Thuyết minh về chiếc nón lá
Việt Nam nổi tiếng với chiếc áo dài thướt tha, với những món ăn, nền ẩm thực tuyệt diệu,... và cũng không thể thiếu chiếc nón lá đơn giản nhưng duyên dáng, là loại nón mà cả thế giới đều biết đến, và nếu đã là người Việt Nam thì chắc chắn không thể không ít nhất một lần được đội chiếc nón lá truyền thống này.
Chiếc nón lá đã có mặt trên đất Việt từ rất xa xưa, không ai biết ai là người tạo ra nó, chỉ biết có lẽ khi xưa ông cha ta đã biết sử dụng chiếc lá to để che nắng che mưa, rồi kết những chiếc lá đó tạo thành nón lá như thời nay. Nón lá có rất nhiều loại được cách điệu ra như nón thúng quai thao trong những câu dân ca quan họ Bắc Bộ; nhưng loại nón lá thông dụng và nổi tiếng nhất vẫn là chiếc nón lá đơn sơ mà các cụ ông, cụ bà, những cô thiếu nữ, những người nông dân,... vẫn thường đội. Chiếc nón đó có thể làm bằng nhiều vật liệu khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn được làm từ lá như truyền thống. Đầu tiên, nó được những bàn tay khéo léo của các nghệ nhân chuốt từng thanh tre thành từng vòng tròn có kích thước to nhỏ khác nhau, vành nón to nhất có đường kính khoảng năm mươi centimet, theo sau là đến tận mười sáu cái vành lần lượt nhỏ dần, cái vành nhỏ nhất chỉ cỡ một đồng xu. Tất cả được xếp tiếp nối nhau từ nhỏ đến lớn trong một cái khuôn hình chóp. Những chiếc lá dùng để làm nón được đem về từ rừng và phơi khô để chuyển sang màu trắng rồi sẽ được xếp lên nhau, sau đó được cất vào túi nilông để bảo quản, không bị mốc. Khi đem lá ra làm nón, những nghệ nhân hoặc thợ thủ công sẽ lấy từng chiếc lá ra vuốt cho phẳng rồi lấy kéo cắt chéo đầu trên chiếc lá, sau đó lấy kim xâu chúng lại với nhau chừng hai mươi bốn đến hai mươi lăm chiếc lá cho một lượt và rồi xếp đều bên trên khuôn nón. Lá khi làm nón rất mỏng và chóng hư khi gặp nước gặp mưa nên các thợ thủ công đã nghĩ ra việc tận dụng bẹ tre khô để giữa hai lớp lá để làm cho nón vừa cứng chắc vừa lâu bền. Tiếp đó, người thợ lấy dây cột chặt lá đã được xếp đều trên nón rồi mới bắt đầu khâu những hình vẽ nghệ thuật lên đấy. Chỉ dùng để khâu cũng phải được chọn thật kỹ lưỡng cho đủ độ bền. Tùy theo kỹ năng lựa chọn của thợ thủ công mà chỉ có nhiều loại khác nhau nhưng sợi chỉ nào cũng đòi hỏi phải dai, mềm. Họ cần mẫn khâu những mũi chỉ thẳng đều tăm tắp, dường như người thợ thủ công muốn gửi gắm vào từng chiếc nón bao công sức, ước muốn, ý nguyện của mình nên đã tạo nên trên nền nón lá những hình ảnh các cô thiếu nữ xinh đẹp thướt tha trong tà áo dài rực rỡ, hình ảnh những cánh đồng lúa xanh tốt, những đóa hoa, có khi còn là những lời hay ý đẹp, những bài đồng dao,... tất cả đều tạo nên một chiếc nón lá giản dị mà đẹp đẽ, được các du khách nước ngoài biết đến. Có lẽ cũng vì thế, ngoài tà áo dài truyền thống của dân tộc Việt Nam ra, người người vẫn luôn nhắc đến chiếc nón lá - một thứ không thể thiếu khi mặc áo dài. Thiếu mất nón lá cũng như rằng thiếu mất một phần của vẻ đẹp Việt.
Chiếc nón lá đã được đưa vào biết bao bài thơ, bài nhạc, những bức tranh thơ mộng của các họa sĩ. Hình ảnh cô thiếu nữ dịu dàng e thẹn cầm chiếc nón lá khi đội trên đầu, khi che trước ngực đã trở thành một vẻ đẹp in sâu vào tâm trí bao người, từ già trẻ lớn bé đến cả những du khách trong và ngoài nước. Chiếc nón lá thanh mảnh, cầm trên tay nhẹ tênh, từ đường kim cho đến vành nón tất cả đều thanh tao, tuy nhỏ mà sắc nét. Nếu chỉ như vậy thì nón lá cũng sẽ không có gì đặc biệt, quan trọng là phải biết thổi được cái hồn người Việt Nam vào trong chiếc nón, cái hồn của người phụ nữ Việt Nam vừa dịu dàng mà cũng vừa mạnh mẽ, kiên cường. Dù cho nó chỉ là một chiếc nón bé nhỏ nhưng những người làm ra nó cũng đã gửi cho nó một phần hồn, một triết lý hoặc một quan niệm sống sâu sắc. Trong ký ức của những người lớn tuổi, trang phục của những người phụ nữ xưa khi ra đường phố bắt buộc phải là chiếc áo dài và chiếc nón lá đội đầu. Dù trời sáng nắng hay râm mát, chiếc nón vẫn là vật bất ly thân. Trong sự khéo léo tài tình của chủ nhân, nón lá đã tình cờ trở thành một vật làm duyên hết sức kín đáo mà cũng đầy ý nhị.
Nón lá ngày nay không chỉ có nón ba lớp, nón quai găng như ngày xưa mà giờ nó còn có thêm loại nón thêu, nón lá kè. Và còn có thêm loại nón quai thao dùng trong các điệu múa, điệu hát dân ca quan họ giờ vẫn còn lưu truyền trong văn hóa Bắc Bộ. Nhưng vì xã hội ngày nay ngày càng phát triển với tốc độ nhanh chóng, với sự hội nhập của văn hóa ngoại quốc, giờ trên đường phố cũng dần mất đi hình ảnh chiếc nón lá ngày xưa. Nhưng không vì thế mà vẻ đẹp văn hóa Việt Nam lại mất đi như vậy. Tuy xã hội đổi mới, nhưng đâu đó bên những con phố cổ, bên một góc phố hiện đại tấp nập, trong những miền nông thôn,... vẫn còn ẩn hiện dáng vẻ chiếc nón lá đơn sơ và giản dị, mãi cùng bầu bạn với con người Việt Nam. Và chiếc nón lá cũng đã được các nhà thiết kế nổi tiếng đem ra giới thiệu cho toàn thế giới, tăng thêm vẻ đẹp của Việt Nam trong mắt bạn bè năm châu.
Nay dù cuộc sống càng ngày càng hiện đại, bao mẫu mã nón lộng lẫy được nhập tràn vào nước ta nhưng trên khắp các nẻo đường sẽ vẫn còn thấy mãi hình ảnh chiếc nón lá bất hủ, chứng tỏ sự trường tồn của nó theo bao năm tháng, mang theo bao giá trị lẫn nét đẹp văn hóa thuần phong mĩ tục của dân tộc Việt Nam.
====================================================