câu 3
Từ ngày xưa, dân tộc Việt Nam đã đứng lên chống giặc ngoại xâm rất oanh liệt kiên cường. Tự hào thay ông cha ta đã đưa đất nước bước sang 1 trang sử mới: Đó là thoát khỏi ách đô hộ ngàn năm phong kiến phương Bắc, một kỉ nguyên mới mở ra. Nhưng bọn giặc tham tàn kia một lần nữa có ý định với nước Nam, dân tộc ta lại sôi sục ý chí chống quân thù, ý chí đó đã được thể hiện rõ ở bài Sông núi nước Nam.
“Sông núi nước Nam vua Nam ở
Vằng vặc sách trời chia xứ sở
Giặc dữ cớ sao phạm đến đây
********* nhất định phải tan vỡ.”
“Sông núi nước Nam” là một tuyệt tác, tác phẩm được khơi nguồn từ cảm xúc dạt dào về đất nước, dân tộc. Giọng điệu dõng dạc, dứt khoát, lời lẽ hàm xúc ngắn gọn. Tác phẩm gắn với một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, đó là thời đại chống giặc ngoại xâm uy hùng, chính tình yêu đất nước, niềm tự hào dân tộc đã được thể hiện qua từng con chữ. Mở đầu bài thơ là lời tuyên bố đanh thép về chủ quyền đất nước
“Sông núi nước Nam vua Nam ở”
Câu thơ bảy chữ tạo thành hai vế đối xứng, “Nam quốc” với “nước Nam” và “Nam đế” với “vua Nam”, đọc câu thơ em như cảm nhận được niềm tự hào của ông cha ta khi khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Ý thơ rành mạch, rắn rỏi khẳng định một hiện thực. Trước đây trong tư tưởng của bọn cầm quyền phương Bắc chỉ có “Bắc đế” mới là vua nước lớn còn người người Nam là nước chư hầu nên chỉ được xưng vương. Lối xưng “đế” của tác giả đã thể hiện tư thế ngẩng cao đầu, tự tin đứng ngang hàng với một nước như Trung Hoa. Thế rồi khi xâm lược nước ta, áp đặt ách thống trị họ đã ngang nhiên biến nước ta thành một quận, huyện của chúng. Nhưng với chí quật cường trong lòng mỗi người, chúng ta kiên quyết đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự chủ của dân tộc đã được giành lại từ hàng triệu trái tim Đại Việt nồng nàn, thiết tha yêu nước. “Nước Nam” tuy nhỏ bé song luôn tồn tại độc lập, sánh vai ngang hàng với các nước khác. Đất nước ấy co chủ quyền, nền tự chủ thể hiện ở vai trò của “vua Nam”. Vua ta có vị thế uy quyền không kém gì các hoàng đế Trung Quốc. Câu thơ này đã làm em nhớ lại một đoạn trong bài thơ “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi từng viết
“Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Nước sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam đã khác”
Em thật xúc động trước niềm tự hào dân tộc của ông cha ta. Câu thơ với lập luận vững chắc đã nêu cao chân lí lớn lao , vĩnh viễn , thiêng liêng nhất “đất Nam của người Nam”, đây là một sự thật không gì thay đổi được. Sức khẳng định chân lý ấy càng thêm mạnh mẽ và thuyết phục ở câu thơ sau
“Vằng vặc sách trời chia xứ sở”
Từ buổi lập quốc, sự phân định ranh giới núi sông rất cụ thể, rõ ràng, không thể phủ định. Bờ cõi, đất đai được hình thành từ cả một quá trình khai phá, xây dựng lâu dài của một dân tộc như Bác Hồ – người cha già của cả dân tộc đã từng nói “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”. “Trời”, quyền lực tối thượng, linh thiêng trong tâm linh của con người xưa cũng đã đồng tình và đã ghi gõ quyền làm chủ đất đai của người Nam ở “sách trời” ( thiên thư ). Điều này đối với ta ngày nay là một lẽ rất tự nhiên, bình thường nhưng ngày ấy - ngày mà bọn phong kiến phương Bắc đã từng biến nước ta thành quận, huyện của chúng và đang cố sức khôi phục lại địa vị thống trị thì tư tưởng, quyết tâm ấy thực sự có ý nghĩa và linh thiêng biết nhường nào. Trong câu thơ có hình ảnh của trời đất, thần linh, thật thiêng liêng biết bao! Lòng tự hào của dân tộc giúp ta đứng thẳng làm người, đối mặt với kẻ thù. Lời thơ đã khơi dậy trong em nhiều cảm xúc vì nước ta tuy nhỏ bé nhưng không chịu khuất phục trước bọn giặc phương Bắc lớn mạnh. Hai câu thơ cuối là lời cảnh báo đanh thép đối với kẻ thù nếu chúng xâm phạm chủ quyền đất nước
