Trong nền thơ Việt Nam hiện đại, thơ Tế Hanh thể hiện là một giọng điệu dung dị, khiêm nhường, không rực rỡ, tân kỳ, không bất ngờ, ào ạt. Thơ ông cũng như con người ông, nhỏ nhẹ và mực thước, vừa đủ để tạo nên dấu ấn riêng. Nói cách khác, thơ ông như dòng sông quê hương bình dị, trôi chảy êm đềm mà đậm chất trữ tình, ân nghĩa. Ở thời kỳ nào, giai đoạn nào ông cũng có những bài thơ hay, được giới phê bình và người đời nhắc nhớ, ghi nhận. Vượt lên số bài thường thường bậc trung, thi sĩ Tế Hanh để đời bằng những tứ thơ đằm thắm tình người, tình đời, man mác những nhớ thương, yêu thương, ước nguyện. Không chỉ thành công ở vị thế nhà thơ - người sáng tác, Tế Hanh còn được biết đến trên tư cách dịch giả và nhà phê bình, người giới thiệu nhiệt tình các giá trị thi ca (đặc biệt từ nguồn thơ Pháp ngữ) đến với nền thơ Việt hiện đại.
Nhà thơ Tế Hanh,tên đầy đủlà Trần Tế Hanh;sinh ngày 20 tháng 6 năm 1921 (Sách Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hoài Chân ghi ngày sinh theo âm lịch: 15 tháng 5 năm Tân Dậu), mất ngày 16tháng 7năm 2009; quê ở vạnchàiĐông Yên(nay thuộcxãBình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi); chính quán cách một con sông, ở làng Giao Thủy (thuộc xã Bình Thới, cùng huyện Bình Sơn). Cha ông là Trần Tất Tố, theo nghề dạy học và bốc thuốc. Ông có bốn anh em, trong đó người em út là nhạc sĩ Trần Thế Bảo. Thuở nhỏ Tế Hanh học trường làng, trường huyện,sau ra học tại trường Quốc học Huế. Ông sáng tác thơ từ sớm và tham gia phong trào Thơ mới với tập Nghẹn ngào (1939), nhận giải khuyến khích của Tự lực văn đoàn. Tham gia Việt Minh từ tháng 8 năm 1945, trải qua các công tác văn hoá, giáo dục ở Huế, Đà Nẵng, là Ủy viên giáo dục trong Ủy ban lâm thời thành phố Đà Nẵng. Năm 1947, làm việc trong Ban phụ trách Trường trung học bình dân Trung Bộ. Năm 1948, tham giaBan phụ trách Liên đoàn văn hoá kháng chiến Nam Trung Bộvàlà Ủy viên thường vụ Chi hội Văn nghệ Liên khu V, được nhận Giải thưởng Phạm Văn Đồng do Chi hội Văn nghệ Liên khu V tặngcho tập thơ Nhân dân một lòng (1953). Năm 1957, khi thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, ông tham giaỦy viên thường vụHội khoá I, II; Ủy viên thường vụ Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (1963), tham gia Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam nhiều khóa, giữ các chức vụ: Trưởng ban đối ngoại (1968), Chủ tịch Hội đồng dịch thuật (1983), Chủ tịch Hội đồng thơ (1986)…Bên cạnh hoạt động sáng tác, Tế Hanh còn dịch nhiều tác phẩm của các nhà thơ lớn trên thế giới, viết giới thiệu, phê bình văn học. Với những đóng góp xuất sắc của mình cho nền thơ cách mạng, ông được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật đợt I (1996)…
Đóng góp về văn học của Tế Hanh được chia thành hai giai đoạn lớn: trước và sau Cách mạng tháng Tám 1945.
Vào giai đoạn trước Cách mạng, thành tựu thơ Tế Hanh chủ yếu gắn với phong trào Thơ mới. Ông sáng tác từ sớm, đặc biệt từ khi ra học trường Quốc học Huế. Tại đây ông quen biết Huy Cận và nhập cuộc với Thơ mới. Những bài thơ sáng tác ở thời kỳ này tập hợp lại trong tập Nghẹn ngào, được nhận giải khuyến khích của Tự lực văn đoàn năm 1939; sách Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hoài Chân ghi “đã được giải khuyến khích” (Từ điển văn học, Bộ mới (2004) ghi “giải chính thức”, “được Giải khen tặng”); sau ông bổ sung thêm và lấy tên Hoa niên (NXB Đời nay, H., 1945; nhiều tài liệu ghi năm xuất bản 1944 nhưng sự thực bản thảo đưa in cuối năm 1944, in xong và phát hành đầu năm 1945)… Đương thời thơ Tế Hanh đã được nhà thơ Thế Lữ, nhà văn Nhất Linh, nhà phê bình Hoài Thanh – Hoài Chân… cùng quan tâm tìm hiểu, phân tích, đánh giá cao.
