[Văn 7] Chứng minh

T

tuyetmai233

Last edited by a moderator:
M

minh_minh1996

Ngày Chúa Nhật thứ nhì của tháng Năm là ngày Lễ Mẹ, ngày mà người Hoa Kỳ đã dành ra để tôn cao các bà mẹ. Đây là một truyền thống rất hay mà ngày nay, tại Việt Nam một số người cũng đã bắt đầu để ý đến. Nói về ca tụng tình mẫu tử hoặc lòng hy sinh của mẹ thì trong văn hóa Việt Nam chúng ta không thiếu. Xưa nay đã có biết bao nhiêu bài thơ, bài nhạc ca ngợi tình yêu vô bờ bến của các bà mẹ Việt Nam. Tuy nhiên, nói về những hành động cụ thể mà con cái trong gia đình thật sự làm để bày tỏ lòng kính yêu và biết ơn mẹ thì chúng ta phải công nhận là rất hiếm. Chúng ta thường ngại bày tỏ tình cảm của mình một cách công khai và cụ thể. Khi giận dữ, bực bội chúng ta biểu lộ ngay, nhưng những tình cảm yêu thương, quý mến hay biết ơn, ít khi nào chúng ta để lộ ra.

Tôi còn nhớ ngày Chúa Nhật đầu tiên tôi đi nhà thờ tại Mỹ là nhằm ngày lễ các bà mẹ. Dự lễ thờ phượng hôm đó tôi mới mở mắt ra và thấy rằng có biết bao nhiêu điều tôi có thể làm cho mẹ tôi, để đem lại niềm vui, an ủi cho mẹ mà tôi đã không bao giờ nghĩ đến. Tôi ân hận và nuối tiếc vô cùng, vì bây giờ mẹ tôi đã cách xa tôi đến cả nửa quả địa cầu! Tôi thầm hỏi, tại sao từ khi tôi còn nhỏ cho đến khi khôn lớn, không ai dạy cho tôi biết rằng tôi phải làm một điều gì đó để bày tỏ lòng yêu thương mẹ một cách cụ thể.

Ngày Chúa Nhật đó, sau buổi lễ ở nhà thờ, một gia đình mời chúng tôi về nhà dùng cơm. Và trong buổi họp mặt đó, những người con trong gia đình gắn hoa cho bà mẹ, mời bà ngồi vào một chiếc ghế đặc biệt rồi lần lượt từng người con trao tặng quà và nhắc lại một kỷ niệm đẹp với mẹ mà người đó ghi nhớ. Cũng có người nhắc lại những vụng về hay lỗi lầm của mình khi còn nhỏ, khiến mẹ phải vất vả, lo lắng, và cảm ơn sự chăm sóc chu đáo của mẹ dành cho mình. Bà mẹ sung sướng nhìn từng đứa con và cảm động không cầm được nước mắt. Bà nói: Mẹ cảm tạ Chúa và cảm ơn các con đã yêu thương mẹ quá nhiều. Tôi ngồi nghe và chứng kiến những điều đó và có cảm tưởng như mình đang dự một đám tang. Vì tôi nhớ từ trước đến giờ, tôi chỉ nghe người ta nói những lời ca tụng và biết ơn cha mẹ trong đám tang, khi các người đã nằm xuống và ra đi vĩnh viễn. Nhưng có một điều không giống trong đám tang là, bà mẹ kia thật sự tiếp nhận tình yêu thương của con, tiếp nhận món quà của con, trong lòng bà cảm thấy sung sướng và bà có thể nói vài lời để bày tỏ niềm vui của mình.

Từ đó tôi học được một điều là, tất cả những gì mình có thể làm hay muốn làm cho mẹ, cho cha hay cho người thân yêu trong gia đình, mình nên làm khi người đó còn sống và còn ở gần bên cạnh, đừng đợi đến khi người đó chết rồi. Theo lời Thánh Kinh dạy, khi một người đã chết, người đó không còn liên hệ gì với người còn sống, vì thế dù chúng ta có làm gì đi nữa, người đó cũng không hưởng được.

Có lẽ tất cả chúng ta, những người Việt ở Mỹ, đều thấy ngày Lễ Mẹ là một tập tục hay chúng ta nên bắt chước. Và có lẽ quý vị, những người may mắn còn mẹ và có mẹ ở gần, cũng đang có một chương trình hay dự tính đặc biệt cho mẹ trong ngày Chúa Nhật đến đây. Tuy nhiên, không phải chỉ mỗi năm một lần, trong ngày lễ của mẹ chúng ta mới bày tỏ lòng kính yêu mẹ, nhưng mỗi ngày trong đời sống, là con chúng ta phải luôn luôn bày tỏ lòng yêu quý, tôn kính và biết ơn mẹ. Chúng ta không cần phải nấu những bữa ăn linh đình hay có quà cáp luôn luôn, vì mẹ chúng ta không cần những điều đó. Trái lại mẹ chúng ta cần sự chăm sóc ân cần và những lời nói ngọt ngào; mẹ cần lòng kiên nhẫn và thông cảm của con cái, đặc biệt là đối với những bà mẹ đã già yếu, phải tùy thuộc vào con cháu. Thánh Kinh dạy: "Hãy nghe lời cha đã sinh ra con, chớ khinh bỉ mẹ con khi người trở nên già yếu" (Châm Ngôn 23:22). Kinh Thánh cũng cho biết: "Kẻ hãm hại cha mình và xô đuổi mẹ mình là một con trai gây hổ ngươi và chiêu sỉ nhục" (Châm Ngôn 19:26).

