[Văn 6]hãy kể lại một hình ảnh thầy cô giáo đã đẻ lại ấn tượng sâu sắc trong em

T

thanhthanh1998

Last edited by a moderator:
V

vien_da_nho_2525

bạn tham khảo bài này nhé!

Tôi sinh ra ở làng quê nhỏ. Ngôi trường tiểu học của tôi cũng là trường làng bé lắm. Ngồi trường ấy ngày ngày chào đón các em học sinh nghèo tay lấm chân trần. Vâng, trường tôi nghèo lắm. Nhưng ở nơi đó tôi đã tìm thấy nhiều niềm vui và những kỉ niệm về người thầy thân thương với lòng biết ơn sâu sắc.

Đã hơn 10 năm nhưng hình ảnh và lời nói của thầy vẫn luôn hằn sâu trong ký ức tôi. Đó là năm học lớp 5, tôi được chuyển sang học lớp mới. Ngày đầu đi học tôi đứng rụt rè ở cửa lớp vì e sợ thầy, bạn không quen. Thầy nhìn thấy tôi và hỏi han ân cần. Nhìn ánh mắt trìu mến và cầm bàn tay ấm áp của thầy, tôi bước vào lớp trong sự yên tâm lạ thường. Từ lần đầu được gặp thầy rồi được thầy dạy dỗ, tôi càng hiểu và thấy yêu quý thầy nhiều hơn. Với thầy, tôi có thể diễn tả bằng hai từ “yêu thương” và “tận tụy”. Thầy tận tụy trong từng bài giảng, từng giờ đến lớp. Cả những ngày nóng bức hay những ngày mưa, thầy đều đến lớp để mang cho chúng tôi nhiều điều mới lạ. Tôi nhớ đến mùa rét mưa phùn đường đến trường học xa và lạnh giá . Thế mà thầy trò chúng tôi vẫn đến lớp đều đặn, học và viết bài đến cóng cả tay thế mà vui đến lạ. Những bài giảng của thầy dường như “đánh thắng” cả mùa giá lạnh. Khi không đến lớp, thầy lặn lội đến nhà các học sinh để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình và tạo điều kiện tốt hơn để chúng tôi yên tâm ngày hai buổi đến trường. Thầy tôi là như thế, thầy tận tụy với nghề, yêu thương tất cả học sinh. Tôi đã từng được đến chơi nhà thầy – một ngôi nhà mái lá đơn sơ nhưng gọn gàng, sạch sẽ. Căn nhà bé nhỏ ấy chứa đựng tấm lòng yêu thương bao la của thầy tôi. Hơn cả 1 người thầy dạy chữ, thầy còn dạy chúng tôi biết bao điều trong cuộc sống. Thầy luôn nhắc nhở chúng tôi cố gắng học tập, không khuất phục cái nghèo. Thầy vẫn tin rằng các học trò của thầy sẽ xây dựng một tương lai tươi sáng hơn. Niềm tin của thầy truyền sang niềm tin của chúng tôi – những đứa học trò nghèo chan chứa bao nhiêu là ước mơ và hoài bão. Những lời dạy dỗ của thầy đã theo tôi trong suốt những tháng năm dài.

Riêng với tôi, tôi vẫn nhớ mãi những lần được thầy đưa đến trường. Con đường đá đến trường đã thấm biết bao giọt mồ hôi của thầy tôi. Tôi không sao quên được hình ảnh thầy với chiếc xe đạp cũ kĩ cứ kêu “kót két” theo từng vòng quay. Thế mà chỉ cần ngồi sau lưng thầy, con đường dài dường như ngắn lại; cái nóng của buổi trưa nắng gắt dường như cũng mát dịu hẳn đi. Nhìn lưng thầy ướt đẫm mồi hôi mà miệng vẫn vui cười. Ôi! Sao mà nhớ thầy đến thế! Trên con đường dài với lắm gập ghềnh, thầy và tôi cùng nhau trò chuyện nhiều điều thú vị. Bất chợt tôi cảm thấy thầy thật gần gũi và thân thiết như một người bạn lớn. Có lần thầy hỏi tôi rằng: “Nếu chỉ được đi qua một lần trên con đường đầy hoa dại, con sẽ chọn một bông hoa nào con cho là đẹp nhất?!”. Lúc bé thơ ấy tôi nào hiểu những gì thầy muốn nói, chỉ khẻ cười rồi im lặng. Rồi thầy bảo rằng “trên đường con đi sau này sẽ có nhiều “bông hoa” như thế. Con đừng đợi phải đi hết quãng đường, hãy nắm lấy cơ hội để con có thể tiến xa hơn”. Và khi đó tôi mới hiểu điều thầy muốn nói, lời nói của thầy đã cổ vũ tôi đủ can đảm bước xa làng quê bé nhỏ để lên thành phố học tốt hơn. Đúng là thầy tôi, lời khuyên nhủ thật nhẹ nhàng nhưng sâu sắc và làm người ta yên lòng lắm. Đến hôm nay, tôi bỗng nhớ lại những câu chuyện của người thầy năm xưa. Thầm cảm ơn thầy về những gì tốt đẹp thầy đã dành cho tôi. Đó là những lời dạy dỗ quý báu cổ vũ tôi trong những tháng năm dài. Gần 10 năm nay ít có dịp về thăm thầy cũ. Ngôi trường làng ngày xưa đã tàn phai ít nhiều. Mỗi lần về thăm lại thấy mái tóc thầy tôi bạc trắng nhiều hơn. Nhưng dù thời gian có trôi qua bao nhiêu, tấm lòng thầy vẫn như thế, vẫn tận tụy và đầy yêu thương.

