Tục ngữ Việt Nam giàu có, óng ánh sắc màu trí tuệ. Nó đúc kết bao kinh nghiệm quý báu trong dân gian. Là bài học nhân sinh, cách ứng xử, nó dạy khôn, dạy khéo để làm người. Chỉ nói về biết ơn mà nhân dân ta có biết bao câu tục ngữ mang tính giáo dục sâu sắc, tiêu biểu là câu "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Quả thật đây là một bài học giáo dục rất hay của người xưa, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ hiện nay. Quả là cái thơm ngon nhất của cây, được kết tinh qua thời gian. Khi ăn những trái cây chín mọng với hương vị ngọt ngào, thơm ngon, ta phải nhớ đến công lao vun xới, chăm bón của người đã trồng nên cây ấy. Ăn quả” là hình ảnh nói về những người hưởng thành quả, còn “trồng cây” là hình ảnh nói về những người làm ra thành quả cho người hưởng thụ. Từ hình ảnh ấy, người xưa luôn nhắc nhở chúng ta về một vấn đề đạo đức sâu xa hơn : Người được hưởng thành quả lao động phải biết ơn người đã tạo ra nó. Hay nói cách khác : Ta phải biết ơn những người mang lại cho ta cuộc sống đầy đủ, ấm no như ngày hôm nay.
Vậy thì tại sao ta phải biết ơn? Bởi vì biết ơn là một đức tính mà mỗi con người Việt Nam cần phải có. Tất cả những thành quả lao động mà ta đang hưởng thụ bây giờ không phải tự nhiên mà có được. Những thành quả đó là mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của biết bao lớp người đã đổ xuống để tạo nên. Trong lao động sản xuất, tấm áo ta mặc, bát cơm ta ăn, ngôi nhà ta ở, đâu phải trên trời rơi xuống. Đều là do sức lao động cần cù, miệt mài, “một nắng hai sương” của những người thợ, những bác nông dân,…cả thôi. Và còn rất nhiều nữa những thành tựu văn hóa – nghệ thuật, những di sản của dân tộc để lại cho đời sau hôm nay là do công sức, khối óc và bàn tay tinh nhuệ của những nghệ nhân, của ông bà ta lao động, làm nên nhằm phục vụ cho đời sống con người…Chúng ta là lớp người đi sau, thừa hưởng nó, lẽ nào lại lãng quên một cách vô tâm? Trong xã hội có rất nhiều người có lòng biết ơn thật đáng quý. Dòng thời gian lặng lẽ trôi, cuộc sống con người ngày càng bộn bề, khiến cho biết bao nhiêu con người đã dần quên đi cội nguồn của mình, dần đánh mất truyền thống biết ơn quý báu của dân tộc. Hay là những người chỉ biết nhận sự giúp đỡ của người khác rồi lại quên ngay, họ chính là kẻ vô ơn. Những kẻ vô ơn đó sẽ chẳng có bạn bè và sẽ bị xã hội đào thải, chê cười mà thôi. Vì vậy, ta không thể nào được quên những hi sinh to lớn và cao cả ấy. Có lòng biết ơn sẽ giúp chúng ta sống ân nghĩa, thủy chung và tròn đạo lí làm người. Đó cũng là bổn phận, nhiệm vụ của chúng ta đối với đời. Như câu nói: “Uống nước nhớ nguồn”.
Lòng biết ơn không chỉ là lời nói suông mà nó còn được thể hiện bằng những hành động thiết thực trong cuộc sống.
