Nằm trên quốc lộ số 5, cách thành phố Hải Dương 15 km, Văn Miếu Mao Điền là một trong những di tích lịch sử cấp quốc gia được xếp hạng. Trong hệ thống văn miếu của cả nước thì Văn Miếu Mao Điền có quy mô và lịch sử lâu đời đứng thứ 2, chỉ sau Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Từ giữa thế kỷ thứ XV, với chủ trương mở mang việc học hành và đào tạo nho sĩ, quan lại…nhà Lê đã cho xây dựng một loạt những trường học (trường quốc lập), trong đó có Văn Miếu Mao Điền. Nơi đây xưa, thuộc tổng Mao Điền, phủ Bình Giang, trấn Hải Dương. Nay thuộc thôn Mao Điền, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Ngay từ khi mới xây dựng, Văn Miếu đã là một công trình kiến trúc văn hóa bề thế, uy nghi. Phần chính gồm hai toà nhà lớn 7 gian, mái cong vút, chạm trổ hình rồng , phượng…, áp sát vào nhau. Nhà trong thờ Khổng Tử- ông tổ của nho học. Nhà ngoài là nơi tụ hội bái lễ của các bậc quan trường học giả. Hai bên là hai dãy nhà giải vũ 5 gian đối diện nhau, do nằm ở hai hướng đông và tây nên người dân nơi đây vẫn quen gọi là nhà Đông vu, Tây vu. Tiếp đến là hai gác chuông xây cất rất hoành tráng. Phía trước là hai hồ nước trong xanh in bóng cây gạo già hàng trăm năm tuổi. Xung quanh là bạt ngàn các loại cây cảnh, cây ăn quả ôm lấy Văn Miếu càng tôn thêm vẻ trang nghiêm, tĩnh mịch, dịu mát, êm đềm của khu di tích, du lịch nổi tiếng xứ đông.
Xưa kia Hải Dương nằm ở phía đông kinh thành nên gọi là xứ Đông, đây là vùng “đất học” vì thế triều Lê đã coi đây là một trong những trung tâm văn hoá giáo dục của cả nước, tiến hành tổ chức nhiều kỳ thi hội. Hàng năm đến kỳ thi, sĩ tử ở khắp nơi tề tựu về đây dựng lều chõng kín khắp cả khu cánh đồng Tràn phía trước. Trong số các sĩ tử đó có nhiều người là con dân của Hải Dương đã tham dự và hiển đạt từ chính nơi đây. Trong đó có cả danh sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm, người mà trí tuệ và nhân cách đã toả sáng suốt bao thế kỷ.
Như vậy trong quá trình tồn tại, Văn Miếu Mao Điền từ vị trí là trường học của riêng trấn Hải Dương đã trở thành trường thi của cả vùng, góp phần giáo dục và đào tạo nhân tài cho địa phương và cho cả giang sơn xã tắc. Nơi đây còn nhiều dấu tích của các sĩ tử, danh nhân đã chiếm bảng vàng trạng nguyên trong kỳ thi ở cấp cao hơn. Nhiều người đã vinh hiển đã trở về thăm lại trường học xưa, xúc động viết lên những bài thơ còn in lại trên các bia đá cổ.
Năm 1948 giặc Pháp đánh chiếm Mao Điền, chúng biến Văn Miếu thành khu căn cứ chiếm đóng, phá nhà, xây lô cốt, tường rào kẽm gai xung quanh, tiến hành tàn sát, chém giết những người dân vô tội. Đạn bom và những năm tháng chiến tranh đã tàn phá di tích nặng nề. Từ một di tích lịch sử có thắng cảnh đẹp, Văn Miếu trở thành một nơi hoang phế. Trận bão năm 1973 đã đánh sập 5 gian nhà Giải vũ – Tây vu.
Năm 2002 được sự đầu tư, hỗ trợ của các ban, ngành Trung ương và các cấp Đảng bộ chính quyền tỉnh Hải Dương đã khởi công xây dựng, tu bổ lại Văn Miếu. Sau hơn hai năm nỗ lực thi công, công trình đã khánh thành.
Giờ đây nhìn lại diện mạo rạng rỡ của Văn Miếu, mỗi người dân đều phấn chấn, tự hào. Nền văn hiến ngàn đời của xứ Đông, trung tâm truyền thống văn hoá giáo dục của cả vùng đã được khôi phục. Hàng năm, cứ đến tháng 2 âm lịch, tỉnh Hải Dương lại mở hội Văn Miếu; những người con của quê hương ở khắp nơi lại tề tựu về đây dự lễ hội, báo công, dâng hương tưởng nhớ các bậc danh nhân, tiên hiền của đất nước; chiêm ngưỡng vẻ lộng lẫy uy nghi của một di tích văn hoá như một toà thành cổ mọc lên giữa cánh đồng lúa xanh bạt ngàn của Văn miếu; chắp tay đứng trước các vị vạn thế sư biểu: Khổng Tử, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm…lòng càng thêm thành kính khâm phục, quyết tâm noi theo các bậc tiên hiền, tự rèn luyện, học hỏi để trở thành những người con hữu dụng của quê hương, đất nước.
nguồn sưut tầm