Đối với tôi, “người thầy năm xưa” là biểu tượng của một nhà giáo Việt Nam ưu tú. Ở thầy tôi là sự hy sinh cao cả xuất phát từ lòng yêu nghề, yêu trẻ. Đến hôm nay, trong lòng tôi vẫn mãi mãi kính trọng và biết ơn “người thầy giáo năm xưa”.
 
X

xuancuthcs

tả lại thì đúng hơn đó bạn - là hình ảnh mà

Tôi đã học rất nhiều cô, nhưng người để lại cho ấn tượng sâu sắc nhất là cô Thành dạy tôi năm lớp bốn
Từ xa, tôi đã nhận ra cô bởi dáng đi nhanh nhẹn, hoạt bát. Cô thường mặc những bộ quần áo giản dị, sẫm màu phù hợp với độ tuổi. Khuôn mặt cô hình trái xoan với nước da rám nắng. Cô có đôi mắt đen láy, rất đẹp làm tăng thêm vẻ thanh mịn, cong cong của cặp lông mày. Đôi mắt ấy nhìn chúng tôi một cách trìu mến, thân thiện. Cái mũi của cô thanh thanh, cao cao, bên dưới là chiếc miệng luôn mỉm cười cùng hàm răng trắng bóng, đều đặn nổi bặt cặp môi tươi tắn. Mái tóc cô hơi xoăn, đen óng ả buông xuống ngang vai. Trông cô thật bao dung, dịu hiền.
Cô luôn luôn được mọi người yêu quý. Giờ lên lớp, cô giảng bài rất dễ hiểu, hấp dẫn, giọng nói của cô rõ ràng, nét mắt vui tươi. Mỗi khi có bài khó, chỗ nào chưa hiểu, mạnh dạn hỏi, cô đều tận tình giảng lại. Vào giờ ra chơi cô còn giành thời gian để trả lời những câu hỏi của chúng tôi . Không những cô coi trọng môn Toán, Tiếng Việt cô còn giúp chúng tôi đạt điểm tốt trong tất cả các môn. Mỗi khi bạn nào mắc khuyết điểm cô đều nghiêm khắc phê bình nhưng cô chưa bao giờ phải xỉ mắng một học sinh nào. Với tấm lòng nhân ái cô vận động chúng tôi cùng cô quyên góp tìên ủng hộ các bạn nghèo vượt khó. Những việc làm của cô làm tôi không thể quên được, nó luôn đọng lại trong tim tôi.
Tôi coi cô như người mẹ thứ hai của tôi. Mai đây khôn lớn, những kiến thức mà cô Thành và các thầy cô khác đã dạy tôi sẽ trở thành hành trang để tôi bước vào đời. Tôi sẽ không quên mái trường thời thơ ấu này và hình ảnh cô đã dạy dỗ tôi.




tiếp theo :



