[Văn 8] Nghị luận

H

hoangkhoi6666

Last edited by a moderator:
U

uocmovahoaibao

tham khảo nhé!

văn nghị luận về lòng biết ơn
I/ MỞ BÀI: Là người dân Việt, dù ở nơi nào trên mọi miền đất nước, cứ đến dịp tháng Ba âm lịch,người ta vẫn luôn nhắc nhở nhau câu hát:
“ Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”
Có thể nói “ Uống nước nhớ nguồn” là một truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Nó là bản sắc văn hóa mà thời gian cùng bao thăng trầm của lịch sử không thể làm phai mờ. Truyền thống ấy được thể hiện rất rõ qua những câu hát dân gian, qua kho tàng ca dao tục ngữ – di sản văn hóa tinh thần của dân tộc. Câu tục ngữ “ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là một điển hình.
II/ THÂN BÀI:
Nội dung câu tục ngữ trên khá rõ ràng. Thưởng thức vị ngon của cây trái, ta phải nhớ đến công ơn của kẻ trồng cây. Bao nhiêu năm qua, những người ấy đã đổ biết bao mồ hôi công sức chăm sóc, vun trồng bón phân, tưới nước… để cho cây đơm hoa kết trái phục vụ cho đời.
Tuy nhiên, đàng sau cách diễn đạt mộc mạc bình thường ấy còn chất chứa cả một bài học về đạo lý ở đời. “ Quả” hiểu rộng ra còn có nghĩa là thành quả về vật chất, tinh thần mà ngày nay chúng chúng ta đang hưởng thụ. “ Kẻ trồng cây” chính là những người tạo nên thành quả ấy. Trong cuộc sống hiện tại, những thứ ta đang hưởng thụ từ cây bút, quyển vở chúng ta học, bộ phim chúng ta xem cho đến cuộc sống tự do chúng ta đang có hôm nay đều nhờ công ơn của những người tạo ra nó. Hưởng thụ những thành quả vật chất tinh thần ấy, mỗi người chúng ta phải biết ghi nhớ công ơn bằng tấm lòng trân trọng.
Vì sao? Vì mọi thứ trên cuộc đời này không phải tự dưng mà có, tất cả được đánh đổi bằng mồ hôi công sức, thậm chí bằng tính mạng của những người tạo dựng ra nó. Để có được một bát cơm ngon lành thơm mùi lúa mới, người nông dân đã phải cực khổ “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, một nắng hai sương trên cánh đồng nắng cháy. Biết bao câu ca dao thay lời của người xưa kể về cuộc sống canh điền:
“ Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”
Đâu phải chỉ có người nông dân mới cực khổ, từ những công nhân tren công trường xây dựng cho đến những người thợ dệt, thợ may chăm chỉ miệt mài trong nhà máy, có ai là không đổ mồ hôi công sức để đem lại thành quả cho cuộc đời? Một bức tranh đẹp là kết quả của quá trình sáng tạo miệt mài của người hoạ sĩ, một bộ phim hay được đánh đổi bằng những công sức của đạo diễn, của diễn viên, của cả những người phụ trách hậu cần. Hình hài của ta hôm nay là cho cha mẹ sinh thành dưỡng dục; kiến thức ta co hôm nay là do thầy cô ân cần dạy dỗ … Vượt lên tất cả, cuộc sống ấm no mà ta đang hưởng thụ được đánh đổi bằng sự hy sinh to lớn của bao anh hùng liệt sĩ, những người chấp nhận ra đi cho cuộc sống hạnh phúc của tương lai. Trong lúc ta đang hạnh phúc bên những người thân thì rải rác bên những cánh rừng biên giới vẫn còn bao hài cốt của những liệt sĩ vô danh chưa có người chăm sóc…. Không biết nhớ ơn, chúng ta sẽ có lỗi biết bao đối với những người đi trước và cả thế hệ mai sau.
Hơn nữa, nhớ ơn còn là một truyền thống đạo lý ngàn đời của dân tộc Việt Nam, là lẽ sống tốt đẹp mà bao đời nay cha ông ta cố công gìn giữ. Bài học về lòng biết ơn là bài học giáo dục về nhân cách, bài học về nguồn. Thấm nhuần tư tưởng đạo lý này là duy trì được nét đẹp tâm hồn, bản sắc văn hoá riêng của dân tộc. Những kẻ đi ngược với truyền thống của dân tộc cũng có nghĩa là tự lang quên nguồn cội, trở thành người vong bản.
Nhớ ơn phải được thể hiện qua những việc làm cụ thể. Duy trì, bảo tồn và gìn giữ di sản vật chất tinh thần của tiền nhân để lại và tìm cách phát huy những giá trị ấy cho đời sau. Các công trình kiến trúc, những lễ hội dân gian, những làng nghề truyền thống… tất cả cần phải được lưu giữ để trở thành nét đẹp văn hoá riêng của đất nước.
Tuy nhiên, song song với những việc làm tốt đẹp thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, chúng ta cũng không thể không nhắc đến một số người sống quên nguồn cội, vong ân bội nghĩa, quay lưng với quá khứ, ngoảnh mặt với tiền nhân, chà đạp lên những giá trị tinh thần tốt đẹp của dân tộc. Trong đó có không ít các bạn trẻ. Chính lối sống hiện đại với những thú vui tầm thường, xa hoa phù phiếm đã khiến cho một số bạn trẻ ngày nay quên mất những vẻ đẹp truyền thống của dân tộc. Càng đáng xấu hổ hơn khi có nhiều người có học thức, có trình độ nhưng lại không biết gì về những nhân vật trong lịch sử và những trang sử vàng của dân tộc bắt đầu từ thuở Hùng Vương dựng nước. Những con người đó không biết rang họ đang dần dần tự đánh mất chính mình.
III/ KẾT BÀI:
Hiểu được ý nghĩa giá trị của câu tục ngữ, ta càng tự hào với những gì mà mình đang có hôm nay. Từ đó, ta càng phải có ý thức bảo vệ giữ gìn nhưng thành quả ấy, không những cho hôm nay mà cho cả mai sau như lời Bác Hồ đã ân cần dặn dò khi đứng trước Đền Hùng:
“ Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”
 