Hầu hết các bà mẹ đều yêu thương con và hy sinh cho con, nhưng cũng không thiếu những bà mẹ cứng rắn, khó tính, yêu thương con bằng tình yêu ích kỷ và vì thế gây ra nhiều đau khổ cho con. Nhưng dù mẹ chúng ta là người thế nào, là con, chúng ta có bổn phận phải hiếu kính và phụng dưỡng, vì đó là người đã sinh thành ra chúng ta. Thánh Kinh dạy: "Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho" (Xuất Ê-díp-tô ký 20:12).

Đó là bổn phận của kẻ làm con đối với mẹ là người sinh ra mình. Trong ngày Lễ Mẹ, có lẽ chúng ta cũng cần nói đến trách nhiệm của người mẹ đối với con cái. Là mẹ chúng ta có một trách nhiệm thật là lớn lao. Chúng ta phải nuôi dưỡng con về phần thể xác, chăm sóc con về mặt tinh thần. Lấy lòng yêu thương đáp ứng nhu cầu tình cảm cho con và hướng dẫn con trong đời sống tâm linh. Nếu chúng ta chỉ lo cho con có đủ cơm ăn áo mặc, học hành đến nơi đến chốn mà không để ý đến tình cảm và tâm linh thì thật là một thiếu sót lớn. Chúng ta cần bày tỏ lòng yêu thương con cách cụ thể, qua lời nói và hành động. Chúng ta cũng cần nói về Chúa cho con, để con có đức tin vững vàng nơi Chúa là Đấng đã tạo dựng con người và hy sinh chịu chết để ban cho con người sự sống đời đời.

Dù chúng ta có ý thức điều này hay không, nhưng là mẹ, chúng ta có một ảnh hưởng lớn lao trên đời sống con cái cũng như đối với đời sống của gia đình. Nếu bà mẹ là người vui tính và lạc quan, không khí gia đình sẽ thoải mái, tràn đầy tiếng cười. Nếu bà mẹ hay cau có, gắt gỏng, hoặc hay than phiền, không khí trong nhà sẽ nặng nề, buồn nản. Nếu bà mẹ có lòng thương người, nhân đức và hiền từ, con cái cũng biết thương người, hiền lành và tử tế với mọi người. Ngược lại nếu bà mẹ có tính nóng nảy và hung dữ, hay gây gổ với người chung quanh, bắt nạt người dưới quyền, thì con cái cũng sẽ hay cãi nhau, không nhường nhịn nhau và cũng thích lấn lướt người khác. Những bà mẹ yêu thương và thông cảm gần gũi với con, con càng lớn càng yêu thương và muốn gần gũi mẹ. Ngược lại, những bà mẹ thương con một cách ích kỷ, lúc nào cũng buộc con làm theo ý mình, không thông cảm và nâng đỡ con, khi con cái lớn lên sẽ không muốn ở gần bên mẹ.

Con cái trong gia đình thường gần mẹ hơn là cha, vì thế người mẹ thường có ảnh hưởng trên con cái nhiều hơn. Con cái luôn luôn quan sát và bắt chước cha mẹ, đặc biệt là con gái thì hay bắt chước mẹ. Từ cách ăn nói, đi đứng, làm việc, cư xử với người chung quanh, cho đến cách tiêu xài tiền bạc, quản lý gia đình và cư xử với chồng con. Chính vì thế mà có câu "mẹ nào con nấy."

