- cái đẹp ẩn chứa trong đoạn thơ, biết phân tích tác dụng của các tín hiệu nghệ thuật (ngôn từ, hình ảnh, giọng điệu…trong đoạn thơ) để làm nổi bật ý thơ và cảm xúc của tác giả.
+ Bố cục bài làm rõ ràng, cân đối. Diễn đạt trong sáng, gợi hình- gợi cảm. Lí lẽ phân tích sâu sắc, có tính thuyết phục cao.
* Một số gợi ý để GV tham khảo:

MỞ BÀI:
- Giới thiệu khái quát đề tài: chiến tranh, người chiến sĩ cách mạng thời kháng chiến chống Pháp.
* Tác giả: Chính Hữu
* Tác phẩm: Bài thơ “ Đồng chí”
* Vị trí đoạn thơ: (trích lại đoạn thơ)

THÂN BÀI (Cần phân tích các ý cơ bản sau đây)
1. Thành phần xuất thân của những người lính:
Quê hương anh nước mặn, đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.
- giọng thơ như lời tâm tình tha thiết (hai nhân vật trữ tình “anh” và “tôi”
- các thành ngữ “nước măn, đồng chua”, “đất cày lên sỏi đá” gợi lên hình ảnh những vùng quê nghèo
 những người nông dân vì nước lên đường ra trận…

2. Cuộc sống chiến đấu gian khổ, thiếu thốn đã gắn bó họ với nhau:
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau,
Súng bên súng, đầu sát bên đầu,
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ
- Hình ảnh hoán dụ “súng bên súng, đầu sát bên đầu”… cuộc sống chiến đấu luôn có nhau
- Thời tiết khắc nghiệt (Đêm rét), cuộc sống vật chất thiếu thốn (chung chăn) … Hoàn cảnh càng gian khổ tình người càng cao đẹp
 Cuộc sống chiến đấu đã biến những người “xa lạ” thành đôi bạn tri âm “tri kỉ” (hiểu nhau thấu đáo, chia sẻ với nhau chân tình…).

3. Tình đồng chí:
Đồng chí !
- Câu thơ đanh gọn chỉ có một từ kết hợp với dấu chấm than như một tiếng gọi thân thương, trìu mến…
 Tình đồng chí cao đẹp hơn cả tình bạn. Chính lí tưởng chiến đấu sáng ngời đã trở thành mối dây ràng buộc thiêng liêng gắn kết họ lại với nhau, làm nên sức mạnh giúp họ vượt qua khó khăn gian khổ của cuộc sống khắc nghiệt giữa núi rừng…
Trong một bài thơ khác, nhà thơ Chính Hữu đã viết:
Đồng chí là
Hớp nước uống chung, nắm cơm bẻ nửa
Chia khắp anh em một mẩu tin nhà
Chia chỗ đứng trong chiến hào chật hẹp
Chia nhau nụ cười, chia nhau cái chết.
(Chính Hữu)
KẾT BÀI:
- Đoạn thơ kết hợp yếu tố tự sự với phương thức biểu cảm, giọng điệu tha thiết, các hình ảnh chân thực mà vẫn giàu chất thơ. Qua đó, người đọc cảm nhận được tình đồng chí thiêng liêng, cao đẹp đã là động lực giúp người chiến sĩ vượt qua khó khăn gian khổ trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
- Cảm nghĩ riêng của bản thân.
 
M

minhquantk

ĐỀ SỐ 03
ÔN TẬP TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 PTTH
Năm học 2010 – 2011
------------
ĐỀ BÀI (gồm 4 câu):
Câu 1 ( 1 điểm):

Chép lại nguyên văn ba câu kết bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu.

Câu 2( 1 điểm):
Chỉ ra khởi ngữ và thuật ngữ trong các câu sau:
- Phân số thập phân là phân số mà mẫu là lũy thừa của 10.
- Về các thể văn trong lĩnh vực văn nghệ, chúng ta có thể tin ở tiếng ta, không sợ nó thiếu giàu và đẹp.
(Phạm Văn Đồng)

Câu 3 ( 3 điểm):
Viết văn bản nghị luận ngắn (khoảng một trang giấy thi) về điểm mạnh và điểm yếu của con người Việt Nam.

Câu 4 ( 5 điểm):
BẾP LỬA
…Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ
Ôi kì lạ và thiêng liêng - bếp lửa!

Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:
- Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?...