Trong mục Tin thơ trên báo Ngày nay (số 121, ra ngày 31-7-1938), nhà thơ Thế Lữ viết lời đề từ nêu rõ quan niệm về việc điểm tin thơ, đọc thơ, luận bình những bài lai cảo, từ đó cảm nhận và đi sâu dẫn giải đặc điểm thơ Tế Hanh:
“Cũng đáng yêu, những câu thơ sau này, tả cái buồn buổi chiều của Tế Hanh, một bạn làm thơ không nản chí. Ông Tế Hanh trước có gửi thơ nhưng tôi không nói đến vì tôi còn đợi ở ông những bài có ý vị hơn bài Chiều là dấu vết một sự tấn tới đáng mừng
Nhưng cũng như ông Huy Tiến, ông Tế Hanh vẫn chưa chịu kén chọn lời thơ. Hai câu tôi đánh dấu trên kia, ý còn hồ đồ vì những lời còn ngượng. Ở bài Chiều cũng như bài Ý xuân, trong đó tôi thấy ông chịu ảnh hưởng rõ ràng của Xuân Diệu, và cũng như ở bài
Sau khi tập Nghẹn ngào được nhận giải khuyến khích của tổ chức Tự lực văn đoàn, nhà văn Nhất Linh - người đứng đầu văn đoàn - đã viết bài Nghẹn ngào của Tế Hanh in trên báo Ngày nay (số 209, ra ngày 25-5-1940), trong đó trân trọng giới thiệu gương mặt nhà thơ trẻ 19 tuổi với ba năm tuổi nghề:
“Nghẹn ngàolà thơ của một người có tấm lòng giàu, dễ rung động trước muôn nghìn cảnh, hoặc tầm thường hoặc éo le ở đời. Tập Nghẹn ngào gom góp lại tất cả những rung động phức tạp của một đời thiếu niên và không có một chủ ý gì về sự liên lạc của toàn thể như Bức tranh quê.
“Tôi thấy Tế Hanh là một người tinh lắm. Tế Hanh đã ghi được đôi nét rất thần tình về cảnh sinh hoạt chốn quê hương. Người nghe thấy cả những điều không hình sắc, không thanh âm như “mảnh hồn làng” trên “cánh buồm giương”, như tiếng hát của hương đồng quyến rũ con đường quê nho nhỏ. Thơ Tế Hanh đưa ta vào một thế giới rất gần gũi thường ta chỉ thấy một cách mờ mờ, cái thế giới những tình cảm ta đã âm thầm trao cho cảnh vật: sự mỏi mệt say sưa của con thuyền lúc trở về bến, nỗi khổ đau chất chứa trên toa tàu nặng trĩu, những vui buồn sầu tủi của một con đường. Tế Hanh luôn nói đến những con đường. Cũng phải. Trên những con đường ngưng lại biết bao nhiêu bâng khuâng hồi hộp!
Nhưng Tế Hanh sở dĩ nhìn đời một cách sâu sắc như thế là vì người sẵn có một tâm hồn tha thiết. Hôm đầu tôi gặp người thiếu niên ấy, người rụt rè ngượng nghịu như một chàng rể mới. Nhưng tôi vẫn nhớ đôi mắt. Đôi mắt nồng nàn lạ. Tôi nghĩ ở một người như thế những điều cảm xúc, những nỗi đau xót sẽ quá mực thường và có khi khác thường.
Chúng ta sẽ ngạc nhiên và băn khoăn không biết ở những chỗ sâu kín trong lòng ta có gì giống như thế không. Dầu sao, sự thành thực của thi nhân không thể ngờ được.
Nhưng tôi chưa muốn nói nhiều về Tế Hanh. Tế Hanh còn trẻ lắm và cũng mới bước vào làng thơ, chưa có thể biết rõ những con đường người sẽ đi”…
Thơ hay không đợi tuổi. Tế Hanh thuộc số những nhà thơ trẻ nhất trong số các nhà thơ trẻ thời Thơ mới. Người đương thời đã trìu mến đón nhận ông, cảm nhận đầy đủ vẻ đẹp một giọng thơ dịu nhẹ, chân thực và thẳng thắn chỉ ra cả những câu chữ, lời thơ chưa thật trau chuốt, qua đó kỳ vọng một sự bứt phá, hoàn thiện. Từ bản thảo Nghẹn ngào đến Hoa niên, quả là Tế Hanh đã cố gắng tự vượt lên chính mình, phần nào đáp ứng sự kỳ vọng của đồng nghiệp và đưa tập thơ đến với đông đảo công chúng bạn đọc.
Vào giai đoạn sau tháng Tám 1945, sự nghiệp văn học của Tế Hanh rộng mở với cả sáng tác, dịch thuật và viết phê bình.
