[văn 8]giới thiệu về 1 danh lam thắng cảnh

Q

quocviethy

Suối cá thần Cẩm Lương là hiện tượng thiên nhiên kỳ thú có từ hàng trăm năm nay bên chân núi Trường Sinh, thuộc bản Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện miền núi Cẩm Thuỷ (cách trung tâm TP Thanh Hoá gần 100 km về phía Tây Bắc).

Theo những phân tích của các nhà ngư loại học gần đây, đàn cá hàng nghìn con lớn, nhỏ ở suối cá Cẩm Lương gồm các loài: Cá dốc (có tên khoa học là Spinibarbichthys denticulatus- thuộc bộ cá chép, có tên trong sách đỏ Việt Nam); cá chài, cá mại. Hình thù các loài cá này rất lạ, màu sắc phong phú như: màu đỏ, xanh, hồng...

Mỗi khi bơi, thân cá thần phát sáng nhiều màu, lấp lánh ánh bạc trông thật vui mắt, ấn tượng. Đặc biệt, đàn cá thần rất thân thiện với con người. Mỗi khi đồng bào ra suối Ngọc rửa rau, vo gạo, ai cũng nhớ thả cho đàn cá thần một ít rau, ít gạo. Hàng ngày, cá thần nhảy lên khỏi mặt nước vui đùa cùng du khách.

Vào mùa nước cạn, lòng suối Ngọc chỉ sâu khoảng 20- 40cm, nước trong vắt, du khách có thể đưa tay xuống nước mơn man, vuốt ve những con cá thần to như bắp chân, bắp tay. Đây là điều kỳ thú, hấp dẫn, nên đã thu hút hàng nghìn lượt du khách trong, ngoài nước đến suối cá thần Cẩm Lương mỗi năm.

Bên cạnh suối cá thần, xã Cẩm Lương hiện đang còn giữ được nguyên vẹn hệ thống rừng nguyên sinh với các loài động, thực vật đặc trưng của vùng nhiệt đới, thuộc dãy núi đá vôi Pù Luông - Cúc Phương. Đồng bào dân tộc Mường nơi đây với những nếp sinh hoạt văn hoá truyền thống như: dệt thổ cẩm, uống rượu cần, múa Pồn Pông... sẽ là điểm nhấn để thu hút du khách. Đặc biệt, dọc dãy núi Trường Sinh hiện còn có nhiều hang động nguyên sơ chưa được khám phá.

Để đến suối cá thần, du khách có thể đi trên quốc lộ 217, nối từ Đò Lèn, cạnh quốc lộ 1A về cầu treo Cẩm Lương; hoặc đi theo đường Hồ Chí Minh, đến thị trấn Cẩm Thuỷ rồi rẽ lên quốc lộ 217. Những du khách yêu thích sông nước thì sẽ có dịp đi đường thuỷ dọc sông Mã, từ cầu Hàm Rồng lịch sử (TP Thanh Hoá) lên địa danh Cửa Hà - Cẩm Thuỷ nên thơ, hùng vĩ.

Hiện nay, cầu treo Cẩm Lương nối quốc lộ 217 với đường vào suối cá thần vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách mỗi khi về Cẩm Lương.
 
Q

quocviethy

Danh thắng Đá Chồng
Khu danh thắng này cách thành phố Biên Hòa khoảng 50km. Từ ngã ba Dầu Giây (Đồng Nai) rẽ phải theo quốc lộ 20 hướng Đà Lạt, đến địa phận Định Quán du khách sẽ thấy một khối đá rất lớn chồng lên nhau, thế chông chênh rất kỳ lạ nằm sát quốc lộ 20. Đó là danh thắng Đá Chồng - thắng cảnh nổi tiếng ở Đống Nai và cũng là địa danh nghiên cứu khảo cổ di chỉ văn hóa Óc Eo.
-Đá Chồng là ba hòn đá nằm chồng lên nhau, thế chông chênh ở độ cao gần 40m so với mặt đường. Các khối đá này như một tượng đài kỳ vỹ giữa gió mưa. Hòn dưới cùng lớn gấp hai hòn nằm trên, hòn trên cùng thì phần nửa nằm chìa ra ngoài hòn bên dưới như muốn đổ xuống bất cứ lúc nào. Hình thế kỳ dị này của tạo hóa khiến du khách đi qua đều thích thú.
-Gần Đá Chồng về phía tây bắc có hòn Dìa là cụm đá cũng rất độc đáo. Hòn Dìa có hình tứ giác một đầu to một đầu nhỏ nhưng lại nằm trên một tảng đá nhỏ hơn nhiều lần, cao hơn 40m so với mặt đất, cây cối mọc um tùm tạo nên những hang động đầy vẻ huyền bí.
-Núi Đá Vôi còn gọi là núi Bạch Tượng, nằm về phía tây nam của khu thắng cảnh, sau chùa Thiện Chơn 10m. Núi có hình hai con voi lớn nằm cạnh nhau. Trên đỉnh hòn đá gọi là voi đực có tượng phật thích ca khổng lồ nhìn về hướng đông được xây dựng vào đầu năm 1970. Dưới chân của voi đực có hang Bạch Hổ. Hòn đá kế bên gọi là voi cái. Từ hang Bạch Hổ, con người đã tạo nên một hành lang tam cấp uốn theo núi đá voi đễ du khách có thể lên tới đỉnh của đá voi đực. Từ đây du khách có thể phóng tầm mắt bao quát toàn cảnh của khu danh thắng - một khung cảnh thiên nhiên khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng. Đan xen giữa những hòn núi đá là những thung lũng rộng xanh mướt, lấp loáng những hồ nước hay những con suối uốn lượn dưới chân đồi.
-Bộ văn hóa đã xếp hạng đây là di tích danh thắng quốc gia năm 1988.
Nếu bạn đi trong ngày từ Hà Nội bạn có thể qua Ninh Bình. Ở đó bạn sẽ được đi nhiều nơi trong cùng một hành trình. Trước hết là nhà thờ đá Phát Diệm, một công trình kiến trúc cổ hoàn toàn bằng đá được xây dựng trong những năm giữa thế kỷ trước. Khi đến đây bạn sẽ nằm trong không gian linh thiêng của tôn giáo đồng thời cũng được ngắm nhìn một trong những công trình đồ sộ và hoành tráng của đồng bào công giáo. Tiếp đến bạn sẽ rẽ về hướng đông khoảng 30km để đến với khu du lịch Tam Cốc-Bích động - địa điểm được mệnh danh Nam thiên đệ nhị động với những suối nước chảy quanh chân núi và đi sâu vào những hang động đẹp như trong tranh thủy mặc. Từ đây bạn sẽ được hướng dẫn đường lên với Chùa Bái Đính, ngôi chùa lớn nhất cả nước được xây dựng trên ngọn núi Bái Đính xã Trường Yên với 2 pho tượng Phật bằng đồng khổng lồ cùng hơn 500 vị la hán bằng đá được dựng trên núi. Ngay gần chùa Bái Đính là di tích cố đô Hoa Lư và đền thờ vua Đinh - Lê. Tại đây bạn sẽ tìm được những sự tích hào hùng của lịch sử thời Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 xứ quân lên ngôi Hoàng Đế cùng với thiên chuyện của Thái Hậu Dương Vân Nga với hai đời chồng làm vua. Từ đây nếu còn thời gian bạn hay lên rừng quốc gia Cúc Phương để tìm lại khu vực còn nguyên sơ của thiên nhiên với hệ sinh thái phong phú. Một nơi còn lưu giữ khá nhiều loại động thực vật đã được ghi vào sách đỏ.
Hy vọng bạn có thể kết thúc cuộc hành trình với nhiều món quà kỷ niệm từ những làng nghể nổi tiếng của Ninh Bình như làng thêu Ninh Hải, làng đá ninh Vân, làng chiếu cói và các đồ bằng cói ở Kim Sơn. Đừng quên thưởng thức món ăn đặc sản ở Ninh Bình là cơm cháy - thịt dê và say sưa với nhau trong men rượu Kim Sơn nổi tiếng
 