Ngày đó, cái ngày xửa ngày xưa ấy tôi là một cô bé học lớp 5 ở trường cấp 1 Nông Trường có thành tích đi thi học sinh giỏi cấp huyện đạt giải vậy là Huyện tổ chức tập huấn để đi thi Tỉnh. Lần ấy, trường cấp 1 Nông Trường , thầy Đỗ Bá Sở là Hiệu trưởng, thầy đã rất vui vì trường năm ấy có 2 học sinh được đi tập huấn thi học sinh giỏi cấp Tỉnh đó là "cô bé Tôi" và một người bạn nữa là bạn Tô Doãn Trung, tôi còn nhớ như in cái buổi sáng chào cờ hôm thứ 2 đầu tuần khi thầy Hiệu trưởng đọc danh sách những người đạt cấp Huyện và thưởng ngay cho mỗi đứa một cuốn sổ "cac-nê"bìa da đen động viên đi tập huấn để thi Tỉnh (nói thêm là ngày ấy ai mà có cuốn sổ tay bìa da là "oách" lắm chứ!) tôi thích lắm...Và chúng tôi (tôi và Tô Doãn Trung) lên đường đi tập huấn. Theo thông báo chúng tôi được bố mẹ đưa đến trường Đảng (gần đường lên chợ Mốc) mà tôi cũng không biết là nó thuộc địa phận của xã Minh Sơn hay Dân Lực nữa cơ!

Vì trường cách nhà khá xa, mà lúc bấy giờ xe đạp thì không có nên chúng tôi được bố mẹ dẫn vào trọ học ở nhà một người quen trong làng, đó là cô Oanh. Hôm đầu tiên đến lớp, lạ lẫm quá, bao nhiêu là bạn ở các trường khác nhau trong huyện về học. Tôi, một cô bé vốn nhút nhát, lại từ bé đến giờ chưa đi đâu xa qua cái thị trấn Giắt bé nhỏ cả, nói gì đến việc đi trọ học chứ?! Tôi buồn và nhớ nhà quá...trường Đảng, nơi chúng tôi học bồi dưỡng là một khu trường rộng, sân trường được đổ bằng những lớp sỏi đỏ, có nhiều dãy nhà cấp 4 dài, sân trường có rất nhiều nhãn. Nhút nhát là tôi, chỉ biết ngồi ở gốc nhãn nhìn các bạn chơi nhảy dây hoặc trốn tìm với nhau trước giờ học khi mà thầy giáo chưa đến ...

7 giờ 30 thầy giáo đến. Đập vào mắt tôi lúc ấy và cho đến tận mãi sau này là hình ảnh một thầy giáo dáng người dong dỏng cao, khuôn mặt phúc hậụ, cổ quàng một cái khăn len xọc màu tím than, thầy đeo một cái xắc bên hông mà mãi tận sau này tôi mới biết như người ta hay gọi là "xà-cột".Thầy đi xe đạp hình như đã cũ kĩ lắm thì phải. Vào lớp, thầy giới thiệu thầy tên là Nông, nhận lệnh điều động của Phòng giáo dục thầy về dạy bồi dưỡng môn Tiếng Việt ở đây. Giọng thầy sao mà có sức truyền cảm lạ, thầy nói nhỏ thôi nhưng ấm và có sức lan tỏa vô cùng, hình ảnh này làm tôi cứ nhớ mãi... Tôi còn nhớ mãi một việc mà thầy đã làm đó là hôm đó một bạn nam không biết do trèo cây hay chạy đuổi nhau trên sân trường đầy sỏi đỏ trong giờ ra chơi mà bị ngã chảy máu chân rất nhiều (tôi không nhớ chính xác nữa do lâu quá rồi) nhưng tôi nhớ rõ chi tiết thầy đã rất lo lắng, một học sinh mới học lớp 5 thì biết làm gì chứ? thầy chạy ra vội vàng tìm cách cầm máu cho bạn ấy bằng dân gian đó là thầy đã bứt một ít lá cây gì đó nhai nhai và đắp vào vết thương đang chảy máu của bạn thuần thục và gọn gàng như một y tá vậy, sau đó thầy tìm cách băng vết thương cho bạn lại nhưng ở trường thì làm gì có băng gạc đâu cơ chứ, thế là thoáng chút suy nghĩ, thầy rút chiếc mùi xoa trong túi ra và băng vết thương lại cho học sinh (tôi nghĩ rằng chiếc khăn mùi xoa ấy chắc chắn là ai đó làm bên thương nghiệp hoặc giả đi nước ngoài về tặng thầy vì nó rộng và rất đẹp) chắc thầy cũng thích chiếc khăn đấy lắm! sau đó thầy ân cần động viên: yên tâm nào, không sao đâu, sẽ khỏi ngay thôi mà, các em chơi nên cẩn thận hơn nhé...
Chúng ta tiếp tục học nhé! Thầy lại say sưa với những bài giảng, những từ đơn, từ ghép, từ láy...những bài thơ thầy giảng thật hay, những đề thi hàng năm thầy sưu tầm, nay thầy đưa ra cho chúng tôi làm quen, thầy ra nhiều dạng đề và yêu cầu chúng tôi cùng giải quyết. Tôi còn nhớ có một đề bài văn mà đúng là thực tế học ở trường tôi chưa được học bao giờ. Đề bài đó là: "hãy dùng lời của mình để kể chuyện một hôm em đi học sớm làm trực nhật thì nghe tiếng khóc của một cái bàn học bị gãy chân."
Chúng tôi còn chưa biết sẽ kể như thế nào thì thầy như hiểu được nỗi băn khoăn của chúng tôi thầy đã gợi mở và chúng tôi đã biết cách làm bài. Hôm chấm điểm, bạn Hảo được điểm cao nhất thầy luôn tuyên dương và đọc to những bài tốt cho cả lớp cùng nghe...

