[Văn 8]Viết về đức tính giản dị của Bác Hồ

V

vitconxauxi_vodoi

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng vì nước, vì dân, dù ở bất kỳ cương vị nào, từ một người phụ bếp trên con tàu “Amiran Latouche Tre ville” lúc ra đi tìm đường cứu nước, cho đến khi trở thành Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Bác Hồ vẫn giữ một nếp sống vô cùng giản dị. Đó cũng chính là điểm nổi bật trong phong cách, đạo đức của Người.

Theo lời kể của những người từng được sống gần Bác hoặc qua những tư liệu còn lưu trữ được, chúng ta thấy việc ăn, mặc, ở cũng như sinh hoạt, chi tiêu hàng ngày Bác đều hết sức tiết kiệm. Mỗi bữa ăn, Bác quy định không quá 3 món và thường là các món dân tộc như: tương cà, dưa, cá kho... Bác bảo ăn món gì phải hết món ấy, không được để lãng phí. Có quả chuối hơi “nẫu”, nhiều người ngại không ăn, Bác bảo lấy dao gọt phần nẫu đi để ăn. Khi đi công tác các địa phương, Bác thường bảo các đồng chí phục vụ chuẩn bị cơm nắm, thức ăn từ nhà mang đi. Chỉ khi nào công tác ở đâu lâu, Bác mới chịu ăn cơm, nhưng trước khi ăn, bao giờ Bác cũng dặn “chủ nhà” là: Đoàn đi có từng này người, nếu được, chỉ ăn từng này, từng này...
Có thể dẫn ra nhiều câu chuyện về cách ăn uống chắt chiu, tiết kiệm của Bác. Thậm chí liên hoan chào mừng Ngày thành lập Đảng cũng chỉ có bát cơm, món xào, tô canh và đĩa cá. Khi tiếp đãi khách, Bác thường nói: “Chủ yếu là thật lòng với nhau”. Chiêu đãi đồng chí Lý Bội Quần, người Trung Quốc đã giúp Bác mua chiếc máy chữ từ Hải Phòng mang về, Bác cũng chỉ “khao” một món canh và hai đĩa thức ăn, có thêm chén rượu gạo, tổng cộng chưa hết một đồng bạc, thế mà vẫn đậm đà tình cảm giữa chủ và khách.
Bác nói: Ở đời ai chẳng thích ăn ngon, mặc đẹp, nhưng nếu miếng ngon đó lại đánh đổi bằng sự mệt nhọc, phiền hà của người khác thì không nên. Hơn nữa, Bác luôn nghĩ đến người khác, có món gì ngon không bao giờ Bác ăn một mình. Bác sẻ cho người này, sẻ cho người kia rồi sau cùng mới đến phần mình và phần Bác thường là ít nhất.
Trong trang phục hàng ngày, Bác chỉ có bộ quần áo dạ màu đen mặc khi đi ra nước ngoài; chiếc mũ cát Bác đội khi đi ra ngoài trời; chiếc áo bông, áo len Bác mặc trong mùa lạnh và một vài bộ quần áo gụ Bác mặc làm việc mùa hè. Nói về sự giản dị trong cách ăn mặc của Bác, có lẽ ấn tượng nhất phải kể đến đôi dép cao su và bộ quần áo ka-ki. Đôi dép cao su được Bác dùng hơn 20 năm đến khi mòn gót phải lấy một miếng cao su khác vá vào, các quai hay bị tuột phải đóng đinh giữ. Còn bộ quần áo ka-ki Bác mặc đến khi bạc màu, sờn cổ áo. Những người giúp việc xin Bác thay bộ quần áo mới thì Bác bảo: “Bác mặc như thế phù hợp với hoàn cảnh của dân, của nước, không cần phải thay”.
Về chỗ ở, khi Bác mới về nước là một hang đá thuộc Pắc Pó, Cao Bằng. Sau này vì bí mật nên Bác phải ở nhà riêng nhưng rất đơn giản. Nhà làm nhỏ, bốn bề với tay được vì tiết kiệm nguyên vật liệu. Đến năm 1954, Chính phủ chuyển về thủ đô Hà Nội, nhiều người đề nghị Bác ở Phủ Toàn quyền Đông Dương tráng lệ, nhưng Bác đã từ chối và chỉ chọn căn phòng nhỏ của người thợ điện đơn sơ bên ao cá để ở. Mãi đến ngày 17-5-1958, Bác mới chuyển về ở căn nhà sàn chỉ vẻn vẹn có 23,14 m2 cho đến lúc qua đời.
Nhận xét về nếp sống giản dị của Bác, một tờ báo nước Pháp đã viết: “Sự ăn ở giản dị đến cực độ, như một nhà ẩn sĩ, đó là một đức tính rõ rệt nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một tuần lễ ông nhịn ăn một bữa, không phải là để hạ mình cho khổ sở, mà là để nêu một tấm gương dè xẻn gạo cho đồng bào đặng làm giảm bớt nạn đói trong nước. Hết thảy mọi người xung quanh đều bắt chước hành động đó của ông...”



