Từ ngàn xưa, dân tộc ta đã có một truyền thống tôn sư trọng đạo tốt đẹp. Trong quan hệ niệm của người Việt xưa, Vua đứng đầu và người thầy xếp sau nhưng đứng trước cha mẹ. Chúng ta thường nghe “Quân - Sư - Phụ” là như vậy. Trong những câu ca dao tục ngữ mà từ xưa đến nay hầu như mọi người Việt đều biết: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Không thầy đố mày làm nên”, “Trọng thầy mới được làm thầy”, “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”, tất cả đều đề cao sự nghiệp dạy học và sự tôn sư trọng đạo. Vậy tôn sư trọng đạo là gì? Tôn sư là lòng thương mến, tôn kính của người học trò đối với thầy, cô của mình. Trọng đạo là đề cao, tôn trọng đạo lí thầy cô dạy cho mình.
Kính thưa ban giám khảo, quí thầy cô cùng các bạn thân mến, tinh thần TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO đâu phải chỉ là lí thuyết suông, hay chỉ là lời nói đầu môi mà còn thể hiện qua rất nhiều việc làm xuất phát từ lòng chân thành khiến ai nghe cũng phải cảm động.
Thật vậy, qua hơn một ngàn năm văn hiến, đất nước ta đã có vô số tấm gương về tôn sư trọng đạo như cụ Thượng Niên là Thượng thư Triều Nguyễn, lúc nhỏ học thầy Nguyễn Duy. Lúc thầy mất thì chịu tang thầy ba năm như chịu tang cha mẹ. Không chỉ kính trọng thầy mà còn kính trọng gia đình thầy. Hơn ba mươi năm sau, vợ thầy mất, cụ từ Huế đánh xe về Hà Tỉnh để phúng viếng. Nhà thầy ở đỉnh đồi, đã dốc mà còn sỏi đá lởm chởm, xe ngựa khó lên. Để tỏ lòng cung kính của mình, cụ xuống kiệu, đi chân đất lên tận đỉnh đồi. Gặp con trai thầy, cụ cung kính vái chào mặc dầu chỉ là dân thường. Đường đường là Thượng thư mà lại xuống kiệu đi chân đất lên tận đỉnh đồi dốc và sỏi đá đã cho ta thấy sự tôn sư trọng đạo đã ăn sâu vào tâm thức của người Việt từ xưa.
Đấy là thời kỳ phong kiến, còn thời nay cũng không ít tấm gương về tôn sư trọng đạo. Hẳn ai cũng biết Tổng bí thư Trường Chinh, tên thật là Đặng Xuân Thu, là một trong các vị lãnh đạo hàng đầu của đất nước ta. Nhưng ít ai biết sự tôn trọng người thầy cũ của mình, thầy Nguyễn Hữu Tảo. Trong thời gian kháng chiến, Tổng bí thư Trường Chinh đã viết nhiều tác phẩm có giá trị lãnh đạo cuộc kháng chiến. Mỗi tác phẩm được ra đời, ông đều nắn nót ký tên và trao tận tay cho thầy chứ không nhờ người khác. Mỗi độ xuân về, ông đều cùng gia đình đến thăm và chúc tết thầy. Là một vị Tổng bí thư, ông lúc nào cũng bận bịu với công việc nhưng hễ mỗi lần đi ngang qua nhà thầy, ông đều cố gắng ghé thăm thầy dù trong chốc lát.
Các bạn thân mến! Tôi vừa nêu lên 2 tấm gương sáng về tinh thần TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO của dân tộc ta. Họ đều là những người đức độ, tài năng, công lớn với đất nước. Không nói thì chúng ta cũng hiểu, thuở còn đi học họ là những học sinh chuyên cần, tôn trọng thầy, tôn trọng những điều thầy dạy bảo. Điều đáng quí, điều mà chúng ta ngưỡng mộ nhất về họ đó là dù họ thành danh, quyền cao, chức trọng mà vẫn một mực lễ phép với, kính yêu thầy. Quả là những tấm gương sáng cho học sinh chúng ta suy ngẫm.
Kính thưa Ban Giám Khảo, thầy cô cùng các bạn thân mến. Đấy là những tấm gương tôn sư trọng đạo xưa và nay, là những học sinh Việt Mỹ, chúng ta nghĩ gì về thầy cô của mình.
Hẳn tất cả mọi người trong chúng ta chắc chắn phải có một thời cắp sách đến trường, một thời khoác lên mình một chiếc áo trắng đầy hồn nhiên, ngây thơ và trong sáng của tuổi học trò, dù là ở đâu, dù bao lâu thì chắc chắn bạn cũng có những kỷ niệm về trường lớp, đều đáng để nhớ và trân trọng. Có lẽ, khi còn ngồi ghế nhà trường không ai trong chúng ta cảm nhận được hết hơi ấm từ bạn bè, từ những lời răn dạy của những tâm hồn trên bục giảng. Một số người trong chúng ta, thấy những lời răng đe, trách móc của thầy cô là thừa và lấy làm khó chịu vì tất cả những điều đó, chỉ muốn nhanh thật nhanh tốt nghiệp để bay xa thật xa những ngày tháng gò bó bên những thầy, cô, bảng đen và phấn trắng. Nhưng thế rồi? khi đã xa, bạn sẽ cảm thấy như mình đánh mất thứ gì đó rất lớn trong đời. Chẳng còn những lời răn đe, chẳng có trách phạt và chẳng thể lớn lên thêm được nữa. Không còn những người hướng dẫn trong đời, chúng ta phải tự học hỏi, tự rút tỉa kinh nghiệm từ những bài học quý có thật trong cuộc sống.
Và những bài học thực tế của cuộc sống không còn khô khan nữa, nó luôn sinh động, nóng hổi và chúng ta không có nhiều cơ hội để làm sai,/ vì khi làm sai chúng ta sẽ phải trả giá chứ không đơn giản là những lời răn đe ngọt ngào vô hại của ngày xưa. Đến khi đó, bạn mới hỏi: “có ai nhớ, ai quên con đò xưa,…?”. Lúc đó, phải chăng là muộn lắm không? Hãy quý trọng những tháng năm còn là học trò, hãy cố gắng tận hưởng khoảng thời gian hạnh phúc nhất đời mình. Có thể bạn không tin tôi, nhưng những thầy giáo, cô giáo đang đứng trên bục giảng kia, họ không chỉ có bảng đen và phấn trắng, họ còn có tình yêu vô bờ bến dành cho bạn, cho tôi và cho những ai được gọi là học trò. Chịu khó cảm nhận đi, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy một định hướng cho tương lai của mình từ nơi thầy cô của bạn. Vì từ những bài học và lời răn dạy chúng ta sẽ lớn lên mạnh mẽ, sẽ góp nhặt được nhiều điều cho cuộc sống và để chúng ta vượt qua những khó khăn trong cuộc sống sau này. Hãy sống hết mình cho nhưng năm tháng quý báo mà các bạn sẽ có, và đã có các bạn nhé. Và bây giờ nếu bạn gặp lại những thầy, cô đã từng trách mắng mình, bạn hãy cúi đầu xuống và nói “Con cảm ơn thầy”, “Con cảm ơn cô”