Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam đã cách xa 38 năm, nhưng với đại thắng mùa Xuân năm 1975 vẫn còn vang mãi như là một trong những chiến thắng vĩ đại nhất của lịch sử Việt Nam chống ngoại xâm. Toàn thắng 30-4 là kết quả của cả chặng đường dài chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ của mọi người Việt Nam yêu nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mỗi mùa xuân đến, mọi người dân đất nước con Lạc cháu Hồng không thể nào không nhớ tới đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Đó không chỉ là sự hoài niệm về một thời đầy gian khổ, hy sinh nhưng cũng đầy chiến công vang dội của lớp lớp cha anh thưở trước, mà hơn thế, để chiêm nghiệm sâu hơn các nguồn sức mạnh của chúng ta.
Không thể tìm nguyên nhân chiến thắng 30-4 ở những nhân tố riêng biệt, cũng như không thể cắt nghĩa được tại sao Việt Nam đã đánh bại ý chí xâm lược của một cường quốc hàng đầu thế giới trong cuộc đương đầu kéo dài hơn 20 năm, nếu chỉ nhấn mạnh nhân tố này mà không chú ý tới nhân tố khác. Toàn thắng 30-4 là kết quả hợp thành của các nhân tố bên trong và bên ngoài - dân tộc và thời đại - có liên quan tới cuộc đụng đầu lịch sử giữa đế quốc Mỹ và toàn thể dân tộc Việt Nam. Trong cuộc đầu tranh đó, chúng ta lại một lần nữa đứng trước sự lựa chọn mang tính sống còn của vận mệnh dân tộc: giữa độc lập, tự do và nô lệ, giữa toàn vẹn lãnh thổ và chia cắt lâu dài.
Lần giở những trang sử thời kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đọc những con số, ngẫm nghĩ về sự kiện liên quan tới thời kỳ lịch sử này, càng thấm thía hơn những nhân tố làm nên sức mạnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Sức mạnh đó bắt nguồn từ lòng yêu nước, từ niềm tin son sắt vào Đảng Cộng sản Việt Nam, vào Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp chính nghĩa vì thống nhất Tổ quốc, độc lập dân tộc và CNXH. Lời người mẹ miền Nam dặn dò đứa con tập kết ra miền bắc sau ngày Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết đã nói lên đều đó: "Con ra thưa với Cụ Hồ: Đất nước này chỉ một ngọn cờ vàng sao".
Những năm sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, qua sự giật dây của đế quốc Mỹ, Ngô Đình Diệm lê máy chém đi khắp miền Nam, gây ra các vụ thảm sát man rợ như Hướng Đen, Phú Lợi, Vĩnh Trinh... Trong tháng ngày tháng đen tối đó, ở mỗi người dân miền Nam, niềm tin yêu Đảng, Bác Hồ càng trở nên sâu sắc. Tình cảm đó, niềm tin đó không những không một thế lực nào, không một thủ đoạn nào có thể xoá được, mà còn luôn luôn được bồi đắp, trở thành nhân tố cốt lõi, thành nền móng cho việc khởi phát Phong trào Đồng Khởi mùa Xuân 1960, đập tan từng mảng chính quyền ngụy Sài Gòn ở nhiều vùng nông thôn miền Nam rộng lớn. Cuộc Đồng Khởi đã làm thất bại một hình thức thống trị điển hình của chủ nghĩa thực dân kiểu mới mà đế quốc Mỹ thiết lập tại miền Nam Việt Nam, đưa cách mạng miền Nam chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Thắng lợi của Phong trào Đồng Khởi trước hết là thắng lợi của sức mạnh toàn dân dưới ánh sáng đường lối cách mạng miền Nam của Đảng; thắng lợi của sức mạnh quật khởi được tạo nên từ lòng dân - ý Đảng. Phản ánh thắng lợi của Đồng Khởi, ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra đời, tập hợp đông đảo lực lượng yêu nước, nặng lòng với dân tộc, không phân biệt giai tầng, địa vị xã hội, quá khứ, sắc tộc, tín ngưỡng... nhằm mục tiêu chung vì một miền Nam sạch bóng ngoại xâm, tiến tới hòa bình, hòa hợp dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Với Cương lĩnh đúng đắn, Chương trình hành động thiết thực, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo lực lượng yêu nước miền Nam, mặt trận nhanh chóng tập hợp các tổ chức chính trị, xã hội, đảng phái, tôn giáo như Hội Lao động giải phóng, Hội Liên hiệp sinh viên - học sinh, Hội các nhà giáo yêu nước, đảng Xã hội cấp tiến của những người trí thức yêu nước, đảng Dân chủ miền Nam của tư sản dân tộc… Đứng dưới ngọn cờ mặt trận còn có lực lượng của các tôn giáo như Phật giáo, Thiên chúa giáo, Cao đài, Hòa hảo; các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, Khmer, Chăm, Hoa...
