[Văn 5] Chuyện về Bác Hồ

N

ngochoa50

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Bác Hồ của chúng ta không còn nữa nhưng hình ảnh Người còn sống mãi trong lòng em. Bằng tình cảm kính yêu và lòng biết ơn vô hạn, em hãy kể lại 1 câu chuyện về bác Hồ đã tác động mạnh mẽ đến tình cảm, ý nghĩ của em.
 
Last edited by a moderator:
N

ngobin3

Bác có phải là vua đâu!​
Có một số người có ngôi cao, chức cả, sống trong sự trọng vọng, chiều chuộng của mọi người, thường xuyên được hưởng sự ưu đãi đặc biệt, lâu dần cũng quen đi mà không hề biết rằng mình đã nhiễm phải thói đặc quyền, đặc lợi.
Suốt đời tâm niệm là người công bộc của nhân dân, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, Bác Hồ của chúng ta luôn luôn hòa mình vào cuộc sống chung của đồng bào, đồng chí, không nhận bất cứ một sự ưu tiên nào người khác dành cho mình.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nhiều nhân sĩ, trí thức cao tuổi theo Bác lên Việt Bắc, đi kháng chiến, đèo cao suối sâu, đường bùn lầy, nhiều vị phải nằm cáng. Anh em phục vụ lo Bác mệt cũng đề nghị Bác lên cáng, Bác gạt đi: Bác còn khỏe, còn đi được, các chú có nhiệm vụ đưa Bác đi như thế này là tốt rồi.
Cuối năm 1961, Bác về thăm xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, một xã có phong trào trồng cây tốt. Tại một ngọn đồi thấp, Bác đứng nói chuyện với nhân dân trong xã. Trời đã gần trưa, tuy đã sang đông mà nắng còn gay gắt. Nhìn Bác đứng giữa nắng trưa, ai cũng băn khoăn. Đồng chí Chủ tịch huyện cho tìm mượn được chiếc ô, định giương lên che nắng cho Bác, thì Bác quay lại hỏi:
- Thế chú có đủ ô che cho tất cả đồng bào không? Thôi, cất đi, Bác có phải là vua đâu?
Một lần, trong bữa ăn, đồng chí phục vụ dọn lên cho Bác một đĩa cá anh vũ, một loại cá sông quý hiếm thường chỉ có ở khúc sông Hồng đoạn Bạch Hạc - Việt Trì. Nhìn đĩa cá biết ngay là của hiếm, Bác khen và bảo:
- Cá ngon quá, thế mà chú Tô (tức đồng chí Phạm Văn Đồng) lại đi vắng. Thôi, các chú để đến chiều đồng chí Tô về cùng thưởng thức.
Miếng ngon không bao giờ Bác chịu ăn một mình. Chia sẻ ngọt bùi là thế, tưởng chuyện cũng sẽ qua đi. Nhưng đến bữa sau, trong mâm cơm lại có món cá hôm trước. Nhìn đĩa cá, Bác hiểu ngay và tỏ ra không bằng lòng.
- Bác có phải là vua đâu mà phải cung với tiến!
Rồi Người kiên quyết bắt mang đi không ăn nữa. Như Bác đã từng nói, ở đời ai chẳng thích ăn ngon, mặc đẹp, nhưng nếu miếng ngon đó lại đánh đổi bằng sự mệt nhọc, phiền hà của người khác thì Bác đâu có chấp nhận.
Những anh em công tác trong Phủ Chủ tịch hàng ngày vẫn thường đi lại bằng xe đạp, thỉnh thoảng có gặp Bác đi bộ. Nhìn thấy Bác, mọi người đều xuống dắt xe chờ Bác đi qua rồi mới lên xe đi tiếp. Thấy vậy, Bác thường khoát tay ra hiệu bảo anh em cứ đi tiếp, không cần xuống xe. Nhưng ai có thể cho phép mình ngồi trên xe khi Bác đi bộ. Một lần, Bác gọi đồng chí vừa xuống dắt xe lại gần và bảo:
- Các chú có công việc của mình nên cứ tiếp tục đạp xe mà đi. Bác đâu có phải là cái đền có biển “hạ mã” ở trước để ai đi qua cũng phải xuống xe, xuống ngựa?
Lão Tử có nói: “Trời đất sở dĩ có thể dài và lâu vì không sống cho mình nên mới được trường sinh. Thánh nhân đặt thân mình ở sau mà lại lên trước, đặt thân mình ở ngoài mà lại còn”. Bác Hồ sống quên mình, không nghĩ đến mình mà lại trở thành sống mãi. Lời Lão Tử thật sâu sắc lắm thay!
 