C

congchuatuyet_2009

Đền Kỳ Cùng (mình ở Lạng Sơn mờ)

Nằm ở phường Vĩnh Trại, bên phía bờ bắc sông Kỳ Cùng. Đền được coi là nơi linh thiêng, vốn là nơi thờ thần Giao Long (thần sông nước) với nhiệm vụ giữ cho quanh năm mưa thuận gió hòa.
Lịch sử của Đền còn gắn với truyện kể về quan lớn Tuần Tranh, được triều đình nhà Trần cử lên trấn thủ Lạng Sơn, trong thời gian ở tại Lạng Sơn, ông chỉ huy đánh giặc bị thua, quân lính thiệt mạng rất nhiều, ông lại bị vu cáo vào tội dâm ô, đành nhảy xuống sông Kỳ Cùng tự tử để chứng minh sự trong sạch. Do tấm lòng trong sạch, ông được thần linh hóa thành đôi rắn (ông Cộc - ông Dài) làm vị thần sông ngự tại đền Kỳ Cùng. Về sau, nỗi oan khuất của ông được một vị tướng nhà Lê là Tả đô đốc Hán quận công Thân Công Tài (được thờ tại đền Tả Phủ) chứng minh, hóa giải. Vì vậy mới có tục lệ vào ngày lễ hội đền Kỳ Cùng (cũng từ ngày 22 đến ngày 27 tháng giêng âm lịch giống như đền Tả Phủ), phải có lễ rước kiệu ông lớn Tuần Tranh lên đền Tả Phủ để tạ ơn và hầu chuyện Thân Công Tài. Điều này giải thích cho sự liên quan mật thiết của hai lễ hội đền Kỳ Cùng - T Phủ.
Trong đền có bến đá Kỳ Cùng là một trong tám cảnh đẹp của Lạng Sơn được ghi trong "Trấn doanh bát cảnh" xưa Ngô Thì Sỹ gọi với cái tên Kỳ Cùng thạch độ. Sở dĩ như vậy là vì theo sử sách chép lại, ngày xưa bất cứ cuộc hành quân hay cuộc hành trình nào của các sứ giả qua lại Trung Quốc cũng đều phải qua nơi nay. Thuyền bè san sát, hai bờ sông lúc nào cũng tấp nập đông đúc vì dân chúng hoặc quan quân hội tụ. Khúc sông Kỳ Cùng ở đoạn này có nhiều tảng đá chắn ngay giữa dòng sông, đá lô nhô trên mặt nước, sóng vỗ vào đá theo mực nước sông, lúc lên lúc xuống tạo thành những lớp sóng tung bọtu tắng xóa, ttrào khắp một dải tràng giang, trông rất ngoạn mục. Tương truyền các sứ thần của Việt Nam mỗi lần đi sứ sang Trung Quốc đều dừng chân tại bến đá, sửa soạn lễ vật lên thắp hương tại đền Kỳ Cùng, cầu cho chuyến đi được bình an, công thành danh toại.
Ngày nay Cầu Kỳ Cùng được xây ở ngay cạnh bến đá, nối hai bờ Bắc và Nam sông Kỳ Cùng, chia Thành phố Lạng Sơn thành hai khu vực, bên bờ Bắc là nơi sinh hoạt, kinh doanh buôn bán của nhân dân Thành phố, bên bờ nam là khu vực tập trung các cơ quan hành chính của Tỉnh.
Đền Kỳ Cùng đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, hiện là nơi thu hút rất đông đảo bà con khách thập phương đến tham quan du lịch và cúng lễ.

Lười viết quá nên cho pạn cái này tham khảo nhá, có thể giúp được phần nào, cái này hok phải tui viết mà đi... mót ^^
 
Q

quocviethy

Hạ Long – Vịnh của Rồng bay xuống.