“Giặc dữ cớ sao phạm đến đây
********* nhất định phải tan vỡ.”
Đọc đến đây, lòng em không khỏi rưng rưng xúc động một niềm cảm xúc tràn vào lòng em. Thật là một khí phách kiên cường! Câu thơ như một làn roi quất thẳng vào mặt kẻ xâm lược. Vừa là lời tố cáo hành động ngang ngược, tham tàn của chúng vừa bộc lộ ý chí, tinh thần bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt. Sức mạnh của ngôn từ trong câu thơ là sức mạnh của cả một cộng đồng quật khởi sẵn sàng chiến đấu và sẽ chiến thắng. Đây là niềm tự hào của nhân dân nước Việt đều có trong các cuộc đấu tranh sinh tử với kẻ thù. Ý thức độc lập tự chủ đã hình thành từ rất lâu trong tiềm thức của mỗi con người Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, qua nhiều biến cố đau thương song ý chí “độc lập” không bao giờ tắt. Dám đánh và quyết tâm đánh thắng giặc được biểu hiện tập trung nhất, cao độ nhất của lòng yêu nước trong hoàn cảnh lịch sử ấy.
Tác phẩm “Sông núi nước Nam” là một bản Tuyên ngôn Độc lập bất chủ, bộc lộ khí phách hào hùng. Cảm xúc thơ mãnh liệt tạo chất trữ tình, chính luận. Đó là một đặc điểm của thơ ca thời Lý-Trần khiến ngàn năm sau khi đọc lại lòng người vẫn bị cuốn hút, xúc động. Bài thơ thiên về biểu ý nhưng khi đọc kỹ từng câu thơ, em càng xúc động trước tình cảm yêu nước mãnh liệt của ông cha ta. Tình cảm mãnh liệt ấy nén kín vào bên trong ý tưởng. Em thấy mình như đang sống cùng lịch sử thời đại nhà Lý chống quân Tống xâm lược. Vào một đêm nọ, quân sĩ chợt nghe từ trong đền thờ Trương Hốn, Trương Hát - hai vị tướng giỏi của Triệu Quang Phục có tiếng ngâm thơ đã khiến nhuệ khí của quân ta tăng cao và làm quân giặc hồn siêu phách lạc. Quân dân nhà Lý thừa thắng xông lên đuổi giặc Tống ra khỏi bờ cõi đất nước và chúng phải chuốc lấy thất bại nặng nề. Bài thơ như mang cả hồn sông núi, khơi gợi lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc trong lòng người Việt. Em là người Việt Nam - kế thừa truyền thống tốt đẹp của cha ông, em sẽ quyết tâm góp phần giữ gìn đất nước bằng cách cố gắng học tập trở thành một công dân tốt để bảo vệ, xây dựng nước nhà.
“Sông núi nứi nước Nam” là áng văn chương tuyệt tác, thể hiện tinh thần độc lập, khí phách anh hùng, xứng đáng là một tác phẩm tiêu biểu về lòng yêu nước và tự hào dân tộc.
Nguồn: zing blog