NEU DI MY~ VE THI VIET BAI NAY NE
Nhớ Tết Việt
Tôi còn nhớ cách đây vài năm, khi mới đặt chân sang Mỹ, tôi đã rất hân hoan chờ đón cái Tết đầu tiên của mình trên vùng đất mới.
Hồi ấy, tôi vừa được tuyển vào làm việc ở một cửa tiệm bán hàng hoá Trung Quốc ở khu China Town thuộc thành phố Los Angeles. Những ngày gần Tết âm lịch, nhìn cảnh những người Hoa lẫn người Việt đến cửa tiệm mua sắm đồ Tết, tôi cảm thấy rất vui vì như thấy lại cái hình ảnh nhộn nhịp vào những ngày Tết ở quê nhà. Thế rồi, tôi cũng bắt tay vào việc mua sắm cho ngày Tết, nào là mứt dừa, hạt dưa, kẹo, bánh chưng... Tôi cũng hớn hở gửi email chúc Tết cho bạn bè, đồng nghiệp cũ của tôi ở Việt Nam. Hôm mồng một Tết, tôi nấu món chay và rủ ông xã đi cúng chùa. Mọi việc diễn ra cứ như hồi tôi ở Việt Nam. Tôi tự nói với lòng mình rằng tuy xa Việt Nam, nhưng tôi sẽ giữ mãi cái lệ đón Tết Nguyên Đán hàng năm, như là giữ mãi một chút gì của quê hương ở trong lòng vậy.
Thời gian cứ mãi trôi đi. Tôi cố gắng thích nghi và hoà nhập vào xã hội Mỹ. Lúc đầu tôi rất ngạc nhiên với lối sống, cách cư xử, xã giao của người Mỹ. Nhưng rồi, tôi dần dần không cảm thấy lạ lẫm với chuyện đó nữa. Tôi bắt đầu học cách sống như họ. Tôi bắt đầu tìm hiểu các ngày lễ của họ, rồi cũng bắt đầu thấy vui vui khi đến mùa Giáng sinh - mùa sum họp của gia đình ở Mỹ. Rồi thì tôi bắt đầu đếm ngược thời gian vào đêm 31 tháng 12 - đêm giao thừa của người Mỹ. Và sáng sớm hôm sau thì dậy sớm để xem tivi cảnh các đoàn xe trang trí lộng lẫy diễu hành trên một đại lộ lớn ở thành phố Pasadena, bang California. Đây là cái lệ hàng năm của người Mỹ để chào đón năm mới.
Dĩ nhiên, tôi vẫn không quên Tết âm lịch của người châu Á. Vào cái tết Việt thứ hai, tôi không mua nhiều bánh mứt như lần trước. Chỉ một hộp mứt dừa, một ít hạt dưa, hai cái bánh chưng và một chậu hoa cúc. Tôi thưởng thức ngày mồng một Tết bằng cách cùng ông xã đi chơi ở phim trường Hollywood (Universal Studio) vì tôi sống không xa nơi đó lắm. Và thế là cũng xong một kỳ Tết. Sang cái Tết thứ ba, tôi may mắn được về Việt Nam thăm cha mẹ. Khỏi phải nói đến niềm vui mừng của tôi lẫn những người thân trong gia đình tôi khi gặp lại tôi. Năm đó quả thật tôi có một cái Tết hạnh phúc mỹ mãn vì được sống cạnh cha mẹ, những người người thân yêu nhất của tôi. Tôi đã rất hạnh phúc khi trở về thăm nhà vào dịp Tết âm lịch ở Việt Nam. Điều đó như một giấc mơ vậy.