Như vậy, nếp sống giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đơn thuần là tiết kiệm mà mang ý nghĩa rất cao đẹp. Người tiết kiệm nhưng không ki bo, kiệt xỉ, không lãng phí, phô trương. Noi gương Người, học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Người, thiết nghĩ mỗi cán bộ, đảng viên cần rèn luyện, tu dưỡng mình theo Chỉ thị 06 của Bộ Chính trị (khóa X). Điều này tưởng dễ nhưng lại rất khó. Dễ vì nếp sống của Bác rất bình thường, đơn giản nếu quyết tâm thì ai cũng làm được. Còn khó vì nếu không có tâm trong sáng, không có chí hướng, có lý tưởng, không có lòng yêu thương con người thực sự thì không thể làm được. Ngày nay, xã hội phát triển, mức sống đã cao hơn trước rất nhiều nên chúng ta đang dần được ăn ngon mặc đẹp. Song là cán bộ, đảng viên - “người đầy tớ” của dân, chúng ta phải biết hy sinh lợi ích, tham vọng của cá nhân mình để phấn đấu xây dựng một đất nước mạnh giàu theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn.

Nguồn: Lính Chì
 
V

vitconxauxi_vodoi

Có ai đó đã từng nói: Chúng ta không thể trở thành Hồ Chí Minh, nhưng chúng ta có thể học được ở Người những đức tính cao đẹp mà giản dị ấy. Đối với mỗi người Việt Nam, trong tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đức tính giản dị là điều chúng ta dễ nhận thấy và dễ học ở Người. Bác Hồ coi đức tính khiêm tốn, giản dị là chân lý của cuộc sống. Lối sống khiêm tốn, giản dị bao giờ cũng là sự thù địch với lối sống xa hoa, phù phiếm. Giản dị bao giờ cũng dẫn đến tiết kiệm, còn xa hoa tất dẫn đến lãng phí. Lối sống xa hoa còn dẫn tới tệ tham ô, hối lộ…Hồ Chí Minh khuyên cán bộ, đảng viên phải cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, ít lòng ham muốn vật chất, không háo danh kiêu ngạo. Đó là tư cách người cán bộ cách mạng và Người đã gương mẫu thực hiện.
Là lãnh tụ cách mạng, Hồ Chí Minh luôn coi khinh mọi sự xa hoa, không ưa chuộng những nghi thức trang trọng, cầu kỳ, suốt đời giữ một nếp sống thanh bạch, tao nhã, giản dị.
Những ngày tháng sinh hoạt bình dị của Bác, khi có món ăn ngon, Bác không bao giờ ăn một mình, không bao giờ đòi hỏi hoặc gây phiền hà cho người khác về chuyện ăn. Bác nói: “ở đời ai chẳng thích ăn ngon, mặc đẹp, nhưng nếu miếng ngon đó lại đánh đổi bằng sự mệt nhọc, phiền hà của người khác thì không nên”. Trước năm 1965, khi Người chưa bệnh nặng, Người ăn uống chung với các chiến sĩ của đội cảnh vệ, cùng ăn, cùng chia ngọt sẻ bùi với các chiến sĩ. Bác ăn thanh đạm và vẫn giữ khẩu vị quê hương: tương cà, dưa, cá quả kho đường khô và chắc. Khi dọn mâm mời Bác thường phải để thêm một bát con thừa. Vào ăn Bác dự liệu không ăn hết thứ nào thì san sang bát con ấy để về sau người khác còn dùng được. Ăn xong, tự Bác sắp xếp lại và để gọn trong mâm, đậy lồng bàn lại. Đồng chí phục vụ chỉ còn việc bê cả mâm đi. Ở việc làm nhỏ đó, chúng ta càng thấy Bác quý trọng biết bao kết quả sản xuất của con người và kính trọng như thế nào người phục vụ.