* * *

Thấm thoắt đã 20 năm trôi qua, thầy tôi chắc đã già rồi, lớp học bồi dưỡng trường Huyện của chúng tôi năm ấy giờ ai nấy cũng đã có gia đình và thành đạt cả, theo tôi biết thì Doãn Trung giờ đã là kỹ sư xây dựng, Ngọc Ánh giờ đã là giảng viên của một trường cao đẳng sư phạm phía Nam, Việt Hưng là thầy giáo dạy văn - dệt tiếp những ước mơ như thầy. Hảo hình như đã là nhà báo...
Thật tình cờ, vào năm ngoái tôi được gặp thầy, đó là thầy giờ với vai trò là ủy viên BCH Công Đoàn Huyện về kiểm tra tình hình hoạt động của Công đoàn trường tôi, sau thời gian làm việc, trường tôi có mời các thầy cô về làm công tác kiểm tra dùng cơm trưa, lúc này tôi mới có cơ hội được trò chuyện với thầy. Tôi chào thầy và giới thiệu bản thân và tôi hỏi thầy có nhớ em không? Thoáng cái nhíu mày chân thật thầy trả lời là thầy không nhớ. Cô bé Tôi của ngày xưa học trường Huyện với thầy hơi buồn song, như thầy nói và tôi cũng nghĩ vậy: Làm sao thầy có thể nhớ được khi ngày xưa là một cô bé học lớp 5 bé tí teo, hai mươi năm đã trôi qua và giờ đây đã thành một cô giáo? Vâng, thầy nói đúng, hai mươi năm đủ để cho một em bé chào đời và trưởng thành, cuộc sống biết bao thăng trầm dâu bể ...thầy nhỉ! Thầy vẫn thế, vẫn nụ cười hiền hậu như xưa, cái nhìn đầy bao dung độ lượng, giọng nói vẫn ấm áp và truyền cảm lạ...
Tôi kể cho thầy nghe về các bạn học hồi ấy, thầy rất vui. Thầy bảo: bao giờ các em có thể tổ chức họp lớp ấy một lần nhỉ? Tôi cũng có mong muốn như thầy vậy, tôi nghĩ nếu mà họp lớp thì người đầu tiên mà chúng tôi mời đến là thầy. Bởi chính thầy là một trong những người đã góp phần quan trọng chắp cánh cho những ước mơ của chúng tôi bay cao, góp phần giúp chúng tôi có được những thành công trên con đường học vấn. Thế nhưng, biết chắc còn mấy ai nhớ đến thầy chăng??
Ngay cả bản thân tôi, phần vì công việc xã hội, phần vì việc gia đình đã có những lúc tôi quên (thú thật là kể từ ngày ấy đến giờ tôi vẫn chưa trở lại thăm trường xưa dù chỉ là một lần, mà tôi chỉ đi qua và quan sát từ xa hình như trường tôi đã không còn nguyên vẹn như xưa nữa) nhưng từ thẳm sâu trong trái tim mình, tôi vẫn nhớ tôi đã từng có thời gian được học thầy ở trường Đảng, được thầy gieo vào lòng những niềm tin cuộc sống.
Giờ đây thầy vẫn dạy (thầy dạy trường cấp 2 Dân Quyền), vẫn tiếp tục những chuyến đò đưa học sinh qua sông. Những tốp học sinh sau này có lẽ cũng như chúng tôi rất thích thú khi được học với thầy, được thầy dìu dắt và chắp cánh những ước mơ bay cao bay xa hơn nữa.

