a công trình tiêu biểu: Bùi Văn Nguyên - Hà Minh Đức: Thơ ca Việt Nam - Hình thức và thể loại (NXB KHXH in lần thứ 2, H, 1971, có tên “Các thể thơ ca và sự phát triển của hình thức thơ ca trong văn học Việt Nam”)[112]; Hà Minh Đức: Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại [38]; Phan Cự Đệ: Phong trào Thơ mới [30], ít nhiều đều có đề cập đến thể loại Thơ mới. Bùi Văn Nguyên và Hà Minh Đức đã giành hẳn một chương (chương II) viết về sự phát triển của hình thức thơ ca Việt Nam. Nhận xét về hình thức nghệ thuật của Thơ mới, các tác giả khẳng định: “Phong trào Thơ mới đã đem lại cho bộ mặt thơ ca nhiều đổi mới đáng kể, như về các thể thơ về sự biểu hiện phong phú của các trạng thái cảm xúc hay về những yếu tố mới trong ngôn ngữ thơ ca” [112,113]. Đề cập đến ngôn ngữ Thơ mới, các tác giả chỉ ra rằng: “Thơ mới cũng vận dụng nhiều cách sử dụng ngôn ngữ phong phú, từ những lối so sánh bình thường đến các lối ẩn dụ, hoán dụ, nhân hóa” [112,116]. Về thể thơ, các tác giả đề cập đến “thể bốn từ”, “thể năm từ”, “thể bảy từ”, “thể tám từ”, “thể lục bát” [112,119]. Nói về “Những hình thức biểu hiện của cái tôi trữ tình trong thơ”, ở công trình Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, Hà Minh Đức viết: “Phong trào Thơ mới những năm 30 bộc lộ rõ ràng những đặc điểm của trào lưu thơ ca lãng mạn. Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên... những cái tôi khác nhau, mỗi người tự xây dựng cho mình một thế giới riêng biệt, một hòn đảo chơi vơi” [38,79]. Tác giả phân tích cách biểu hiện cái tôi trữ tình trong thơ Xuân Diệu như một nét đặc trưng chung của các tác giả Thơ mới: “Cái tôi trữ tình trong thơ Xuân Diệu chi phối và biến tất cả mọi đối tượng khách quan thành chủ quan. Không có nhân vật trữ tình trong sự tồn tại khách quan với những phẩm chất riêng biệt của nó. Mọi nhân vật trữ tình thực chất chỉ là cái tôi trữ tình” [38,80]. Ở công trình Phong trào“Thơ mới”, Phan Cự Đệ giành hẳn một chương (chương VI) bàn về “nghệ thuật của phong trào “Thơ mới lãng mạn”. Nói về thể thơ của Thơ mới, tác giả phân tích: “Thơ mới thực chất ra không phải là lối thơ tự do. Lúc đầu nó phá ra một cách phóng túng, nhưng dần dần nó trở nên nhuần nhị và dừng lại ở một số thể thơ quen thuộc. Số chữ trong câu có thể từ hai chữ (Sương rơi) đến hơn mười chữ, nhưng dùng nhiều nhất là lối thơ năm chữ, bảy chữ, tám chữ. Số câu trong bài không nhất định, thường thường mỗi bài chia làm nhiều khổ, mỗi khổ bốn câu” [30,168 - 69]. Tác giả cũng đã nhận xét: “Một trong những thành tựu khá quan trọng của “Thơ mới” là sự vận dụng nhạc điệu để diễn tả tình cảm. Nhạc điệu của “thơ mới” là nhạc điệu quen thuộc của dân tộc. Nhưng các nhà “thơ mới” đã biết tiếp thu những thành tựu về nhạc điệu trong thơ Pháp và thơ Đường” [30,171]. Tuy số lượng công trình ít, nhưng ở giai đoạn này, mặt hình thức của Thơ mới cũng đã được các tác giả lưu tâm và nghiên cứu.
Từ 1986 đến nay
Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986), dưới cái nhìn đổi mới trên tất cả các lĩnh vực, Thơ mới cũng được quan tâm, đánh giá một cách bình tĩnh, chính xác, khách quan và khoa học hơn.