1963
Bằng Việt

Phân tích đoạn thơ trên:


HẾT

**********
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
Câu 1 ( 1 điểm):
* Yêu cầu:
ĐỒNG CHÍ
Chính Hữu

Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.
* Cho điểm:
- Chép chính xác, không sai chính tả, từ ngữ, dấu câu  1,0 điểm
- Không xuống dòng……………….. trừ 0,50 điểm
Sai (hoặc thiếu, thừa) một từ……....trừ 0,25 điểm/ lần
Thiếu dấu chấm cuối khổ thơ………trừ 0,25 điểm
Thiếu tên bài thơ và tên tác giả….…trừ 0,25 điểm
Chép thừa số câu……………...…....trừ 0,25 điểm
Câu 2 ( 1 điểm):
* Yêu cầu:
Chỉ ra đúng khởi ngữ và thuật ngữ trong các câu văn..
* Cho điểm:
- Khởi ngữ: các thể văn trong lĩnh vực văn nghệ ( 0,5 điểm)
- Thuật ngữ: Phân số thập phân ( 0,25 điểm), mẫu, lũy thừa ( 0,25 điểm)

Câu 3 ( 3 điểm):
* Yêu cầu:
Nội dung:
- Nhận thức rõ những điểm mạnh (sự thông minh, nhạy bén với cái mới; sự cần cù, sáng tạo; có tinh thần đoàn kết đùm bọc nhau…) và những điểm yếu (lỗ hổng kiến thức cơ bản; khả năng thực hành- sáng tạo hạn chế; thiếu đức tính tỉ mỉ; làm việc thiếu kế hoạch; không coi trọng nghiêm ngặt quy trình công nghệ; tính đố kị; tính bài ngoại hoặc sùng ngoại thái quá…).
- Từ đó, rút ra bài học và hướng phấn đấu rèn luyện cho bản thân.

Hình thức:
Viết một văn bản nghị luận ngắn (khoảng một trang giấy thi). Các câu trong văn bản có sự liên kết chặt chẽ. Bố cục rõ ràng. Diễn đạt trong sáng, gợị cảm.

* Cho điểm:
- Bài làm đáp ứng hầu hết các yêu cầu về nội dung và hình thức trên đây mới đạt điểm tối đa ( 3,0 điểm).
- Bài làm dù đáp ứng được yêu cầu nội dung nhưng diễn đạt yếu, mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, dấu câu…( từ 5 lỗi trở lên) cũng không cho quá 1,5 điểm.
- Bài làm không thể hiện rõ nhận thức và hướng phấn đấu của bản thân người viết  KHÔNG CHO QUÁ 1,0 ĐIỂM.
( Tham khảo)
Mỗi dân tộc trên thế giới đều có bản sắc độc đáo riêng. Điều đó thể hiện rất rõ qua cuộc sống (chiến đấu, lao động và học tập) của mỗi cá nhân trong cộng đồng. Người Anh nổi tiếng ở sự lịch lãm (ga- lăng) trong giao tiếp. Dân tộc Đức tự hào về sự khai phá sáng tạo trong nhiều lãnh vực khoa học tự nhiên và xã hội. Người Pháp được ca ngợi có trái tim nhân hậu. Dân tộc Nhật được coi là biểu tượng của sự năng động và tinh thần kỉ luật…Dân tộc nào cũng có những điểm mạnh đáng tự hào.
Người Việt Nam được thế giới ca ngợi có lòng quê hương đất nước sâu sắc, tình nghĩa gia đình thắm thiết; thông minh, nhạy bén với cái mới; cần cù, sáng tạo trong học tập và lao động, có tinh thần đoàn kết đùm bọc nhau. Các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm trong suốt chiều dài lịch sử đã chứng minh cho tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết của nhân dân ta. Nhiều cuộc thi quốc tế đã tôn vinh óc thông minh sáng tạo và sự khéo léo của con người Việt Nam (thi cờ vua, toán học, Olympic vật lí quốc tế; thi Robot châu Á- Thái Bình Dương, thi tay nghể giỏi khối Asean…)
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm đáng tự hào trên, chúng ta cũng cần nghiêm túc nhìn nhận những mặt yếu kém cần khắc phục của con người Việt Nam. Trước hết là lỗ hổng kiến thức, nhiều người Việt Nam không nắm vững những kiến thức phổ thông cơ bản, đặc biệt là kiến thức thuộc lãnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Thói quen học vẹt, học tủ, học lệch, “học để đi thi” nhiều năm đã trở thành căn bệnh trong một bộ phận học sinh, sinh viên. Nhược điểm thứ hai của người Việt Nam là sự thiếu tỉ mỉ, thiếu kiên trì trong công việc. Hiện tượng “ đánh trống bỏ dùi” còn khá phổ biến. Điểm hạn chế thứ ba của người Việt là làm việc thiếu tính chiến lược, không có kế hoạch lâu dài, thường thì “nước đến chân mới nhảy”. Trong thời kì hội nhập, khuyết điểm thứ tư của người Việt Nam chính là thái độ không đúng đắn khi tiếp xúc với các luồng văn hóa bên ngoài (tư tưởng, lối sống, thị hiếu thẩm mĩ, sản phẩm vật chất và tinh thần...). Hai thái cực thường gặp là bài ngoại ( cái gì của nước ngoài cũng xầu, cũng dở, cũng đáng bị lên án…) và sùng ngoại (cái gì của nước ngoài cũng tốt, cũng hay, cũng đáng bắt chước…).
Hiểu rõ mặt mạnh và mặt yếu của người Việt Nam, mỗi chúng ta hãy luôn phấn đấu phát huy các ưu điểm, đồng thời ra sức phấn đấu khắc phục các mặt còn yếu kém. Hãy luôn ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời cần tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của các nền văn hóa thế giới, để đời sống vật chất và tinh thần của con người Việt Nam ngày càng phong phú, đa dạng.