Về chỗ ở, năm 1941, khi Bác mới về nước là một hang đá thuộc Pắc Pó, Cao Bằng. Sau này, do rút vào hoạt động bí mật nên Bác phải ở nhà riêng nhưng rất đơn giản - nhà làm nhỏ, bốn bề với tay được vì tiết kiệm nguyên vật liệu. Đến năm 1954, Chính phủ chuyển về thủ đô Hà Nội, Bác đã chọn căn phòng nhỏ đơn sơ của người thợ điện bên ao cá để ở. Mãi cho đến năm 1958, Bác mới chuyển về ở căn nhà sàn nhỏ cho đến lúc qua đời. Nhà sàn bố trí đơn giản gồm những đồ dùng rất gần gũi với Bác: một chiếc giường đơn trải chiếu cói, cái tủ nhỏ, bộ bàn ghế, trên bàn để đèn, lọ hoa, cái máy thu thanh, cái quạt nan, mấy quyển sách cần thiết hàng ngày. Hàng năm, đến ngày sinh nhật Bác, nhiều đoàn thể cơ quan, khách trong nước, khách nước ngoài đến chúc mừng sinh nhật Bác. Khách đến Bác rất vui, nhưng sau Bác bảo sinh nhật Bác là ngày riêng cá nhân mà làm ảnh hưởng nhiều đến thời gian và tiền bạc của tập thể. Bác gặp đồng chí phụ trách công tác bảo vệ, nhờ tìm cho Bác một chỗ yên tĩnh, gần núi, làm một ngôi nhà nhỏ chỉ độ hai đến ba người làm việc, nhưng nhớ là không lấy đất trồng trọt của dân. Khi tìm được một địa điểm trên núi Ba Vì, Bác đồng ý. Thế là gần đến ngày sinh nhật, Bác “tạm lánh” lên làm việc trên đó.
Dù ở đâu, lúc nào Bác cũng để lại ấn tượng tốt đẹp, phong cách mẫu mực của một lãnh tụ. Làm Chủ tịch nước, Bác nhận lấy cho mình được cái quyền sống giản dị, bằng mức sống bình thường của người dân. Thời kỳ kháng chiến, đồ dùng của Bác có chiếc va li nhỏ đựng sách, tài liệu và cái máy chữ, quần áo tư trang cho vào một túi nhỏ. Các đoàn thể tặng Bác nhiều tư trang, đồ dùng, Bác thường đem làm tặng phẩm cho cá nhân, tập thể có thành tích. Kháng chiến thắng lợi, Bác trở về thủ đô, cách ăn mặc của Bác cũng không thay đổi. Bác thường dặn các đồng chí phục vụ khi giặt áo cho Bác thấy chỗ nào rách thì vá lại cho Bác dùng. Quần áo thường ngày Bác thích màu gụ, nên khi may xong đồng chí phục vụ mang sang xí nghiệp Tô Châu nhuộm gụ. Bộ nào hơi cũ là đồng chí thay bộ khác cùng kiểu, cùng màu nên lúc đầu Bác không biết. Một thời gian sau, Bác thấy quần áo vẫn mới, Bác bèn đánh dấu rất kín và phát hiện ra là đồng chí đó đã đổi quần áo của Bác. Bác liền phê bình và từ đó rất khó thay đổi quần áo của Bác. Áo Bác dùng lâu giặt đi giặt lại nhiều lần nên cổ áo bị sờn và rách dần, khi mọi người đề nghị Bác cho thay cái khác, Bác bảo: “Cả cái áo chỉ sờn chỗ cổ mà vứt đi thì không được, chú chịu khó tháo rồi lộn trong ra ngoài, may lại vẫn lành như mới”.
Chúng ta đã nghe nói về đôi dép cao su Bác dùng hơn 20 năm và hiện nay , nó hiện thân trong đời sống nhân dân như một huyền thoại. Đôi dép gắn liền với cuộc đời vĩ đại, đức tính giản dị của Người. Đôi dép của Bác được cắt từ chiếc lốp ô tô quân sự, chiến lợi phẩm của trận phục kích tại Việt Bắc. Khi về Hà Nội, Bác vẫn dùng dép cao su. Đôi dép Bác dùng lâu ngày vẹt cả đế, các quai hay bị tuột phải đóng đinh giữ. Một lần đi thăm Ấn Độ, Bác vẫn đi đôi dép thường ngày. Mọi người trong đoàn thấy thế rất ái ngại nên bàn nhau mang theo một đôi giày vải, lên máy bay nhân lúc Bác ngủ, thay đôi dép bằng đôi giày vải. Khi thức giấc, Bác hỏi dép, anh em trả lời Bác là dép để dưới khoang máy bay. Khi xuống sân bay, Bác yêu cầu lấy dép để Bác đi, Bác bảo đừng lo gì cả, đất nước Ấn Độ cũng nghèo như mình, mới có độc lập nên còn nhiều vất vả. Bác đi dép có tất bên trong là tốt rồi, họ không chê mình đâu. Nhân dịp này Bác muốn gần gũi nhân dân lao động Ấn Độ. Hôm sau, trên các trang báo lớn của Ấn Độ đều hết lời ca ngợi đôi dép Bác Hồ là một huyền thoại. Hôm Bác đến thăm một ngôi chùa, Bác cởi dép để ở ngoài, các phóng viên được dịp quay phim, chụp ảnh đôi dép huyền thoại đó.
