đề 1:
Trong đời sống, lao động học tập, ông cha ta – những thế hệ đi trước đã có những kinh nghiệm, những đúc kết lâu đời mà nó đã được khẳng định, liên hệ với thực tế qua nhiều thế hệ. Những đúc kết, kinh nghiệm đó đã được thể hiện dưới những câu nói hằng ngày, mang tính chất đơn giản. Qua thời gian, nhờ sự sáng tạo của nhân dân, những câu nói thường ngày đó đã được thể hiện, bộc lộ dưới những câu từ vần điệu, âm sắc, ngắn gọn, giàu hình ảnh và có tính biểu trưng cao, phổ biến trong nhân gian. Đó chính là những “túi khôn” giúp chúng ta vận dụng trong đời sống, suy nghĩ, lời ăn tiếng nói ở mọi lúc, mọi nơi. Chúng như lời gợi ý, sự trợ giúp giúp chúng ta có thể định hướng được con đường đúng đắn, hợp lí nhất. Tục ngữ dân gian Việt Nam được chia làm nhiều nhóm như tục ngữ về thiên nhiên, lao động sản xuất ; tục ngữ về con người xã hội... Nó phản ánh chung về những kinh nghiệm, luân lí, công lí, cũng có khi là sự phê phán.
Trong lao động, lí trí của con người đã được tôi luyện, con người đã biết phân biệt cái tốt, điều xấu, ý thức được về thẩm mỹ. Những sáng tác dân gian truyền miệng sâu lắng, những tư tưởng, quan điểm mà dân gian ta gửi gắm vào đó, chúng chính là những suy nghĩ, những điều thấm thía mà ông cha ta đã cảm nhận được. Thời xưa, tuy chưa có khoa học, nhưng bằng kinh nghiệm, tổ tiên chúng ta cũng đã nắm được trong một chừng mực nhất định quy luật của thiên nhiên.
Giữa người với người xuất hiện những câu tục ngữ rút ra ở sinh hoạt, có tính chất nhận xét, giải thích, khuyên răn, theo một luân lí và thế giới quan cảm nhất định.
Trong những việc đối nhân, xử thế, những người có trí thức thời xưa thường mượn những lời lẽ thánh hiền hoặc của những bậc cao nhân được trọng vọng để củng cố, khẳng định ý kiến, đề nghị của mình. Trong trường hợp ấy, những người lao động không có sách vở, họ chỉ biết dựa vào những thực tế, nói lên những câu tục ngữ là người nghe sẽ đồng tình, vì đó là ý kiến tập thể chung đúc lại. Tục ngữ được cấu tạo nên bởi lí trí nhiều hơn là cảm xúc. Tư tưởng trong tục ngữ là những tư tưởng hùng hồn, đanh thép, sắc bén, nhạy cảm nhưng cũng có lúc mềm dẻo, yểu điệu nhưng vẫn thể hiện được tinh thần cương trực biết dựa vào lẽ phải. Thanh điệu trong tục ngữ luôn luôn có, được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau và một trong những hình thức thể hiện là vần. Vần trong tục ngữ thường là vần lưng tức vần giữa câu. Ví dụ:
Bút sa gà chết
Có tật giật mình.
Những câu năm chữ:
Cơm treo, mèo nhịn đói
Việc bé, xé ra to.
Những câu sáu chữ:
Một điều nhịn, chín điều lành
Hay những câu nhiều chữ, có vần cách nhau hai ba chữ như:
Đi chợ ăn quà, về nhà đánh con
Gà cựa dài thì rắn, gà cựa ngắn thì mềm.
Đi sâu vào một vấn đề ta mới thấy được ý nghĩa của tục ngữ.
Chẳng hạn trong vấn đề về thiên nhiên, phần nhiều các câu tục ngữ đều được dựa trên những hiện tượng thường xuyên của tự nhiên như sự vận động của Trái đất, của gió, của nắng mưa, bão táp, các hiện tượng xảy ra trong ngày, trong năm, trong tháng, trong mùa.
