Đây là bài tham khảo tui tìm được trên mạng:
Một câu hỏi mà tôi thường nghe từ các sinh viên hay các em khoá dưới là “BÍ QUYẾT HỌC GIỎI TIẾNG HÀN LÀ GÌ?” Những lúc như vậy, tôi thường hỏi lại: Bạn có đam mê tiếng Hàn không? Đã quyết tâm học tiếng Hàn một cách nghiêm túc chưa? Khi nào thật sự sẵn sàng thì hãy đi tìm bí quyết. Vì nếu thiếu sự đam mê và chăm chỉ, thì bao nhiêu bí quyết cũng chỉ là “chuyện của người ta” mà thôi.
Tôi nghĩ những người ngồi đây là những người có đủ sự đam mê ấy rồi. Các bạn tự nguyện đến với ngành học này, bởi vì các bạn yêu thích tiếng Hàn và đất nước Hàn Quốc, các bạn muốn học nói tiếng Hàn, thậm chí là nói thật giỏi. Nhưng, “muốn” thôi chưa đủ, bạn còn phải vượt qua một trở ngại của chính bản thân mình nữa – đó là “CĂN BỆNH LƯỜI”. Đó chính là căn bệnh nan y làm cho bạn thiếu mất tâm thế sẵn sàng.
Một ngày 10 phút học – thực hiện trong một tháng hè. Bài tập tôi giao rất đơn giản, và rất … khó thực hiện. Tôi biết được điều đó qua bảng theo dõi từng ngày của các bạn. Tôi hoàn toàn thông cảm nếu trong một tuần, có đến 5 ngày được biểu thị bằng một gương mặt buồn, cùng dòng chú thích: “Cô ơi, em xin lỗi, nhưng không hiểu sao em lười quá!”. Tôi hiểu dù tôi có khuyên các bạn 1000 lần “Chăm chỉ lên em!” thì vẫn sẽ không thể thắp bùng lên sự đam mê của các bạn. Cho nên hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau đi tìm phương pháp chữa trị căn bệnh lười này.
Trong số các bạn ở đây, có ai đã chiến thắng được căn bệnh lười của mình chưa?
…..
Thật tiếc là chưa. Vậy tôi sẽ tìm một người khác, một người đã từng chiến thắng được KHOẢNH KHẴC LƯỜI. Lười thường diễn ra trong khoảnh khắc, và khoảnh khắc ấy sẽ kéo dài, kéo dài mãi khi bạn vẫn còn buông xuôi bản thân mình. Bạn thử nhớ lại xem, lần mình chiến thắng khoảnh khắc lười ngoạn mục nhất – đó là nhờ đâu?
- Bạn A có ý rất hay, đó là bạn nghĩ đến một “tương lai đen tối” – đi làm trong khi năng lực chưa đủ, và đó tạo động lực để bạn cố gắng.
- Bạn B thì có cách hoàn toàn ngược lại: đó là nghĩ đến một “tương lai tươi sáng” – được ngồi trò chuyện một cách thoải mái bằng tiếng Hàn với người Hàn, từ đó ngồi vào bàn để thực hiện cái giấc mơ ấy.
- Bạn C, lại bắt đầu bằng một việc mình yêu thích trước, sau bước khởi động này mới bước sang việc chính cần làm.
….
Tôi hoàn toàn đồng tình với những cách mà các bạn đưa ra. Ai cũng sẽ tự tìm cho mình được một hay nhiều cách để áp dụng trong các khoảnh khắc khác nhau. Điều tôi muốn nói, căn bệnh lười như một thứ bệnh nan y, nên hãy không ngừng đấu tranh với nó.
1. Tôi đã từng áp dụng nhiều cách. Và tôi nhận ra tầm quan trọng của sự BẮT ĐẦU”. Tục ngữ Hàn Quốc cũng có một câu nói “Bắt đầu là một nửa” – Nghĩa là chỉ cần bắt đầu, bạn đã đi được nửa chặng đường.
Các bạn có hiểu vì sao tôi lại đưa ra bài tập là học 10 phút một ngày? Có 10 phút thì làm được gì chứ! Tham vọng của tôi không phải dừng ở đó đâu. Đó chỉ là một cái mốc, mà theo tôi vẫn là tương đối nhiều cho công việc “BẮT ĐẦU”. Tôi đã mong 10 phút của tôi là một sự khởi đầu cho 1 tiếng hay vài tiếng học của các bạn. Thật ra, bài tập tôi đang làm bây giờ chỉ có 5 phút mỗi ngày thôi.
Nhớ lại xem, trong một ngày, có bao nhiều lần bạn tự đấu tranh với chính mình? Không chỉ trong việc thực hiện bài tập 10 phút đâu. Một thau đồ chưa giặt. Mình giặt ngay, hay để ngày mai? Mình giặt, hay nhờ mẹ giặt? Mình giặt, hay đem ra tiệm? Bạn sẽ chẳng làm được gì nếu buông xuôi mình trong những lúc nội tâm đang giằng xé như thế. Như tôi đã nói, đó chỉ là một khoảnh khắc, chỉ cần bạn đứng dậy, và BẮT ĐẦU, thì bạn đã chiến thắng chính bản thân mình rồi đấy.