Câu 4 ( 5 điểm):
* Yêu cầu chung:
+ Học sinh biết vận dụng phương pháp làm bài nghị luận văn học (phân tích thơ) vào một bài làm cụ thể.
+ Học sinh thể hiện năng lực cảm thụ văn học qua việc nhận xét, phân tích, đánh giá cái hay- cái đẹp ẩn chứa trong đoạn thơ, biết phân tích tác dụng của các tín hiệu nghệ thuật ( ngôn từ, hình ảnh, giọng điệu…trong đoạn thơ) để làm nổi bật ý thơ và cảm xúc của tác giả.
+ Bố cục bài làm rõ ràng, cân đối. Diễn đạt trong sáng, gợi hình- gợi cảm. Lí lẽ phân tích sâu sắc, có tính thuyết phục cao.
* Yêu cầu cụ thể:
Các ý chính:
+ Hình ảnh người bà
+ Hình ảnh bếp lửa
+ Tình bà cháu
* Biết chọn lọc và phân tích tác dụng của các tín hiệu nghệ thuật trong đoạn thơ (từ ngữ: lận đận, ấp iu, ôi, kì lạ, thiêng liêng...; biện pháp tu từ ẩn dụ, điệp ngữ, câu hỏi tu từ: hình ảnh bếp lửa, nhóm niềm yêu thương, nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ; câu cảm thán ...; giọng điệu thơ tha thiết, sâu lắng...

MỘT SỐ GỢI Ý ĐỂ THAM KHẢO :
MỞ BÀI:
“ Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa”.
- Giới thiệu khái quát đề tài:
Tình bà cháu là một trong những tình cảm thiêng liêng nhất đối với con người Việt Nam. Thơ ca viết về đề tài trên không nhiều, nhưng mỗi bài thơ đều có sức lay động lòng người, đều để lại dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn chúng ta.
* Tác giả:
Bằng Việt bắt đầu làm thơ từ những năm 1960. Ông thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ. Ông đã được trao tặng nhiều giải thưởng cao quý: Giải I thơ của Hội nhà văn, Giải thành tựu trọn đời văn học nghệ thuật, Giải văn học Asean… Với phong cách riêng độc đáo, nhiều tập thơ của ông đã được đông đảo người đọc đón nhận, như Hương cây và bếp lửa (in chung với Lưu Quang Vũ), Những gương mặt và những khoảng trời, Phía nửa mặt trăng chìm, Ném câu thơ vào gió…
* Tác phẩm và hoàn cảnh sáng tác:
Bài thơ “Bếp lửa” được sáng tác năm 1963, khi tác giả đang là sinh viên ngành Luật ở Kiev ( Liên Xô cũ)… Đây là một trong những bài thơ hay, đã đi vào lòng công chúng suốt gần nửa thế kỉ qua.
* Vị trí đoạn thơ:
Đoạn kết bài thơ là kí ức sống động của người cháu về bà sau nhiều năm xa cách.
(trích lại đoạn thơ)