U

uocmovahoaibao

tham khảo nhé!

văn nghị luận về đoàn kết

Thực tế lịch sử đã cho thấy trong bốn ngàn năm sống còn trên dải đất bên bờ biển Đông đầy sóng gió này,dân tộc Việt Nam chúng ta đã từng gánh chịu biết bao là thiên tai,dịch họa vô cùng ác liệt.Phép lạ nào đã giúp tổ tiên chúng ta vượt qua được mọi khó khăn,điêu đứng ấy để đứng vững cùng bè bạn năm châu ? Phải chăng là ở sức mạnh của tinh thần đoàn kết,tương trợ lẫn nhau ? Phải chăng là nhờ nhân dân ta đã thực hiện đúng như câu tục ngữ mà từ bao đời nay cha ông ta đã truyền đời : “Lá lành đùm lá rách” ?

Nội dung chứa đựng trong câu ấy có thể xem như một bài học về đạo lí làm người,đồng thời phản ánh mối quan hệ tình cảm đậm đà trong xã hội ta ngày trước.

Đọc câu tục ngữ ấy lên,chúng ta hình dung được ngay một hiện tượng rất bình thường trong sinh hoạt hàng ngày của nhân dân ta.Đó là dùng lá cây-lá chuối chẳng hạn-để gói hàng.Nếu lá bị rách,người ta sẽ lấy một tấm lá khác lành lặn bọc lại bên ngoài cho thêm chắc chắn.

Đó là nghĩa đen,nghĩa thực của câu tục ngữ.Thế nhưng về mặt nghĩa bóng thì sao ? Hình ảnh “lá lành”,”lá rách” ở đây tượng trưng cho con người trong những hoàn cảnh riêng khác nhau.”Lá lành” chỉ con người lúc yên ổn,thuận lợi,cuộc sống xuôi chèo mát mái.Trái lại “lá rách” chỉ con người lúc khó khăn,sa cơ lỡ vận.Bằng lối nói tượng trưng,dùng hình ảnh cụ thể và giản dị ấy,câu tục ngữ ngụ ý khuyên chúng ta nên biết chia sẻ,giúp đỡ,thông cảm,xót thương những người bị rơi vào cảnh ngộ cùng quấn,gieo neo.