Sau Đồng Khởi và bắt đầu từ đó, phong trào đấu tranh yêu nước, phong trào cách mạng miền Nam ngoặt sang chặng đường mới chặng đường phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân, của chiến tranh nhân dân đánh bại các cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ xâm lược. Chiến thắng Ấp Bắc (2-1-1963) chứng tỏ sự trưởng thành của lực lượng vũ trang cách mạng, khởi đầu cho phong trào ''thi đua Ấp Bắc'' giết giặc và phá ấp chiến lược ở khắp các vùng nông thôn đồng bằng, rừng núi. Tại đô thị, phong trào Phật giáo bùng lên đòi quyền bình đẳng tôn giáo, gắn khẩu hiệu đạo pháp với dân tộc, tiến công mạnh vào nền tảng thống trị của chế độ Ngô Đình Diệm. Khí thế của phong trào cách mạng, phong trào đô thị buộc đế quốc Mỹ phải ''thay ngựa giữa dòng'', mong tạo thế ổn định về chính trị để đế quốc Mỹ đẩy mạnh nỗ lực chiến tranh, nhưng thực tế cho thấy, toan tính ấy của chúng chỉ là vô vọng. Phong trào đấu tranh quân sự, chính trị, binh vận của ta ngày càng phát triển trên cả ba vùng chiến lược; khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cổ vững chắc. Đến cuối năm 1964, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đã kiểm soát dưới các hình thức và mức độ khác nhau gần 1/3 dân số toàn miền Nam; Ủy ban Trung ương Mặt trận bấy giờ trở thành Chính phủ Trung ương song song tồn tại với Chính phủ Sài Gòn... Trước tình hình đó, đế quốc Mỹ quyết định trực tiếp tham chiến bằng việc sử dụng ồ ạt sức mạnh của lục quân, hải quân Mỹ hòng nhanh chóng giành thắng lợi quyết định, buộc nhân dân ta phải khuất phục sức mạnh quân sự của đế quốc Mỹ. Trong bối cảnh đó, Hội nghị chính trị đặc biệt do Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập ngày 27-3-1964 được xem như một ''Hội nghị Diên Hồng'', biểu thị ý chí, nghị lực và quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của toàn dân tộc Việt Nam trước âm mưu và hành động ''leo thang'', mở rộng chiến tranh của đế quốc Mỹ ra cả hai miền Nam, bắc. ''Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược'' trở thành hành động của các tầng lớp nhân dân miền bắc. Khắp mọi địa phương đã dấy lên các phong trào thi đua ''vì miền Nam ruột thịt'' như phong trào thanh niên ''ba sẵn sàng'', phụ nữ ''ba đảm đang'', nông dân ''tay cày tay súng", công nhân "tay búa tay súng", học sinh "làm nghìn việc tốt chống Mỹ, cứu nước''... thu hút đông đảo mọi tầng lớp, mọi thành phần, mọi lứa tuổi từ miền xuôi đến miền núi, từ thành thị tới nông thôn... Dưới khởi lửa đạn bom của máy bay, tàu chiến Mỹ, miền bắc không nao núng quyết tâm, vừa sản xuất vừa chiến đấu, vừa dồn sức chi viện mạnh mẽ, liên tục, ngày càng tăng cho tiền tuyến miền Nam. Tại miền Nam, quân và dân các địa phương, các chiến trường đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị và binh vận trên khắp ba vùng chiến lược: rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị. Nhằm đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, ta đã mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 mà hướng chính là các đô thị trên toàn miền Nam. Cuộc tiến công táo bạo này khởi phát lúc nỗ lực chiến tranh của đế quốc Mỹ lên tới đỉnh cao nhất, lúc chiến trường, đặc