Tôi nghĩ ý kiến của bạn C cũng là một cách rất hay để có được sự bắt đầu. Lập một danh sách tất cả những việc phải làm trong ngày, sau đó bắt đầu bằng chọn một việc nhỏ nhất, dễ làm nhất hay bạn thích làm nhất. Kết thúc một đầu việc, hãy đánh dấu vào nó. Bạn sẽ thấy niềm vui hoàn thành công việc là như thế nào. 10 phút học tiếng Hàn cũng vậy, bạn hãy bắt đầu bằng một việc dễ nhất, cầm sách lên và đọc lớn chẳng hạn.
Để tôi kể cho các bạn nghe cách tôi dọn phòng. Tôi đứng bật dậy, và hỏi lớn “Trong 5 phút, mình có thể làm gì cho căn phòng này tốt hơn?” Tôi nhìn quanh, và thấy cần rửa cái tô mì gói trong góc bếp, cần xếp lại bộ quần áo đang treo lơ lửng trên tường, cần cất đống sách bày la liệt trên đầu giường … Cứ từ từ, tôi thấy công việc này cuốn hút mình.
Bài tập của cô Chô – viết một bài giới thiệu bản thân, không biết đến giờ này có bạn nào đã Bắt đầu chưa? Hay đơn giản là các bạn đã lên kế hoạch khi nào sẽ thực hiện nó? Khi bắt đầu ngay, bạn làm bằng sự hứng khởi, còn khi bắt đầu khi nước đến chân, bạn làm với sự đối phó. Hãy nhớ điều đó! Và BẮT ĐẦU đi.
2. BẮT ĐẦU là đủ để thắng khoảnh khắc lười. Nhưng đúng như câu tục ngữ “Bắt đầu là một nửa” – vậy một nửa còn lại là gì? Công việc có thực sự hiệu quả không, bạn có thực sự sẽ hứng khởi không, nếu như bạn chỉ biết bắt đầu.
Chắc chắn là không, bằng chứng đang nằm trong tay tôi, đó là phần kết quả bài tập hè mà các bạn gửi cho tôi. Tôi thấy có ngày bạn học vượt chỉ tiêu với một gương mặt cười rạng rỡ, kèm theo chú thích “Hôm nay em đã học được đến 2 tiếng” hoặc hơn thế. Nhưng có nhiều tờ kết quả cho thấy bạn chỉ vừa hoàn thành đúng chỉ tiêu 10 phút. Như thể đi cày chờ nghe tiếng kéng, đánh beng một phát thì bạn sẽ buông ngay công cụ. Điều này lý giải thế nào?
Bạn nhớ lại xem, 10 phút đó, bạn đã hết lòng chưa? Bạn có dồn mọi tâm trí cho công việc học, hay chỉ nghĩ miên man đến người khác, việc khác, và nôn nóng chờ 10 phút trôi qua? Trong 10 phút đó bạn có tìm cách để việc học của mình đạt hiệu quả cao nhất?
Tôi mượn tên một quyển sách để đặt tên cho một nửa chặng đường còn lại mà bạn phải vượt qua. Đó là quyển sách “THE PRESENT” (Món quà kì diệu, Quà tặng cuộc sống). Có lẽ bạn nên nghe câu chuyện trong quyển sách này. Chuyện về một anh thanh niên đang loay hoay vì mất phương hướng trong cuộc sống, anh tìm đến một cụ già – người mà anh nghĩ có thể sẽ cho anh một lời khuyên tốt nhất. Ông cụ bảo anh hãy đi tìm một món quà mà cuộc sống ban tặng cho anh, đó là món quà sẽ mang lại cho anh hạnh phúc. Anh xin nghỉ phép và đi du lịch một mình. Một đêm trong khách sạn, ngồi bên lò sưởi, anh bắt đầu để ý đến những viên đá xây lò sưởi. Các viên đá được xếp một cách tỉ mỉ, công phu, và dường như anh cảm nhận được người thợ đã làm nó với tất cả tâm huyết của mình. Dường như khi làm chiếc lò sưởi này, người thợ quên hết mọi việc xung quanh, chỉ chú tâm duy nhất vào việc sắp xếp những viên đá với một sự say mê và hạnh phúc. Tựa như khoảnh khắc mà anh cắt cỏ trước sân nhà thời niên thiếu.
Anh nhận ra, món quà mà ông cụ muốn nói đến – món quà kì diệu mà cuộc sống ban tặng cho anh, đó chính là “THE PRESENT” – hiện tại. Sống hết mình cho giây phút hiện tại, không mãi dằn vặt về những lỗi lầm trong quá khứ, không mãi lo lắng cho những việc chưa xảy ra trong tương lai – đó là cách để có hạnh phúc.