P

p3b3o_091098

Câu chuyện khi Người ở Pác pó

Đầu năm 1941, Bác Hồ về nước, Người đã chọn Pác Bó (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) làm nơi đứng chân xây dựng căn cứ địa cách mạng.

Vào những năm 1940 - 1941, đời sống người dân Pác Bó vô cùng cực khổ, lương thực chủ yếu chỉ là ngô. Có những gia đình thiếu đói, vào những ngày giáp hạt phải vào rừng để đào củ mài để kiếm sống qua ngày. Còn có những gia đình bốn đời truyền nhau một tấm áo chàm, miếng vá nọ chồng lên miếng và kia, đến khi nhìn lại thì không còn nhận ra đâu là miếng vải may từ lúc đầu tiên nữa. Người về nước trong thời điểm đó và chọn hang Cốc Bó làm nơi trú ẩn. Cuộc sống của Người kham khổ đạm bạc cũng chỉ cháo ngô và rau rừng như những đồng bào quanh vùng. Thấy Bác đã có tuổi, vất vả ngày đêm, lại phải ăn cháo ngô sợ Người không đủ sức khoẻ nên các đồng chí đã bàn nhau mua gạo để nấu riêng cho Bác. Biết vậy Người đã kiên quyết không đồng ý. Có lần ngô non xay để lâu ngày mới dùng đến, nấu cháo bị chua. Các đồng chí lại đề nghị Bác cho nấu cháo gạo để Bác dùng Bác vẫn không nghe. Người hỏi các đồng chí:

- Có cách nào làm cho bắp non khỏi bị chua không?

Các đồng chí thưa:

- Nếu rang lên thì có thể ăn được nhưng không ngon.

- Không ngon cũng được, thế thì rang lên mà ăn, không nên bỏ phí. Một hạt bắp lúc này cũng quí.

Lời Bác nói đã cho anh em thấm thía một bài học về sự tiết kiệm. Và câu thơ "Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng" ra đời trong thời kỳ này. Trong hoàn cảnh khó khăn gian khổ, Bác chúng ta vẫn luôn tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng.

Đầu tháng 4/1941, Bác và các đồng chí chuyển sang sống ở lán Khuổi Nặm. Đồng chí Bảo An - quê ở Sóc Giang, Hà Quảng bẫy được một chú gà lôi. Mọi người trầm trồ khen con gà đẹp quá và xin Bác giữ lại nuôi làm cảnh. Bác bảo:

- Nuôi gà lôi giải trí cũng thích, nhưng hiện nay lương thực rất thiếu thốn, cơm gạo chúng ta còn chưa đủ ăn thì các chú lấy gì để nuôi gà cảnh?

Anh em thưa với Bác: - Chúng cháu sẽ bắt sâu bọ để nuôi gà.

Bác đồng ý, nhưng chỉ được vài ngày sau con gà lôi gầy sút đi. Thấy vậy Bác hỏi:

- Bây giờ chúng ta giải quyết thế nào đây?

Biết ý, anh em thưa:

- Vậy xin phép Bác cho chúng cháu thịt gà ạ.

Bác nhất trí. Anh em hớn hở vì nghĩ hôm nay sẽ được cải thiện một bữa ra trò. Nhưng khi thịt gà, Bác chỉ cho phép lấy bộ lòng để nấu một bữa tươi. Còn tất cả băm thật nhỏ cho nhiều muối và ớt rang mặn lên để vào ống tre ăn dần trong các bữa sau. Bác còn dặn, nhớ để phần cho những đồng chí đang đi công tác cơ sở chưa về. Chỉ một miếng ăn nhỏ lạ miệng Người cũng không quên các đồng chí vắng nhà.