Như phần đông các tác gia Thơ mới khác, Tế Hanh vất vả chuyển mình theo nền văn học cách mạng công nông binh, sáng tác theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa. Trong tập thơ Hoa mùa thi (mùa thi đây là thi đua, 1949) có bài Đi (được viết vào năm 1947-1948) phản ánh rõ thái độ nhận đường và ý thức dứt bỏ một cái “tôi” xưa cũ:
Chuyển mình bằng tập thơ Nhân dân một lòng (Giải thưởng Phạm Văn Đồng, 1953; Chi hội Văn nghệ Liên khu Năm in tháng 5-1954), Tế Hanh thực sự nhập cuộc với nền văn học mới qua các tập thơ Lòng miền Nam(1955), Gửi miền Bắc (1958), Tiếng sóng (1960), Bài thơ tháng bảy (1962), Hai nửa yêu thương(1963), Khúc ca mới(1966), Đi suốt bài ca(1970), Câu chuyện quê hương(1973), Theo nhịp tháng ngày(1974), Giữa những ngày xuân (1977), Con đường và dòng sông(1980), Bài ca sự sống(1985), Giữa anh và em(1992), Vườn xưa(1992), Em chờ anh(1994)và các tập thơ viết cho thiếu nhi như Chuyện em bé cười ra đồng tiền(1961), Những tấm bản đồ(1965), Thơ viết cho con (1974), Tiếng sáo, tiếng đàn, tiếng hát (1983); sau này được chọn in trong các tập Tuyển tập Tế Hanh, hai tập(1987, 1997)và Thơ Tế Hanh1938-1988 (1989)… Có thể khẳng định thơ Tế Hanh sau 1945 cơ bản thuộc về nền thơ xã hội chủ nghĩa, gắn bó với giai đoạn văn học chống Mỹ cứu nước và tiếng nói chân thành ngợi ca chế độ mới, con người mới, cuộc sống mới. Ông không nhằm đến và cũng không kịp nhập cuộc với nền văn học thời đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo (1986). Tuy nhiên, trên chặng đường thơ từ khi đi theo Đảng, theo cách mạng cho đến cuối đời, Tế Hanh vẫn có được nhiều tứ thơ trữ tình sâu lắng, phản ánh rõ một tâm hồn nhiều suy tư, nhân ái, nhiều cảm thông, ân nghĩa.
Gắn bó với dòng sông quê, bài thơ Nhớ con sông quê hương của Tế Hanh thực sự là đỉnh cao của tiếng thơ yêu nước và khát vọng thống nhất đất nước.
Đến đây cũng cần ghi nhận những đóng góp quan trọng của Tế Hanh trong hoạt động phê bình, nhận diện nền văn học hiện đại, đặc biệt nền thơ thế kỷ XX. Trên thực tế, phải đến thời kỳ sau 1954 Tế Hanh mới bắt tay vào viết phê bình. Sau khoảng nửa thập kỷ, ông đã có tập tiểu luận, phê bình Thơ và cuộc sống mới (1961) gồm tròn 10 mục bài, trong đó nhấn mạnh ý nghĩa thời đại của nền thơ cách mạng và trân trọng giới thiệu tiếng thơ của Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Diệu. Trong các thời kỳ sau này, ông còn nhiều lần nhắc nhớ, luận bình và ghi lại kỷ niệm về các nhà văn Đặng Thai Mai, Khương Hữu Dụng, Trần Mai Ninh, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, Quách Tấn, Hoài Thanh, Thanh Tịnh, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Bàn Tài Đoàn, Sóng Hồng, Thanh Hải, Nam Trân, Vân Đài, Ý Nhi, Vương Linh, Nguyễn Viết Lãm, Nguyễn Khoa Điềm… Tiếc rằng những trang viết giàu chất văn học sử và kinh nghiệm sáng tác này lại không được nhà thơ lưu tâm tập hợp, in thành sách ngay khi còn tại thế.
Như đã nói trên, bên cạnh niềm say mê dịch thơ, Tế Hanh còn có nhiều mục bài giới thiệu, phác thảo chân dung cuộc đời và sự nghiệp của nhiều nhà thơ nổi tiếng thế giới trên các trang báo uy tín như Văn nghệ, Tác phẩm mới, Tạp chí Văn học, Văn học nước ngoài… Có thể ghi nhận nhiều bài giới thiệu về nền thơ lãng mạn Pháp, thơ Công xã Paris, thơ “Những nhà thơ da đen”, thơ Campuchia, thơ thế giới viết về Việt Nam hay các trang viết về từng nhà thơ cụ thể như A. Pushkin, X.A. Êxênin, A. Blôk, H. Hainơ, P. Êluya, A. Józsep, A. Vôznêxenxky, L. Aragon, M.G.N. Migjeni, S. Aiđich,… đã thực sự là những tiểu luận nghiên cứu chuyên sâu, giúp người đọc mở ra những ô cửa liên thông với nền thơ thế giới.
Nguồn: Văn hóa Nghệ An