Với nội dung vừa nói,câu tục ngữ trên đã biểu hiện mối quan hệ tình cảm tốt đẹp,đậm đà của nhân dân ta từ xưa trong xã hội.Thật vậy,đoàn kết tương thân tương ái vốn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.Ngoài câu tục ngữ trên,người xưa còn truyền đời các câu :

“Chị ngã em nâng”.

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

“Bầu ơi ! thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”…

Các câu trên đều khuyên nhủ ta hễ là đồng bào thì nên đoàn kết,hợp tác,chặt chẽ với nhau trong tinh thần tương thân tương ái,không nên thờ ơ,ngoảnh mặt,quay lưng trước nỗi bất hạnh của người khác mà trái lại phải luôn luôn quan tâm giúp đỡ,đùm bọc,chở che người khó khăn,thất thế.Những người giàu có nên thương yêu giúp đỡ cho những người nghèo khổ nhất là trong những khi họ gặp hoạn nạn tai ương như lụt lội,cháy nhà,bệnh tật…Những người có địa vị cao,trách nhiệm lớn nên tạo điều kiện,giúp đỡ quần chúng được sống một đời no ấm hạnh phúc.Đúng như tinh thần của người xưa đã từng khuyên dạy :

“Thấy ai đói rách thì thương
Rét thường cho mặc,đói thường cho ăn”.

Trong đời sống xã hội,hoàn cảnh con người dễ thay đổi bất thường khi thành công,khi thất bại.Có cái tính thương người như thể thương thân ấy,thì cuộc sống xã hội mới tránh được mầm mống chia rẽ,xung đột,xây dựng được tình đoàn kết,tương thân,tương ái.Điều đó đủ cho thấy lòng nhân ái hay tình cảm nhân đạo chính là một phẩm chất tốt đẹp mà mỗi cá nhân cần phải có để lấy đó làm nền tảng xây dựng nên một xã hội bình đẳng,thân ái.Cũng phải thấy rằng thờ ơ trước nỗi đau bất hạnh của kẻ khác là một thói xấu,một thái độ ích kỉ,vô lương tâm.

Trong đời sống còn nhiều khó khăn của buổi đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay,hơn lúc nào hết,lòng nhân ái,tình cảm thương yêu,đùm bọc lẫn nhau ấy phải được nâng lên thành ý thức tự giác ở mỗi con người chúng ta.

Câu tục ngữ được truyền tiếp bao đời nay đủ khẳng định truyền thống cao quý trong đạo lí làm người của dân tộc ta.Chính nhờ sự đoàn kết keo sơn,tinh thần tương thân tương ái đậm đà nên trải qua bao đời Bắc thuộc,Pháp thuộc,và Mĩ thuộc,nhân dân ta vẫn bảo vệ được nền độc lập,bảo vệ được sự sống còn vững mạnh cho đến ngày nay.

Tuy nhiên chúng ta cần phải nhận định,đánh giá đúng tinh thần của câu tục ngữ này.Lá lành đùm lá rách nghĩa là người khỏe mạnh,bình yên phải giúp đỡ người yếu đuối,khó khăn là một bổn phận cần thiết nhưng phải không được xuất phát từ động cơ cá nhân thấp hèn và cũng không phải là hành động ban ơn trịch thượng kiểu bố thí mà nhất thiết phải bắt nguồn từ lòng nhân ái hay tình cảm nhân đạo mà chúng ta vừa phân tích ở trên.Cả người được giúp đỡ cũng vậy,không nên ỷ lại,hoàn toàn sống nhờ vào tình thương xót của người khác để trở nên thụ động,biếng lười.Họ phải vươn lên xứng đáng để làm nên mối quan hệ bình đẳng thân ái với người khác.

Tóm lại,tình yêu thương đùm bọc nhau là một truyền thống đẹp đẽ về đạo lí làm người đã được dân tộc ta giữ vững và phát triển qua nhiều thế hệ,trải qua các giai đoạn lịch sử của đất nước,nhất là trong khó khăn,hoạn nạn,dịch họa,thiên tai.

Ngày nay,truyền thống ấy cần được kế thừa và phát huy mạnh mẽ hơn nữa.Mỗi người chúng ta phải có ý thức đoàn kết tương ái,tương thân,tương trợ nhau trong sinh hoạt,học tập và sẵn sàng tích cực tham gia các công tác cứu trợ xã hội.Tuy nhiên,hơn ai hết,thanh niên chúng ta cần chống tư tưởng ỷ lại,đề cao tinh thần tự lực cánh sinh.
 