Năm 1942, Bác sang Trung Quốc để gặp gỡ với chính quyền Trung ương Tưởng Giới Thạch bàn về mối quan hệ giữa hai nước trong công cuộc chống Nhật. Không may, đi đến phố Túc Vinh, huyện Đức Bảo, Quảng Tây, Trung Quốc, Người đã bị chính quyền địa phương Tưởng Giới Thạch bắt giữ. Người đã bị giải đi qua hơn 30 nhà lao của 13 huyện thị Quảng Tây, Trung Quốc. Tháng 10/1943, Người được trả lại tự do. Đến tháng 10/1944, Người quay trở lại Pác Bó. Các đồng chí đã đưa Bác vào nhà cụ Dương Văn Đình (bố đồng chí Dương Đại Lâm) mọi người mừng rỡ khi thấy Bác trở về. Nhìn thấy Bác gầy yếu, tóc bạc đi mấy phần, ai cũng xót xa, thương Bác. Cụ Dương Văn Đình đã cho người nhà nấu cháo và bưng đến một bát cháo trứng gà mời Bác. Bác hỏi:

- Ở đây một ngày ăn mấy bữa hả cụ?

- Dạ, một ngày ăn ba bữa, bữa sáng thì ăn cháo.

- Thế ai cũng được ăn cháo đánh với trứng à?

Mọi người phải thú thực vì thấy Bác đi đường mệt nên mới làm mời Bác thôi. Bác không bằng lòng bảo với mọi người

- Các đồng chí làm cách mạng, tôi cũng làm cách mạng, tại sao tôi lại được đặc biệt hơn các đồng chí? Cách mạng gian khổ phải cùng nhau chịu đựng, mọi người ăn sao tôi ăn vậy.

Và Người đứng dậy, bưng bát cháo trứng đến mời bà cụ cố của đồng chí Dương Đại Lâm. Bác nói: "Đây mới là người cần được bồi dưỡng. Bà cố đã sống gần trăm tuổi rồi, cực khổ vất vả đã nhiều, cần ăn ngon để sống với con cái đến ngày nước nhà độc lập, vui hưởng thái bình".

Nghe Bác nói vậy ai cũng thấy sống mũi cay cay. Thương Bác và càng thêm cảm phục Bác. Chưa bao giờ Bác đòi hỏi phải có sự ưu tiên cho riêng mình. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào Người cũng đều nghĩ cho người khác và quan tâm đến tất cả mọi người xung quanh.
 
P

p3b3o_091098

Chiếc thắt lưng của Bác
Thời kỳ đó là tháng 6-1954. Sau chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu, Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tới Genève để đàm phán. Hội nghị kéo dài được gần một tháng thì các bên tạm nghỉ để về nước báo cáo lập trường các bên cho chính phủ mình. Trên đường về Việt Nam các bạn Trung Quốc đã mời phái đoàn Việt Nam nghỉ lại Trung Quốc. Phái đoàn Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn đầu.
Hôm đó, Bác nghỉ tạm tại nhà nghỉ Đảng bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Quảng Tây. Sáng, Bác Hồ đi họp, ở nhà, một cán bộ của bạn đi kiểm tra phòng Bác xem các nhân viên phục vụ phòng có chu đáo không. Sau khi xem xét một lượt, anh ta thấy trên sàn nhà một mảnh vải đã cũ, dài khoảng 80cm, rộng khoảng 10cm, màu vàng đã bạc. Đoán rằng đây là dây gói tài liệu rớt ra sau khi cầm tài liệu đi, anh ta bỏ mảnh vải vào thùng đựng giấy rác.
Bác đi họp về, hỏi: “Thắt lưng của tôi đâu? Tôi thường để sau ghế tựa nên bị rơi xuống đất”. Lúc này mọi người mới vỡ lẽ vội đi tìm và đưa lại cho Bác.
Một chiếc thắt lưng bằng da, bằng dây dù... cũng không đắt hơn một miếng vải là bao. Nhưng vấn đề ở đây: Cái quí báu trong nhân cách của Bác là tính cách luôn hy sinh, cái riêng bao giờ cũng là tối thiểu, cái dành cho sự nghiệp chung bao giờ cũng được ưu tiên tối đa. Phẩm chất trong sáng thể hiện thường trực trong những cử chỉ của Bác, dù nhỏ nhất. Thời điểm đó, sau chiến dịch Điện Biên Phủ, thắt lưng chiến lợi phẩm thu được rất nhiều, nhưng Bác vẫn chỉ tiếp tục dùng chiếc thắt lưng quen thuộc cũ kỹ của mình.