Hạ Long theo nghĩa đen có nghĩa là Rồng bay xuống. Cái tên này gắn liền với một truyền thuyết đã được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Truyền thuyết kể lại rằng ngay từ những ngày đầu lập nước, người Việt đã bị giặc ngoại xâm tấn công theo đường biển. Biết trước được điều này Ngọc Hoàng đã sai Rồng Mẹ mang theo một đàn Rồng Con xuống hạ giới giúp người Việt đánh giặc. Khi thuyền giặc chuẩn bị ồ ạt tiến vào bờ cũng là lúc đàn Rồng từ trời cao bay xuống. Đàn Rồng lập tức phun ra vô số châu ngọc và thoắt biến thành muôn ngàn đảo đá ngọc bích trên biển. Những hòn đảo liên kết với nhau tạo nên bức tường thành vững chắc làm đoàn thuyền giặc đang lao nhanh, bị chặn đột ngột, đâm vào các đảo đá và đâm vào nhau vỡ tan tành.

Sau khi giặc ngoại xâm bị đánh đuổi ra khỏi bờ cõi, Rồng Mẹ và Rồng Con không trở về trời nữa vì họ đã say mê vẻ đẹp của nước và biển nơi hạ giới. Họ quyết định ở lại chính nơi mà trận chiến đã diễn ra. Vị trí mà Rồng Mẹ đáp xuống là Hạ Long và nơi mà Rồng con đáp xuống, cúi đầu chào mẹ của mình chính là Bái Tử Long. Nơi những chiếc đuôi quẫy mạnh được gọi là Bạch Long Vĩ, ngày nay được mọi người biết đến bởi cái tên Bán đảo Trà Cổ với bãi cát mịn màng trải dài hơn chục cây số đường bờ biển.

Nằm ở vùng Ðông Bắc Việt Nam, vịnh Hạ Long là một phần vịnh Bắc Bộ, bao gồm vùng biển của thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Ðồn. Phía tây nam Vịnh giáp đảo Cát Bà, phía đông là biển, phần còn lại giáp đất liền với đường bờ biển dài 120 km, được giới hạn từ 106o58' - 107o22' kinh độ Ðông và 20o45' - 20o50' vĩ độ Bắc với tổng diện tích 1553 km2 gồm 1969 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 989 đảo có tên và 980 đảo chưa có tên. Ðảo của vịnh Hạ Long có hai dạng là đảo đá vôi và đảo phiến thạch, tập trung ở hai vùng chính là vùng phía đông nam (thuộc vịnh Bái Tử Long) và vùng phía tây nam (thuộc vùng vịnh Hạ Long) có tuổi kiến tạo địa chất từ 250 - 280 triệu năm. Vùng tập trung dày đặc các đảo đá có phong cảnh ngoạn mục và nhiều hang động đẹp nổi tiếng là vùng trung tâm Di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long, bao gồm vịnh Hạ Long và một phần vịnh Bái Tử Long. Vùng Di sản thiên nhiên được thế giới công nhận có diện tích 434 km2 bao gồm 775 đảo, như một hình tam giác với 3 đỉnh là đảo Ðầu Gỗ (phía tây), hồ Ba Hầm (phía nam), đảo Cống Tây (phía đông) vùng kế bên là khu vực đệm và di tích danh thắng quốc gia được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng năm 1962
.
Từ trên cao nhìn xuống, vịnh Hạ Long như một bức tranh khổng lồ vô cùng sống động. Ði giữa Hạ Long, ta ngỡ như lạc vào một thế giới cổ tích bị hoá đá, đảo thì giống hình một người đang đứng hướng về đất liền (hòn Ðầu Người), đảo thì giống như một con rồng đang bay lượn trên mặt nước (hòn Rồng), đảo thì lại giống như một ông lão đang ngồi câu cá (hòn Ông Lã Vọng), hòn Cánh Buồm, hòn Cặp Gà, hòn Lư Hương... Tất cả trông rất thực, thực đến kinh ngạc. Hình dáng những đảo đá diệu kỳ ấy biến hoá khôn lường theo góc độ ánh sáng trong ngày và theo góc nhìn. Tiềm ẩn trong lòng các đảo đá ấy là những hang động tuyệt đẹp như động Thiên Cung, hang Ðầu Gỗ, động Sửng Sốt, động Tam Cung... Ðó thực sự là những lâu đài của tạo hoá giữa chốn trần gian. Từ xưa, Hạ Long đã được đại thi hào dân tộc Nguyễn Trãi mệnh danh là kỳ quan đất dựng giữa trời cao. Vịnh Hạ Long cũng là nơi gắn liền với sự phát triển của lịch sử dân tộc với những địa danh nổi tiếng như Vân Ðồn - nơi có thương cảng cổ nổi tiếng một thời (1149), có núi Bài Thơ ghi bút tích của nhiều bậc vua chúa, danh nhân, xa hơn chút nữa là dòng sông Bạch Ðằng - nơi đã từng chứng kiến hai trận thuỷ chiến lẫy lừng của cha ông ta chống giặc ngoại xâm.. Không chỉ có vậy, Hạ Long ngày nay được các nhà khoa học chứng minh là một trong những cái nôi của con người có nền văn hoá Hạ Long từ Hậu kỳ đồ đá mới với những địa danh khảo cổ học nổi tiếng như Ðồng Mang, Xích Thổ, Soi Nhụ, Thoi Giếng... Hạ Long cũng là nơi tập trung đa dạng sinh học cao với những hệ sinh thái điển hình như hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái tùng áng, hệ sinh thái rừng cây nhiệt đới... Với hàng ngàn loài động, thực vật vô cùng phong phú trên rừng dưới biển, cá, mực... Có những loài đặc biệt quý hiếm chỉ có ở nơi đây.