U

uocmovahoaibao

tham khảo nhé!

văn nghị luận về lòng nhân ái

Khi còn nhỏ, tôi đã được mẹ dạy bài học về lòng nhân ái. Hồi đó ở cái xã nghèo quê tôi, người ăn xin rất nhiều. Họ không những ngồi ở đầu đường, góc chợ mà còn đến gõ cửa từng nhà một để xin ăn.
Trong khi những người hàng xóm khác đóng cửa không cho vào hoặc mỗi khi nhìn thấy ngoài ngõ đều xua tay: "Ông/bà đi đi, tôi không có gì cho đâu", thì mẹ vẫn mở cửa cho họ, ngồi nói chuyện với họ dăm vài ba câu rồi cho họ bo gạo, cái bánh hay bất kì cái gì đó mà người ăn xin có thể dùng được.

42-17226525.jpg


Ngày đó tôi có thói quen "sợ" những người đi ăn xin nên thường nấp trong nhà theo dõi, cho đến khi họ đi rồi mới ló mặt ra và hỏi mẹ tại sao lại cho người ta trong khi nhà mình cũng không có nhiều. Những lúc như vậy mẹ gọi cả hai chị em lại ngồi cạnh và giải thích cho chúng tôi hiểu vì sao mẹ lại làm như thế.


Sau này khi chúng tôi vào cấp 2, mỗi năm nhà trường có chiến dịch ủng hộ đồng bào lũ lụt miền trung, tôi về kể với mẹ, rồi sau đấy mẹ mua hàng chục cuốn vở và bao nhiêu là đồ dùng học tập gửi tới ban giám hiệu nhà trường. Mỗi lần sau phong trào đó, thể nào tôi và em trai cũng được tuyên dương trước cả trường trong giờ chào cờ vì "tấm lòng nhân ái". Những lúc như vậy mọi con mắt đổ dồn về phía hai chị em. Tôi không biết em trai nghĩ gì lúc đó, còn tôi thì xấu hổ vô cùng. Những lời đàm tiếu bắt đầu vang lên, nào là "bố mẹ nó thừa tiền có khác" hay "con nhà giàu", mặc dù hồi đó nhà tôi không giàu chút nào, cuộc sống gia đình có khá hơn một chút, nhưng cũng là công sức bỏ ra từ hai bàn tay trắng của bố mẹ mà đi lên.

Tôi thấy bực mình với những lời đàm điếu nên về nói với mẹ: "Lần sau mẹ đừng có làm như thế nữa nhé", nhưng mẹ dường như chẳng để ý đến cái lời nói "vô tri vô giác" của tôi nên vẫn cứ tiếp tục làm. Không những thế, mẹ còn nhận nuôi thêm cả T - cậu bạn học cùng lớp có hoàn cảnh đặc biệt nhưng học rất giỏi. Mẹ đóng học phí cho T, mua sách vở, quần áo làm tôi nhiều lúc... ghen tị. Nhưng rồi dần dần, tôi quen với điều đó, vì T đã trở thành một người bạn thân cuủa hai chị em tự lúc nào. Chúng tôi cùng học chung, cùng ăn chung và thậm chí ba đứa còn ngủ chung trên một chiếc giường. Tự khi nào T đã trở thành một thành viên trong gia đình bé nhỏ của tôi.


Có lẽ những bài học nhân ái giản dị của mẹ đã chạm đến ngõ ngách xâu xa trong trái tim thơ bé của tôi, nên sau này khi lớn hơn một chút, tôi cũng bắt đầu giống như mẹ. Tất nhiên tôi không thể giúp họ bằng vật chất được, nhưng trái tim tôi bắt đầu nhóm lên ngọn lửa yêu thương. Tôi giữ nó cho riêng mình mà không ai hay, kể cả mẹ. Tôi thấy mình sẽ thật xấu hổ nếu như để cho ai đó biết được bí mật đó của mình.
Hồi đó, tôi rất chăm đọc báo Thiếu niên Tiền phong và hay để ý tới những tấm gương nghèo vượt khó, rồi tôi nhịn ăn sáng một vài hôm, để dành tiền gửi cho họ, chỉ vài nghìn ít ỏi thôi nhưng đối với tôi, việc làm đó rất có ý nghĩa. Tôi không bao giờ để lại địa chỉ để mong nhận lại một lời cảm ơn, vì tất cả những điều đó xuất phát từ tấm lòng của tôi. Rồi tôi cũng không còn thấy "sợ" những người ăn xin nữa, bởi tôi biết họ cũng chỉ là con người, có điều không may mắn được như tôi.