Các công trình, chuyên luận riêng về Thơ mới hoặc có nhiều liên quan đến Thơ mới nở rộ. Đỗ Lai Thúy có: Thơ mới nhìn từ góc độ cái tôi [155] ; Trong Tư duy thơ và tư duy thơ hiện đại Việt Nam [141] Nguyễn Bá Thành xét hướng vận động Cái tôi trữ tình của các nhà thơ từ phong trào Thơ mới trong mạch vận động với thơ trước và sau nó. Trong Thơ mới những bước thăng trầm, Lê Đình Kỵ khảo sát qua các loại câu thơ và nhận xét: “Câu thơ thất ngôn, ngũ ngôn không còn là độc tôn, Thơ mới không hạn chế số câu trong mỗi bài thơ, không quy định số từ bắt buộc cho mỗi dòng thơ. Câu thơ có thể đi từ hai từ đến chín mười từ” [70,119]. Trong Văn chương tài năng và phong cách [40], Hà Minh Đức có điểm qua một số nhà thơ tiêu biểu của Phong trào Thơ mới: từ Thế Lữ đến Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên qua Hàn Mặc Tử, Đinh Hùng, Bích Khê và đánh giá thành tựu Thơ mới như "Một nguồn mạch phong phú của thơ ca dân tộc trong thời kì hiện đại" [40, 446]. Các công trình: Những cách tân nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu của Lê Tiến Dũng[23], Thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên của Hồ Thế Hà [46], Ba đỉnh cao Thơ mới Xuân Diệu - Nguyễn Bính - Hàn Mặc Tử của Chu Văn Sơn [128], Thơ Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám 1945 của Lý Hoài Thu [151],... đã đi vào vấn đề thể loại thuộc phong cách riêng của các nhà thơ.
Các bài nghiên cứu về cuộc đời tác giả, về Thơ mới được tập hợp khá đầy đủ trong các tuyển tập, tạp chí, báo...
Có rất nhiều bài báo nghiên cứu về Thơ mới trên Tạp chí Văn học (Tên mới: Nghiên cứu Văn học) và các tạp chí khác ở Trung ương có đề cập đến sự vận động của Thơ mới. Trần Đình Sử nhận xét: "Thơ mới đã mang một nhãn quan mới về ngôn ngữ thơ (...) Thơ mới đã căn bản cải tạo lại thơ trữ tình Tiếng Việt từ câu thơ điệu ngâm sang câu thơ điệu nói" [131]; Nguyễn Đăng Mạnh trong Giáo trình lịch sử văn học Việt Nam 1930 - 1945 đã dành hẳn một phần nói về “Phong trào Thơ mới” (gồm 13 trang). Ở mục “Quá trình hình thành và vận động của phong trào Thơ mới”, tác giả chia Thơ mới thành ba giai đoạn để sơ bộ xét sự vận động của nó: 1932-1935, 1936-1939, 1940-1945. Cũng theo tác giả, giai đoạn đầu và giai đoạn thứ hai ranh giới không rõ bằng giai đoạn thứ hai và giai đoạn thứ ba, và “tất nhiên ranh giới giữa các giai đoạn không thật rành mạch”[90, 43-49].
Vũ Tuấn Anh trong Sự vận động của cái tôi trữ tình và tiến trình thơ ca đã đưa ra quan niệm về sự vận động của cái tôi trữ tình và khẳng định: "Sự biến đổi, phát triển, thay thế, phân hóa... của cái tôi trữ tình là cốt lõi của vận động thơ"[5,36]. Trong công trình Văn học Việt Nam hiện đại - Nhận thức và thẩm định, Vũ Tuấn Anh đã đề cập đến “Sự hoàn chỉnh và tính năng động thể loại trong đời sống văn học 1930 - 1945”. Tác giả cho rằng: “Chỉ sau một thời gian phát triển, Thơ mới đã vượt ra ngoài ý nghĩa trào lưu, vượt ra ngoài cảm hứng khởi xướng ban đầu của chủ nghĩa lãng mạn để trở thành một “loại hình” thơ Việt Nam hiện đại, một phương thức tư duy có khả năng thể hiện và chuyển tải nhiều nội dung sáng tạo nghệ thuật đa dạng, phương thức tư duy hiện đại trong thơ” [2,26]. Cũng theo tác giả, “Thơ mới sau những say mê vồ vập với Hugo, Lamartine, Baudelaire là những nhà siêu thực, tượng trưng của thơ Pháp hiện đại để vừa phong phú thêm, vừa nhanh chóng bế tắc hơn” [2,25]; “Sự xâm nhập văn xuôi vào thơ tạo ra thể thơ văn xuôi, một loại hình kết hợp còn tiếp tục sự sống như một thể độc lập nhiều thập kỉ sau” [2,27];
Bàn về Vấn đề cảm xúc của Thơ mới, Vũ Văn Sĩ khẳng định: “Thơ mới là một cuộc cách mạng về cảm xúc trong tiến trình thơ ca Việt Nam”; “Lời trữ tình của Thế Lữ nhập vai con hổ trong Nhớ rừng với một cảm xúc tinh tế và mạnh mẽ, tù túng và bi tráng, kiêu bạc và tuyệt vọng là rất mới, rất lạ đã “dứt điểm” định đoạt số phận của “thơ cũ” trên thi đàn công khai bấy giờ (...) Và khi Xuân Diệu lên ngôi Hoàng tử trên thi đàn thì cảm xúc về cá nhân của Thơ mới đã thực sự thiết lập địa vị và quyền năng của mình” [134, 49-50].
