Tôi biết Nhà văn Nguyên Hồng từ hồi còn học Trường Bồi dưỡng Những người Viết văn Trẻ Hội Nhà văn (Khoá ba - 1968).
Được sống gần ông, nghe ông và nhiều nhà văn, nhà thơ khác nói chuyện bếp núc văn chương, (ở nơi sơ tán xã Bình Minh, Thanh Oai, Hà Tây), tôi hiểu đôi nét về tính cánh độc đáo của ông. Cứ đến bữa cơm, ông lại cắp rá sang bếp tập thể nhận suất ăn của mình. Thương ông, nhà bếp thường chia cho ông phần cơm và thức ăn nhanh hơn mọi người. Ông đem suất của mình so với học viên và kiên quyết xẻ lại phần “ưu tiên”. Nhiều lần như vậy, nhà bếp đành chia cho ông “đúng tiêu chuẩn”. Bưng rá cơm về nhà dân nơi sơ tán, ông thường tạt vào quán vắng bên đường, nhìn trước nhìn sau không thấy ai, ông chui tọt vào quán, mua một chén rượu, uống thật nhanh rồi mới về nhà dùng bữa. Ông không muốn để lộ thói quen uống rượu mà hồi đó bị coi là lãng phí lương thực.
Ông rất hay pha trò. Hôm nhạc sĩ Nguyên Xuân Khoát đến giảng, trước đông đảo học viên, hai ông trêu nhau đến 15 phút, ai nấy đều vui bởi những chuyện nghịch ngợm đến quái đản mà hai ông già thân nhau nay có dịp nhắc lại. Hai người cười đùa ngả nghiêng đến chảy nước mắt. Nguyễn Xuân Khoát xin thua để vào bài, ông khơi gợi. Các anh chị cứ hỏi, tôi biết đến đâu trả lời đến đó, chứ dạy sonphe thì không đúng chỗ. Học viên hỏi rất nhiều, Nhạc sĩ trả lời gãy gọn và hóm hỉnh. Tôi nhớ câu hỏi là:
- Sao bác có tuổi mà viết cho thiếu nhi vẫn hay ạ?
Nhạc sĩ giải thích: Trong mỗi người đều có một thằng trẻ con. Khi nào nó trở lại với mình thì viết được cho nó. Chứ cưa sừng làm nghé là nói cho vui thôi, có ai cưa được đâu. Anh Hồng viết “Cha con người mãi võ”, một chuyện rất hay cho thiếu nhi chắc cũng là như vậy?
- Anh Khoát dạy chí phải. Vui nhất là bỗng thấy mình lại được làm trẻ con để viết về chính cái thằng nhóc ấy. - Nguyên Hồng đáp.
Lắm khi Nguyên Hồng tếu táo như thanh niên. Một hôm ở trụ sở Hội Nhà văn (hồi đó ở 65 Nguyễn Du), ông đánh bóng bàn với chị Trường, vợ nhà văn Nguyễn Đình Thi. Thấy Nguyễn Đình Thi đi ngang qua, ông bảo: Anh Thi ơi, vào đây xem tôi tiu chị ấy này.
Ông Thi vào xem, bảo: Anh Hồng toàn tiu trượt, em tiu lại đi.
Chị Trường cũng vụt, nhưng chẳng quả nào vào bàn. Ông Thi cười:
- Trượt ráo. Chẳng nước non gì mà lo.
Ông thường tìm ra nhược điểm văn phong của học viên, phê khéo cho vui, không hề ác ý. Cũng có bận bị phản ứng. Một hôm bình văn, ông phê bài của Bùi Công Bính dùng quá nhiều điệp từ: Cứ con, con, con, con mãi thế, thì còn thiếu con… Bùi Công Bính ức quá, bỏ về. Ông oà khóc: Anh Bùi Công Bính ơi. Tôi xin lỗi anh! Tôi chỉ đùa thôi, đùa quá hoá dại thôi. Tôi xin lỗi anh!.
Tuy là người hay bông đùa, nhưng hơn ai hết ông là người mau nước mắt. Tôi chưa thấy buổi giảng bài hoặc bình văn nào ông không khóc. Hồi đó tôi ngồi cùng bàn với anh Trần Tự người Hải Phòng. Anh rất gần gũi với Nhà văn Nguyên Hồng luôn gọi ông là bố, xưng con rất chân tình. Trần Tự có thói quen viết khuya, nhiều hôm viết đến sáng do vậy khi lên lớp hay ngủ gật. Hôm Nhà văn Nguyên Hồng giảng bài, tôi xem trong vở ghi của Trần Tự có hai câu liền nhau: Nói đến đây bố khóc. Tỉnh dậy thấy bố vẫn khóc.