Ví dụ “Tháng bảy kiến bò, chỉ lo lại lụt”, trong thực tế vào tháng bảy, tháng tám ở Bắc bộ thường xẩy ra những trận bão lụt, kiến là một loài nhạy cảm với thời tiết nên dự cảm trước, chúng bò lên cao, tránh chỗ thấp để không bị lụt cuốn trôi, ổn định được đời sống, và khi lụt xong đất ẩm, dễ đào lại tổ.
Hay câu tục ngữ: “Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng, ngày tháng mười chưa cười đã tối”. Theo tự nhiên hay sự vận động của Trái Đất quanh mặt trời và quay quanh trục, vào tháng năm, tháng mười, từng bộ phận, toạ độ trên trái đất có góc chiếu từ mặt trời đến lớn hoặc nhỏ, hơn nữa còn phụ thuộc vào nửa cầu nào ngả về phía mặt trời sẽ nhận được nhiều ánh sáng và nhiệt nên dẫn đến các hệ quả là đêm, ngày, ngắn hoặc dài. Tuy nhiên ngày xưa, ông cha ta chỉ biết dựa theo những quy luật, những điều xảy ra mà mắt thấy, tai nghe mà phát thành lời. Do đó mà mới có câu tục ngữ trên.
Nói chung những câu tục ngữ không mang ý kiến của một riêng ai, nó không mang một tính chất, một đặc điểm của bất cứ một cá nhân nào, nó thể hiện những vấn đề trong xã hội, đề cập về nhiều mặt, nó còn như một hành trang kiến thức, một kiểu thể loại văn học dân gian, công chúng do thế hệ trước hay nói cụ thể hơn là ông cha ta để lại giúp chúng ta có thể sử dụng như một công cụ hữu ích về tinh thần, ý tưởng. Xét cho cùng tục ngữ có hình thức và nội dung cực kì hoàn hảo, vừa cân đối, hài hoà, lại vừa mang tính chất dân gian, dễ hiểu, gần gũi với đời thường. Có những câu tục ngữ chỉ hiểu theo nghĩa đen tức là nghĩa của chúng được cấu thành dựa trên nghĩa của từng từ tạo nên nó. Nhưng cũng có những câu tục ngữ lại được hiểu theo nghĩa bóng tức là thông qua một số sự vật, hình ảnh, thường là những sự vật tiêu biểu, phổ biến để ẩn ý, làm người nghe phải suy nghĩ, liên tưởng đến một vấn đề nào đó có nghĩa tương đồng, nó thể sử dụng vào một số trường hợp tế nhị, khó nói hoặc nhắc khéo để dạy bảo, khuyên răn một vấn đề, lĩnh vực nào đấykhiến người khác không bị tổn thương, xấu mặt, mất danh dự. Tục ngữ còn được sử dụng trong những lối chơi chữ, đối nghĩa, những câu thơ mang tính đối đáp. Có những câu tục ngữ vừa đọc ta có thể cảm nhận được nghĩa chúng ngược nhau nhưng thực chất là chúng bổ sung, nâng đỡ, tôn nhau, làm hoàn chỉnh nhau và mỗi câu tục ngữ đều khẳng định nổi bật, nâng cao tầm quan trọng vấn đề về một mặt, một lĩnh vực nào đó. Ví dụ hai câu tục ngữ: “Không thầy đố mày làm nên” và câu “Học thầy không tày học bạn”. Câu đầu tiên khẳng định tầm quan trọng của người thầy trong con đường học tập của học sinh nhưng trong thực tế có một số trường hợp chúng ta ngại hỏi thầy mà khi hỏi bạn thì trạng thái sẽ được thoải mái, tự tin, xem xét kĩ mọi vấn đề mà không sợ ảnh hưởng đến những vấn đề tế nhị. Câu thứ hai đã đề cập và giải thích điều đó. Nói chung cả hai câu tục ngữ trên đều khuyên răn sự học hỏi, cần cù, hãy biết kết bạn, mở rộng quan hệ để đạt được mục đích một cách tối ưu nhất. Chính vì vậy có câu “tục ngữ là túi khôn” quả không sai. Khi đọc tục ngữ, chúng ta cần thấm thía, cảm nhận từng từ, từng ý nghĩa mà nó đem lại, hãy biết tổng hợp, phân tích để có thể cảm thụ được câu tục ngữ đó một cách vĩ mô, tổng thể nhất. Có thể nói tục ngữ như một tác phẩm, một ngọn đèn chân lí của xã hội, cộng đồng mà luôn tồn tại, bất diệt, song hành cùng thời gian và trí tuệ con người.
