[Văn 9]: Bộ đề bồi dưỡng HSG

S

s.m

Mình có một số đề thi hsg Văn & đề thi chuyên bạn tham khảo thử nha.

PTNK said:
Câu 1: (4 điểm)
Trong tác phẩm Những ngôi sao xa xôi, giữa cảnh trận địa đầy bom đạn và hy sinh của đồng đội, nhà văn Lê Minh Khuê có đoạn tả về cơn mưa đá bất chợt và sau đó là tâm trạng của nhân vật Phương Định:
“Nhưng tạnh mất rồi. Tạnh rất nhanh như khi mưa đến. Sao chóng thế? Tôi bỗng thẫn thờ, tiếc không nói nổi. Rõ ràng tôi không tiếc những viên đá. Mưa xong thì tạnh thôi. Mà tôi nhớ một cái gì đấy, hình như mẹ tôi, cái cửa sổ, hoặc những ngôi sao to trên bầu trời thành phố. Phải, có thể những cái đó… Hoặc là cây, hoặc là cái vòm tròn của nhà hát, hoặc bà bán kem đẩy chiếc xe chở đầy thùng kem, trẻ con háo hức bâu xung quanh. Con đường nhựa ban đêm, sau cơn mưa mùa hạ rộng ra, dài ra, lấp loáng ánh đèn trông như một con sông nước đen. Những ngọn điện trên quảng trường lung linh như những ngôi sao trong câu chuyện cổ tích nói về những xứ sở thần tiên. Hoa trong công viên. Những quả bóng sút vô tội vạ của bọn trẻ con trong một góc phố. Tiếng rao của bà bán xôi sáng có cái mủng đội trên đầu…
Chao ôi, có thể là tất cả những cái đó. Những cái đó ở thiệt xa… Rồi bỗng chốc, sau một cơn mưa đá, chúng xoáy mạnh như sóng trong tâm trí tôi…”
a/ Theo em, đoạn văn trên có ý nghĩa gì?
b/ Tác phẩm trên sử dụng vai kể là ai? Vai kể ấy tạo ra hiệu quả như thế nào?

Câu 2: (4 điểm)
Mở đầu bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh có đoạn:
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về​
Nhan đề của bài thơ là Sang thu nhưng tại sao nhà thơ lại dùng từ hình như? Nêu suy nghĩ của em về ý nghĩa của cách dùng từ này.

Câu 3: (4 điểm)
Viết một đoạn văn (ít nhất 5 câu) nói về nếp sống giản dị và thanh đạm của Bác Hồ. Chỉ ra sự liên kết các câu về nội dung và hình thức trong đoạn.

Câu 4: (8 điểm)
Hãy viết bài nghị luận về một thói quen làm ô nhiễm môi trường.
** Phần này mình không nhớ đã sưu tầm ở nguồn nào...
Câu 1: (12 điểm)
Một nhà văn đã viết:
Che giấu khuyết điểm của bản thân sẽ không làm ta trở nên tốt đẹp hơn. Uy tín của ta tăng thêm nếu ta chân thành công nhận khuyết điểm.​
Em hãy trình bày ý kiến của mình đối với nhận xét trên bằng cách kể lại một câu chuyện của bản thân.
Câu 2: (8,0 điểm)
Em hãy phát hiện và phân tích các biện pháp tu từ trong khổ thơ sau (chỉ cần nêu vắn tắt, không cần viết thành bài văn):
“Bác sống như trời đất của ta
Yêu từng ngọn cỏ, mỗi nhành hoa
Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ, lụa tặng già”.​
1969 ~ (Tố Hữu – Bác ơi !)
Câu 1 (2 điểm)
Cách sử dụng từ ngữ của Nguyễn Du ở hai câu thơ (miêu tả nỗi lòng Kiều khi rơi vào Lầu xanh) sau đây có gì đặc biệt? Hãy phân tích ý nghĩa của cách sử dụng ấy:
Mặt sao dày gió dạn sương
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân?​

Câu 2 (8 điểm)
Nhân vật Vũ Nương (Chuyện người con gái Nam Xương - Nguyễn Dữ) là một phụ nữ đẹp người, đẹp nết, luôn khát khao được sống êm ấm, hạnh phúc nhưng rồi số phận lại kết cục hết sức bi thương. Cái chết của nhân vật này có một ý nghĩa phê phán rất sâu sắc, nhằm vào các đối tượng sau:
a. Chiến tranh phong kiến.
b. Chế độ nam nữ bất bình đẳng của xã hội cũ.
c. Sự ghen tuông mù quáng của người đời (cụ thể là Trương Sinh).​
Bằng hiểu biết của mình, em hãy phân tích, lí giải để thấy rõ đâu là đối tượng phê phán chính của tác giả.
Ghi chú: Học sinh cần phân tích, xem xét từng đối tượng cụ thể. Đối tượng được xác định là mục tiêu phê phán chính cần bàn bạc kĩ hơn.

P.s Bạn có thể tham khảo thêm tại đây. Nếu muốn tìm tài liệu, thì tốt nhất bạn nên tìm theo từng đơn vị bài học. Vd: Truyện Kiều - bạn đánh từ khóa này trên thanh công cụ search của diễn đàn hoặc google và các trang tìm kiếm khác để tìm tài liệu phù hợp và hữu ích nhất. (À, bạn chú ý viết bài bằng tiếng Việt, có dấu. Chúng ta yêu Văn - Hãy thể hiện tình yêu đó bằng cách cụ thể nhất :).)
 
Last edited by a moderator:
Top Bottom