PHẦN 2:
II. Sự quan tâm sâu sát , dạy bảo, động viên, khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các quân binh chủng trong quân đội nhân dân Việt Nam
Để phát huy nhân tố đặc biệt quan trọng là người chiến sỹ của Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp quan tâm tới mọi cán bộ chiến sỹ ở tất cả quân binh chủng khác nhau, có khi chỉ là một bức thư, một lần thăm hỏi, tình cờ gặp gỡ, cuộc nói chuyện tâm tình... nhưng mỗi lời dạy của Người đều là cẩm nang quý báu để bồi dưỡng, giáo dục thường xuyên cho cán bộ, chiến sỹ mãi mãi về sau.
Tháng 10.1945, tại Lễ Tốt nghiệp khoá học thứ tư Trường Quân chính Việt Nam, Hồ Chủ tịch căn dặn cán bộ, học viên: “Không tự kiêu, không có cái bệnh làm “quan cách mạng”; Phải siêng năng: Siêng nghe, siêng thấy, siêng đi, siêng nghĩ, siêng nói, siêng làm; Cầu tiến bộ luôn luôn, không lúc nào ngừng nghiên cứu, tự luyện, sửa chữa những khuyết điểm; Trung thành với những mục đích cách mạng: Giữ cho nước nhà được độc lập, nòi giống được tự do”.
Tháng 12.1945, Bác đến thăm Văn phòng Bộ Tổng Tham mưu mới thành lập, Người căn dặn: “Bộ Tổng Tham mưu là cơ quan cơ mật giúp Trung ương và Chính phủ xây dựng và điều chỉnh bộ đội, bày mưu tính kế để đánh thắng kẻ thù. Muốn thắng địch phải biết địch, biết ta, nắm chắc ý định cấp trên, có kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể. Phải có mưu trí sáng tạo. Muốn làm tốt phải khiêm tốn không ngừng học hỏi, vừa làm vừa học thêm, học trong thực tế công tác, lại phải giữ nghiêm kỷ luật và giữ bí mật”.
Tháng 3.1948, trong thư gửi Hội nghị quân y, Hồ Chủ tịch viết về chiến sỹ quân y: “Người làm thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu. Vì sự kích thích trong chiến trận, vì sự sinh hoạt khắc khổ trong quân đội, vì sự tu dưỡng chưa đầy đủ, hoặc vì những điều kiện thiếu thốn, một số anh em quân nhân không được trấn tĩnh, đối với thầy thuốc không được nhã nhặn. Gặp những trường hợp như vậy, chúng ta nên lấy tình thân ái mà cảm hoá họ. Người ta có câu: “Lương y kiêm từ mẫu”, nghĩa là một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền”.
Tháng 8.1949, trong thư gửi Hội nghị tình báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Biết địch là nhiệm vụ của tình báo. Bên ta phải biết rõ địch, nhưng đồng thời không để địch biết ta. Vì vậy, nhiệm vụ của tình báo là hết sức giữ kín tình hình và tin tức của ta, không cho lọt đến địch. Tình báo là một khoa học. Người làm tình báo ắt phải có 4 đức tính: Bí mật - Cẩn thận - Khôn khéo - Kiên nhẫn và phải tuyệt đối tẩy sạch những chứng khoe khoang, ba hoa, cẩu thả, hấp tấp, lộ bí mật, làm việc luôm thuộm, sơ xuất hoặc làm bằng cách bàn giấy. Tình báo phải có huấn luyện hẳn hoi, huấn luyện tinh thần và kỹ thuật”.
Tháng 3.1951, Bác đến thăm Trung đội Công binh đang làm hầm cho Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hoàng Hoa Thám trong rừng Việt Bắc, Người giảng giải: “Quân đội ta có nhiều nhiệm vụ khác nhau và nhiệm vụ nào cũng quan trọng. Bộ binh thì như nòng súng. Công binh như báng súng. Súng muốn bắn được phải cần có cả hai bộ phận ấy và nhiều bộ phận khác nữa, hoặc để dễ hiểu hơn: Quân đội ta ví như cái mác, bộ binh như mũi mác, công binh như cán mác, lưỡi có sắc, cán có chắc thì mới đâm được giặc”. Cũng trong thời gian ấy, Người đến thăm các đơn vị ô tô đầu tiên của Cục Vận tải ôtô Bộ Quốc phòng, Bác căn dặn: “Xe, xăng là mồ hôi, nước mắt, xương máu của nhân dân. Các chú phải chăm sóc xe, yêu xe như con, quý xăng như máu”.
Tháng 6.1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với Hội nghị cung cấp toàn quân lần thứ nhất: “Bổn phận của cán bộ cung cấp là phục vụ chiến sĩ đi đánh giặc và những người dân công đi giúp chiến dịch. Đối với chiến sĩ, phải săn sóc họ, làm sao cho họ đủ ăn, đủ mặc, đủ súng, đủ thuốc. Đối với dân công cũng phải như vậy, nếu họ đói, họ ốm, ảnh hưởng đến công tác của các chú trước, rồi ảnh hưởng đến cả chiến dịch”.
Tháng 9. 1954, tại Đền Hùng (Phú Thọ), gặp gỡ với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên Phong trên đường về giải phóng Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Bác cháu ta gặp nhau ở đây trong tình cờ nhưng lại rất có ý nghĩa. Ngày xưa các Vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Tháng 10.1960, Bác đến thăm Trung đoàn Hàng không của Cục Không quân, Người nói: “Nước mình rồi phải có không quân hiện đại, phải có những chiến sỹ lái máy bay phản lực. Nhưng bước đầu thì phải đi từ những cái dễ hiểu, dễ sử dụng, rồi dần dần đầu óc sẽ được mở mang ra, chân tay thuần thục khéo léo thêm, thì rồi cái gì, dù tinh vi phức tạp đến đâu, ta cũng có thể nắm được, hiểu được và làm được. Đất nước giàu mạnh lên, quân dội cũng có đủ trang bị hiện đại như máy bay, xe tăng, tên lửa”.
Tháng 3.1961, Hồ Chủ tịch thăm bộ đội hải quân vùng biển Đông Bắc, Người dặn dò: “Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên những truyền thống đánh giặc xưa kia của tổ tiên. Các chú phải nhớ xây dựng hải quân của nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam chứ không phải hải quân của thế giới”.
Tháng 7.1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm Đại đội 6 Thông tin ở ngoại thành Hà Nội, Người chỉ rõ: “Công tác thông tin liên lạc là một công tác rất quan trọng, nó như thần kinh, mạch máu của con người".
Tháng 3. 1967, nói chuyện với đại biểu cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Đặc công, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải có cố gắng đặc biệt. Các chiến sĩ đặc công được tin tưởng đặc biệt".
Tháng 4. 1967, trong thư gửi Bộ đội Pháo binh, Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi: “Pháo binh ta có truyền thống oanh liệt chân đồng vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng”.
Cuối cùng, trong bản Di chúc lịch sử, Người cũng không quên dặn dò Đảng và Nhà nước phải quan tâm đến thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và nhất là công ăn việc làm của bộ đội phục viên, chuyển ngành khi cuộc kháng chiến của ta hoàn toàn thắng lợi.