đề 2:Ca dao là cây đàn muôn điệu của người dân quê Việt Nam. Cùng với tiếng hát than thân xót xa, buồn tủi, tiếng hát giao duyên đằm thắm, nghĩa tình, ca dao cổ truyền Việt Nam còn vang tiếng cười hài hước, châm biếm, trào phúng, đả kích rất vui, khoẻ, sắc nhọn, thể hiện tính cách, tâm hồn và quan niệm sống của người dân lao động.
Khi họ biết châm biếm là biết sống, biết phân biệt phải, trái, tốt, xấu là biết cười. Bởi vậy những câu hát châm biếm của họ có nội dung rất phong phú, thể hiện một cách nhìn phê phán sắc sảo, một bản lĩnh sống đàng hoàng của người dân lao động đồng thời giễu cợt, đả kích, đã hạ bệ, hạ nhục biết bao đối tượng "cao quý, tôn nghiêm" trong xã hội phong kiến. Trong số đó phải kể đến một bài ca dao ngắn gọn về một đám ma đáng chê trách ở làng quê ngày xưa:
Con cò chết rũ trên cây
Cò con mở lịch xem ngày làm ma
Cà cuống uống rượu la đà
Chim ri ríu rít bò ra lấy phần
Chào mào thì đánh trống quân
Chim chích cởi trần vác mõ đi rao.
Bài ca dao cho thấy hình ảnh một xã hội phong kiến hiện lên thật sinh động, chân thật qua "vai" các con vật. Mỗi con vật đều có cá tính và hành động riêng đúng với người mà nó ám chỉ. Qua hệ thống ẩn dụ này khiến việc châm biếm, phê phán của người lao động rất kín đáo và sâu sắc. Ở đây, tang chủ là gia đình nhà cò "con cò", một ẩn dụ về người nông dân nghèo khó, thân phận bé mọn "chết rũ" trên cây (tức là chết đã nhiều ngày), tử khí có thể đã bốc lên, vừa đau thương vừa bối rối. Thế mà vẫn chưa được chôn cất bởi cò con vẫn còn mở lịch xem ngày làm ma, chọn ngày lành tháng tốt. Ấy vậy mà xã hội đó coi như một đám rước, đám hội. Họ kéo đến ồn ào nhốn nháo, không phải để chia buồn hay giúp đỡ việc tang mà trái lại họ xúm nhau lại để chia phần. Từ cường hào, lý dịch cho đến người dân được dịp ăn uống và hăng hái tham gia. Đây chính là "việc làng" trong xã hội ngày xưa. Hình ảnh cà cuống tượng trưng cho kẻ tai to mặt lớn trong xã hội như xã trưởng, lý trưởng nhưng họ không lo cho dân, không vì dân mà lại say sưa uống rượu la đà, ngả nghiêng mất cả tư thế thành kính trang nghiêm chia buồn với tang chủ. Chim ri ám chỉ bà con láng giềng thì vui vẻ như ngày hội kéo đến ăn uống và lấy phần. Chào mào tượng trưng cho bọn cai lệ, lính lệ, đám thợ kèn thì vui vẻ đánh trống quân (một trong những làn điệu chèo rộn ràng hát trong ngày hội). Chim chích thì cởi trần trùng trục vác mõ đi rao để thông báo cho mọi người biết mà kéo đến cho đông không có gì là đau thương, hay chia sẻ với gia đình tang chủ.