Sau này khi bước ra đời, xa vòng tay cha mẹ, tôi vẫn giữ cho mình tình nhiệt huyết yêu thương và lòng người nhân ái. Tôi vẫn giúp đỡ mọi người bằng tất cả những gì có thể với không một toan tính thiệt hơn. Sự giúp đỡ không dừng lại ở việc cho người ăn xin một cái gì đó như ngày xưa nữa mà nó mang một ý nghĩa khác xâu xa hơn về mặt tình cảm. Lòng nhân ái đôi khi không chỉ là cho đi từ vật chất mà đôi khi cũng cần lắm một sự giúp đỡ tinh thần. Giá trị của tình người thường thể hiện qua cái cách mà người ta đối xử với nhau, dù là tình yêu, tình bạn hay bất kì một tình cảm nào.
Tôi là một người may mắn, may mắn hơn rất nhiều người vì tôi không quá giàu mà cũng không quá nghèo. Tôi được đi nhiều, được tiếp cận thế giới với rất nhiều mặt trái, cái mà người ta ít khi tưởng tượng. Bạn tôi nói luôn mơ ước một ngày được tới Paris, thành phố kiều diễm và lộng lẫy. Tôi chỉ cười. Trước đây, khi chưa tới Paris, tôi cũng từng nghĩ về Paris như thế, nhưng khi tới Paris rồi, kí ức đọng lại trong tôi không chỉ là một kinh thành ánh sáng nữa, thay vào đó là những ngõ ngách nghèo nàn với hàng trăm, hàng vạn người ăn xin. Bất cứ nơi nào ở Paris bạn cũng có thể gặp người ăn xin, để rồi bàng hoàng khi những người bạn châu Âu của tôi nói rằng: "Ở châu Âu, ăn xin cũng là một cái nghề kiếm được khối tiền đấy!".
Tôi chợt nhớ tới những người ăn xin áo rách quê mình, họ nghèo, nghèo thật nên mới phải đi ăn xin như thế. Họ cầu mong sự thương hại (hay tấm lòng nhân ái) từ người khác. Có lẽ ở Việt Nam, mọi người sẽ nói "nhìn dần thành quen", nhưng tôi không biết đã có ai một lần dừng lại và cho họ vài đồng bạc lẻ? Những đồng bạc lẻ đó sẽ không làm cho những người ăn xin đó giàu hơn, nhưng nó sẽ mang một ý nghĩa khác nếu tất cả cùng làm.
Nhiều người hay hỏi làm thế nào để tìm được ý nghĩa của cuộc sống, tôi thường lặng mình rất lâu, không lẽ nói với họ rằng, hãy bước ra ngoài và dành cho người ăn xin một vài đồng bạc lẻ, nhìn họ rồi hãy nhìn lại chính mình. Khi đó bạn sẽ tìm ra được ý nghĩa của cuộc sống. Tôi chưa nói với ai điều đó cả nhưng tôi biết mình đã nghĩ rất thật. Cho người khác niềm vui, niềm hy vọng, tức là bạn cũng đang tự cho mình một niềm vui và niềm hy vọng. Lòng nhân ái chưa bao giờ là thừa giữa cuộc đời này cả.


Trên bước đường tôi đi, tôi cũng đã nhận được nhiều tấm lòng từ người khác, có cả những người tôi chưa gặp một lần trong đời mà chỉ tiếp xúc qua các phương tiện truyền thông. Khi đọc những bài viết của tôi, họ đã dành cho tôi rất nhiều điều quí báu. Tôi từng ngơ ngác hỏi: "Sao cô/chú lại tốt với cháu đến như vậy trong khi cô/chú không hề biết cháu là người như thế nào?" thì họ nói: "Cô gái ạ, cháu là một người tốt với một tâm hồn đẹp. Tôi tin vào linh cảm của mình. Tôi giúp cháu vì tôi biết cháu đã giúp nhiều người khác, tôi giúp cháu vì tôi hy vọng rằng sau này khi các con tôi bước vào đời, nếu tôi không thể giúp được chúng thì sẽ có những bàn tay khác nâng đỡ chúng". Và tôi đã bật khóc.