Giản dị và tiết kiệm
Bà Nguyễn Thị Liên, nguyên cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch, kể lại rằng: Khi làm việc ở Văn phòng, đôi khi bà còn đảm nhận việc khâu, vá quần áo, chăn, màn, áo gối cho Bác. Công việc này giúp bà có điều kiện được gần Bác và học tập được rất nhiều, nhất là đức tính giản dị, tiết kiệm. Áo Bác rách, có khi vá đi vá lại, Bác mới cho thay. Chiếc áo gối màu xanh hoà bình của Người thường được chú Cần (người phục vụ Bác) đưa bà vá đi vá lại. Cầm chiếc áo gối của Bác, bà rưng rưng nước mắt. Bà nói với chú Cần thay áo gối khác cho Bác dùng nhưng Bác chưa đồng ý. Người vẫn dùng chiếc áo gối vá.
Những năm tháng giúp việc ở Văn phòng của Bác, tôi (Nguyễn Thị Liên- TNTP) có những kỷ niệm không bao giờ quên.
Bà kể rằng: Ở Việt Bắc, có một buổi Bác đi công tác về muộn, về qua Văn phòng, Bác nghỉ lại một lát vì mệt. Anh Hoàng Hữu Kháng, bảo vệ của Bác nói với bà:
- Bác mệt không ăn được cơm. Cô nấu cho Bác bát cháo.
Bác đang nằm nghỉ nghe thấy thế liền nhỏm dậy bảo:
- Cô nấu cháo cho Bác bằng cơm nguội ấy, vừa chóng chín, vừa tiết kiệm được gạo, khỏi bỏ phí cơm thừa.
Câu chuyện bà kể khiến mọi người đều xúc động và thương Bác quá chừng. Bác thật giản dị và tiết kiệm, chắt chiu như người cha lo cho một gia đình lớn, như cảnh nhà đông con mà còn túng thiếu.
Chiếc áo gối vá, bát cháo nấu bằng cơm nguội của vị Chủ tịch Nước có tác động lớn đến suy nghĩ của mỗi con người. Nhất là hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang mở cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Những câu chuyện nhỏ trên đây chính là một trong những nét đẹp về đạo đức Bác Hồ để chúng mình cùng học tập.
 
P

p3b3o_091098

Những ngày cuối cùng của Bác:
9 giờ ngày 2/9/1969, Bác bị một cơn đau tim nặng. Theo dõi trên máy điện tim thì đến 9 giờ 15 tim Bác ngừng đập hẳn. Các bác sĩ, anh em bảo vệ chúng tôi thay nhau dùng sức ấn lên ngực Bác, mong sao tim Người đập trở lại. Cho đến 9 giờ 47 phút, Thủ tướng Phạm Văn Đồng trào nước mắt: "Thôi các đồng chí ạ, Bác của chúng ta không qua khỏi nữa rồi"

Bác nằm chữa bệnh tại ngôi nhà nhỏ phía sau nhà sàn, ngôi nhà mà Bộ Chính trị quyết định làm tháng 5/1967 - trong lúc Bác sang Trung Quốc chữa bệnh, với mục đích đảm bảo an toàn cho Người trong những năm máy bay giặc Mỹ bắn phá Hà Nội.




Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến thăm Bác những ngày Bác ốm năm 1969. Ảnh do tác giả cung cấp


Khi nhà làm xong, Bác Hồ không nhận sử dụng riêng cho mình. Người nói: "Khi nào có nhiều đồng chí phụ trách đến làm việc với Bác thì họp ở nhà ấy cho chắc chắn. Còn lúc ở một mình, Bác cứ ở nhà sàn gỗ thôi. Các chú lo cho Bác, cũng phải lo cho dân ấy. Dân chịu được thế nào, Bác chịu được như vậy".

Kể từ ngày 20/7/1967 (ngày Bác đi Trung Quốc về), nơi đây trở thành địa điểm Bộ Chính trị họp mỗi tuần một lần, ra những quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước. Bây giờ, trong hồ sơ di sản, ngôi nhà này được gọi là nhà 67.

Bài viết cuối cùng

Kỷ niệm Đảng ta 39 tuổi (3/2/1969), tại ngôi nhà này, Bác Hồ đã viết bài “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, biểu dương tinh thần hy sinh gương mẫu, đạo đức trong sáng của cán bộ, đảng viên, đồng thời kịch liệt lên án những hành vi, tư tưởng cá nhân hẹp hòi.

Người chỉ ra rằng chủ nghĩa cá nhân là nguyên nhân, là bạn đồng hành của căn bệnh tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa, tham danh, trục lợi… làm hại đến quyền lợi của cách mạng, của nhân dân, làm giảm thanh danh, uy tín của Đảng cầm quyền.