Với những giá trị đặc biệt như vậy, ngày 17/12/1994, trong phiên họp lần thứ 18 của Hội đồng Di sản Thế giới thuộc UNESCO tổ chức tại Thái Lan, vịnh Hạ Long chính thức được công nhận là Di sản thiên nhiên, khẳng định giá trị mang tính toàn cầu của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long
.
 
Last edited by a moderator:
Q

quocviethy

Hang Ðầu Gỗ

Giữa non nước mây trời Hạ Long tuyệt mỹ, một chiếc hang mang tên vô cùng mộc mạc dân dã: hang Ðầu Gỗ. Hang nằm trên đảo Ðầu Gỗ, xưa đảo này có tên là đảo Canh Ðộc. Sách Ðại Nam Nhất thống chí có ghi "Hòn Canh Ðộc lưng đảo có động rộng rãi có thể chứa vài ngàn người, gần đó có hòn Cặp Gà, Hòn Mèo, Hòn La..." Sở dĩ gọi là hang Ðầu Gỗ, theo truyền thuyết xưa kể rằng: Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, Trần Hưng Ðạo đã cho chuẩn bị nhiều cọc gỗ lim ở đây để cắm xuống lòng sông Bạch Ðằng, có rất nhiều mẩu gỗ còn sót lại vì vậy động mang tên là hang Ðầu Gỗ. Từ phía xa nhìn lại, cửa hang có màu xanh lam hình một con sứa biển, qua 90 bậc đá xây ta tới cửa động. Nếu động Thiên Cung hoành tráng khoẻ khoắn, hiện đại thì hang Ðầu Gỗ trầm mặc uy nghi nhưng cũng rất đồ sộ. Cuốn Meivelle de Monde (kỳ quan thế giới) của Pháp xuất bản năm 1938 chuyên về du lịch giới thiệu về các danh thắng nổi tiếng thế giới đã mệnh danh hang Ðầu Gỗ là Grotto des meivellis (động của các kỳ quan). Ðiều đó hoàn toàn chính xác. Hang được chia làm ba ngăn chính. Ngăn phía ngoài có hình vòm cuốn tràn trề ánh sáng tự nhiên, trần hang là một bức "tranh sơn dầu" khổng lồ, trong đó vẽ phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, đó là những đàn voi đang đi kiếm ăn, những chú hươu sao ngơ ngác, chú sư tử lim dim ngủ... với những tư thế vô cùng sinh động. Phía dưới là một chú rùa đang bơi giữa bể nước mênh mông, những rừng măng đá, nhũ đá nhiều mầu với nhiều hình thù kỳ lạ tuỳ theo trí tưởng tượng phong phú của từng người. Ðứng dưới vòm hang ta có cảm giác như đang đứng giữa một toà lâu đài cổ kính, có lối kiến trúc đồ sộ và hùng vĩ. Chính giữa lòng hang là một cột trụ chống trời khổng lồ, hàng chục người ôm không xuể, từ phía dưới chân cột lên trên được bàn tay điêu khắc tài tình của tạo hoá gọt rũa thành những hình mây bay, rồng cuốn, phượng múa, hoa lá, dây leo... Trên đỉnh cột, bất giác ta bắt gặp một vị tu sĩ mặc áo choàng thâm, tay phải cầm gậy tích trượng trong tư thế tụng kinh, niệm Phật. Qua ngăn thứ 1, vào ngăn thứ 2 bằng một khe cửa hẹp. ánh sáng chiếu vào đây mờ ảo, những bức tranh mới lạ hiện lên long lanh huyền bí. Những chùm hoa đá lúc ẩn lúc hiện, những hình ảnh vừa quen thuộc vừa lạ,... tạo cho con người vừa sợ sệt vừa tò mò. Tận cùng hang là một chiếc giếng tiên bốn mùa nước ngọt trong vắt, chảy tràn trề quanh năm. Bất giác ta nhìn lên phía trên trong ánh sáng mờ ảo, ta nhận ra bốn xung quanh là bức thành cổ, trên đó đang diễn ra một trận hỗn chiến kỳ lạ, những chú voi đang gầm thét, người và ngựa chen chúc, gươm giáo mọc tua tủa, tất cả đang ở trong tư thế xông lên và bỗng dưng bị hoá đá chốn này. Năm 1917, vua Khải Ðịnh lên thăm hang Ðầu Gỗ, ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thần tiên của tạo hoá, ông đã cho khắc một tấm văn bia với nội dung ca ngợi cảnh đẹp của non nước Hạ Long và hang Ðầu Gỗ. Hiện nay, tấm bia đá vẫn còn ở phía bên phải cửa động.
 
