Câu chuyện về cái tai...
Ngày xưa, có một sứ thần nước nhỏ cống nạp cho một nước lớn ba tượng hình người bằng vàng ròng. Quốc vương nước lớn vui mừng tột độ, nhanh chóng nhận quà cống nạp của quốc gia nhỏ bé kia. Nhưng sứ thần cống nạp vật quý lại đưa ra một câu hỏi khiến quốc vương phải trăn trở suy nghĩ rất nhiều ngày mà không thể tìm ra câu trả lời thoả đáng. Câu hỏi đó là: "Trong ba tượng bằng vàng kia, tượng nào có giá trị nhất?"
Quốc vương nước lớn đã nghĩ ra mọi biện pháp như tiến hành cân đong cả 3 bức tượng nhưng trọng lượng của chúng hoàn toàn như nhau. Tiếp theo quốc vương còn mời những người thợ chạm khắc giỏi nhất của kinh thành vào để đánh giá độ tinh xảo của các bức tượng nhưng cũng không thể tìm ra câu trả lời. "Nên làm thế nào bây giờ?" - nhà vua nghĩ. "Ta không thể thoả lòng nhận cống vật mà không có câu trả lời chính xác, vương quốc nhỏ bé đó sẽ chê cười vương quốc của ta" . Cuối cùng có một vị đại thần đã cáo quan về quê từ lâu xin tiếp kiến nhà vua và nói: "Tâu quốc vương, hạ thần đã có câu trả lời".
Vị đại thần già này lấy ba cọng cỏ dài và mảnh. Ở cọng cỏ đầu tiên, ngài xuyên cọng cỏ vào tai phải, lập tức ngọn cỏ lại lộ ra từ tai trái của bức tượng. Hành động này được lặp lại ở hai bức tượng còn lại. Điều khác biệt là sau khi xuyên ngọn cỏ từ phía tai phải, đầu ngọn cỏ lại xuất hiện ở miệng bức tượng thứ hai và không thấy xuất hiện ở bức tượng thứ ba. Ở bức tượng cuối cùng này, ngọn cỏ đã rơi vào bụng của bức tượng mà không gây ra bất kì tiếng động nào. Sau khi việc kiểm định đã xong, vị đại thần quay lại phía sứ giả và nói: "bức tượng thứ ba là bức tượng đáng giá nhất". Trước sự ngỡ ngàng của mọi người, vị sứ giả gật đầu mỉm cười và cúi lạy vị đại thần đáng kính đó.
Chắc hẳn ai cũng thắc mắc: "Tại sao lại như thế?" Thật đơn giản, câu trả lời của vị đại thần nằm ở kết quả của việc kiểm định kì lạ và đơn giản này. Khi giải thích cho nhà vua về hành động của mình, vị sứ giả đã nói rằng: "Tạo hoá chỉ cho chúng ta hai cái tai để nghe và một cái miệng để nói. Sở dĩ như vậy là để chúng ta nghe nhiều hơn nói. Một người có giá trị thực sự không thể "vừa kịp nghe đã nói" như bức tượng thứ hai, cũng không phải là "từ tai nọ qua tai kia" như bức tượng thứ nhất. Một người có giá trị là một người biết lắng nghe và suy ngẫm, không cần nói nhiều, không cần khuếch trương. Đó chính là yếu tố cơ bản nhất để tạo nên một người tài".
Con người có hai tay, hai chân, hai mắt, hai tai mà chỉ có một cái miệng và một mũi để "hai tay bạn lao động cật lực; hai chân để bạn đi xa học rộng; hai mắt để bạn nhìn thấu, quan sát, học hỏi và tìm tòi. Còn hai tai, một mũi và một miệng để bạn không xỏ mũi vào chuyện của người khác, nóí ít đi và lắng nghe thật nhiều".
Có miệng không có nghĩa là biết nói, có mắt không có nghĩa là biết nhìn, có tay không có nghĩa là biết làm việc, có chân không có nghĩa là biết đi. Vậy có tai đâu có nghĩa là biết lắng nghe?
Hãy so sánh...