Dải đất hình chữ S hòa bình ngày nay được hình thành là nhờ có công dựng nước và giữ nước của các vua Hùng. Bác Hồ đã nói: Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải giữ lấy nước.” Các Vua Hùng đã có công tạo dựng nên đất nước Văn Lang, Việt Nam ngày này. Chính vì vậy, con cháu đời đời luôn nhớ ơn đến các vị vua ấy và ngày giỗ tổ Hùng Vương mùng mười tháng ba chính là ngày để tất cả con dân Việt Nam thể hiện lòng biết ơn của đó. Cứ đến ngày giỗ tổ Hùng Vương là khắp con dân Việt Nam từ mọi nơi trên thế giới lại tụ hội về đền Hùng để thắp nén nhang tỏ lòng biết ơn của mình đến. Nước ta từ một tiểu quốc đã trở thành một đất nước xã hội chủ nghĩa sánh vai cùng cường quốc năm châu văn minh hiện đại. Đã có rất nhiều thứ thay đổi, nhưng truyền thống cao đẹp về ngày giỗ tổ Hùng Vương thì luôn được giữ gìn và phát huy.
Không chỉ các vua Hùng mà còn biết bao lớp anh hùng đã đổ xương máu để đất nước Việt Nam được tươi đẹp và hùng vĩ như ngày nay. Để tỏ lòng biết ơn, nhân dân ta đã có ngày hai mươi bảy tháng bảy là ngày thương binh liệt sĩ. Hay là ngày thầy thuốc Việt Nam để cảm ơn những người hết lòng với nghề y….Như chúng ta thấy đó, các trường học luôn tạo điều kiện cho học sinh hiểu rõ về những ngày lễ này, còn nhà nước thì đã xây nhà tình nghĩa cho các mẹ anh hùng,…
Chúng ta cũng có những cách rất độc đáo và cần thiết để thể hiện lòng biết ơn và giúp cho những người khác hiểu về các anh hùng lịch sử, người có công với đất nước. Đó là đặt tên phố theo tên các vị anh hùng lịch sử và có những dòng chữ giải thích bên dưới ví dụ như: Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Lý Thái Tổ. Và chính phủ đã đặt tên một thành phố lớn và phát triển nhất đất nước bằng tên của một vị anh hùng dân tộc- một con người đã bôn ba khắp nơi để dành lại độc lập tự do cho tổ quốc: Hồ Chủ tịch.
Cha mẹ, thầy cô cũng chính là người trồng cây, còn ta là người ăn quả đó thôi! Chắc hẳn chúng ta ai cũng biết, cứ mỗi năm, vào ngày hai mươi tháng mười một, học sinh, sinh viên từ mọi nơi đều đổ về ngôi nhà thứ hai, tặng quà, gửi lòng biết ơn đến những người lái đò ngày đêm miệt mài bên giáo án… Chẳng hạn như khi các trạng nguyên đã đỗ đầu bảng, họ vẫn không quên quay về báo đáp người thầy đồ năm xưa đã dạy dỗ họ, thật đáng quý biết bao! Một truyền thống tốt đẹp đã có từ xưa. Hoặc là trong mỗi gia đình đều có bàn thờ tổ tiên, ông bà – nơi trang nghiêm nhất và là nơi để bày sự hiếu thảo, kính trọng,biết ơn đến cội nguồn của mình!
“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”
Câu tục ngữ có giá trị tinh thần thật sâu sắc, giúp ta thấm nhuần chân lí cuộc sống. Nó khẳng định ý nghĩa của lòng biết ơn, khẳng định lời dạy của ông bà ta ngày xưa. Câu tục ngữ như lời khuyên, lời nhắn nhủ quý báu qua mọi thời đại, thách thức thời gian. Nó đánh thức, phê phán những người không có lòng biết ơn. Cổ vũ những người có lòng biết ơn và khen thưởng người biết phát huy truyền thống tốt đẹp này.
Là một học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta phải trau dồi phẩm chất, rèn luyện nhân cách thật tốt,… đặc biệt là đối với cha mẹ, thầy cô… Để mà thực hiện tốt bổn phận làm con trong gia đình, bổn phận người học trò trong nhà trường và để phát huy truyền thống biết ơn tốt đẹp này, xứng đáng là công dân có ích cho đất nước. Lòng biết ơn mãi là bài học bổ ích và câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” mãi có giá trị to lớn trong cuộc sống chúng ta
mỏi tay quá! mọi người cảm ơn dùm mk nha~