Last edited by a moderator:
Q

quocviethy

Ðộng Thiên Cung

Trong những hang động đẹp nổi tiếng vịnh Hạ Long mới được phát hiện trong những năm gần đây phải nói đến động Thiên Cung. Ðộng nằm ở phía tây nam vịnh Hạ Long cách bến tàu du lịch 4 km, trên đảo Ðầu Gỗ ở độ cao 25 m so với mực nước biển, có tọa độ 107o00'54" và 20o54'78". Ðảo Ðầu Gỗ xưa còn có tên là đảo Canh Ðộc có đỉnh cao 189 m, dãy đảo như một chiếc ngai ôm trong lòng mình hai hang động đẹp. Ðường lên động Thiên Cung vách đá cheo leo, hai bên tán lá rừng che phủ um tùm, vào những đêm trăng, những chú khỉ tinh nghịch leo xuống tận đây để kiếm hoa quả. Qua một khe cửa hẹp, lòng động đột ngột mở ra không gian có tiết diện hình tứ giác với chiều dài hơn 130 mét. Càng vào trong ta càng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp lộng lẫy của tạo hoá. Ðộng gắn liền với truyền thuyết về vua Rồng xưa. Chuyện kể rằng sau khi vua Rồng giúp dân ta đánh tan giặc giã, vua Rồng trở về động của mình an tọa, năm ấy trời hạn hán nặng, dân tình mất mùa nhiều nên họ phải cầu cứu vua Rồng ra tay làm mưa. Bao nhiêu người đã ra đi mà không có ngày trở về. Không sợ nguy hiểm gian nan, đôi trai gái quyết tâm cùng nhau đi tìm gặp vua Rồng. Người con gái của họ ra đời được đặt tên là nàng Mây. Nàng Mây lớn lên đã làm xao xuyến trái tim Hoàng tử Rồng và tình yêu đã giúp họ tìm đến với nhau, đám cưới được tổ chức 7 ngày 7 đêm tại khu vực trung tâm động. Ðể chúc mừng đám cưới, những chú rồng bay lượn lúc ẩn lúc hiện trong rừng mây nhũ đá, những chú voi con công kênh nhau lên nhảy múa, những con mãng xà lớn trườn mình quấn quanh cây đa cổ thụ, hai chú sư tử đá nhảy múa bờm tóc tung bay, trên cao những chú đại bàng giang rộng đôi cánh khổng lồ trên không trung... Một chú voi lớn được trang trí diêm dúa công phu đang nằm phủ phục chờ cô dâu chú rể bước xuống. Nam Tào, Bắc Ðẩu tóc bạc như mây cũng đến dự tiệc vui, cảnh tượng tưng bừng náo nhiệt và vô cùng sống động. Tất cả những hình ảnh đó như vừa được hoá đá nơi này. Trên vách động phía đông là một bức tranh hoành tráng đồ sộ, trong đó chạm nổi những nhân vật trong truyện cổ tích xưa, nét chạm khắc mềm mại uyển chuyển và vô cùng tinh tế sắc sảo tới từng chi tiết nhỏ, những khối điêu khắc dù là đồ sộ hay nhỏ bé đều được bàn tay của tạo hoá trau chuốt tỉ mỉ. Trung tâm động là 4 cột trụ to lớn lực lưỡng chống đỡ thiên đình. Từ chân cột tới đỉnh đều được chạm nổi nhiều hình thù kỳ lạ như chim cá, cảnh sinh hoạt của con người, hoa lá cành... Trên vách động phía bắc là cảnh một bầy tiên nữ đang múa hát chúc mừng đám cưới. Dưới vòm động cao vút, từng chùm nhũ đá rủ xuống muôn màu tạo thành bức rèm đá thiên nhiên lộng lẫy. Ðâu đó có tiếng trống bập bùng như trong đêm hội làng xưa. Ðó chính là tiếng gió thổi qua kẽ đá. Ðứng giữa vòm động cao vút, màu thạch nhũ xanh như dát ngọc ta ngỡ như đang đứng trong tiên cảnh bồng lai vậy.
Tới ngăn động cuối cùng, những luồn ánh sáng trắng xanh đỏ xen lẫn phối màu tạo nên khung cảnh hoa lệ. Một vòi nước tự nhiên bốn mùa tuôn chảy róc rách, nơi đây có ba chiếc ao, nước trong vắt. Ðây là nơi nàng Mây thường tắm cho 100 người con của mình và nuôi họ khôn lớn trưởng thành. Một con đường dẫn ra phía ngoài quanh co uốn khúc, đó chính là con đường mà nàng Mây cùng 50 người con của mình ra đi để khai phá vùng đất mới, 50 người con còn ở lại cùng với người cha xây dựng quê hương, di vật mà người mẹ để lại là bầu vú tiên tràn trề sức sống.
 
Last edited by a moderator:
Q

quocviethy

Hang Sửng Sốt

Nằm ở khu vực trung tâm của Di sản thế giới vịnh Hạ Long, động Sửng Sốt trong đảo Bồ Hòn. Người Pháp đặt cho động cái tên grotto les suprices (động của những sửng sốt). Ðây là một hang động rộng và đẹp vào bậc nhất của vịnh Hạ Long. Mặt khác động nằm ở vùng trung tâm du lịch của vịnh Hạ Long (bãi tắm Ti Tốp - hang Bồ Nâu - động Mê Cung - hang Luồn - động Sửng Sốt) và đây cũng là nơi tập trung nhiều đảo đá có hình dáng đặc sắc không nơi nào có được. Ðường lên động Sửng Sốt luồn dưới những tán lá rừng, những bậc đá ghép cheo leo, du khách vừa có được cái thú của người leo núi, vừa có cái háo hức như đang đi lên trời vậy. Ðộng được chia làm hai ngăn chính, toàn bộ ngăn một như một nhà hát lớn rộng thênh thang. Trần hang được phủ bằng một lớp "thảm nhung" óng mượt, vô số những "chùm đèn treo" bằng nhũ đá rực sáng long lanh, những tượng đá, voi đá, hải cẩu, mâm xôi, hoa lá... tất cả dường như đang chuyển động trong một thế giới huyền ảo như thực như mơ. Chưa hết ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thần kì của tạo hoá, ta bước vào ngăn II bằng một con đường nhỏ. Một luồng ánh sáng ùa vào rực rỡ, động mở ra một khung cảng mới hoàn toàn khác lạ, ngăn động rộng mênh mông có thể chứa được hàng ngàn người, ngay cạnh lối ra vào là một chú ngựa đá và một thanh gươm dài. Truyền thuyết xưa kể rằng, sau khi đánh tan giặc Ân, Thánh Gióng đã giúp dân chúng ở đây đánh đuổi yêu ma, khi dẹp xong Thánh Gióng bay về trời và để lại thanh gươm và con ngựa quý để trấn an dân chúng, xua đuổi yêu quái. Hiện nay trong hang còn nhiều hình ảnh tự nhiên dường như là những dấu tích của trận chiến ác liệt đó, vết chân ngựa Gióng trở thành những ao hồ nhỏ xinh xinh cùng nhiều tảng đá to lớn vỡ vụn. Ði vào trong cảnh trí còn lắm điều kỳ lạ, như nhũ đá, cây đa cổ thụ tán lá xum xuê, chú gấu biển, khủng long... Tới đỉnh cao nhất của động, bất ngờ một khu "vườn thượng uyển" mở ra trước mắt, có hồ nước trong vắt, phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, muôn loài cây như si, vạn tuế, đa cổ thụ cùng nhiều loài chim sinh sống. Những ngày đẹp trời, từng đàn khỉ kéo nhau xuống đây tìm hoa quả ăn làm náo động cả một vùng
 