Ở Bác, tiết kiệm là hành trang trong cuộc đời. Hành trang của một vị lãnh tụ giản dị như hành trang của một người dân bình thường. Một tờ báo Pháp đã viết về Bác: “Chủ tịch nước Việt Nam giản dị quá đỗi. Quanh năm ông chỉ mặc một bộ kaki xoàng xĩnh và khi những người cộng tác quanh ông để ý với ông rằng với địa vị ông ngày nay, nhiều khi cần phải mặc cho được trang trọng thì ông chỉ mỉm cười trả lời: “Chúng ta tưởng rằng chúng ta được quý trọng vì có áo đẹp mặc, trong khi bao nhiêu đồng bào mình trần đang rét run trong thành phố và các vùng quê?”.
Như vậy, đức tính giản dị của Bác không chỉ đơn thuần là tiết kiệm mà còn thể hiện tấm lòng lo cho dân, cho nước của Người. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, khi đọc Tuyên ngôn độc lập, Bác bỗng dừng lại hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Câu hỏi giản dị và gần gũi của Bác dường như cho ta thấy không có một khoảng cách nào giữa một vị Chủ tịch nước với những người dân bình thường. Gần dân là cuộc sống đời thường hàng ngày của Bác, là ý tưởng vĩnh cửu trong tư tưởng Bác. Suốt đời Bác chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là giành độc lập về cho đất nước, mang tự do hạnh phúc đến nhân dân. Ngay cả đến khi sắp từ biệt thế giới này, Bác vẫn còn căn dặn: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. GS Trần Văn Giàu trong bài viết về “Nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh” một lần nữa khẳng định: “Khó hiếm thấy một người đã đạt tới đỉnh cao nhất của vinh quang mà vẫn giữ tính khiêm tốn, giản dị như thuở hàn vi hoạt động trong vòng bất hợp pháp. Gương sáng chói không một hạt bụi nào có thể bám được”.
Mỗi lần được nghe, được biết đến những câu chuyện về Bác, lòng chúng ta xiết bao cảm động và tự so sánh, tự vấn với cuộc sống chúng ta hiện nay. Công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã đạt được những thành tựu to lớn. Đảng đã vạch ra những thời cơ mới và cả những nguy cơ mới đối với sự phát triển của đất nước. Cùng với những mặt tích cực của cơ chế thị trường, của thời mở cửa, những tác động tiêu cực đang xói mòn đạo đức, đời sống văn hoá của nhân dân ta, ngay cả trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. GS Vũ Khiêu đã đặt ra hai câu hỏi lớn để chúng ta phải suy ngẫm: Nếu như Bác còn sống tới hôm nay, Bác sẽ nghĩ như thế nào về những ông quan cách mạng mới, về những người vẫn tự nhận là đầy tớ của nhân dân, nhưng đã có cuộc sống xa hoa gấp trăm ngàn lần cuộc sống của người dân bình thường?; Khi con người chỉ còn biết có cá nhân mình, chỉ ngày đêm chăm lo cho sự giàu có của bản thân và gia đình, tìm mọi cách để ăn ngon, mặc đẹp, thoả mãn những thú vui vật chất thì làm sao còn rung động được trước những cảnh nghèo đói đau khổ của người khác?
Không nghiêm khắc với bản thân mình, không thường xuyên rèn luyện, học tập, cán bộ, đảng viên nhất định sa vào những ý nghĩ tầm thường và sẽ mất dần đi những phẩm chất đạo đức của người cách mạng. Cho nên, trong hoàn cảnh hiện nay, trước hi sinh lợi ích, tham vọng của cá nhân mình, noi gương Bác, mỗi chúng ta hãy thực hành nếp sống giản dị, tiết kiệm, tránh phô trương, hình thức, xa hoa, lãng phí. Đó cũng chính là việc làm thiết thực để góp phần xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như lời Bác đã căn dặn.
Th.s Nguyễn Thị Thanh Hòa
~>Tham khảo
 
Top Bottom