Nhân ngày 20 tháng 11 em xin gửi đến thầy và tất cả các thầy cô giáo lời tri ân, lời biết ơn sâu sắc và cũng là một lần nữa nhắc nhở chúng em - những người đã là học trò, đang là học trò và sẽ là học trò rằng: "Ăn qủa nhớ kẻ trồng cây - Uống nước nhớ người đào giếng". Đâu đó vang vang tiếng đọc bài : "Không thầy đố mày làm nên"
"Muốn sang thì bắc cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy"
 
C

conangkieusa

bạn tham khảo thôi nha

Đi suốt cuộc đời học sinh mỗi chúng ta là hình ảnh của các thầy cô giáo. Mỗi người người một vẻ, một cách khác nhau và cũng vì thế các thầy cô lại để lại ấn tượng sâu đậm hay mờ nhạt khác nhau trong lòng mỗi cậu học trò. Nhưng tất cả các thầy cô đều có một khát vọng giống nhau: truyền cho ta tri thức. Và vì thế hình ảnh các thầy cô đều đẹp, đẹp nhất và gần gũi nhất chính là lúc các thầy cô đứng trên bục giảng.

Giấu đi những kỷ niệm mãi mãi không quên ở thời tiểu học, chúng tôi bước vào lớp sáu. Tôi bước vào tuần học đầu tiên bằng một tâm trạng hồi hộp xen lẫn có một cái gì đó đầy xa lạ. Nhưng không ngờ tất cả những gì đã đến đều đẹp hơn những tưởng tượng của tôi. Ấn tượng ấy đến từ tiết học đầu tiên.

Hôm ấy là thứ hai, cả lớp tôi đón tiết Ngữ văn, tiết học đầu tiên của năm lớp sáu. Cô giáo bước vào lớp với nụ cười hiền dịu vô cùng. Cô mặc một bộ quần áo giản dị nhưng vẫn đẹp, rất hợp với dáng người thon thả của . Đôi mắt đen láy dịu hiền hợp với khuôn mặt thật là phúc hậu. Cô giới thiệu cô tên là Hải Minh. Cô sẽ dạy văn lớp mình. Còn lại thời gian sẽ giúp cô trò ta hiểu biết về nhau. Rồi cô vào bài giảng.

Tôi ngồi gần cuối lớp chăm chú nhìn theo những ngón tay búp măng của cô đang tô đậm đầu bài. Cô vào bài giảng nhẹ nhàng hấp dẫn bằng những lời văn đầy nghệ thuật. Vừa viết, vừa giảng, cô vừa đối thoại với học trò làm cho tiết học gần gũi vô cùng. Tôi nhìn cô! Cô đang giảng say sưa quá, khiến tôi muốn giữ tất cả những lời giảng của cô.

Tấm bảng đen bắt đầu dày phấn trắng, những nét chữ đều đặn, gọn gàng, chỗ thanh, chỗ đậm, chỗ gạch chân được trình bày đẹp và khoa học chứng tỏ người viết cực kỳ cẩn thận. Nhìn nét chữ của , chúng tôi thấy ngại ngùng vì tính cẩu thả của mình. Phía trên cô vẫn viết và vẫn giảng. Thỉnh thoảng cô quay sang uống một ngụm nước nhỏ hoặc gọi một bạn nào đó đứng lên trả lời câu hỏi: cô không bao giờ căn vặn. Câu hỏi bao giờ cũng gợi ý nhẹ nhàng để gỡ thế cho học trò. Cũng có lúc cô đi xuống tận chỗ bàn tôi. Cô nắn lại tay bạn nào cầm bút sai tư thế, chữa một lỗi chính tả cho bạn ngồi ngay cạnh tôi hay nhắc bạn ngồi ở dãy bên kia đừng cúi đầu thấp quá.

Giờ giảng cứ thế trôi qua ngắn đến vô cùng. Vừa mới đó mà đã ra chơi. Bài giảng của cô cũng vừa hết. Cô lại mỉm cười chào cả lớp trước khi trở lại văn phòng. Cả lớp tôi nhìn nhau vỗ tay giòn giã.

Ấn tượng của buổi học hay nói đúng hơn là ấn tượng về sự say sưa của cô giáo lúc giảng bài đọng lại trong tôi rất đẹp. Tôi mơ màng nghĩ ngợi và chờ đợi để được nghe lời giảng, được ngắm nhìn sự chăm chú say sưa với bài giảng của cô trong tiết học lần sau
 
Top Bottom