Last edited by a moderator:
F

florahanki

DANH LAM THẮNG CẢNH
Nằm giữa vùng biển xanh biếc ,dc tao hoá ban cho nhiuề ân ái, là tinh hoa hội tụ của đất trời.Chẳng fải xa lạ đây là vùng đất VHL
-Vị TRÍ VHL
-truyền thuyết về đàn rồng hạ thế.
-nêu các cảnh đẹp cua VHL.
nGUỒN LỢI Hạ Long đem đến.
-tình trạng hiện tại của VHL (bị du khánh lam bẩn,ô nhiễm vv)
-Nêu ra biện pháp giải quyết các vân đề hiện nay.
Kb:"
Cảm nghi về VHL va lien he ban than can lam ji de bao ve Hạ Long.
 
H

hong_tai

rất hay! nhưng cần nhiều bài văn hay hơn nữa để các bạn xung quanh ta có thể biết nhiều hơn
 
S

secret30898

Văn Miếu – Quốc Tử Giám là quần thể di tích đa dạng và phong phú hàng đầu của thành phố Hà Nội, nằm ở phía nam kinh thành Thăng Long thời nhà Lý. Là tổ hợp gồm hai di tích chính: Văn Miếu thờ Khổng Tử, các bậc hiền triết của Nho giáo và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An, người thầy tiêu biểu đạo cao, đức trọng của nền giáo dục Việt Nam; và Quốc Tử Giám trường Quốc học cao cấp đầu tiên của Việt Nam, với hơn 700 năm hoạt động đã đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước. Ngày nay, Văn Miếu-Quốc Tử Giám là nơi tham quan của du khách trong và ngoài nước đồng thời cũng nơi khen tặng cho học sinh xuất sắc và nơi tổ chức hội thơ hàng năm vào ngày rằm tháng giêng. Đặc biệt, đây còn là nơi các sĩ tử ngày nay đến "cầu may" trước mỗi kỳ thi.

lịch sử:

Văn Miếu được xây dựng từ "tháng 8 năm Canh Tuất (1070) tức năm Thần Vũ thứ hai đời Lý Thánh Tông, đắp tượng Chu Công, Khổng Tử và Tứ phối vẽ tranh tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến đấy học.".


Bia tiến sĩ khoa thi nho học năm Nhâm Tuất (1442)Năm 1076, Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử giám, có thể coi đây là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam. Ban đầu, trường chỉ dành riêng cho con vua và con các bậc đại quyền quý (nên gọi tên là Quốc Tử). Năm 1156, Lý Anh Tông cho sửa lại Văn Miếu và chỉ thờ Khổng Tử.

Từ năm 1253, vua Trần Thái Tông cho mở rộng Quốc Tử giám và thu nhận cả con cái các nhà thường dân có sức học xuất sắc.

Đời Trần Minh Tông, Chu Văn An được cử làm quan Quốc Tử giám Tư nghiệp (hiệu trưởng) và thầy dạy trực tiếp của các hoàng tử. Năm 1370 ông mất, được vua Trần Nghệ Tông cho thờ ở Văn Miếu bên cạnh Khổng Tử.

Sang thời Hậu Lê, Nho giáo rất thịnh hành. Vào năm 1484, Lê Thánh Tông cho dựng bia tiến sĩ của những người thi đỗ tiến sĩ từ khóa thi 1442 trở đi.

Năm 1762, Lê Hiển Tông cho sửa lại là Quốc Tử Giám - cơ sở đào tạo và giáo dục cao cấp của triều đình. Năm 1785 đổi thành nhà Thái học.

Đời nhà Nguyễn, Quốc Tử giám lập tại Huế. Năm 1802, vua Gia Long ấn định đây là Văn Miếu - Hà Nội và cho xây thêm Khuê Văn Các. Trường Giám cũ ở phía sau Văn Miếu lấy làm nhà Khải thánh để thờ cha mẹ Khổng Tử. Đầu năm 1947, giặc Pháp nã đạn đại bác làm đổ sập căn nhà, chỉ còn cái nền với hai cột đá và 4 nghiên đá. Ngày nay, ngôi nhà này đã được phục dựng theo kiến trúc cùng thời với quần thể các công trình còn lại.

Năm 1762, Lê Hiển Tông cho sửa lại là Quốc Tử Giám - cơ sở đào tạo và giáo dục cao cấp của triều đình. Năm 1785 đổi thành nhà Thái học.

Đời nhà Nguyễn, Quốc Tử giám lập tại Huế. Năm 1802, vua Gia Long ấn định đây là Văn Miếu - Hà Nội và cho xây thêm Khuê Văn Các. Trường Giám cũ ở phía sau Văn Miếu lấy làm nhà Khải thánh để thờ cha mẹ Khổng Tử. Đầu năm 1947, giặc Pháp nã đạn đại bác làm đổ sập căn nhà, chỉ còn cái nền với hai cột đá và 4 nghiên đá. Ngày nay, ngôi nhà này đã được phục dựng theo kiến trúc cùng thời với quần thể các công trình còn lại

Kiến trúc:

Quần thể kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám được bố cục đăng đối từng khu, từng lớp theo trục Bắc Nam, mô phỏng tổng thể quy hoạch khu Văn Miếu thờ Khổng Tử ở quê hương ông tại Khúc Phụ, Sơn Đông, Trung Quốc. Tuy nhiên, quy mô ở đây đơn giản hơn, kiến trúc đơn giản hơn và theo phương thức truyền thống nghệ thuật dân tộc.

