[Văn 8] Thuế máu

V

vuiva

Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh là một tác giả văn học lớn của dân tộc. Ngay từ những ngày đầu cầm bút, Người đã bộc lộ rõ tài năng bậc thầy của một cây bút chính luận với nghệ thuật châm biếm đả kích sắc sảo, tài tình nhưng cũng rất giàu yếu tố biểu cảm.

Trong buổi đầu khởi nghiệp văn chương, Nguyễn Ái Quốc đã cho ra đời một loạt tác phẩm nổi tiếng như: Những trò lô hay là Va-ren và Phan Bội Châu, Con rồng tre, Bản án chế độ thực dân Pháp…

Bản án chế độ thực dân Pháp là một áng văn chính luận xuất sắc của văn học Việt Nam nhằm tô cáo tội ác tàn bạo của bọn thực dân Pháp ở các thuộc địa. Để tác phẩm của mình trở thành một thứ vũ khí sắc bén chống chủ nghĩa thực dân, Nguyễn Ái Quốc đã vận dụng hết mọi năng lực của mình dồn vào ngòi bút châm biếm, đả kích.

Ngay ở chương đầu tác phẩm, Nguyễn Ái Quốc đã bộc lộ rõ sự sắc sảo trong bút lực của mình.

Trước hết chúng ta chú ý đến cách đặt tên chương và trình tự bố cục các phần trong chương.

Thuế máu là cách gọi của Nguyễn Ái Quốc. Tên chương vừa gợi lên số phận thảm thương của người dân thuộc địa, vừa bao hàm được lòng căm phẫn và thái độ mỉa mai đối với những tội ác ghê tởm của bọn thực dân.

Các phần trong chương được bố cục theo một trình tự thời gian: Trước, trong và sau khi xảy ra cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất. Với cách bố cục này, bộ mặt giả nhân giả nghĩa trơ trẽn, bản chất tàn bạo của chính quyền thực dân Pháp xung quanh việc bóc lột thuế máu được phơi bày toàn diện, triệt để. Mặt khác, thân phận thảm thương của người dân ở các xứ thuộc địa cũng được miêu tả một cách cụ thể, sinh động.

Đi sâu vào nội dung của từng phần, ngòi bút châm biếm đả kích của Nguyễn Ái Quốc càng sắc sảo, tài tình.

Biểu hiện thứ nhất của nghệ thuật này là việc xây dựng, hình ảnh. Nguyễn ái Quốc đã chú ý xây dựng một hệ thống hình ảnh có giá trị nghệ thuật đặc biệt, vừa sinh động, vừa giàu tính biểu cảm và sức mạnh tố cáo.

Các hình ảnh Nguyễn Ái Quốc đưa ra đều hết sức chân thực. Từ hình ảnh những người da đen bẩn thỉu, những người An-nam-mít bẩn thỉu chỉ biết kéo xe tay và ăn đòn cửa những quan cai trị, đến những hình ảnh về cái chết thảm thương của những người lính thuộc địa trên các bãi chiến trường châu Âu xa xôi. Từ hình ảnh những người bị bắt lính, bị trói, bị xích, bị nhốt như nhốt súc vật đến hình ảnh những người lính sống sót sau chiến tranh trở về bị lột hết của cải, bị ngược đãi và xua đuổi… Tất cả đều là những thực tế đau thương đầy máu và nước mắt của người dân thuộc địa khốn khổ! Vì thế mà hình ảnh Nguyễn ái Quốc đưa ra không chỉ là những chứng cứ hùng hồn về tội ác của bọn thực dân mà còn là những lí lẽ không thể chối cãi. Sức mạnh của nghệ thuật chính luận Nguyễn Ái Quốc là ở chỗ đó.

Không chỉ có tính xác thực cao, các hình ảnh trong tác phẩm còn đậm chất châm biếm trào phúng và thấm đẫm tình cảm xót xa của nhà văn. Nhiều hình ảnh ở chương Thuế máu, nhất là ở phần Chiến tranh và người bản xứ mang đậm cảm hứng mỉa mai, chua xót, cay đắng cho số phận thảm thương của người lính thuộc địa như: Trong lúc vượt biển, sau khi được mời chứng kiến cảnh kỳ diệu của trò biểu diễn khoa học về phóng ngư lôi, đã được xuống tận đáy biển để bảo vệ tổ quốc của các loài thủy quái hoặc: Một số khác đã bỏ xác tại các miền hoang vu thơ mộng Ban-căng… Một số khác nữa thì anh dũng đưa thân cho người ta tàn sát…

Gắn liền với các hình ảnh là ngôn từ của tác phẩm. Nguyễn Ái Quốc đã rất chú ý sử dụng những ngôn từ mang đầy sắc thái trào phúng, châm biếm.

Ta hãy đọc kĩ lại: Ấy thế mà khi cuộc chiến tranh vui tươi vừa bùng nổ, thì lập tức họ biến thành những đứa "con yêu", những người "bạn hiền" của những quan cai trị phụ mẫu nhân hậu… Đùng một cái, họ (những người bản xứ) được phong cho các danh hiệu tối cao là chiến sĩ bảo vệ công lí và tự do. Những từ con yếu, bạn hiền, quan cai trị phụ mẫu nhân hậu, chiến sĩ bảo vệ công lí và tự do nghe sao mà mỉa mai! Rồi những từ "lấy máu mình tưới vòng nguyệt quế, lấy xương mà chạm nên những chiếc gậy nghe sao mà chua xót, đắng cay!

Cùng với hình ảnh, ngôn từ, là giọng điệu trào phúng. Giọng điệu trào phùng trong tác phẩm thật đặc sắc.

Giọng văn của tác phẩm khi thì giễu cợt mỉa mai: (ấy thế mà, đùng một cái), khi thì chua xốt, đắng cay chẳng phải người ta đã đưa họ cho bọn súc sinh kiểm soát và đánh đập vô cớ đó sao? Chẳng phải người ta đã cho họ ăn như cho lợn ăn và xếp họ như xếp lợn dưới hầm tàu ẩm ướt, không giường nằm, không ánh sáng, thiếu không khí đó sao?… Đặc biệt, Nguyễn Ái Quốc sử dụng rất thành công giọng điệu giễu nhại: Các bạn đã tấp nập đầu quân, các bạn đã không ngần ngại rời bỏ quê hương xiết bao trìu mến để người thì hiến xương máu của mình như lính khố đỏ, kẻ thì hiến dâng cánh tay lao động của mình như lính thợ. Tác giả nhại lại lời của bọn thực dân nhằm mỉa mai, châm biếm cái gọi là Chế độ lính tình nguyện.

Kết hợp giọng giễu nhại là cách đưa ra liên tiếp các câu hỏi tu từ ở cuối phần II dã có tác dụng phản bác mạnh mẽ. Lời văn Nguyễn Ái Quốc đập thẳng vào bộ mặt bịp bợm của bọn thực dân.

Có thể nói, sức mạnh của tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp nằm ở nghệ thuật châm biếm, đả kích sắc sảo, tài tình nhưng rất giàu sắc thái biểu cảm. Nghệ thuật ấy kết hợp với nội dung nhân đạo cao cả đã đưa Bản ản ché độ thực dân Pháp trở thành một bản cáo trạng đanh thép tội ác của bọn thực dân và tạo nên sức sống lâu bền cho tác phẩm.(st)
 
Top Bottom