Trong bài viết cuối cùng về đạo đức trước khi từ biệt thế giới này, Bác Hồ không quên dặn lại mọi người cách làm người, nâng cao phẩm giá - cái gốc quý báu để đảm bảo cho cuộc hành trình trong cuộc đời mỗi người tới đích vẻ vang. Ngẫm suy thời cuộc hiện nay, khi mà chủ nghĩa cá nhân đẻ ra tham nhũng đã trở thành nguy cơ nội xâm, quốc nạn, càng thấy giá trị lớn lao lời dạy của Bác.



Và tại ngôi nhà này, Bác đã để lại tấm gương đạo đức trong sáng để bây giờ cho ta học và làm theo.

Một lần, đồng chí phục vụ đọc cho Bác nghe báo Hà Nội Mới đưa tin Hợp tác xã Ngũ Xã có ý định đúc bức tượng Bác bán thân bằng đồng. Bác nói với đồng chí phục vụ: "Chú sang nói với Trung ương trong lúc đồng khan hiếm không được làm như vậy, đem số tiền định đúc tượng Bác xây thêm cho các cháu một phòng học. Biết bao anh hùng liệt sĩ, sao không đúc tượng, lại đúc tượng Bác?"

Vào thời gian sau ngày 12/8/1969, Bộ Chính trị tổ chức họp bàn chuẩn bị tổ chức 4 ngày lễ lớn trong năm 1970. Cuộc họp vắng Bác, vì Người đang mệt nặng. Một hôm, có đồng chí ủy viên Bộ Chính trị vào thăm Bác và báo cáo lại với Bác quyết định của Bộ Chính trị.

Nằm trên giường bệnh, nghe nói về những kỷ niệm sắp tới, Bác rất vui. Nhưng khi nghe nói việc tổ chức kỷ niệm 80 năm ngày sinh của Người, Bác liền bảo: "Bác chỉ đồng ý 3/4 Nghị quyết. Nghị quyết kỷ niệm 40 năm thành lập Đảng, 100 năm ngày sinh Lênin, 25 năm ngày thành lập nước, các chú nên có sớm để tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Các cháu học sinh sắp bước vào năm học mới, tiền bạc dùng để tuyên truyền về ngày sinh của Bác, các chú nên dành để in sách giáo khoa và mua dụng cụ học tập cho các cháu, khỏi lãng phí".

"Chúng tôi xin hiến tim mình để thay tim cho Bác"

16 giờ ngày 12/8/1969, Bác gặp đồng chí Lê Đức Thọ tại nhà nghỉ Hồ Tây nghe báo cáo tình hình Hội nghị Paris. Đêm hôm đó, Bác lên cơn sốt và ho, những ngày sau đó Bác ho nhiều hơn, sốt nặng hơn. Nhưng Bác vẫn lên, xuống nhà sàn làm việc. Theo đề nghị của bác sĩ, ngày 18/8 Bác Hồ không làm việc ở nhà sàn gỗ nữa. Người xuống ở và làm việc tại ngôi nhà 67. Kể từ hôm đó, những ngày quy luật của cuộc đời đến với Bác Hồ ở nơi đây.

Ngày 29/8/1969, Bác nói với Thủ tướng Phạm Văn Đồng: "Ngày lễ Quốc khánh Bác sẽ ra dự mươi, mười lăm phút".

Ngẫm lại thì thấy thật kỳ lạ: 9 giờ ngày 2/9/1969, Bác bị một cơn đau tim nặng. Theo dõi trên máy điện tim thì đến 9 giờ 15 tim Bác ngừng đập hẳn. Các bác sĩ, anh em bảo vệ chúng tôi thay nhau dùng sức ấn lên ngực Bác, mong sao tim Người đập trở lại. Cho đến 9 giờ 47 phút, Thủ tướng Phạm Văn Đồng trào nước mắt: "Thôi các đồng chí ạ, Bác của chúng ta không qua khỏi nữa rồi".

Thế là, 9 giờ 47 phút ngày 2/9/1969, từ nơi đây truyền đến cho nhân loại nỗi đau Bác Hồ ra đi mãi mãi để cho “đời tuôn nước mắt”. Ngày 2/9/1945, Bác Hồ đã cứu dân tộc khỏi kiếp khổ nạn, mang lại hạnh phúc độc lập cho mọi người dân, nhưng ngày đó Bác có được hưởng đâu.