Phía trước Văn Miếu có một hồ lớn gọi là hồ Văn Chương, tên cũ xưa gọi là Thái Hồ. Giữa hồ có gò Kim Châu, trước đây có lầu để ngắm cảnh.

Ngoài cổng chính có tứ trụ, hai bên tả hữu có bia "Hạ Mã", xung quanh khu vực xây tường cao bao quanh. Cổng Văn Miếu xây kiểu Tam quan, trên có 3 chữ "Văn Miếu Môn" kiểu chữ Hán cổ xưa.

Trong Văn miếu chia làm 5 khu vực rõ rệt, mỗi khu vực đều có tường ngăn cách và cổng đi lại liên hệ với nhau :

Khu thứ nhất: bắt đầu với cổng chính Văn Miếu Môn đi đến cổng Đại Trung Môn, hai bên có cửa nhỏ là Thành Đức Môn và Đạt Tài Môn.
Khu thứ hai: từ Đại Trung Môn vào đến khuê Văn Các (do Đức Tiền Quân Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành cho xây năm 1805). Khuê Văn Các là công trình kiến trúc tuy không đồ sộ song tỷ lệ hài hòa và đẹp mắt. Kiến trúc gồm 4 trụ gạch vuông (85 cm x 85 cm) bên dưới đỡ tầng gác phía trên, có những kết cấu gỗ rất đẹp. Tầng trên có 4 cửa hình tròn, hàng lan can con tiện và con sơn đỡ mái bằng gỗ đơn giản, mộc mạc. Mái ngói chồng hai lớp tạo thành công trình 8 mái, gờ mái và mặt mái phẳng. Gác là một lầu vuông tám mái, bốn bên tường gác là cửa sổ tròn hình mặt trời toả tia sáng. Hình tượng Khuê Văn Các mang tất cả những tinh tú cua bầu trời toả xuống trái đất và trái đất nơi đây được tượng trưng hình vuông của giếng Thiên Quang. Công trình mang vẻ đẹp sao Khuê, ngôi sao sáng tượng trưng cho văn học. Đây là nơi thường được dùng làm nơi thưởng thức các sáng tác văn thơ từ cổ xưa tới nay. Hai bên phải trái Khuê Văn Các là Bi Văn Môn và Súc Văn Môn dẫn vào hai khu nhà bia Tiến sỹ.
Khu thứ ba: gồm hồ nước Thiên Quang Tỉnh (nghĩa là giếng soi ánh mặt trời), có hình vuông. Hai bên hồ là 2 khu nhà bia tiến sĩ. Mỗi tấm bia được làm bằng đá, khắc tên các vị thi đỗ Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp, Tiến sĩ. Bia đặt trên lưng một con rùa. Hiện còn 82 tấm bia tiến sĩ về các khoa thi từ năm 1442 đến năm 1779, chia đều cho hai khu tả và hữu. Trong đó, 12 bia đầu tiên (cho các khoa thi những năm 1442-1514) được dựng vào thời Lê sơ, 2 bia (cho các khoa 1518, 1529) được dựng vào triều nhà Mạc, còn 68 bia cuối cùng (các khoa thi những năm 1554-1779) được dựng vào thời Lê trung hưng. Mỗi khu nhà bia gồm có 1 Bi đình nằm ở chính giữa và 4 nhà bia (mỗi nhà 10 bia) xếp thành hai hàng, nằm hai bên Bi đình. Bi đình khu bên trái Thiên Quang Tỉnh chứa bia tiến sĩ năm 1442, còn Bi đình khu bên phải chứa bia tiến sĩ năm 1448.
Khu thứ tư: là khu trung tâm và là kiến trúc chủ yếu của Văn Miếu, gồm hai công trình lớn bố cục song song và nối tiếp nhau. Toà ngoài nhà là Bái đường, toà trong là Thượng cung.
Khu thứ năm: là khu Thái Học, trước kia đã có một thời kỳ đây là khu đền Khải thánh, thờ bố mẹ Khổng Tử, nhưng đã bị phá hủy. Khu nhà Thái Học mới được xây dựng lại năm 2000.
Trong Văn Miếu có tượng Khổng Tử và Tứ phối (Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử). Ở điện thờ Khổng Tử có hai cặp hạc cưỡi trên lưng rùa. Đây là hình tượng rất đặc trưng tại các đền, chùa, lăng tẩm, miếu mạo ở Việt nam. Hình ảnh hạc chầu trên lưng rùa trong nhiều ngôi chùa, miếu..., hạc đứng trên lưng rùa biểu hiện của sự hài hòa giữa trời và đất, giữa hai thái cực âm - dương. Hạc là con vật tượng trưng cho sự tinh tuý và thanh cao. Theo truyền thuyết rùa và hạc là đôi bạn rất thân nhau. Rùa tượng trưng cho con vật sống dưới nước, biết bò, hạc tượng trưng cho con vật sống trên cạn, biết bay. Khi trời làm mưa lũ, ngập úng cả một vùng rộng lớn, hạc không thể sống dưới nước nên rùa đã giúp hạc vượt vùng nước ngập úng đến nơi khô ráo. Ngược lại, khi trời hạn hán, rùa đã được hạc giúp đưa đến vùng có nước. Điều này nói lên lòng chung thuỷ và sự tương trợ giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn giữa những người bạn tốt.