biệt vùng ven các đô thị, hầu như ken dày các sắc lính cùng hệ thống đồn bốt dày đặc và bộ máy kìm kẹp, khống chế gắt gao các nẻo đường, các thôn ấp... đã gây cú sốc mạnh, làm choáng váng nước Mỹ, làm Oa-sinh-tơn bàng hoàng, sửng sốt. Chỉ riêng việc có trong tay gần 1 triệu 30 vạn quân, trong đó có hơn nửa triệu quân Mỹ, nhưng sau bao năm không ''tìm diệt'' được chủ lực Quân giải phóng; việc nhiều sư đoàn, trung đoàn Quân giải phóng rời căn cứ, vượt qua bao làng mạc, suối sông dồn về ém sát vùng ven đô thị nhưng không có một người dân nào báo cáo cho chính quyền Sài Gòn biết, mặc dù đã qua bao năm đế quốc Mỹ đổ tiền, đổ của vào mong ''tranh thủ trái tim khối óc'' của nông dân miền Nam... Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, đã làm cho giới lãnh đạo cao cấp Mỹ chán ngán, nản lòng, phải xuống thang chiến tranh, ngừng ném bom miền bắc, trút dần gánh nặng chiến tranh lên vai chính quyền và quân đội Sài Gòn, ngồi vào đàm phán với ta tại Hội nghị Pa-ri.
Tiếp đó, những năm sau sự kiện Tất Mậu Thân, quân và dân ta anh dũng vượt qua bao thử thách, hy sinh, liên minh chiến đấu với cách mạng Lào và Cam-pu-chia, đánh thắng địch ở Đường 9 - Nam Lào, đông bắc Cam-pu-chia, ngã ba biên giới (năm 1971); tiến công mãnh liệt đập vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài kiên cố của địch ở Trị Thiên, Bắc Tây Nguyên, Đông Nam Bộ; đập tan cuộc tập kích chiến lược bàng máy bay B.52 của Mỹ trên vùng trời Hà Nội, Hải Phòng (tháng 12-1972), buộc đối phương dù còn rất ngoan cố và rất hiếu chiến vẫn phải ký kết Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút hết quân Mỹ và quân các nước đồng minh của Mỹ ra khỏi miền Nam...
Sau Hiệp định Pa-ri, sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của toàn dân tộc đang chuyển biến mau lẹ, "một ngày bằng hai mươi năm". Chớp thời cơ chiến lược, Bộ Chính trị Trung ương Đảng hạ quyết tâm động viên sức mạnh cao nhất của cả nước, kiên quyết giải phóng hoàn toàn miền Nam.
11 giờ 30 phút trưa 30-4-1975, lá cờ cách mạng phấp phới tung bay trên cột cờ cao nhất dinh Độc Lập, báo hiệu Chiến dịch lịch sử mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu toàn thắng, sự nghiệp giải phóng miền Nam toàn thắng! Một lần nữa, sức mạnh Việt Nam - sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc lại đã ngời sáng khi một Sài Gòn được tiếp quản hầu như nguyên vẹn, không hề diễn ra một biểu hiện trả thù hay một cuộc "tắm máu" nào như kẻ thù vẫn thường rêu rao. Sài Gòn trưa 30-4 ngập tràn sắc đỏ của rừng cờ, rừng hoa mừng ngày vui đại thắng.
30 năm đã đi qua, kể từ mốc vàng chói lọi 30-4 năm 1975! Mỗi lần nhớ lại, càng thấm thía hơn và biết mấy tự hào về những tháng năm toàn dân tộc đoàn kết một lòng, dốc sức đánh giặc vì độc lập dân tộc, thống nhất non sông. Đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh to lớn và tiềm tàng của khối đại đoàn kết đó là truyền thống tốt đẹp, là nhân tố to lớn góp phần làm nên Cách mạng Tháng Tám 1945, làm nên Chiến thắng 30-4 vĩ đại. Bài học phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc một thời trận mạc vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hôm nay.
Nguồn:google