Nhưng sau khi trở về Mỹ, tôi bắt đầu "tỉnh mộng". Tôi trở lại với lối sống hàng ngày ở Mỹ. Tôi đăng ký vào học ngành kế toán ở một trường cao đẳng. Sự căng thẳng trong việc học cộng với những áp lực từ cuộc sống hàng ngày đã khiến tôi thay đổi. Tôi không có nhiều thời gian để nghĩ đến những nguời thân trong gia đình ở Việt Nam của tôi, cũng như những hồi ức về Tết Việt như trước đây... Năm ngoái, khi tôi đang hăm hở chuẩn bị tinh thần để bước vào mùa học Spring đầu tháng hai thì tôi hơi bị ngỡ ngàng vì cái thư chúc Tết của một cô bạn đồng nghiệp cũ. Tôi không cảm thấy nôn nao trong lòng khi đọc những lời chúc Tết của cô bạn tôi. Hình như đó là những lời thừa thãi và lạc điệu với tôi lúc ấy. Vì tôi không hề cảm nhận được cái không khí tết như trước đây nữa. (Phải chăng vì tôi đã không còn làm ở cái tiệm bán hàng trước đây?). Nhưng dù sao thì tôi cũng nhớ ra là ... sắp đến tết Nguyên Đán rồi. Khi đi chợ, tôi và chồng tôi cũng xem qua hàng bán bánh chưng. Nhưng chúng tôi đã không mua nó vì giá bán khá đắt. Tôi định mua mứt dừa nhưng chồng tôi đã kịp ngăn tôi lại vì anh ấy bảo rằng tôi mua về nhưng có bao giờ ... ăn đâu. Và những ngày tết đối với tôi giờ đây là những ngày bình thường, rất bình thường.
Năm nay cũng thế. Tôi email cho vài nguời bạn tại Mỹ, vài thầy cô người Mỹ và viết trên Facebook lời chúc mừng giáng sinh cùng với năm mới vào một ngày cuối tháng 12 năm 2010. Tôi lại vui vui đếm ngược từ 10 đến 0 vào đêm 31 tháng 12, rồi sáng mai dậy sớm xem diễu hành trên tivi. Với tôi, vậy là đã bước sang năm mới 2011. Xem tivi đài tiếng Việt, thấy người ta quảng cáo bán chợ tết ở khu Little Saigon, tôi cũng tò mò bảo chồng tôi chở đi xem. Người Việt đi chợ tết cũng khá náo nhiệt. Tôi có ý định mua một nhánh hoa đào, nhưng họ bán với giá khá cao, với lại theo như chồng tôi nói, mua về vài hôm thì cũng vứt bỏ, chỉ có phí tiền, nên tôi đành không mua. Đi xem hàng bánh chưng thì bánh năm nay gói nhỏ mà giá thì cao, nên tôi cũng không mua. Không có hoa mai, không có hoa đào, không có bánh mứt thì làm gì có tết. Vậy đấy, sau gần 5 năm sống tại Mỹ, tôi đã hầu như không còn tổ chức đón cái tết truyền thống của người Việt nữa. Với tôi bây giờ thì hình như tết Việt là ở một thế giới khác, một nơi khác, rất xa nơi tôi ở.
Nhưng hôm kia, tình cờ tôi đọc được một bài viết trên VnExpress về nỗi lòng của một cô sinh viên du học tại Mỹ khi Tết đến, tự dưng lòng tôi bỗng phút chốc cảm thấy bồi hồi. Bao ký ức về những ngày xưa khi tôi cùng gia đình tôi ở Việt Nam vui mừng chuẩn bị đón xuân bất chợt hiện về trong tâm trí tôi. Ôi, những ngày tháng cũ, những đêm giao thừa khi cả gia đình thức đến gần 2 giờ sáng để vừa đón giao thừa, vừa cúng trời đất cùng các vị Phật. Rồi sáng mai thức dậy, sau bữa ăn chay sáng, tôi cùng các anh chị em chúc Tết cha mẹ và nhận được những phong bao lì xì đỏ thắm. Ôi, những ngày tháng tươi đẹp ấy nay còn đâu nữa! Nghĩ tới đây, tôi bàng hoàng nhận ra là ngoại trừ chồng tôi ra thì tôi không có một người thân nào bên cạnh cả khi xuân về. Cha mẹ và anh chị em tôi đang ở một nơi xa, xa lắm, cách tôi đến nửa vòng trái đất. Giờ đây, ở nơi ấy, chắc họ đang hân hoan chuẩn bị đón Tết. Ôi ... Một dòng nước mắt bất chợt chảy xuống má tôi, và lòng tôi bỗng dưng nghẹn ngào
Tôi nhớ Tết Việt!
Thì ra, dù cho tôi có đang ở nơi đâu, dù cho tôi có đang làm gì, dù cho tôi không tổ chức đón mừng, dù cho tôi có cố tình lãng quên, dù cho có bao nhiêu năm trôi qua đi nữa, nhưng ngày Tết cổ truyền ấy cùng với những hồi ức tươi đẹp về nó vẫn sống mãi trong tiềm thức và trong lòng của tôi.