Ngày nay, Khuê Văn Các ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã được công nhận là biểu tượng của thành phố Hà Nội
 
L

lethiant9

vịnh hạ long

Vịnh Hạ Long nằm ở vùng Đông Bắc Việt Nam, là một phần bờ tây vịnh Bắc Bộ, bao gồm vùng biển của thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Đồn. Phía tây nam vịnh giáp đảo Cát Bà, phía tây giáp đất liền với đường bờ biển dài 120 km, được giới hạn trong các tọa độ từ 1060 58’ - 1070 22’ kinh độ Đông và 200 45’ - 200 50’ vĩ độ bắc, với tổng diện tích 1553 km2 gồm 1969 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 989 đảo có tên và 980 đảo chưa có tên.
Đảo ở Hạ Long có hai dạng là đảo đá vôi và đảo phiến thạch, tập trung ở hai vùng chính là vùng phía đông nam vịnh Bái Tử Long và vùng phía tây nam vịnh Hạ Long. Đây là hình ảnh cổ xưa nhất của địa hình có tuổi kiến tạo địa chất từ 250 - 280 triệu năm, là kết quả của quá trình vận động nâng lên, hạ xuống nhiều lần từ lục địa thành trũng biển. Quá trình Caxto bào mòn, phong hoá gần như hoàn toàn tạo ra một Hạ Long độc nhất vô nhị trên thế giới. Trong một diện tích không lớn, hàng ngàn đảo đá với muôn hình, dáng vẻ khác nhau như những viên ngọc bích long lanh được đính lên chiếc khăn voan xanh biếc của nàng thiếu nữ. Vùng tập trung dày đặc các đảo đá có phong cảnh ngoạn mục và nhiều hang động đẹp nổi tiếng là vùng trung tâm Di sản Thiên nhiên vịnh Hạ Long, bao gồm vịnh Hạ Long và một phần vịnh Bái Tử Long.

Vùng Di sản được Thế giới công nhận có diện tích 434 km2 bao gồm 775 đảo, như một hình tam giác với ba đỉnh là đảo Đầu Gỗ (phía tây), hồ Ba Hầm (phía nam) và đảo Cống Tây (phía đông). Vùng kế bên là khu vực đệm và di tích danh thắng quốc gia được bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng năm 1962.
Từ trên cao nhìn xuống, vịnh Hạ Long như một bức tranh thuỷ mặc khổng lồ vô cùng sống động. Đó là những tác phẩm tạo hình tuyệt mỹ, tài hoa của tạo hoá, của thiên nhiên biến hàng ngàn đảo đá vô tri tĩnh lặng kia trở nên những tác phẩm điêu khắc, hội họa hoàn mỹ với muôn hình dáng vẻ yêu kiều, vừa rất quen thuộc vừa như xa lạ với con người. Hàng ngàn đảo đá nhấp nhô trên sóng nước lung linh huyền ảo, vừa khoẻ khoắn hoành tráng nhưng cũng rất mềm mại duyên dáng, sống động. Đi giữa Hạ Long với muôn ngàn đảo đá, ta ngỡ như lạc vào một thế giới cổ tích bị hoá đá nơi đây. Đảo thì giống hình ai đó đang hướng về đất liền - hòn Đầu Người; đảo thì giống như một con rồng đang bay lượn trên mặt nước - Hòn Rồng; đảo thì lại giống như một ông lão đang ngồi câu cá - hòn Lã Vọng; và kia hai cánh buồm nâu lực lưỡng đang rẽ sóng nước ra khơi - hòn Cánh Buồm; rồi hai con gà đang âu yếm vờn nhau trên sóng nước - hòn Trống Mái; đứng giữa biển nước bao la một lư hương khổng lồ như một vật cúng tế trời đất - hòn Lư Hương... Tất cả đều rất thực, thực đến kinh ngạc. Những đảo đá diệu kỳ ấy biến hoá khôn lường theo thời gian và góc nhìn. Tới đây ta mới nhận ra tất cả chúng không phải là những hòn đảo vô tri tĩnh lặng mà như có hồn và đều sống động.
Tiềm ẩn trong lòng các đảo đá ấy là những hang động tuyệt đẹp như động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, động Sửng Sốt, hang Trinh Nữ, động Tam Cung... Đó thực sự là những lâu đài của tạo hoá giữa chốn trần gian. Từ xưa, Hạ Long đã được đại thi hào dân tộc Nguyễn Trãi mệnh danh là “kỳ quan đất dựng giữa trời cao”. Bao tao nhân mặc khách từ khắp năm châu khi đặt chân đến đây đều cảm thấy bàng hoàng trước vẻ đẹp kỳ vĩ của Hạ Long, dường như họ đều cảm thấy lúng túng và bất lực bởi vốn từ hiện có vẫn chưa đủ để mô tả vẻ đẹp của Hạ Long.
Vịnh Hạ Long cũng là nơi gắn liền với những trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc Việt Nam với những địa danh nổi tiếng như Vân Đồn - nơi có thương cảng cổ sầm uất vào thế kỷ thứ 12; có núi Bài Thơ lịch sử; cách đó không xa dòng sông Bạch Đằng - là chứng tích của hai trận thuỷ chiến lẫy lừng của các thế hệ ông cha chống giặc ngoại xâm. Không chỉ có vậy, Hạ Long còn là một trong những cái nôi của con người với nền Văn hoá Hạ Long huy hoàng thời Hậu kỳ đồ đá mới tại những địa danh khảo cổ học nổi tiếng như Đồng Mang, Xích Thổ, Soi Nhụ, Thoi Giếng...
Hạ Long cũng là nơi tập trung đa dạng sinh học cao với những hệ sinh thái điển hình như hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái tùng áng, hệ sinh thái rừng cây nhiệt đới... Với hàng ngàn loài động thực vật vô cùng phong phú, đa dạng như tôm, cá, mực... Có những loài đặc biệt quý hiếm chỉ có ở nơi đây.
Với những giá trị đặc biệt như vậy, ngày 17/12/1994, trong phiên họp lần thứ 18 của Hội đồng Di sản Thế giới thuộc UNESCO tổ chức tại Thái Lan, vịnh Hạ Long chính thức được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới. Năm 2000, vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận lần thứ hai Di Sản thế giới bởi giá trị địa chất, địa mạo. Điều đó đã khẳng định giá trị ngoại hạng mang tính toàn cầu của vịnh Hạ Long
 
Top Bottom