Tự nhiên tôi nhớ lại lần mình đi duỗi tóc. Tóc tôi vốn nhiều, nên tôi rất áy náy mỗi khi nhìn người thợ duỗi từng lọn tóc của mình. Từng lọn, từng lọn mỏng dính như thế, đến bao giờ mới hết được cái đầu đây? Nếu là tôi, có lẽ tôi chỉ làm vài lọn đầu tiên là đàng hoàng, sau đó sẽ vơ cả nắm mà duỗi cho nhanh. Nhưng vì sao người thợ vẫn làm tỉ mỉ công việc nhàm chán này cho đến những sợi tóc cuối cùng? Phải chăng vì họ chỉ biết tập trung vào một công việc mình đang làm.
Có một câu nói mà tôi rất thích: “Ai là người quan trọng nhất? Việc gì quan trọng nhất? Thời gian nào là quan trọng nhất”, câu trả lời là “Người đối diện mình là quan trọng nhất, việc mình đang làm là việc quan trọng nhất, thời điểm hiện tại là quan trọng nhất.”
Hết lòng với công việc đang làm, điều này còn đòi hỏi bạn phải luôn có tinh thần “cải thiện”. Điều này tôi học được từ người Hàn Quốc. Luôn luôn đặt câu hỏi “Mình có thể làm gì tốt hơn nữa được không?”
Tôi kể thêm một câu chuyện nữa, về Lễ hội Đông Phương. Hai năm liền, căn nhà của ngành Hàn Quốc làm được giải nhất. Các bạn đến xem, và trầm trồ tán thưởng, nhưng chắc các bạn sẽ không biết được chuyện hậu trường của nó thế nào đâu. Căn nhà năm nay, mái được đưa lên khi kim đồng hồ chỉ 11 giờ đêm. Lúc này, tất cả đã mệt mỏi bơ phờ, chẳng còn một chút hy vọng, vì lẽ ra phải hoàn thành nhà từ chiều để còn trang trí như các gian hàng khác. Căn nhà năm ngoái cũng thế, cột kèo méo mó, giấy làm tường bong ra bong vào, làm xong thấy tối quá dùng dao khoét thêm cửa sổ nên càng méo mó và xập xệ hơn. Trong khi tinh thần của mọi người như quả bóng xì hơi, tôi bắt đầu hào hứng:
- Thôi nào, thôi nào, mình đã có một căn nhà, bây giờ mình có thể làm gì để nó tốt hơn?
7, 8 con người bắt đầu chuyển động. Chúng tôi ngắm nghía căn nhà, căn nhà đầy lỗi, từ mái, đến tường, đến cửa sổ … mỗi người góp một ý, rồi không ai bảo ai, tất cả hồ hởi sửa từng lỗi từng lỗi của căn nhà. Tôi thấy có bạn đứng nhìn miếng ngói mình vừa sửa lại đầy mãn nguyện, có bạn cắm hoa sen che bớt những phần thô nham nhở của cửa sổ, có bạn đề nghị cắt giấy trắng làm khung cho cửa sổ, có bạn đề nghị tháo luôn miếng tường sát ngói để căn nhà cân đối hơn v.v… Tất cả rộn ràng trong một bầu không khí rộn ràng. Cứ hoàn thiện thêm một tí, bạn lại đứng ngắm nghía để tìm thêm một điểm mình có thể “làm cho nó tốt hơn”. Chúng tôi hài lòng, chúng tôi sẽ vẫn hài lòng ngay cả khi căn nhà không được giải. Vì chúng tôi đã cố gắng hết sức, cố gắng thật sự, và cố gắng trong niềm vui thích.
Bài viết giới thiệu bản thân của cô Cho giao, các bạn định sẽ làm nó thế nào? Tôi đoán, đa phần các bạn sẽ làm theo cách thông thường, viết một bài văn nhỏ trên giấy, dán hình, rồi đem nộp. Tôi tin bạn sẽ không thể biết được niềm hạnh phúc và hứng khởi thực sự là gì, nếu như bạn không đặt câu hỏi “mình có thể làm gì tốt hơn cho bài văn này?”. Bạn có thể thay giấy trắng bằng giấy màu, thay vì một màu mực có thể biểu thị bằng nhiều màu mực và kiểu chữ, vẽ hoa lá vào một số chỗ trống, hay thay vì diễn đạt theo dạng văn vần thì để hình mình chính giữa và để các câu giới thiệu bản thân xoay xung quanh v.v… Hãy tiếp tục đặt câu hỏi “Mình có thể làm gì tốt hơn?” tôi tin bài văn của bạn không chỉ dừng lại ở đó. Sức sáng tạo của bạn, cá tính của bạn, con người của bạn, tất cả phải được giải phóng thì bạn mới thấy cuộc sống này đẹp biết bao.
Một nửa chặng đường là BẮT ĐẦU, nhưng một nửa còn lại không phải kết thúc hay kết quả. Kết quả chính là cái phần mỹ mãn nhất mà bạn gặt hái được khi thực hiện đúng từ khoá “THE PRESENT”. Hãy hiểu nó là hiện tại. Để sống hết mình. Để thấy những khoảnh khắc lười là những khoảnh khắc lãng phí trong cuộc đời của bạn.
Hy vọng các bạn luôn biết cách chiến thắng khoảnh khắc lười để bắt đầu, và một khi đã bắt đầu thì luôn hết lòng cho công việc ấy.