THÂN BÀI (Nên phân tích đan xen các ý. Cần làm sáng rõ ba ý cơ bản sau)
1. Hình ảnh người bà:
Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ
 Từ ngữ gợi tả “lận đận”, “biết mấy nắng mưa” diễn tả cuộc đời khổ cực trăm bề, đồng thời làm sáng lên đức tính hi sinh, sự tần tảo, cần cù, chịu thương chịu khó của người bà.
Trong kí ức của người cháu, “thói quen dậy sớm” của bà là điều đã để lại ấn tượng sâu đậm nhất.
 “Nhóm bếp lửa” là công việc rất bình thường và quen thuộc ở làng quê Việt Nam. Nhưng trong kí ức nhà thơ, công việc bình thường đó luôn mang theo tấm lòng yêu thương, luôn chất chứa niềm mong ước của bà dành cho cháu.
 Từ “nhóm” chuyển sang một tầng nghĩa mới. Người bà muốn nhen nhóm lên trong trái tim cháu “niềm yêu thương”, niềm vui sống; thắp sáng lên trong tâm hồn cháu sự chia ngọt sẻ bùi của cuộc sống gia đình, muốn khơi dậy trong lòng cháu “những tâm tình tuổi nhỏ”, những ước mơ hồn nhiên, đẹp đẽ về tương lai. Bà là người đã nối quá khứ với hiện tại và tương lai. Bếp lửa được bà nhen nhóm lên không chỉ bằng rơm rạ mà còn bằng ngọn lửa từ trong chính trái tim bà- ngọn lửa của lòng yêu thương và niềm tin bất diệt.
 Từ “nhóm” được lặp đi lặp lại nhiều lần, có tác dụng làm cho âm điệu đoạn thơ tha thiết hơn, càng làm nổi bật sự chăm sóc dạy dỗ chu đáo và tấm lòng yêu thương của bà đối với cháu.
* Đoạn thơ giúp chúng ta hiểu được tình cảm yêu thương nồng ấm của bà dành cho cháu, dành cho mái ấm gia đình. Hơn nữa, đoạn thơ còn kín đáo bộc lộ cảm xúc yêu thương chân thành sâu lắng trong lòng người cháu khi nghĩ về cuộc đời, tấm lòng và đức tính cao đẹp của bà. Lời thơ nhẹ nhàng như tiếng lòng thổn thức tri ân của tác giả khi nhớ về bà.

2. Hình ảnh “ bếp lửa”:
Ôi kì lạ và thiêng liêng - bếp lửa!
 Thơ là tiếng lòng. Câu thơ như một tiếng reo ca trong tâm hồn nhà thơ.
Câu thơ mở đầu bằng từ cảm thán “Ôi” gắn liền với hai tính từ “kì lạ”, “thiêng liêng” và kết bằng hình ảnh “bếp lửa”.
Hình ảnh “bếp lửa” đã ghi dấu ấn kì lạ và có sức rung động những tình cảm thiêng liêng trong tâm hồn người nghệ sĩ. Đối với nhà thơ, “bếp lửa” gắn liền với hình ảnh người bà và những người thân yêu trong mái ấm gia đình, gắn liền với những kỉ niệm tuổi thơ. Nhắc đến bếp lửa là người cháu nhớ đến bà và ngược lại, khi nhớ về bà là nhớ ngay đến hình ảnh bếp lửa. Dưới ngòi bút của Bằng Việt, “bếp lửa” đã trở thành một hình tượng thơ gợi cảm, giàu sức biểu hiện. Qua đó, cảm xúc của tác giả được bộc lộ kín đáo mà sâu sắc, tinh tế.
Bếp lửa là tình bà ấm áp, bếp lửa là nguồn sống do tay bà chăm chút. Bếp lửa chứng kiến những khó khăn gian khổ trong cuộc đời bà. Chính vì thế mà nhà thơ đã cảm nhận được trong hình ảnh bếp lửa bình dị, thân thuộc chứa đựng sự kì diệu, thiêng liêng khó tả.

3. Tình cảm đối với bà:
Đứa cháu bé bỏng năm xưa giờ đã trưởng thành nhưng vẫn luôn nhớ về bà, nhớ về bếp lửa hồng của mái ấm gia đình :
Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:
- Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?...
 Hình ảnh “ngọn khói trăm tàu”, “lửa trăm nhà”, “niềm vui trăm ngả” gợi ra một khung cảnh mới mẻ, rộng lớn. Tầm hiểu biết và những niềm vui luôn rộng mở theo bước đường đời cháu đang đi. Giờ đây, dù cháu đã khôn lớn, đã được chắp cánh bay xa, bay cao nhưng vẫn không bao giờ quên hình ảnh bếp lửa của bà, luôn trân trọng khắc ghi trong tim mình tấm lòng ấp iu đùm bọc của bà. (  Phân tích tác dụng của câu hỏi tu từ “Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?” và dấu chấm lửng). Những điều đó đã trở thành kỉ niệm ấm lòng, thành niềm tin thiêng liêng, kì diệu, nâng bước chân người cháu trong suốt chặng đường dài. Cháu yêu bà, nhờ hiểu bà mà hiểu thêm biết bao điều về quê hương, đất nước mình. Bếp lửa đã trở thành điểm tựa, thành chỗ dựa tinh thần cho đứa cháu lúc xa quê.

KẾT BÀI:
- Với ngôn ngữ trong sáng, gợi cảm, hình tượng thơ độc đáo, âm điệu thơ nhẹ nhàng, tha thiết, sâu lắng, đoạn thơ mang một ý nghĩa triết lí sâu sắc: Tất cả những kỉ niệm thân thiết của tuổi thơ đều có sức tỏa sáng, nuôi dưỡng tâm hồn ta, nâng bước chân ta trong suốt hành trình cuộc đời.
- Cảm nghĩ của bản thân (về tình bà cháu, về lẽ sống ân nghĩa thủy chung…).
__________________________________________________ _________________
 
Top Bottom