Có một bà mẹ kia, là người kính yêu Chúa và luôn luôn muốn làm theo Lời Chúa dạy. Vì đông con, bà sống trong vất vả và thiếu thốn. Quanh năm bà phải thức khuya dậy sớm, lo buôn bán để phụ chồng nuôi con, nhưng bà không bao giờ than thở với chồng con hay than thân trách phận. Vì đặt trọn lòng tin nơi Chúa, lúc nào bà cũng cảm tạ Chúa và biết ơn Ngài. Dù ông chồng của bà hơi khó tính, bà hết lòng thuận phục. Thuận phục một cách tự nguyện và vui vẻ, không lằm bằm oán trách. Khi gia đình gặp hoạn nạn, khó khăn, bà không buồn phiền hay nản lòng, nhưng cứ kiên trì chịu đựng, cố gắng giúp chồng con qua những ngày khó khăn và tiếp tục nương cậy vào Chúa. Đối với người chung quanh, lúc nào bà cũng quan tâm, tìm cách giúp đỡ. Dù không thể giúp đỡ nhiều về vật chất, bà luôn luôn dành thì giờ lắng nghe tâm sự của những người gặp chuyện buồn phiền và dùng lời của Chúa an ủi họ. Người trong gia đình, trong hội thánh cũng như người trong xóm, khi nhắc đến bà đều tỏ lòng yêu thương, kính phục. Bà thật là một người mẹ Cơ-đốc gương mẫu. Dù bà mẹ này không dùng uy quyền để dạy con hay buộc con vâng lời mình, các con của bà đã nhìn thấy đời sống cao đẹp của mẹ và muốn bắt chước để có một đời sống cao đẹp như thế.

Thưa quý vị, ngày nay, trong xã hội văn minh máy móc này, người ta đang dần dần xem nhẹ vai trò của người mẹ trong gia đình. Người đàn bà của xã hội văn minh ngày nay đang muốn bỏ thiên chức làm mẹ, bỏ trách nhiệm trong gia đình, với chồng con và muốn bước ra ngoài xã hội để làm tất cả những gì phái nam có thể làm được. Từ khi người đàn bà không đặt trách nhiệm với gia đình vào ưu tiên hàng đầu của đời sống nữa, nhiều gia đình trong xã hội đã bắt đầu đi vào đổ vỡ, con cái trở nên hư hỏng và nền đạo đức của xã hội ngày càng xuống dốc. Khi Đấng Tạo Hóa ban cho người đàn bà vai trò làm vợ làm mẹ, là Ngài trao cho chúng ta một thiên chức quan trọng và cao đẹp. Chúa biết đó là điều thích hợp với người phụ nữ chúng ta và đó là điều cần thiết để duy trì một gia đình hạnh phúc, một xã hội an lành. Chúng ta đừng theo trào lưu văn minh mà đánh mất thiên chức cao quý đó, hay đánh đổi nó cho bất cứ một điều gì. Có thể chúng ta vẫn đi làm, vẫn đóng góp tài năng với xã hội, nhưng tất cả những điều đó chỉ là phụ, trách nhiệm chính yếu nhất và quan trọng nhất của người phụ nữ vẫn là trong gia đình, trong trách nhiệm làm vợ và làm mẹ.

Trách nhiệm của người mẹ không chỉ là nặng nề và quan trọng nhưng cũng rất nhiều thích thú. Người mẹ không những là người sinh con và nuôi con nhưng còn là thầy giáo cho con, giúp con học bài, làm bài; là y tá, bác sĩ, khi con đau ốm hay rủi ro trợt ngã, là người khải đạo, hướng dẫn, khi con đứng trước những quyết định khó khăn; an ủi và nâng đỡ khi con buồn nản hay thất bại. Người mẹ cũng là người đầu bếp tài giỏi, nấu những món ăn mà con ưa thích, có khi là người cho con biết tin tức khí tượng, khi mỗi sáng con hỏi bữa nay lạnh hay nóng, con mặc cái gì để đi học. Người mẹ là người mẫu trong cách phục sức và cư xử của con, và đặc biệt nhất, là người hướng dẫn con trong đời sống đức tin.

Với những trách nhiệm lớn lao như thế, nếu không có sức của Chúa và sự hướng dẫn trong Lời Chúa, chúng ta thật không thể nào làm tròn thiên chức đó một cách tốt đẹp. Vì thế, chúng tôi xin gởi đến quý vị những nguyên tắc sau đây của Thánh Kinh, dành cho người nữ Cơ-đốc: "Phụ nữ lớn tuổi phải có nếp sống khả kính, không được ngồi lê đôi mách hoặc ghiền rượu. Họ phải dạy đạo lý và huLan luyện phụ nữ trẻ tuổi biết yêu chồng, thương con, khôn khéo, trinh chánh, hiền hòa, biết tề gia nội trợ, tùng phục chồng, hầu cho Đạo Thượng Đế không bị xúc phạm" (Thư Tích 2:3-5). "Đừng quá chú trọng vẻ đẹp bề ngoài như đeo vàng bạc, diện quần áo hay bện tóc; nhưng hãy trang sức con người bề trong bằng vẻ đẹp không phai của tâm hồn dịu dàng, bình lặng; đó là thứ trang sức rất quý giá đối với Thượng Đế" (Thư I Phi-e-rơ 3:3-4).

Nhân Ngày Của Các Bà Mẹ, tôi xin thân ái gởi lời chúc mừng đến quý vị đã là mẹ, đang làm và sắp làm mẹ. Cầu xin Thiên Chúa giúp mỗi chúng ta chu toàn thiên chức Ngài đã trao phó.
 
Top Bottom