Bà nội của tôi yêu tôi lắm, bà rất hay để phần cho tôi những thứ bà đi chùa hay đi chợ mua được, đôi khi chỉ là những cái kẹo thôi. Trẻ con thì thường hay ăn kẹo với anh chị em, nhưng tôi ăn kẹo và ăn những thứ gì mà tôi có được cùng với bà của tôi. Bà vui lắm, tôi nhìn thấy điều đó trong ánh mắt của bà. Tôi cũng không hiểu sao lại là như thế, nhưng có gì ngon, có gì mà tôi cho rằng chỉ tôi mới được ăn, tôi đều muốn chờ bà về và bà cháu tôi cùng ăn với nhau, có lẽ bà hiểu được điều gì đó, nên bà cũng đối với tôi như thế, bà vui và kể với mọi người ngay trước mặt tôi, tôi thấy vui và tự hào, thấy mình lớn lắm.
Tôi chỉ ở với bà nội của tôi cho đến năm tôi học hết lớp 5, nhưng tất cả những gì mà tôi có được với bà nội sẽ mãi ở trong trí nhớ non nớt của tôi.
Bà nội, nhưng lại không phải bà nội, vì sao thế ? Tôi hay gọi là bà nội nuôi, và tôi có thêm bà nội đẻ. Như thế là tôi có tới 6 ông bà, hai ông bà nội nuôi, hai ông bà nội đẻ và hai ông bà ngoại. Tôi thật hạnh phúc phải không ?
Vì bà chỉ là bà nội mà đã nuôi bố tôi trưởng thành từ bé. Khi bé, bố tôi được cho bà từ ông bà nội đẻ, và ở đây bố tôi trở thành con cả. Bố tôi sống và được bà nội nuôi nuôi từ bé, từ khi lọt lòng ấy. Còn ông bà nội đẻ thì ở xa hơn, phải đi xe đạp mất khoảng 1 tiếng đồng hồ, như thế với trẻ con chúng tôi cũng là xa lắm, chỉ Tết thì tôi mới được về ông bà nội đẻ để chơi thôi. Trong trí óc non nớt của tôi, cũng hình thành một điều rất lạ, ai nuôi bố tối, ai dạy dỗ bố mẹ tôi, đó là người gần với tôi nhất, đó là bà nội nuôi của tôi, sau này tôi chỉ gọi là bà nội, mặc dù bà nội đẻ cũng là bà nội.
Bà nội và ông nội cũng rất khổ, vì nhà nghèo, cũng vất vả và gian truân lắm. Ông nội ngoài việc đồng ruộng, còn kiêm thêm cả nghề đánh chim ngói, đây chính là quãng tuổi thơ đẹp nhất của tôi, vì tôi có ông, tôi có ông ngắn ngủi lắm, chỉ khoảng 5 năm thôi, ông mất khi tôi mới 5 tuổi.
Bà nội có tướng khổ và tất bật, tôi cũng chưa bao giờ thấy bà được sướng như người ta vẫn nói, có chăng chỉ là những giây phút ngắn ngủi khi mà trong nhà có những sự kiện vui diễn ra, còn lại là những ưu tư và phiền muộn.
Bà nội khỏe lắm, không biết ai cho bà sức khỏe, nhưng tôi không bao giờ thấy bà ốm cả, bà luôn dậy rất sớm và làm việc đến rất muộn mới đi nghỉ. Mẹ tôi là nàng dâu trẻ, nhưng cũng chỉ làm được đến như bà thôi, tôi yêu bà hơn yêu mẹ, đơn giản vì thấy bà khổ hơn mẹ tôi, trẻ con đôi khi là thế.
Bà nội cũng hay cười lắm, bà ăn trầu, răng đen nhánh, mặc áo nâu quanh năm và chiếc áo len màu xanh cánh chả mỗi khi đông về. Khi tôi thấy bà diện nhất thì đó chỉ là khi bà đi chùa hay có cưới các cô/chú.
Bà nội càng khổ hơn khi ông nội tôi mắc bệnh ung thư, hai chú đi bộ đội, ở nhà chỉ còn hai cô và mẹ tôi, cùng tôi và chị tôi, bố tôi đi làm xa ít khi về lắm. Nhà hầu như toàn là phụ nữ. Bà làm hết cả mọi việc của ông, của bố và của các chú. Cho đến khi chú thứ hai giải ngũ và lấy vợ, thì đại gia đình đã đông hơn, cũng phiền phức hơn, nhưng cũng vui hơn. Bà cười nhiều hơn, nhưng cũng ưu tư nhiều hơn.
Khi tôi chuyển ra Hà nội ở và theo học ở đó cùng với bố, mẹ và chị, tôi vẫn không quên ánh mắt của bà ngày đó. Bà buồn. Trong những năm đầu khi tôi xa bà, bà vẫn giữ thói quen là có gì ngon, từ cái kẹo,… bà đều vẫn để dành cho tôi, khi tôi về, bà lại mang ra cho tôi, đôi khi là những cái kẹo đã chảy nước vì để quá lâu.
Mỗi năm được về nhà vào dịp tết, tôi vui lắm vì lại được gặp bà, gặp người thân trong gia đình.
Tôi nhớ mãi hình ảnh bà ngồi tráng bánh đa, không thể quên được, với tôi, đó là hình mẫu của người lao động đẹp nhất mà tôi được biết, cần mẫn lắm, thành thục lắm,…. đời thường lắm. Tôi còn nhớ, trong chương trình học cấp 1, có một lần có đề tài miêu tả và kể về một kỷ niệm mà em nhớ nhất với người thân, với người mà em yêu quý. Tôi đã kể về bà của tôi, về một tai nạn nhỏ khi bà lao động – xay bột làm bánh. Bài văn đó được điểm thấp vì tôi kể rất lủng củng và hình như không có gì hay ho cả vì nó là việc quá tầm thường, nhưng tôi nhớ mãi, sẽ còn nhớ