Và con số 9 mới linh thiêng làm sao: Bác ra đi lúc 9 giờ 47 phút, ngày 2/9/1969, thọ 79 tuổi. Ngày 9/9/1969, cả dân tộc làm lễ truy điệu tiễn đưa Người về với thế giới người hiền.

Suốt 15 năm Bác sống và làm việc ở khu Phủ Chủ tịch, không có một lần nào dân kéo về nhà Bác để làm bận lòng Bác. Trong những ngày Bác yếu, tuy giữ bí mật rất cao về tình trạng sức khỏe của Bác, nhưng xe cộ hàng ngày ra vào nhiều, đưa các đồng chí Trung ương vào thăm Bác, đưa bác sĩ vào chữa bệnh cho Bác, đưa các phương tiện vào để chạy chữa bệnh cho Bác…, nên dân dự đoán rằng có thể Bác ốm.

Vì thế, có nhiều người dân đến Cổng đỏ (cổng ra vào Phủ Chủ tịch, hàng ngày Bác Hồ vẫn thường đi lại cổng này), nói lên một tâm nguyện: Nếu đúng Bác ốm, chúng tôi xin hiến trái tim của mình để thay tim cho Bác.

Từ ngày 3 đến ngày 6/9/1969, dòng người không lúc nào vắng, buồn rầu đội mưa thầm lặng, trật tự đi đến Lễ đài Ba Đình để viếng ảnh Bác. Và những ngày thi hài Bác quàn trong linh cữu đặt tại Hội trường Ba Đình, vì đông người vào viếng nên có những cháu nhỏ không vào viếng Bác được, cứ giằng co với công an bảo vệ ngoài Hội trường, khóc lóc thảm thiết: Các chú trả Bác cho chúng cháu đây…



Sau ngày Bác mất, một số chiến sĩ công an, trong đó có tôi gác tay súng, chuyển sang tay chổi, tay bút chăm lo công việc bảo vệ di sản cho Bác, hàng ngày quét dọn lau chùi ngôi nhà 67 như khi phục vụ Bác lúc sinh thời. Bác đi rồi, ngôi nhà sao mà lạnh lẽo. Vì vậy chúng tôi đã đặt một lư đồng nhỏ ở cửa sổ cạnh giường Bác nằm, hàng ngày đốt nén hương trầm để nhà thêm ấm cúng.

9 giờ 47 phút ngày 2/9/1989, tôi đã mời và đón Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và cố vấn Ban Chấp hành TƯ Đảng Phạm Văn Đồng vào thăm lại nơi Bác mất và thắp nén hương tưởng nhớ Bác. Hai đồng chí cho ý kiến: "Nên có một nơi trang trọng để thờ cúng Bác, vì hương hồn Bác vẫn mãi mãi ở lại nơi đây với chúng ta".

Để từng bước thực hiện lời căn dặn này, khu Di tích Phủ Chủ tịch đã chỉnh trang để có được nơi thắp hương như hiện nay ở nơi Bác mất. Sau đó, dần dần để khách đến thăm nhà Bác được thắp nén hương nhớ Bác.

Và bắt đầu từ ngày 2/9/1994, chúng tôi mời các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước tới thắp hương tưởng nhớ Bác Hồ tại nơi đây vào những dịp lễ hàng năm 19/5, 2/9 và ngày Tết âm lịch. Theo phong tục cúng giỗ tổ tiên của Việt Nam, từ năm 1994, cứ đến ngày 21/7 âm lịch, chúng tôi lại sắp mâm cơm giỗ Bác.

Năm 2002, với tấm lòng thành kính của đứa con trông nhà cho Bác, tôi cầu khấn xin Bác cho lập nơi thờ cúng trang nghiêm, rộng rãi để cháu con hôm nay và mai sau về thắp hương tưởng nhớ người Ông, người Bác, người Cha, với bức tượng đồng Bác ngồi ghế, tay Bác cầm kính đặt lên tờ báo để trên đùi, mắt nhìn thẳng như dừng đọc báo để chào đón mọi người vào thăm.

Kể từ ngày lập bàn thờ Bác ở đây, các đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng cùng nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đã về thắp hương tưởng nhớ Bác, cầu nguyện Bác phù hộ cho Quốc thái, Dân an.

• TS. Trần Viết Hoàn (nguyên Giám đốc Khu Di tích Phủ Chủ tịch)
Chú ý ghi nguồn nhưng ko dẫn link trực tiếp web khác nhé.
 
Last edited by a moderator:
Top Bottom