Tôi chưa phải là một người giàu có để có thể "nhân ái" với mọi người bằng vật chất cao lớn, tất cả những gì tôi có thể làm được lúc này là cho đi những điều tôi nhận được dù là nhỏ nhoi. Tôi đang nỗ lực điều đó bằng những giá trị tinh thần dành cho nhiều bạn trẻ lúc này. Tôi không mong họ trả ơn tôi bằng một điều gì đó, tôi chỉ mong rằng họ sẽ tiếp tục cùng tôi tiếp nối chặng yêu thương, chặng của những bài học nhân ái từ những điều nhỏ nhoi vụn nhặt nhất giữa đời thường như là ngày xưa mẹ từng dạy nó cho tôi.


Viết đến đây tôi bỗng chợt nhớ đến 2 câu thơ đã đọc được đâu đó và cũng xin mượn hai câu thơ này để kết thúc cho bài viết của mình:
Cảm ơn đời đã cho tôi thấu hiểu
Hạnh phúc nhận về là khi biết cho đi
 
U

uocmovahoaibao

tham khảo nhé!

nghị luận về tình yêu quê hương đất nước

DÀN Ý :
I. Mở bài: Giới thiệu các bài thơ, nêu quan niệm về lòng yêu quê hương
II. Thân bài:
A. Tổng:
1. Khái quát nội dung lòng yêu quê hương qua các bài thơ
2. Thế nào là yêu quê hương?
B. Phân:
1. Những biểu hiện của lòng yêu quê hương
2. Phê phán quan niệm chật hẹp về lòng yêu quê hương
C. Hợp:
1. Tổng quát lòng yêu quê hương – đất nước
2. Liên hệ bản thân, rút ra bài học
III. Kết bài:
Ý nghĩa lòng yêu quê hương
Bài viết:
Đã có thời trong xã hội chúng ta quan niệm một cách đơn giản về lòng yêu quê hương chỉ gắn với tình cảm công dân, ý thức trách nhiệm đối với Tổ quốc. Vì vậy những bài thơ lãng mạn trong phong trào Thơ Mới được xem là tiếng nói tình cảm cá nhân ủy mị, tiêu cực. Tuy nhiên, cùng với những thành quả đổi mới đất nước, những tác giả tác phẩm lãng mạn được đưa vào trong chương trình phổ thông. Tiếp xúc với các tác phẩm của Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận, Anh Thơ, chúng ta chợt nhận ra lòng yêu quê hương có nội dung phong phú đa dạng hơn nhiều.
Những bài thơ gắn với tiếng nói cá nhân vẫn ẩn bên trong một tình cảm yêu nước kín đáo, bộc lộ qua tình yêu với con người, cảnh vật, quê hương. Hình ảnh quê hương đất nước hiện lên trong các bài thơ đem lại những cảm nhận rất riêng nhưng lại rung cảm bao thế hệ độc giả. Một địa danh thôn Vỹ đi vào nỗi nhớ, gắn kết ân tình với xứ Huế trong Đây thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử, làm ta yêu hơn cái trong trẻo nắng hàng cau, cái huyền ảo của bến sông Trăng, cái bâng khuâng sương khói mờ nhân ảnh của mảnh đất cố đô. Không gian của buổi chiều thu cho đôi lứa tìm đến nhau trong Thơ Duyên cũng khiến ta cảm nhận sắc thái thiên nhiên hoà hợp quấn quít trên cây cỏ, chim muông, trên con đường nhỏ nhỏ, sắc nắng trở chiều, màu mây biếc và bâng khuâng với “con cò trên ruộng cánh phân vân”. Ta ngỡ ngàng khi phát hiện những vui buồn của con người gửi cả vào trong sắc thái mùa thu ở Đây mùa thu tới, một rặng liễu, một sắc “áo mơ phai dệt lá vàng”, “nàng trăng tự ngẩn ngơ”, những hình ảnh mùa thu rất quen và rất lạ được nói lên qua hồn thơ say đắm của Xuân Diệu. Quê hương còn hiện lên qua nỗi buồn mang tầm vóc vũ trụ, của chàng thi sĩ Huy Cận đứng trên quê hương mà vẫn cảm thấy “thiếu quê hương”, chuyển tải bao tâm sự nỗi niềm của người dân mất