Tiếng việt: "nghe" là hoạt động cảm nhận của âm thanh và thính giác
"lắng nghe": nghe bằng cả tâm hồn và thính giác
Tiếng anh: "hear": như từ "nghe" trong tiếng Việt, là một phản ứng vật lí ghi nhận âm thanh, tiếng ồn
"listen": Tập trung chú ý để nhận rõ âm thanh, lời nói, là một thái độ và hành động tích cực để tiếp thu ý nghĩa
tiếng pháp: "entendre" có ý nghĩa như từ "hear" trong tiếng anh và từ "nghe" trong tiếng việt
"écouter": như từ "listen" và "lắng nghe"
Như thế, "nghe", "hear" hay "entendre" chỉ đơn giản là một quá trình sóng âm đập vào màng nhĩ và chuyển tín hiệu lên não, còn "lắng nghe". "listen" hay "écouter" mới thực sự là tổng hoà của các yếu tố "trái tim", "trí óc", "đôi mắt" để hiểu người đối thoại đang muốn gì. Ta không chỉ nghe bằng tai mà còn lắng nghe bằng cả trí óc trung thực, trái tim chân thành, ánh mắt tinh tế để "nghe" và "thấu" được những điều thinh lặng không nói thành lời. Nó không chỉ là quá trình tập trung để giải mã sóng âm thanh thành ngữ nghĩa mà còn là sự "lắng" để chia sẻ, cảm thông từ chiều sâu tâm tư tình cảm.
Hãy "lắng nghe" chứ đừng chỉ "nghe"
Nghe không chỉ là một sự im lặng thụ động mà là một thái độ tích cực có khả năng gợi mở, khuyến khích để người đối diện có thể thoải mái nói ra tâm sự của mình. Ai cũng mong muốn người khác hiểu mình, vì thế "talkative" hay "bavarder" (hay nói, lắm điều) được sử dụng thường xuyên như một công cụ vạn năng để giãi bày, thổ lộ tâm tình cá nhân. Tuy nhiên, nguyên tắc "từ bụng ta suy ra bụng người" lại hiếm được áp dụng, thế nên chuyện "lệch pha", "mất cân bằng giao tiếp", "thích nói hơn nghe" là chuyện binh thường. Dễ nhận ra, ở nhiều cuộc chuyện trò, có người chỉ "độc thoại" từ đầu đến cuối, có người thì "ngậm hột thị" cả ngày.
Để giao tiếp hàng ngày, ta không chỉ cần "biết ăn nói" hay "lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" mà còn phải "biết nghe sao cho người ta nói" vì đó là sự tương tác hai chiều nhằm tạo ra sự thông cảm và hiểu biết lẫn nhau. Lắng nghe tốt khó hơn nói hay rất nhiều, bởi nó đòi hỏi sự cố gắng của một trong hai người phải biết nén mình lại, quên cái tôi của chính mình để đặt bản thân vào vị trí của người khác, để lắng nghe, thấu hiểu và để cho họ có thể thoải mái chia sẻ. Từ "sharing" vì thế là một trong các từ được teenager trên toàn thế giới ưa thích và sử dụng nhiều nhất trong ngôn ngữ hàng ngày. Cần lắng nghe với một thái độ trung thực, tôn trọng và biết cách chấp nhận, cũng như không phê phán họ... Hãy đặt mình vào vị trí của người nói để hiểu câu chuyện như chính họ hiểu thì sự chia sẻ sẽ sâu sắc và có ý nghĩa hơn rất nhiều.
Lắng nghe là một kĩ năng và nếu bạn không rèn luyện kĩ năng này, bạn khó có thể là một "close - up friend" của bất cứ ai. Cũng đừng nên lắng nghe bằng sự chú ý giả tạo. Vẻ mặt hào hứng và tiếng đế: "Tuyệt! Hay quá! Ôi..." hay tiếng đệm: "Dạ! Vâng!..." hoặc câu hỏi: "Vậy ah? Thế sao? Thật không? Gì nữa?..." nếu không được sử dụng đúng cách, đúng lúc đúng chỗ với tần suất cho phép, trong nhiều trường hợp sẽ "gây tác dụng phụ" hoặc "phản tác dụng" cho cả người nói và người nghe. Người nghe thì mệt mỏi vì phải theo đuổi một câu chuyện mà mình chẳng hiểu gì, còn người nghe thì tổn thương rất nhiều vì cảm giác không được tôn trọng, không được chia sẻ, và không nhận được sự giúp đỡ chân thành.
source: phamminhtam