Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê Đại Hoàng, phủ Lí Nhân, tỉnh Hà Nam. Năm 1943, khi tôi 14 tuổi, làng lâm vào cảnh thiên tai, mất mùa, đói kém xảy ra... Những ngày ảm đảm ấy, tôi thường sang nhà ông Giáo hàng xóm chơi. Bạn già của ông Giáo là lão Hạc. Đó là một lão nông dân nghèo, goá vợ, con trai đã đi làm phu đồn điền cao su. Lão sống kham khổ với một con chó Vàng bầu bạn... Một buổi vô tình được chứng kiến cảnh lão Hạc kể chuyện bán chó với ông Giáo cứ mãi còn ám ảnh trong lòng tôi...
...Hôm ấy là một ngày bão rớt. Cơn bão thật sự đã qua nhưng hậu quả rất nặng nề. Gió lạnh vẫn còn rít qua làng... Tôi co ro trong tấm áo mỏng. Tấm áo dù được mẹ tôi vá rất khéo vẫn không giấu nổi sự chằng khíu. Như lệ thường, tôi chui rào vào vườn nhà ông Giáo rồi hối hả chạy lên thềm. Đến cửa, tôi đứng lại. Ông Giáo đang có khách. Đó là lão Hạc. Tôi vốn không lạ gì với ông lão thuần phác này. Nhưng hôm nay hình như có điều gì khang khác... Tôi nép bên ngoài cửa lắng nghe... Thật ra, nhà nghèo phên nứa trống huơ trống hoác, nhưng vì mải nói chuyện nên họ không thấy tôi... Lão Hạc cười như mếu, nói to với ông Giáo:
"Cậu Vàng đi đời rồi, ông Giáo ạ!... Bán rồi! Họ vừa bắt xong..."
À, thì ra họ đang nói về con chó của lão Hạc! Cái con chó Vàng ấy thì tôi cũng biết. Con chó ấy khá đẹp. Mỗi khi sang lão Hạc chơi tôi thường tắc lưỡi với nó... Đó là con chó mà con trai lão để lại trước khi đi làm đồn điền cao su tận trong Nam. Lão gọi nó là "cậu Vàng", cho nó ăn cơm trong một cái bát, đem nó ra ao tắm, nói chuyện với nó như nói với trẻ con... Tóm lại, lão yêu nó lắm. Sao lão lại bán nó? To6i đưa mắt quan sát chợt giật mình. Đôi mắt lão Hạc ầng ậng nước... Tiếng ông Giáo hỏi nhỏ:
"Thế nó cho bắt à?"
Câu hỏi làm mặt lão Hạc đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc... Vừa khóc, lão vừa kể lão đã lừa con chó như thế nào. Lão đã gọi nó về ăn cơm. Nó đang ăn thì hai người mua chó tóm cẳng và trói chặt... Gương mặt lão Hạc đầm đìa nước mắt. Ông Giáo cúi mặt lắng nghe,dáng vẻ rất ngậm ngùi... Sự việc diễn ra trước mắt làm tôi ngạc nhiên. Sau ngạc nhiên thì tôi nghe mắt mình ươn ướt. Thì ra tôi đang khóc theo lão Hạc! Trong tâm trí tôi cho đến tận bây giờ vẫn còn nỗi niềm xúc động khi hình dung lại cái cảnh ông già nghèo khổ, ốm yếu hom hem ngồi khóc vì trót lừa bán chó năm xưa...
... Lão Hạc khóc vơi thì hai người đàn ông trong nhà quay ra nói chuyện đời cho nguôi ngoai nỗi buồn. Trong câu chuyện tiếp theo của họ tôi nghe được hai việc quan trọng. Một là lão Hạc nhờ ông Giáo giữ hộ con trai mảnh vướn. Hai là lão gởi ông Giáo ba mươi đồng (kẻ cả 5 đồng bạc vừa bán chó) để phòng lo hậu sự nếu chẳng may lão chết, con cái ở xa mà để phiền hàng xóm thì chết không nhắm mắt...
...Rồi họ còn nói nhiều chuyện loanh quanh nữa nhưng trí óc non nớt lúc bấy giờ của tôi đã mỏi. Không quan sát chủ khách trong nhà nữa, tôi đưa mắt nhìn ra xa xa. Trong gió bấc, căn nhà xiêu vẹo của lão Hạc như đang rung lên từng đợt. Điều đó và những giọt nước mắt tuôn trào của lão lúc nói chuyện bán chó khiến tôi cảm thấy buồn quá đỗi... Tại sao một ông lão nhân hậu như lão Hạc lại khốn khổ như vậy...? Ngày hôm ấy và cả mấy ngày sau đó nữa tôi không đi đâu chơi cứ quanh quẩn ở nhà lão Hạc, nhà ông Giáo... Dự cảm non nớt của tôi bỗng dậy lên nỗi lo lắng mơ hồ về một điều gì thật khủng khiếp sắp xảy ra...
...Bao nhiêu năm trôi qua, giờ tôi đã là một cụ già. Người ta nói người già hay hồi tưởng. Thật đúng như vậy! Thỉnh thoảng, quá khứ nghèo khó, cơ cực lại hiện lên trong tôi một cách rõ nét qua cảnh tượng lão Hạc ngồi nói chuyện với ông Giáo trong căn nhà tồi tàn giữa một ngày bão rớt... Lão Hạc, ông Giáo... đã không còn và tôi rồi sẽ cũng nằm xuống lòng đất mẹ... Tuy nhiên, khác họ, lòng tôi tràn nag65p niềm vui. Giớ đây, tôi rất tin vào tương lai tươi sáng, hạnh phúc của lớp con cháu tôi hôm nay...