nước, khi đối diện Tràng giang: nỗi “sầu trăm ngả” lan toả trên sóng nước, con thuyền, cành củi, cánh bèo, “sông dài trời rộng bến cô liêu” kết lại thành nỗi niềm “lòng quê dợn dợn vời con nước – không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” gợi dậy tình yêu giang sơn Tổ quốc. Quê hương còn đẹp giản dị trong Chiều xuân của Anh Thơ, làng quê Việt Nam đẹp một cách nao lòng trong cỏ xanh, mưa xuân, đàn bò đủng đỉnh, cô yếm thắm…qua những rung cảm trong trẻo của tâm hồn thiếu nữ. Tất cả những bài thơ ấy viết về con người, cảnh vật, làng quê…đều gặp nhau ở một điểm: tình cảm yêu nước kín đáo.
Từ những bài thơ ấy, ta chợt hiểu ra yêu quê hương trước hết phải là yêu thương gắn bó với mảnh đất – con người quê hương, biết rung động trước những vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước, vui buồn với vận mệnh dân tộc. Tình yêu quê hương bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt hàng ngày, những tình cảm đôi lứa, tình yêu sự gắn bó với gia đình, làng quê, đó là tình cảm trong sáng nhất, cao cả và góp phần làm thanh lọc tâm hồn con người. Đó cũng là tình cảm gắn kết cá nhân với cộng đồng, tạo nên sự đồng cảm, sự lắng đọng sâu sắc và thường trực trong trái tim con người. Chính sự gắn kết ấy làm nên sức mạnh đoàn kết dân tộc, thành ý chí bất khuất, sức mạnh chiến đấu, quyết tâm bảo vệ đất nước, đánh đuổi ngoại xâm, ý thức xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Nếu chỉ hiểu đơn giản yêu quê hương là tình cảm công dân, với ý thức trách nhiệm đặt lên hàng đầu mà không quan tâm giáo dục tình yêu ấy bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt thì tâm hồn con người sẽ trở nên chai sạn biết bao. Chưa kể rằng, có những kẻ hô hào khẩu hiệu, nhưng thực tế lại sống giả tạo. Không thể yêu đất nước, yêu dân tộc mà không xuất phát từ tình cảm yêu mến, gắn bó với nơi chôn nhau cắt rốn, gia đình, làng xóm, yêu những con người gần gũi quanh ta. Đúng như Tố Hữu nói: “Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt – Như mẹ cha ta, như vợ như chồng”, mở rộng ra tình cảm ấy còn là tình yêu đôi lứa, là cơ sở để “người yêu người, sống để yêu nhau”. Tình yêu ấy không hẳn chỉ thể hiện qua hành động đứng lên đánh lại kẻ thù, mà trước tiên phải xuất phát từ nỗi đau buồn khi nước mất nhà tan, nỗi uất nghẹn khi quê hương bị kẻ thù giày xéo. Không thể có tình yêu dân tộc chung chung nếu không xuất phát từ tình yêu con người cụ thể. Từ nhận thức đến tình cảm, từ suy nghĩ đến hành động luôn thường trực tình cảm yêu quê hương đất nước.
Bản thân mỗi học sinh chúng ta cũng phải luôn xác định quan niệm đúng đắn về lòng yêu quê hương, bằng cách luôn trau dồi tu dưỡng những tình cảm nhân văn, phải sống đẹp với mọi người, biết rung động trước cái đẹp cuộc sống quanh ta. Khi còn là học sinh, biết yêu mến con người và mảnh đất mà ta đang sống, đang tiếp xúc hàng ngày, biến tình cảm thành hành vi ứng xử hàng ngày, có mục đích, có hoài bão vun trồng tài năng để sau này cống hiến cho đất nước, thiết tưởng cũng là ươm mầm cho lòng yêu quê hương đất nước ngày càng phát triển bền vững hơn.
 
Top Bottom