Trong bài giảng hôm ấy, tôi rất nhớ câu nói của ông. Một học viên hỏi: Khi dựng nhân vật, thầy có kinh nghiệm gì không ạ?
Ông nói: Tôi linh cảm là nhân vật nào khi viết nước mắt cứ ứa ra thì người đọc thường cho là được. Như Tám Bính, Gái Đen.
Nghe ông giảng thì ai cũng thích, nhưng nộp bài cho ông thì có người ngại vì ông chữa đỏ loè cả trang giấy, gạch xoá nhiều đến nỗi có anh gọi ông là Cây kéo tàn bạo. Được cái là tất cả các lỗi ông chữa cho, học viên đều tâm phục, khẩu phục. Chúng tôi truyền tay nhau, bàn luận về những chỗ ông bắt lỗi, coi đó là bài học chung. Có hôm giữa trưa hè, chúng tôi đi qua đình làng, nhìn vào, thấy ông nằm bò trên tấm ni lông con con trải ra ở hiên, một tay phành phạch cái quạt tay kia lăm lăm cây bút chữa bài. Ông hết lòng với lớp trẻ, chúng tôi rất biết ơn.
Trong văn giới thường ngại nhận xét nhau. Nói như Nhà văn Nguyễn Tuân: Đó là việc của bọn phê bình. Do vậy, chúng tôi không dám yêu cầu nhà văn này nói về nhà văn khác. Thế mà hai lần chúng tôi vớ bở. Khi Nhà thơ Xuân Diệu đến lớp, hỏi: Giúp các anh các chị ở đây nhiều nhất là ai? Chúng tôi thưa: Nhà văn Nguyên Hồng ạ. Xuân Diệu hồn nhiên:
- Yên tâm rồi. Về văn thì phải vái anh ấy, về thơ cũng phải vái. Thơ anh ấy đầu Ngô mình Sở, không đầu không cuối mà tài hoa, bay bổng. Anh ấy viết không giống ai, mà cũng không ai bắt chước được.
Nhà thơ Chế Lan Viên yêu cầu:
- Các anh chị thử nghĩ xem, nếu trên đời này có hai ông Xuân Diệu suốt ngày nói chuyện yêu, hai ông Chế Lan Viên suốt ngày triết lý, hai ông Nguyên Hồng suốt ngày đắm đuối thì mệt lắm, phải giảm biên. Mỗi thứ chỉ cần một người là đủ. Các anh chị phải tìm ra cái riêng của mình thì mới thành nhà văn.
Lớp tôi sau này, hầu hết đã là Nhà văn Hội viên, nhưng theo tôi, chưa mấy ai được như các ông mong đợi. Trở lại với Nhà văn Nguyên Hồng. Nói về chữ nghĩa thì ông là người kỹ lưỡng. Đơn cử như trong bài Cửu Long Giang ta ơi.
Ông viết: Đêm nay Cửu Long Giang vẫn âm vang sóng cát
Báo in là: Đêm này Cửu Long Giang vẫn ầm vang sóng cát
Ông bảo: Thế là chết người ta rồi! Âm vang hàm ý không khoe khoang, ồn ã. Tớ lựa mãi được chữ này, đặt vào thấy ổn mới chép gửi báo. Vậy mà họ lại in là ầm vang, viết thế là trơn tay, nhờn tay, lười biếng, còn gì là văn chương!
Từ ngữ ông trong sáng đến kỳ thú:
Ngẫm nghĩ voi đi
Thác Khôn cười trắng xoá
Ông là người ít nói về mình, xuề xoà, nhường nhịn. Văn ông là kiếp lầm than, thơ ông là giang sơn cẩm tú, anh hùng hào kiệt. Tâm hồn ông rộng mở như hình ảnh người thầy giáo trong thơ ông:
Thước bảng với cánh tay đạo sĩ
Đưa ta đi sông núi tuyệt vời
Nhìn ông râu tóc lởm chởm, quần áo nâu nhàu nhĩ, ôm cái cặp căng phồng sờn trơ cả cốt, rảo bước trên hè phố, ngỡ là người cũ kỹ. Được gần ông, nghe ông nói, ngộ ra ông tươi mới lạ thường.