Lưu Khánh Thơ quan tâm đến vấn đề mới - cũ trong thơ Việt Nam trước 1945 nhìn từ Phong trào Thơ mới. Tác giả đã đi sâu lí giải, tìm cách trả lời thấu đáo cho những câu hỏi rất cần thiết, liên quan đến Thơ mới và sự vận động của nó trong lịch sử văn học: “Vậy thì thơ cũ là loại thơ nào? Diện mạo nó ra sao? ...Vấn đề định danh mới xuất hiện từ lúc nào để làm nên Thơ mới? Rồi lúc nào thì nó mất để chỉ còn thơ. Và từ trong khoảng thời gian đó mà xuất hiện và hiện diện lung linh một thực thể thơ - Thơ mới?” [144, 81-90]; Trần Nho Thìn xét Thơ mới trong sự vận động khác nhau của loại hình học từ thơ trung đại sang thơ hiện đại, điểm mấu chốt là “nếu so sánh với thơ cũ, ta dễ thấy nét đặc trưng của Thơ mới là các bức tranh thiên nhiên thấm đẫm chất người, là việc các nhà Thơ mới đưa các phẩm chất của con người (hành động, cảm xúc, tâm trạng...) vào thiên nhiên” [147, 38]; Với Loại hình câu thơ của Thơ mới [24] và Thể tám tiếng trong thơ Việt Nam [94], Lê Tiến Dũng đã đưa ra những ý kiến mới về sự vận động, tiếp thu thể thơ truyền thống, sự ảnh hưởng thơ phương Tây và sự sáng tạo của thể thơ 8 tiếng trong Thơ mới. Đồng thời, tác giả có so sánh sự khác nhau của một số thể thơ mới và thơ cũ; Ở bài viết Cái tôi thi nhân trong Thơ mới, Phan Huy Dũng nhấn mạnh vấn đề "cái tôi thi nhân" trong Thơ mới và khẳng định: "Thi sĩ", "thi nhân" là những khái niệm có tính lịch sử.“Nội hàm của nó thay đổi, biến động theo từng giai đoạn phát triển của thơ" [25]. Khảo sát Mối quan hệ giữa hát nói và Thơ mới, Nguyễn Đức Mậu nhận định: “Trên đường tìm một hình thức thích hợp để thể hiện mình, các nhà Thơ mới đã tìm thấy ở hát nói các yếu tố: số chữ, gieo vần, nhịp điệu.(...). Quá trình văn xuôi hóa thơ trữ tình biểu hiện cụ thể từ hát nói đến Thơ mới như một tiến trình từ truyền thống đến hiện đại”[95,1081].
Nhìn chung, ngay từ khi ra đời, Thơ mới đã được giới nghiên cứu, phê bình và cả bản thân các nhà thơ tìm hiểu, phân tích, đánh giá thành tựu của nó, nhất là về thể loại. Nhưng do những mục đích khoa học cụ thể của đề tài quan tâm, đời sống thể loại của Thơ mới chủ yếu được các tác giả đề cập đến ở trạng thái tĩnh tại. Một số ý kiến có đề cập đến sự vận động, song còn ở mặt khái quát lí luận hoặc điểm một vài nét về sự vận động được xét trong cái nhìn rộng: đối chiếu với thơ cũ hoặc thơ sau 1945. Tuy nhiên, đó đều là những luận điểm, những ý kiến qúy báu trực tiếp hoặc gián tiếp gợi mở để chúng tôi kế thừa và triển khai trong chuyên luận này.
3. Đối tượng nghiên cứu của chuyên luận là sự vận động thể loại của Thơ mới. Sự vận động thể loại được khảo sát ở đây gồm: Sự vận động của cái tôi trữ tình ở cấp độ kiểu nhà thơ trữ tình gắn với những quan niệm của các nhà thơ về Thơ mới; Mối quan hệ chung của kiểu nhà thơ trữ tình Thơ mới với hình thức thể thơ và ngôn ngữ thơ qua các giai đoạn.
Góc nhìn của chuyên luận là góc nhìn thể loại ở sự vận động của nó trên ba phương diện cơ bản: Sự vận động của cái tôi trữ tình; Sự vận động của thể thơ và câu thơ; Sự vận động của ngôn ngữ thơ.
Văn bản khảo sát chính là tuyển tập Thơ mới1932-1945, Tác giả và tác phẩm [99]. Ngoài ra, chúng tôi khảo sát thống kê thêm ở Thi nhân Việt Nam [138], Việt Nam thi nhân tiền chiến [86], và 12 tập thơ tiêu biểu ở 3 giai đoạn được Hội nghiên cứu và Giảng dạy Văn học cùng Nxb Văn học chọn in lại trong dịp Kỉ niệm 60 năm Phong trào Thơ mới, 1992.