Bài ca dao còn có một dị bản khác:
Con cò chết rũ trên cây
Bồ cu mở lịch xem ngày làm ma
Cà cuống uống rượu la đà
Bao nhiêu cóc nhái bò ra lấy phần
Chào mào thì đánh trống quân
Chim chích cởi trần vác mõ đi rao.
Có lẽ hiểu theo dị bản này ta sẽ thấy hợp lý hơn bởi "cò con" đã được thay bằng "bồ cu" đó chính là vai thầy cúng. Thầy cúng còn phải xem ngày hợp với tuổi với giờ người chết thì linh hồn mới được siêu thoát. Cho nên người xấu số có thể phải để trong nhà vài ba ngày chờ đợi gây mất vệ sinh môi trường và rất nhiều tốn kém cho gia đình tang chủ. Bằng nghệ thuật ẩn dụ, tượng trưng cùng những từ đặc tả, từ láy, từ ghép "la đà", "ríu rít", "cởi trần"… đã chụp được những chân dung, cử chỉ, hành động thật cụ thể, rất rõ nét, tất cả đều không hợp và không nên có đối với một đám tang. Thật ai oán làm sao khi đám ma mà không có một tiếng khóc, chỉ thấy hiện lên hình ảnh cả làng kéo đến ăn cỗ rất đông, rất vui, rất đầy đủ và rất điển hình. Một việc đáng buồn thương, vừa trang nghiêm vừa thành kính bỗng trở nên một màn kịch, thành một cuộc đánh chén, chia chác om sòm, ầm ĩ diễn ra trong cảnh mất mát, đau đớn của gia đình nhà cò, thật chua chát, thật đáng cười và đáng khóc biết bao. Cái chết thảm thương của con cò "rũ ở trên cây" đã trở thành dịp tốt cho bọn lý dịch, bọn hội đồng xã, bọn cơ hội để "đục nước béo cò", "ăn hôi" một cách tưng bừng. Vẫn cách nói ẩn dụ, phóng đại, sáng tạo chi tiết nghệ thuật, bài ca dao đã nghiêm khắc phê phán những hủ tục tang ma của làng quê ngày xưa. Đó cũng chính là vũ khí sắc bén mà nhân dân ta đã sử dụng để mong muốn xoá bỏ những cái xấu, những hủ tục, những hiện tượng tiêu cực, mong muốn xây dựng những giá trị nhân văn tốt đẹp trong một xã hội tốt đẹp.
Từ xưa đến nay ta vẫn thấy việc tang là chuyện buồn, là việc hiếu, thể hiện tình cảm, đạo đức của người sống với người đã chết. Cái quy luật khắc nghiệt của sự Sinh - Tử đã trở thành một chuyện vô cùng đặc biệt, ngoài tính huyết thống gia tộc còn mang tính xã hội sâu sắc, nó không còn là việc riêng của mỗi gia đình mà còn là việc chung của làng bản và xã hội. Do đó bài ca dao tuy là lời người xưa, nói về xã hội phong kiến ngày xưa, nhưng càng đọc ta càng hiểu, càng suy ngẫm càng thấm thía được những bài học thiết thực cho ngày nay khi nếp sống văn minh đang từng ngày từng giờ đến với mỗi gia đình, mỗi bản làng, góc phố, thì hiện tượng xem ngày giờ tốt xấu, bầy cỗ linh đình, phúng viếng rườm rà vẫn còn bắt gặp ở đó đây mà ta cần phải có ý thức nhắc nhở, vận động, tuyên truyền mọi người thực hiện nghiêm chỉnh làm sao trong mỗi đám tang phải trang nghiêm, thành kính và hết sức tiết kiệm, xoá bỏ những hủ tục lạc hậu, góp phần thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc tang.